Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Hoài An (lược dịch)
Năm 1989, năm thiếu niên tại thành phố New York bị buộc tội tấn công và cưỡng bức một phụ nữ đi bộ ở công viên trung tâm Central Park. Phán quyết của tòa án chỉ dựa trên những cuộn băng ghi cảnh họ khai nhận tội. Tuy nhiên, dù khá chi tiết và thuyết phục, thì ra đây là những lời khai nhận bừa của năm thiếu niên. 13 năm sau, năm 2002, kẻ thủ ác thật sự – một kẻ hiếp dâm hàng loạt mới bị bắt giữ – thú tội, kiểm tra ADN cho thấy người này có ADN trùng khớp với mẫu ADN tìm thấy trên người nạn nhân năm đó. (Trước thập niên 80, các phương pháp thực chứng khoa học như kiểm tra ADN vẫn còn mới mẻ và chưa được áp dụng trong thủ tục điều tra án hình sự tại Hoa Kỳ. Vì vậy, quá trình chứng minh tội phạm chủ yếu tập trung vào các chứng cứ hiện vật, nhân chứng, yếu tố ngoại phạm, lời khai của bị hại và lời thú tội của nạn nhân – ND)
Đáng tiếc, câu chuyện trên không phải hiếm gặp. Trong số 316 vụ người vô tội được giải oan nhờ quy trình xem xét lại án có hiệu lực pháp luật, áp dụng công nghệ xét nghiệm ADN hiện đại sau này, có gần 30% trường hợp là nhận tội sai, vốn là sự thất bại ở cả hai giai đoạn của tiến trình tố tụng hình sự. Đầu tiên, người vô tội nhận tội do những cuộc thẩm tra áp lực từ phía cảnh sát buộc anh ta/chị ta phải nhận tội cho những tội ác mà mình không gây ra. Thứ hai, các thẩm phán và bồi thẩm viên chỉ xem xét những khai nhận của bị đơn, thay vì toàn bộ cuộc thẩm vấn, thẩm tra, và coi đó là chứng cứ tự nguyện và thuyết phục ngay cả khi nó hoàn toàn có thể bị giả mạo.
Hai vấn đề này, được đồng ý rộng rãi bởi giới tư pháp tại Hoa Kỳ, có thể được giải quyết bằng một cải cách đơn giản: Ghi hình toàn bộ tất cả các cuộc thẩm vấn, thẩm tra của cảnh sát đối vợi người bị tạm giam, tạm giữ.
Hiện nay, ở Mỹ đã có 19 bang yêu cầu phải ghi hình tiến trình thẩm tra những vụ án nhất định, và hàng trăm sở cảnh sát cấp tiểu bang trên toàn quốc đã tự nguyện áp dụng biện pháp này.
Yêu cầu ghi hình các cuộc thẩm tra cũng đã được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa ra như là một thủ tục tố tụng tiêu chuẩn dành cho các cơ quan tư pháp thuộc quyền liên bang (bao gồm Federal Bureau of Investigation – FBI, Drug Enforcement Administration – DEA, U.S. Marshals Service và Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives), trước đó là loại trừ đặc biệt cho các cơ quan điều tra liên bang. Dù vậy trong thực tế áp dụng, nhiều sở cảnh sát, trong đó có Sở Cảnh sát New York, vẫn trì hoãn triển khai. Thay vào đó, họ thường chỉ ghi hình khi đối tượng tình nghi khai nhận tội danh – như cách đây hơn 25 năm trong vụ án của 5 thiếu niên năm nào.
Ghi hình hỏi cung, thẩm vấn – Cơ hội cho người bị tình nghi, điều tra viên và cả quan tòa
Việc ghi hình các cuộc thẩm vấn, thẩm tra sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi thông qua việc hạn chế sử dụng các thủ thuật ép cung, mớm cung, thỏa thuận cung sẽ đẩy người tình nghi vào con đường phải nhận tội danh mà họ không thực hiện.
Kết quả của một thí nghiệm thực địa do Quỹ Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ tài trợ, được công bố trên tờ Law and Human Behavior năm 2014, đã chứng tỏ điều này.
Trong thí nghiệm, các sĩ quan cảnh sát giàu kinh nghiệm được bí mật ghi hình lại khi họ tiến hành thẩm vấn những đối tượng hoặc là có tội hoặc là vô tội trong một vụ án dàn dựng. Một số sĩ quan được cho biết cuộc hỏi cung sẽ được ghi hình, số khác thì không.
Kết quả cho thấy, những thẩm vấn viên biết buổi làm việc của mình sẽ được ghi hình ít dùng những kỹ thuật thẩm vấn gây áp lực nhất định hơn, như dọa dẫm đối tượng tình nghi và hứa hẹn khoan hồng nếu đối tượng tình nghi nhận tội.
Không chỉ bảo vệ người bị tình nghi, ghi hình tiến trình thẩm vấn, thẩm tra cũng có lợi cho phía cảnh sát điều tra. Dữ liệu khảo sát từ hàng trăm các cơ quan hành pháp ở Hoa Kỳ cho thấy, các sĩ quan cảnh sát ủng hộ biện pháp này và cho biết nó mang lại nhiều lợi ích. Theo lời giải thích của họ, ghi hình cho phép họ tập trung vào việc thẩm tra người tình nghi, hơn là vào việc ghi chép biên bản. Nó cũng cho phép họ có thể xem lại tiến trình này sau đó, và nhờ thế phát hiện ra những chi tiết quan trọng bị bỏ sót lúc đầu. Họ cũng có nhiều khả năng xác định chính xác đối tượng tình nghi có tội hay vô tội hơn khi cần kết hợp nhiều yếu tố chứng cứ để đánh giá khách quan hành vi phạm tội hơn là trông chờ vào lời nhận tội của bị cáo
Ghi hình trong tiến trình thẩm vấn, thẩm tra cũng giúp tăng cường độ chính xác cho quá trình khám phá các sự kiện khách quan trong phiên tòa xét xử.
Trong vụ án ở công viên Central Park, 5 thiếu niên đã bị thẩm vấn không có camera theo dõi từ 14-30 tiếng đồng hồ trước khi đồng ý chịu ghi hình nhận tội.
Những gì xảy ra trong suốt thời gian không ghi hình đã trở thành chủ đề gây tranh cãi: những người tình nghi cho biết họ đã bị tát, đe dọa, mớm các tình tiết của vụ án và thông báo họ chỉ bị thẩm vấn với tư cách nhân chứng, trong khi phía cảnh sát phủ nhận các cáo buộc này. Nếu bồi thẩm đoàn có thể theo dõi các cuộc thẩm vấn từ băng ghi hình, những tranh cãi kiểu này sẽ trở nên dư thừa. Việc tiếp cận đầy đủ đoạn băng ghi hình cho phép bồi thẩm đoàn hiểu rõ hơn tiến trình người tình nghi đi đến chỗ khai nhận, và trong vụ án này, nó có thể giúp tránh được trường hợp oan sai.
Ghi âm, ghi hình hỏi cung có thật sự tốn kém?
Cũng có những ý kiến phản đối biện pháp ghi hình thẩm vấn, thẩm tra. Những người phản đối chủ yếu lập luận dựa trên hai lý lẽ.
Thứ nhất, việc ghi hình sẽ gây khó khăn về mặt hậu cần và/hoặc tài chính cho phía cảnh sát. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong thời đại mà một chiếc điện thoại bình thường cũng có thể ghi âm, ghi hình, lý lẽ này không mấy xác đáng.
Lý lẽ thứ hai thường được đưa ra là nếu biết có máy ghi hình, đối tượng tình nghi sẽ có hành vi bất hợp tác, khiến cảnh sát khó thu được lời khai nhận từ kẻ thủ ác. Không có chứng cứ thực nghiệm nào củng cố tuyên bố này, và kết quả thực nghiệm từ khảo sát các thẩm vấn viên cho thấy việc ghi hình không cản trở gì họ, nếu thật sự họ có năng lực điều tra.
Bản án oan có giá rất đắt
Bản án oan là cái giá đắt đối với các bị cáo.
Chúng là cái giá đắt với những công dân đóng thuế.
Đồng thời, chúng là cái giá quá đắt đối với sự an toàn của người dân bởi, cho phép những kẻ thủ ác thực sự tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Trong vụ Central Park, thủ phạm thật sự tấn công đã cưỡng bức thêm hai phụ nữ khác (và giết hại một người) sau khi những thiếu niên kia bị bắt và vụ việc được cho là đã khép lại.
Trái ngược với những luận điệu chống đối được đưa ra, ghi hình tiến trình thẩm vấn, thẩm tra vừa không tốn kém, vừa mang lại nhiều lợi ích, trong đó có cả việc nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp. Từ chối khả năng tiếp cận nguồn thông tin này là hành động vô trách nhiệm và đi ngược lại công lý. Đã đến lúc cho thấy chúng ta đã rút ra bài học từ những sai lầm của mình.
Nguồn
Lights, Camera, Justice: The Value of Recording Police Interrogations