Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Mạnh Cường – Quốc Cường – Trung Dũng – Đình Hà – Hồng Minh – Lưu Minh – Quang Nam – Phương Thảo
Cái chết bất thường của Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, sau hai tháng bị tạm giam, làm dấy lên nhiều băn khoăn của dư luận về việc thi hành luật pháp Việt Nam. Những lo ngại này xoay quanh chế độ giam giữ, xử lý vi phạm ở trẻ vị thành niên, cũng như nỗi lo sợ về nguy cơ hành pháp lạm quyền, dẫn đến rủi ro quá lớn cho công dân Việt Nam khi bước chân vào trụ sở cơ quan điều tra. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc như vậy.
1. Hình thức xử lý của pháp luật Việt Nam đối với tội trộm cắp tài sản là gì?
Theo Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự (năm 1999, sửa đổi năm 2009), có 4 trường hợp:
– người trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
– người trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng;
– người trộm cắp tài sản đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt;
– người trộm cắp tài sản đã từng bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Với 4 trường hợp này, người phạm tội trộm cắp tài sản bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm – tức tội phạm ít nghiêm trọng (căn cứ Điều 8 Bộ luật Hình sự, quy định về khung hình phạt).
Chúng tôi cho rằng Đỗ Đăng Dư rơi vào trường hợp đầu tiên. (Theo xác nhận của bà Đỗ Thị Mai, mẹ của Dư, vào ngày 11/10 khi trao đổi với luật sư Trần Thu Nam, thì Dư ăn trộm 2 triệu đồng của hàng xóm, cơ quan công an đã lập biên bản và thông báo cho gia đình con số đó).
2. Trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Dư có thể bị tạm giam, tạm giữ không?
Đỗ Đăng Dư sinh năm 1998, năm nay 17 tuổi.
Theo Khoản 2, Điều 303 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam (nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng Hình sự), nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Do hành vi của Dư là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, rõ ràng không đủ căn cứ để thực hiện các biện pháp ngăn chặn nói trên.
3. Thủ tục bắt giữ, tạm giữ hình sự hoặc tạm giam được quy định ra sao?
Về mặt thủ tục bắt giữ thông thường, ngoài việc các lệnh phải được ban hành đúng thủ tục, trình tự và thẩm quyền theo quy định tại Điều 80 và 81 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra khi tiến hành thủ tục còn cần sự có mặt của chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng; phải giải thích quyền, nghĩa vụ người bị bắt và phải lập biên bản việc bắt giữ.
Căn cứ Khoản 2, Điều 48 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người bị tạm giữ có quyền:
a) Được biết lý do mình bị tạm giữ;
b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;
c) Trình bày lời khai;
d) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;
e) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
f) Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thêm vào đó, theo Khoản 3, Điều 303, Bộ luật Tố tụng Hình sự, “cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam”. Trong trường hợp Đỗ Đăng Dư, có dấu hiệu gia đình Dư đã không được thông báo đầy đủ, rõ ràng về tình trạng của Dư trong suốt hai tháng.
Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý đặt ra nêu trên chỉ phù hợp nếu Dư thuộc trường hợp mà cơ quan điều tra được quyền thực hiện biện pháp tạm giữ, tạm giam.
4. Các sai phạm (nếu có) của cơ quan điều tra trong trường hợp này là gì?
Thứ nhất, nếu cơ quan điều tra giam giữ Đỗ Đăng Dư theo lệnh bắt giữ, lệnh tạm giam, thì người ký các lệnh này có dấu hiện phạm tội “ra quyết định trái pháp luật” (Điều 296, Bộ luật Hình sự).
Nếu cơ quan điều tra giam giữ em Dư không có lệnh bắt, lệnh tạm giữ, lệnh tạm giam hoặc có nhưng không đúng trình tự, thủ tục hay thẩm quyền, thì họ có dấu hiệu phạm tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, theo Khoản 2 của điều luật này, còn có một số tình tiết tăng nặng, như: Bên bắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn; có tổ chức.
Thứ hai, Dư bị đánh dẫn đến chết trong quá trình bị tạm giam (theo chẩn đoán của cơ quan y tế một ngày trước khi Dư chết, thì Dư bị phù não, sưng gáy, tím thái dương, chứng tỏ đã bị đánh). Như vậy, tồn tại khả năng cơ quan quản lý trại giam không làm tròn trách nhiệm, phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285 Bộ luật Hình sự).
Còn người hành hung, dẫn đến cái chết của Dư, có dấu hiệu phạm tội giết người hoặc cố ý gây thương tích. Nếu người đó lại chính là… cơ quan điều tra, thì khi ấy, trên nguyên tắc cũng vậy, điều tra viên thực hiện hành vi hoàn toàn có khả năng bị truy tố với tội danh giết người hoặc cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, thực tiễn pháp lý hình sự Việt Nam lại ưa thích dùng tội danh “dùng nhục hình”, “bức cung” (Điều 298-299 Bộ luật Hình sự) cho các đối tượng này.
(Độc giả có thể thấy sự phân biệt đối xử giữa cơ quan chức năng và người dân, theo hướng có lợi cho bên thi hành công vụ: Cùng gây hậu quả chết người, nhưng lực lượng thi hành công vụ lại hiếm khi bị xử lý vì các tội danh xâm phạm tính mạng hay sức khỏe).
5. Luật pháp Việt Nam quy định ra sao về quá trình khám nghiệm tử thi?
Theo Điều 151, Bộ luật Tố tụng Hình sự, “việc khám nghiệm tử thi do điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến”. Luật không quy định ai là người có đủ tư cách làm người chứng kiến.
6. Làm thế nào để quá trình khám nghiệm tử thi được khách quan?
Nguyên tắc chung của luật pháp là để đảm bảo tính khách quan trong bất cứ việc gì, cá nhân/ tổ chức thực hiện việc đó phải độc lập, không có quyền lợi liên quan.
Ở Việt Nam lâu nay, việc giám định, khám nghiệm v.v. thường do Viện Khoa học Hình sự (thuộc Bộ Công an), hoặc cơ quan pháp y quân đội, tiến hành. Chúng tôi cho rằng điều đó không đảm bảo khách quan, đặc biệt là trong các vụ việc mà chính cơ quan công an hay quân đội là đối tượng bị tình nghi phạm pháp.
7. Trong trường hợp chính cơ quan công an vi phạm thủ tục điều tra, tố tụng, thì cơ chế nào xử lý điều ấy?
Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ hay Anh quốc, khi cảnh sát bị tình nghi giết người, sẽ có các ủy ban tư pháp độc lập và/hoặc các tổ chức dân sự khác giám sát hoạt động của cảnh sát tiến hành điều tra để làm sáng tỏ sự thật.
Ngoài ra, và quan trọng nhất, hệ thống tư pháp phải độc lập khỏi hành pháp và lập pháp. Báo chí – quyền lực thứ tư – cũng độc lập, thậm chí còn có thể tiến hành các hoạt động điều tra riêng biệt. Điều này giúp hạn chế sự lạm quyền của một số cơ quan công quyền nhằm bảo vệ các cá nhân vi phạm.
Thêm vào đó, để đảm bảo một nền tư pháp lành mạnh và sự độc lập của các phân đoạn điều tra, cơ quan điều tra thông thường tách biệt về cơ cấu tổ chức với cơ quan thực hành quyền giam giữ nhằm tránh hiện tượng bức cung, nhục hình.
Rõ ràng tại Việt Nam, cho đến nay, chưa có những cơ chế như vậy.
8. Các sai phạm của cơ quan công an trong vụ Đỗ Đăng Dư có vi phạm luật quốc tế về nhân quyền không?
Có. Cơ quan công an có dấu hiệu vi phạm:
– Công ước Quyền Trẻ em (đối tượng là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi), mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới ký kết, phê chuẩn (năm 1990).
– Công ước về Các Quyền Dân sự và Chính trị (Việt Nam gia nhập năm 1982).
– Công ước Chống Tra tấn (Việt Nam phê chuẩn năm 2014).