Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bài nghiên cứu cố gắng theo dấu nguồn gốc lịch sử và sự phát triển của khái niệm “xã hội dân sự”, sau đó xem xét nhiều cách hiểu khác nhau về xã hội dân sự trong sự hồi sinh gần đây hơn của nó. Bài viết này sẽ kết thúc, không phải bằng cách phán xét xem cách diễn giải nào về xã hội dân sự là “đúng”, mà bằng cách giải thích xem tại sao sự hồi sinh này lại diễn ra, và bằng cách xác định xem điều gì là những quan điểm nền tảng (nếu có) mà các nhà lý thuyết và những người ủng hộ khái niệm này cùng chia sẻ, qua nhiều thời đại, bối cảnh, và các nền văn hóa khác nhau.
Dịch giả: Nguyễn Huy Hoàng
Dịch từ chương “Development of Civil Society” của tác giả Jose Harris
Trích từ “The Oxford Handbook of Political Institutions“ ed. S. Binder, R. Rhodes, and B. Rockman. Oxford: Oxford University Press.
Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
Các ý nghĩa khác biệt trong tiến trình lịch sử
Không khái niệm nào trong lý thuyết chính trị và khoa học chính trị có, và sẽ tiếp tục có, một đặc điểm mơ hồ và khó nắm bắt như khái niệm xã hội dân sự. Từ những ngày cuối cùng của nền cộng hòa La Mã cho đến nay, cả thuật ngữ “xã hội dân sự” lẫn những cấu trúc thực tiễn mà nó biểu đạt đã được các sử gia, các nhà lý thuyết, và các tác nhân đương đại hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, dù khác biệt về trọng tâm và chi tiết, có thể nhận ra một số cách hiểu trong số đó đều xuất phát từ cùng một truyền thống tri thức chung; trong khi, một số cách hiểu khác đối nghịch nhau một cách sâu sắc và tuyệt đối, tới mức đôi khi thuật ngữ này có vẻ như thể hiện các thể chế, giá trị, các phạm trù phân tích, và các tầm nhìn không chỉ rất khác nhau mà còn loại trừ lẫn nhau.
Do đó, một quan niệm truyền thống trung tâm của các tác phẩm về xã hội dân sự đã mô tả nó có phạm vi gần như tương đương với chính phủ, hệ thống thực thi pháp luật, và tập hợp các thể chế tạo nên “nhà nước” (Mô hình 1). Một quan niệm truyền thống rất khác xác định xã hội dân sự là các quyền tư hữu, chủ nghĩa tư bản thương mại, và các hệ thống hỗ trợ về pháp lý, thể chế, và văn hóa mà chúng kéo theo (Mô hình 2). Một dòng tư tưởng khác coi xã hội dân sự về bản chất là gồm các phong trào dân sự và giúp đỡ lẫn nhau mang tính tự nguyện, vô vị lợi, cùng tồn tại nhưng khá riêng biệt về đặc trưng và chức năng so với không gian của cả nhà nước lẫn thị trường (Mô hình 3). Và trong dòng quan điểm gần nhất, “xã hội dân sự” được xác định là sự thể hiện của các tiêu chuẩn phổ quát của dân chủ, tố tụng công bằng, pháp quyền, và sự tôn trọng các quyền con người (tốt hơn nên được áp đặt bằng sự thuyết phục và thẩm thấu văn hóa, nhưng cũng được hỗ trợ bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, các tòa án quốc tế, và đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực) (Mô hình 4).
Sự đa dạng và bất ổn đến cực đoan như vậy về ý nghĩa của thuật ngữ này có thể khiến “xã hội dân sự” khó là một cách tiếp cận khả thi hướng dẫn phương thức các thể chế chính trị thực sự hoạt động. Song điều này không đúng.
Từ những năm 1980, khái niệm cổ xưa nhưng từ lâu bị bỏ mặc này đã được nhiều nhà phân tích chính trị ở nhiều nơi trên thế giới khám phá và triển khai lại. Ở Đông Âu và Tây Âu, ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, và ở châu Phi và châu Á, việc thúc đẩy các nguyên tắc của “xã hội dân sự” đã được kêu gọi rộng rãi như một biện pháp khắc phục mang tính chiến lược cho các khiếm khuyết trong quản trị, văn hóa chính trị, và cấu trúc cộng đồng của nhiều nhà nước đương đại. Những chiến lược như vậy đã giành được sự ủng hộ một cách ngạc nhiên trên khắp phổ chính trị, trong cả môi trường trong nước lẫn quốc tế. Từ những người tân cộng sản chủ nghĩa tới những người theo chủ nghĩa tự do thị trường, từ những nhà hoạt động cấp tiến tới những người bảo thủ dân sự, và từ cả những người ủng hộ và chỉ trích “toàn cầu hóa”, có một sự tán đồng phổ biến về các mục tiêu và giá trị được cho là đi cùng với “xã hội dân sự”.
Tuy nhiên, sự đồng thuận rõ ràng này phần lớn đã làm lu mờ sự đa dạng và khả năng bất ổn rất rộng vẫn còn tiếp tục bao quanh ý nghĩa chính xác và ảnh hưởng rộng hơn của thuật ngữ này. Quả thật, một số nhà bình luận hiện đang khẳng định vai trò của “xã hội dân sự” dường như hiểu khá rõ thực tế là trong cả quá khứ và hiện tại, thuật ngữ này đã được áp dụng cho những thiết chế và chiến lược thường khá khác biệt so với những thiết chế và chiến lược mà bản thân họ ủng hộ.
Cội nguồn La Mã
“Xã hội dân sự” (civitas hay societas civilis) lần đầu xuất hiện trong ngữ vựng của nền chính trị châu Âu trong những năm suy tàn của La Mã cộng hòa, và sau đó trở thành một điểm tham chiếu chuẩn trong tác phẩm của các luật gia La Mã cổ điển.
Thuật ngữ Latin societas – tạm dịch “xã hội” (không chỉ ở La Mã, mà còn trong nhiều thế kỷ sau của lịch sử châu Âu hậu La Mã) không có ý nghĩa xã hội học vĩ mô toàn diện mà nó có được trong các thế kỷ 19 và 20. Một societas trong luật La Mã chỉ đơn thuần là bất cứ quan hệ đối tác dựa trên khế ước nào được thiết lập cho một mục đích cụ thể. Sự sắp đặt đó có thể có phạm vi và chức năng từ một mối quan hệ hôn nhân giữa chồng và vợ, tới một hiệp hội doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân quy mô lớn.
“Xã hội” lớn nhất và quyền lực nhất ở La Mã hay ở bất kỳ nền văn hóa chính trị nào khác được xem là thứ tồn tại để quản lý các vấn đề công và để ban hành và thực thi pháp luật; đó là civitas, societas civilis, hoặc “nhà nước” theo cách gọi của các thế hệ sau này. Hơn nữa, mặc dù quyền lực nhà nước ở La Mã thường có tiếng là được vận hành như lãnh địa riêng của các triều đại cá nhân, một quan niệm khác biệt đã được gợi mở bằng chính tính từ civilis.
Societas civilis thể hiện một trường đời sống công trung lập có các thành viên về nguyên tắc được xác định không phải bằng bộ lạc hay gia tộc, mà bằng tư cách công dân hoặc tình trạng trước pháp luật (mặc dù trong thực tiễn La Mã thường nhật, các mối quan hệ và lợi ích gia tộc thường có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các mối quan hệ và lợi ích công dân).
Cicero và những người khác bảo vệ các chủ đề “cộng hòa” đã sử dụng thuật ngữ này theo ý nghĩa này. Cụ thể, đó là một hệ thống chính phủ tuân thủ các nguyên tắc và quy định có sẵn, áp dụng công bằng cho mọi công dân, không lệ thuộc vào những ý tưởng ngẫu nhiên của một Pompey hay Caesar nào đó. Đây là cách sử dụng tiêu chuẩn của thuật ngữ này trong suốt thời kỳ đế quốc La Mã. Tuy vậy, trong suốt nhiều thế kỷ, khái niệm về một societas civilis cũng bắt đầu bao hàm cả những người không có tư cách công dân La Mã, do sự mở rộng liên tục của quá trình giao thương đã đem một số lượng lớn người di cư trên khắp thế giới Địa Trung Hải vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự La Mã. Chính vì vậy, trong khi tư tưởng chính trị La Mã hình thành một cách vững chắc quan niệm lâu dài về xã hội dân sự như một nhà nước tuân thủ luật pháp (Mô hình 1), thì nền luật học và pháp luật dân sự La Mã cũng đã gieo hạt giống cho những gì mà trong nhiều thế kỷ sau của lịch sử châu Âu đã trở thành một quan niệm thay thế về xã hội dân sự như một không gian đặc trưng của sở hữu tư nhân, kinh doanh, và thương mại (Mô hình 2) (Ehrenberg 1999, 19–27; Justinian 1985).
Khái niệm của sự giải thoát khỏi giáo hội chuyên quyền
Cả hai tầm nhìn về xã hội dân sự phần lớn đã bị thay thế (cùng với bất kỳ tham chiếu rõ ràng còn sót lại nào về thuật ngữ này) bởi các khái niệm khá khác biệt về các vấn đề công và quyền lực chính trị thịnh hành ở châu Âu sau sự tan rã của chế độ La Mã.
Trên khắp Tây Âu, sự thống trị của phương thức tổ chức chuyên quyền và tự quản của hầu hết các xã đoàn giáo hội, quân sự, dân sự và nghề nghiệp riêng biệt (vốn đặc biệt mâu thuẫn với pháp luật dân sự La Mã) phát triển mạnh mẽ và thống trị đời sống công cộng và kinh tế; trong khi trong nhiều thế kỷ, vị trí và tính chất của quyền lực dân sự tuyệt đối luôn là đối tượng tranh chấp giữa các lãnh chúa, hoàng đế vương quyền phong kiến và giáo hội Công giáo. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà trong thế kỷ 14, khi một số nhà lý thuyết bắt đầu tìm kiếm một khái niệm mới về quyền lực chính trị có thể vượt qua hoặc bỏ qua những xung đột này, họ quay sang mô hình “xã hội dân sự” trước kia như một không gian trung lập của hiệp hội chính trị, dựa trên hợp đồng tự do và sự đồng thuận giữa các công dân mà không dựa trên bản sắc tôn giáo, sự ràng buộc của lòng trung thành phong kiến hoặc vũ lực đơn thuần.
Ở giai đoạn này chưa có đề xuất rằng tôn giáo có tổ chức nên rút khỏi không gian công cộng, mà chỉ đơn giản là cần có sự tách biệt về mặt chức năng giữa “xã hội tôn giáo” và “xã hội dân sự”, trong đó xã hội tôn giáo được hưởng sự bảo hộ về chính trị, pháp lý, và vật lý để đổi lại sự ủng hộ về đạo đức, văn hóa, và tâm linh cho xã hội dân sự (Black 1984; Ehrenberg 1999, 45–57; Figgis 1907, 31–54).
Các cuộc chiến tranh tôn giáo và các cuộc nội chiến định kỳ tàn phá châu Âu trong thế kỷ 16 và 17 có thể gợi ý rằng dù tầm nhìn của các nhà lý thuyết chính trị là gì thì khái niệm “xã hội dân sự” như một trường trung lập của không gian công cộng vượt lên các bản sắc nhỏ hơn hoặc đối lập chủ yếu vẫn là vô hiệu.
Trỗi dậy cùng Kỷ Phục Hưng
Thế kỷ 17 đã chứng kiến những bước phát triển lớn trong việc định nghĩa và kết tinh hóa “xã hội dân sự” như một ý tưởng trừu tượng về chính trị, pháp lý, và quy phạm (và cũng có thể sơ sài hơn, như một hướng dẫn thực hành chính trị). Sự thành lập các giáo hội nhà nước, đứng đầu là các nhà cai trị thế tuc, và các nguyên tắc của “sự khoan dung” (cho phép đa nguyên niềm tin tôn giáo) đã được một số người đương thời khắc họa như những nguyên tắc thúc đẩy và thể hiện quan trọng của “xã hội dân sự” (Figgis 1916, 94-115).
Sự hồi sinh dần dần của mối quan tâm về pháp luật dân sự La Mã, và sự thâm nhập của nó vào tư tưởng chính trị đương thời đã tăng cường đáng kể khái niệm về thẩm quyền dân sự như một không gian phi cá nhân được điều chỉnh bằng pháp luật, thay vì – hoặc ít nhất là bên cạnh – một hệ thống cấp bậc lòng trung thành giữa các cá nhân với đỉnh điểm là một bậc quân vương.
Ở Anh, tác phẩm của các khế ước gia – Richard Hooker, Thomas Hobbes, và John Locke – đã củng cố vững chắc khái niệm “xã hội dân sự” như quyền lực chính trị ổn định và thực thi pháp luật hiệu quả (Hooker 1977, 95–149; Hobbes 1952, 1983; Locke 1965). Với Thomas Hobbes, “xã hội dân sự” (tức là một chính phủ dân sự có khả năng thực thi pháp luật) đã duy trì sự tồn tại của chính “xã hội” (xã hội ở đây không phải là toàn bộ các thành phần được vạch ra trong dòng quan điểm ngày nay, mà là “tính xã hội” hay việc các công dân đến với nhau vì nhiều mục đích trong các nhóm nhỏ) (Hobbes 1952, 1983; Locke 1965, 367–8). John Locke, không như Hobbes, cho rằng “Nhân dân” (tức là một tập hợp gồm những người tương tác với nền chính trị bên ngoài) vẫn có thể tồn tại ngay cả khi “Xã hội Dân sự” (tức cơ thể chính trị) sụp đổ. Nhưng ngay cả Locke cũng cho rằng sự tồn tại xã hội tập thể như vậy chỉ có thể diễn ra trong thời gian ngắn, trừ khi một xã hội dân sự mới, tức là các thể chế lập pháp và quản trị và các cơ quan thực thi pháp luật, nhanh chóng được tái lập (Locke 1965, 476–7).
Trong tác phẩm của những tác gia này, các thuật ngữ “xã hội dân sự” và “xã hội chính trị” không tương phản mà được sử dụng thay thế lẫn nhau. Tác phẩm của các khế ước gia cũng nhấn mạnh rằng một “xã hội dân sự” hiệu quả không nhất thiết phải là một xã hội Cơ đốc: ví dụ, các chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc hoàn toàn có năng lực cấu thành các “xã hội dân sự”, miễn là họ duy trì hòa bình, hành động một cách công bằng, và tuân theo luật tự nhiên.
Ngược lại, chế độ của Louis XIV ở Pháp (được công nhận rộng rãi là quốc gia “văn minh” nhất ở châu Âu) được các tác gia người Anh phân loại là “không phải một xã hội dân sự”, do các công dân của nó có thể bị bắt giam một cách tùy tiện mà không qua xét xử và những sự nhượng bộ trước đây dành cho đa nguyên tôn giáo đã bị bãi bỏ sau việc thu hồi Chỉ dụ Nantes (Locke 1965, 454, 459, 476–7).
Mô hình “xã hội dân sự” này – không phải là tự cứu tự nguyện, hay hành động cộng đồng, hay một không gian công cộng “phi chính phủ”, mà là một nhóm thể chế có chức năng của một nhà nước ban hành, thực thi, và tuân thủ luật pháp – rất phổ biến trong tư tưởng chính trị Anh, và ở một mức độ thấp hơn trong tư tưởng chính trị châu Âu, tới tận giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Trái ngược với nhiều quan niệm gần đây, quan điểm này về xã hội dân sự đã được chia sẻ bởi nhiều lý thuyết gia nổi bật theo tư tưởng tự do truyền thống tại Anh như Locke, Adam Smith, Adam Ferguson, I. S. Mill, Lord Acton, và T. H. Green; và nó tương tự như ý nghĩa của khái niệm về một “société civile”, vốn bắt nguồn từ Rousseau và được phát triển trong Cách mạng Pháp và dưới chế độ của Napoleon (Harris 2003, 23–9). Trong dòng quan điểm phổ biến này có rất nhiều sự khác biệt về trọng tâm và chi tiết. Các tác gia người Anh chủ yếu coi xã hội dân sự như một khuôn khổ chính trị cho phép và khuyến khích sự đa dạng và tự chủ hiệp hội trên diện rộng, trong khi đó các nhà lý thuyết xã hội dân sự người Pháp nghiêng nhiều hơn theo hướng nhấn mạnh sự bình đẳng và thống nhất dưới sự bảo trợ bao trùm của chính quyền trung ương và Bộ luật Napoleon (Acton 1862, 2–25).
Tuy nhiên, cả truyền thống Anh và Pháp đều tiếp tục xác định xã hội dân sự là không gian của chính phủ và nhà nước; trong khi đời sống xã hội và hiệp hội tự nguyện gần như luôn được xem là kết quả có lợi của xã hội dân sự, mà không phải là biểu hiện đặc trưng của nó.
Còn tiếp