‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh
Những con người bị cuộc chiến cuốn trôi.
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Việt Nam, do tính chất phức tạp của các giai đoạn cộng hòa trong lịch sử cũng như các yếu tố khác, có nhiều văn bản pháp luật bị lãng quên, nhưng về mặt lý thuyết, vẫn có thể xem là còn hiệu lực từ thời điểm thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho đến tận ngày nay. Thú vị hơn, hầu hết những văn bản được ban hành từ thập niên 1940 này hoàn toàn có thể định vị lại quan điểm pháp lý của hệ thống pháp luật Việt Nam, là nền tảng giải quyết các mối quan hệ xã hội mà từ trước đến nay vẫn được xem là nhạy cảm hay chưa cần thiết phải điều chỉnh.
Thời điểm kết thúc của một văn bản luật, đạo luật thông thường chỉ là vấn đề hình thức; vốn không có bất kỳ ảnh hưởng gì đến bản chất và định hướng pháp lý của một quốc gia. Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận biết sự tồn tại của một vấn đề pháp lý, quan điểm của nhà nước đó đối với một mối quan hệ xã hội nhất định, song song với việc củng cố hoặc thay thế khi cần thiết. Cơ sở nói trên cũng giúp củng cố mục tiêu pháp điển hóa hệ thống pháp luật, một vấn đề kỹ thuật về mặt lập pháp mà mọi quốc gia đều mong muốn hoàn thiện.
Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan lẫn chủ quan có thể kể đến như trình độ lập pháp của giới cầm quyền còn yếu kém hay các vấn đề về tuyên truyền chính trị; nhiều nhà nước hoặc quên đi chính những văn bản quy phạm pháp luật mà họ ban hành, hoặc bằng một cách nào đó không có động thái nào tác động đến văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo một lớp vỏ pháp lý tươi đẹp dù thực định không hề được áp dụng.
Những cuộc cách mạng lập pháp bị lãng quên…
Trước hết, có lẽ cần phải nhắc đến Sắc lệnh 31 – Quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình được ký ban hành bởi chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 13 tháng 9 năm 1945. Nội dung của Sắc lệnh rất ngắn gọn, chỉ vọn vẹn chưa tới 150 từ nhưng lại mang ý nghĩa cực kỳ to lớn:
“Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà;
Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;
Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;
RA SẮC LỆNH:
Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.
Điều thứ 2: Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này.”
Tính tiến bộ của Sắc lệnh 31, trước tiên, về mặt thời điểm mà nó ra đời. Đây là thời điểm mà các nhà lịch sử, báo chí lề phải gọi là “ngàn cân treo sợi tóc” với sự có mặt của Quân đội Trung Hoa Dân Quốc ở phía Bắc và Quân đội của Anh Quốc ở phía Nam với mục tiêu pháp lý là giải giáp quân đội của Nhật Bản, nhưng còn đồng thời với nhiều mưu tính khác. Trong các tầng lớp nhân dân cũng như giới trí thức Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều quan điểm, niềm tin chính trị khác biệt. Các đảng phái chính trị độc lập hoạt động mạnh mẽ, và thậm chí với sự tồn tại song song của nhiều tổ chức được Chính phủ lâm thời xem là “tư thông với ngoại quốc”, làm “phương hại đến nền độc lập Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam” như Việt Nam Quốc xã, Đại Việt Quốc dân đảng.
Dù vậy, Chính phủ lâm thời của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn duy trì và tôn trọng quyền hội họp, quyền của biểu tình của người dân một cách tuyệt đối, xem những quyền này như là nguyên tắc cơ bản để duy trì nền dân chủ cộng hòa. Điều đáng nói, là dù trong một thời điểm rối ren, phức tạp như thế, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không hề viện dẫn bất kỳ lý do nào khác về an ninh quốc gia, trình độ dân trí hay việc duy trì vị thế cầm quyền của một đảng phái nào khác để loại trừ quyền chính trị cốt lõi của công dân Việt Nam.
Sắc lệnh 31 còn thể hiện sự tiến bộ trong phương thức xây dựng nội dung quy định về quyền hội họp, biểu tình mà đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị dân chủ cấp tiến và nên được Quốc hội Việt Nam kế thừa. Theo đó “tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà” nhưng do tình thế “cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình” nên “những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này”. Nội dung của Sắc lệnh cho thấy, việc khai trình trước hai mươi bốn giờ đối với các cuộc biểu tình là một trạng thái xem xét, kiểm soát đặt biệt chỉ được đặt ra trong tình thế nguy cấp của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Vì vậy, với tình trạng chính trị được cho là ổn định và vững vàng tại Việt Nam hiện tại, không có bất kỳ lý do gì có thể hạn chế hoặc đặt ra các tiêu chuẩn về thể thức tổ chức hội họp, biểu tình khắt khe hơn mức độ “thông báo” mà Chính phủ năm 1945 đặt ra. Cách quy định này cũng thể hiện đúng tinh thần ban đầu của Hiến pháp 1946 và nội dung vẫn được kế thừa trong các bản hiến pháp tiếp theo, dù bằng cách nào đó chưa có quy định pháp luật nào kế thừa Sắc lệnh 31.
Tương tự như Sắc lệnh 31, Sắc lệnh số 52, ký ngày 22 tháng 4 năm 1946, quy định thể thức xin lập hội (hoặc đoàn thể) của công dân Việt Nam lại là một ví dụ cụ thể cho tính tiến bộ của các văn bản pháp luật thời kỳ này dù ra đời trong thời điểm khó khăn nhất của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Theo đó, bất kỳ công dân nào trên 21 tuổi không có “can án thường phạm trọng tội hay khinh tội” đều có quyền sáng lập hội, đoàn thể riêng (Điều 3) với hai điều kiện về hình thức và nội dung. Một điều kiện hình thức khác là công dân muốn thành lập hội phải nộp tờ trình và điều lệ hoạt động cho Ủy ban hành chính của từng kỳ hoặc Bộ nội vụ với quyền quyết định cao nhất thuộc Bộ. Hội, đoàn thể có thể hoạt động hợp pháp ngay khi Bộ trưởng Bộ nội vụ ký nghị định cho phép hoặc sau 4 ngày kể từ ngày chuyển phát đầy đủ hồ sơ nhưng Bộ không đưa ra ý kiến hoặc lý do ngăn cấm. Cách tiếp cận này giúp bảo đảm rất lớn quyền và lợi ích của công dân muốn xây dựng và thành lập hội bởi không có những lỗ hổng trong trình tự thủ tục pháp lý giúp cơ quan nhà nước hạn chế hoặc gây khó khăn cho tiến trình thành lập hợp pháp của những hội độc lập.
Một điều kiện nữa về nội dung, là mục đích và hoạt động của hội không nhằm làm “đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung, hoặc đến sự an toàn của quốc gia” (Điều 2). Hiển nhiên đây là điều luật phòng ngừa rất phổ biến đối với hầu hết pháp luật của các quốc gia, nhưng các thông tin này cũng cần phải căn cứ vào điều lệ hoạt động đăng ký của hội, đoàn thể đó. Cộng với quy trình thủ tục hành chính rõ ràng minh bạch; quyền lập hội, đoàn thể rõ ràng rất được bảo đảm trong pháp luật của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
…vẫn còn hiệu lực?
Hiển nhiên chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy được trình độ lập pháp và mức độ nhận thức bảo vệ quyền lợi chính trị cơ bản của công dân đã được bảo vệ rất chắc chắn ngay tại thời điểm khó khăn nhất của nền cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng sẽ còn thú vị hơn khi biết được các văn bản pháp luật tiến bộ từ thời kỳ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn còn hiệu lực (về mặt lý thuyết) cho đến tận ngày nay.
Chắc chắn có rất nhiều quan điểm cho rằng những văn bản này (mà cụ thể là Sắc lệnh 31 và Sắc lệnh 52 nói trên) không thể áp dụng hoặc không còn phù hợp, nhưng xét cả về tính hợp lý và hợp pháp, rõ ràng không có cơ sở nào để từ chối áp dụng các văn bản này.
Về tính hợp lý – nhằm phản biện quan điểm cho rằng các văn bản này không còn phù hợp, cần nhận thấy sự liên tiếp và kế thừa của các hệ thống pháp luật Việt Nam từ thời điểm nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Ví dụ cụ thể là Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945, ban hành quy chế hành nghề luật sư đầu tiên ra đời tại Việt Nam. Sắc lệnh này duy trì hiệu lực và được áp dụng cho đến khi Pháp lệnh tổ chức luật sư được ban hành thay thế vào năm 1987 và cho đến nay là Luật luật sư 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012. Điều nay cho thấy sự tiếp tục hiệu lực của các văn bản có từ thời điểm thành lập nền cộng hòa là hoàn toàn phù hợp với logic và trình tự phát triển của nhà nước Việt Nam, trừ khi có sự tác động về mặt pháp lý của cơ quan có thẩm quyền.
Việc chứng minh tính hợp pháp của hiệu lực của những Sắc lệnh đã đề cập càng dễ dàng và minh bạch hơn. Theo quy định của Điều 81, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 ghi nhận rõ:
“Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
3. Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Phân tích kỹ lưỡng cả ba trường hợp mà một văn bản quy phạm pháp luật được xem là hết hiệu lực như trên, rõ ràng cả hai sắc lệnh không hề quy định thời hạn có hiệu lực, không bị sửa đổi bổ sung hay kể cả hủy bỏ, bãi bỏ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc phải công nhận Sắc lệnh 31 và Sắc lệnh 52 vẫn còn đầy đủ hiệu lực và cần phải được áp dụng trên toàn quốc.
Nhưng từ giữa năm 2014 cho đến nay, khi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam vẫn loay hoay tranh đấu lẫn nhau chỉ để đưa dự thảo Luật biểu tình ra xem xét trước Quốc hội, có lẽ nhà cầm quyền đã giả vờ quên đi sự hiện diện của những văn bản quy phạm pháp luật tiến bộ đến như vậy.
Tài liệu tham khảo