Chủ nghĩa Marx – Lenin bách chiến bách thắng

Chủ nghĩa Marx – Lenin bách chiến bách thắng

Ở phần này, tác giả John Gillespie giải thích sự thống trị bất biến của các nguyên tắc triết học Marx trở thành rào cản cho mọi nỗ lực địa phương hóa những quy tắc pháp luật chủ nghĩa xã hội áp dụng tại Việt Nam. Điều này đồng thời cũng biến pháp luật chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa Marx – Lenin định hình thành một khối lý thuyết đóng mà bất kỳ sự bất tuân hay phản biện sẽ được xem là thách thức chính trị cho nhà cầm quyền.

Kỳ 1

Kỳ 2

Dịch giả: Étranger Nguyen

Dịch từ chương Changing Concepts of Socialist Law in Vietnamcủa tác giả John Gillespie

Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)

Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.

Những lý giải cho sự tương tự giữa tư tưởng pháp luật của Liên Xô và Việt Nam được tìm thấy trong các nỗ lực vay mượn pháp luật của Việt Nam vào những năm 1960 và 1970. Bỏ qua những cảnh báo của chính mình về việc vay mượn mà không quan tâm đến thực tiễn, các lãnh đạo của Đảng đã quyết định nhập khẩu pháp luật xã hội chủ nghĩa với rất ít những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Trường Chinh từng lên án “ăn sống nuốt tươi văn hoá của người, học người như vẹt hoặc lắp văn hoá của người vào hoàn cảnh nước mình như máy, không đếm xỉa đến đặc điểm và điều kiện đặc biệt của nước mình và dân tộc mình”[1]. Hồ Chí Minh cũng đã viết vào năm 1924 rằng “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[2]. Sau đó, ông [Hồ Chí Minh] viết trực tiếp hơn “ta không thể giống Liên Xô vì Liên Xô có phong tục tập quán, có lịch sử, địa lý khác… ta có thể đi con đường khác để tiến lên CNXH”[3] (Hồ Chí Minh 1995: 338).

a204a

Một cuộc diễu hành chào mừng quân đội Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975.

Tuy vậy, những lo ngại này hiếm khi xuất hiện trong các văn kiện chính thức của Việt Nam liên quan tới vấn đề vay mượn pháp luật từ Liên Xô.  Có thể quy một phần trách nhiệm của việc vay mượn miễn cưỡng pháp luật Liên Xô này cho thái độ thù địch của chủ nghĩa Marx – Lenin đối với luồng quan điểm cho rằng văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các đặc trưng của hệ thống pháp luật.  Khi cả pháp luật và văn hóa đều thuộc kiến trúc thượng tầng, mối quan hệ giữa chúng không được coi trọng trong chủ nghĩa Marx – Lenin. Các chú giải chi tiết cho chủ nghĩa duy vật lịch sử về sự phát triển của luật pháp dành nhiều sự chú ý cho mối quan hệ giữa nền kinh tế sản xuất và pháp luật của châu Âu, trong khi có lại nói rất ít về nền sản xuất châu Á (các nền kinh tế dựa trên lúa gạo của Đông Á) (Avineri 1969). Các lý thuyết gia của Việt Nam đã phải đối mặt với việc lựa chọn giữa một bên là áp dụng máy móc các nguyên lý của chủ nghĩa Marx – Lenin, vốn được xây dựng trên nền tảng xã hội châu Âu, hoặc phải tái thiết kế toàn diện chủ nghĩa Marx để nó phù hợp với các hoàn cảnh của nền sản xuất châu Á. Giống như Trung Quốc, họ thực hiện chiến dịch cải cách ruộng đất theo phong cách của Mao[4], nhưng lại áp dụng các hình mẫu pháp luật Xô viết trong các quan hệ xã hội khác.

Bản thân Marx, thật ra, đồng thời cũng tuân thủ một truyền thống lâu đời trong học thuật phương Tây, mô tả các xã hội châu Á đồng nhất như nhau như là các xã hội “man rợ” hay “bán khai”, những hình dung này tới lượt chúng đã tạo nên các ác cảm của chủ nghĩa xã hội đối với các nền văn hóa tân Khổng giáo và “phong kiến” (Marx 1969 [1877]: 6). Dù trước đó cho rằng sự vay mượn luôn cần phải được sửa đổi, chính Trường Chinh tỏ ra đồng tình với những suy nghĩ này khi ông ta lên án “phương thức sản xuất châu Á” trong một nền kinh tế và điều kiện xã hội lạc hậu ở Việt Nam. Ông ta miệt thị các lời dạy văn hóa truyền thống là “không có tính khoa học”, chỉ cổ vũ toàn những điều “mê tín, dị đoan, chống tư tưởng duy tâm, thần bí, chống tất cả những lề thói lôi thôi, luộm thuộm, không hợp lý hoặc phản tiến bộ” [5] (Trường Chinh 1948: 25 – 52). Các nhà lãnh đạo Việt Nam cố gắng tìm kiếm “một nền văn hóa dân chủ mới” dựa trên “một nền tảng lập pháp xã hội chủ nghĩa hợp lý và cách mạng”. Họ cho rằng Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa tiến bộ nhất và “nền văn hóa vô sản” của Liên Xô sẽ liên kết giai cấp vô sản toàn thế giới. Những rào cản của văn hóa quốc gia mà nền tảng dựa trên những phong cách châu Á và phong kiến được tin tưởng là sẽ tan rã khi phải đối mặt với lực lượng thống nhất này.

Sự thay đổi các tư tưởng vay mượn [từ Liên Xô] nhằm phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của địa phương sau đó còn tiếp tục bị hạn chế bởi các luật gia Liên Xô mang nặng đầu óc sô – vanh [6], những người đã cổ vũ cho việc thành lập các quốc gia “vệ tinh” với mục đích “xây dựng chủ nghĩa xã hội” thông qua việc bắt chước và sao chép, thay vì các thử nghiệm [thực tiễn]. Trong một nghiên cứu hết sức chi tiết về những hướng dẫn của Liên Xô lên sự phát triển của pháp luật Việt Nam, Ginsburgs (1973) đã phê phán các chính sách chính trị nhằm mục đích địa phương hóa hệ thống pháp vay mượn một cách miễn cưỡng. Ông viết:

Các nghiên cứu học thuật về các thuộc tính ưu việt của những dự án xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khối quốc gia xã hội chủ nghĩa trở nên an toàn và hợp thời – đương nhiên, cho tới khi nào mà [các nghiên cứu này] chỉ chú trọng tới các đặc điểm giống nhau, và sự khác biệt [giữa các nước XHCN] vẫn được coi như là các điều chỉnh mang tính chiến thuật cần thiết để đối phó với các “điều kiện khách quan” hoặc [các sự khác biệt này] được coi là các thành tố của một cuộc tìm kiếm trên diện rộng các giải pháp tốt hơn cho các vấn đề hiện tại của chủ nghĩa xã hội (1973:661).

Các viên chức Việt Nam làm việc trong lĩnh vực luật pháp vào những năm 1960 nhớ lại rằng cải cách tư pháp vốn có mục đích cấy ghép “văn hóa vô sản” [vào xã hội Việt Nam], và các cố vấn của Liên Xô không khuyến khích các thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh địa phương vì họ coi chúng như là các biểu hiện của “chủ nghĩa dân tộc cực đoan [7][8]. Qua một loạt bài báo của các luật gia Xô viết về chủ đề sự phát triển của pháp luật Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra một sự miễn cưỡng khi họ phải xem xét các thay đổi mang tính để phù hợp với hoàn cảnh địa phương và khiến nảy sinh những khác biệt với pháp luật của Liên Xô (Letsoni 1963). Họ [các luật gia Liên Xô] hiếm khi thừa nhận, và càng hiếm khi hơn nữa đi sâu phân tích, những điều không phù hợp giữa hệ thống pháp luật Liên Xô với những thể chế của địa phương cũng như các điều kiện văn hóa khác biệt. Thay vào đó, trước sau như một họ tập trung vào các nguyên lý chính trị – pháp luật trừu tượng, như là pháp chế xã hội chủ nghĩa, hay các vấn đề tố tụng liên quan tới luật dân sự hay hình sự (Sarogoratisk 1961). Trong các dịp còn hiếm hoi hơn nữa, khi mà các nhà nghiên cứu Việt Nam có thể đánh giá việc “cấy ghép pháp luật”, họ chỉ tập trung thảo luận các khác biệt rất hẹp về thủ tục giữa các tòa án (Tạ Thu Khuê 1963). Một cuộc xem xét tỉ mỉ về các ấn phẩm liên quan tới pháp luật Việt Nam trong giai đoạn này đã không thể tìm thấy dù là chỉ một bài báo phân tích về các rào cản chính trị, kinh tế và văn hóa địa phương đối với việc du nhập pháp luật Liên Xô cũng như trong thực tiễn quản lý.

Cuối cùng, chủ nghĩa Marx – Lenin hứa hẹn một thiên đường [9] xã hội chủ nghĩa dựa trên một phương pháp khoa học không thể sai lầm. Các nhà lãnh đạo của Đảng cổ vũ cho niềm tin rằng “chủ nghĩa Mác tuyệt đối vì nó đúng. Nó đầy đủ và hài hòa” (Trường Chinh 1968:547). Dựa trên một nền tảng triết học thống trị tất cả như vậy, các học thuyết [xã hội chủ nghĩa] còn lại chỉ có thể phân tích các quan điểm khác từ góc nhìn của chủ nghĩa Marx. Bằng việc chấp nhận “tinh thần khoa học” Marxist – một kim chỉ nam toàn diện mọi hướng dẫn căn bản cho cuộc đời – các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tạo ra một môi trường trí thức mang tính định hướng theo học thuyết. Bởi vì Đảng và Nhà nước đã xác định các mối quan hệ giai cấp sẽ tạo ra hệ quả pháp lý, các thuật ngữ pháp lý bị định nghĩa giới hạn trong các chủ đề được Nhà nước cho phép.

Các phân tích mang tính phản biện về tư tưởng pháp lý nhưng dám thách thức chủ nghĩa Marx – Lenin bách chiến bách thắng luôn được xem là không thể chấp nhận về mặt chính trị.

Các thảo luận ở trên cho một gợi ý về các nhân tố kết hợp đã giới hạn các quan điểm từ phía Việt Nam trong việc tái định hình hệ tư tưởng pháp luật Liên Xô bao gồm:

– Mối liên hệ mang tính tất định giữa cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng không khuyến khích việc nghiên cứu sâu hơn những liên hệ giữa các yếu tố pháp luật và văn hóa.

– Chủ nghĩa Mác không coi trọng thực tiễn kinh tế và văn hóa Á Đông.

– Chủ nghĩa xã hội cổ vũ cho một nền văn hóa của giai cấp vô sản toàn thế giới, nên không chú trọng tới sự khác biệt địa phương.

– Là một học thuyết toàn trị [10], chủ nghĩa Marx – Lenin tạo ra một hệ thống nhận thức khép kín chỉ cho phép những phân tích từ các khía cạnh của chính nó.

– Việt Nam không muốn làm phật ý các nhà tài trợ Liên Xô.

– Các nhà lập pháp Việt Nam điều hòa mối quan hệ giữa pháp luật và xã hội thông qua các kinh nghiệm thực tiễn (vừa làm vừa học [11]) hơn là hoàn tiện phương tiện lý thuyết trước khi làm.

Còn tiếp

Chú thích của người dịch:

[1] Nguyên bản bằng tiếng Anh. Người dịch sử dụng văn bản gốc (Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam, Trường Chinh, 1948) được đăng tải tại http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT2861157752

[2] Nguyên bản bằng tiếng Anh. Người dịch sử dụng tư liệu tiếng Việt (Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, Hồ Chí Minh, 1924) đăng tải tại http://123.30.190.43/tiengviet/tulieuvankien/4lanhtu/details.asp?topic=3&subtopic=91&leader_topic=9&id=BT107037435

[3] Nguyên bản bằng tiếng Anh. Người dịch sử dụng tư liệu tiếng Việt (Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam, Lê Văn Tích, 2003) đăng tải tại http://123.30.190.43/tiengviet/tulieuvankien/4lanhtu/details.asp?topic=3&subtopic=91&leader_topic=11&id=BT1840350137

[4] Maoist

[5] Người dịch sử dụng tài liệu đã dẫn ở trên.

[6] Nguyên bản “ethnocentric”, có nghĩa là đầu óc luôn coi dân tộc mình là nhất. Từ “sô – vanh” thường dùng ở Việt Nam hơn (tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Chủ_nghĩa__vanh)

[7] Nguyên bản: “dangerous nationalism”.

[8] Từ cuộc phỏng vấn với Lê Kim Quế, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, tại Hà Nội ngày 1 tháng 10 năm 1999, và phỏng vấn Nguyễn Thúc Bảo, nguyên cố vấn pháp lý của Bộ Nông nghiệp, tại Hà Nội ngày 11 tháng 9 năm 2000 (chú thích của tác giả).

[9] Nguyên bản: “utopia”, thường được dùng ở Việt Nam với nghĩa không tưởng, xuất phát từ tác phẩm Utopia của triết gia Thomas Moore năm 1516 (tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Utopia_(book)).

[10] Nguyên bản “holistic ideology”, dùng để đối lập với chủ nghĩa cá nhân. Tham khảo The Oxford Handbook of Political Ideologies, Oxford Publisher, 2013, trang 57. Một phần của cuốn sách có thể truy cập miễn phí thông qua Google Books tại http://bit.ly/1KL2xI1

[11] learning by doing

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.