Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Ánh Hiền (dịch từ Huffington Post)
Đối với hàng triệu người dân Burma và những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi trên khắp thế giới, cuộc bầu cử hôm Chủ nhật dường như đã biến giấc mơ của họ thành sự thật. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đang hướng tới một chiến thắng vang dội, chấm dứt hơn năm mươi năm cai trị của chính quyền quân sự. Dân chủ cuối cùng đã đến. Burma đã có nó?
Chẳng phải là vào một ngày đẹp trời mà các tướng lĩnh Burma bỗng thức dậy và tin vào dân chủ. Họ muốn chấm dứt lệnh cấm vận và tình trạng bị bỏ rơi của mình, nhưng họ cũng không muốn từ bỏ quyền kiểm soát đất nước. Họ biết rằng không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. NLD đã quá được lòng dân chúng. Giải pháp là gì? Một bản hiến pháp mới toanh trong đó có sự xuất hiện của một nền dân chủ, nhưng vẫn mang lại cho họ quyền kiểm soát cơ bản.
Khi các nghị sĩ mới ngồi lại với nhau, thực tế mới bắt đầu bộc lộ. Những nghị sĩ mới được bầu sẽ ngồi chung mâm với 116 nghị sĩ thuộc Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, chiếm 25 phần trăm trong tổng số, được người đứng đầu quân đội bổ nhiệm. Các nghị sĩ này sẽ chọn một trong hai phó tổng thống, những người, cũng giống như họ, đều là lính.
“Burma giờ đây có một hệ thống lai chủng giữa chế độ quân sự và dân chủ. Đó là một nền dân chủ bị trói cổ.”
Các tướng lĩnh khinh thường và sợ hãi Aung San Suu Kyi. Họ đã đặt ra một điều khoản đặc biệt trong hiến pháp nói rằng tổng thống không thể có con là công dân nước ngoài, để ngăn cản bà trở thành tổng thống.
Người đứng đầu quân đội Burma cũng có quyền lựa chọn các bộ trưởng then chốt. Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề biên giới, tất cả đều sẽ do những người lính phụng sự. Điều này sẽ đặt các lực lượng vũ trang ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ mới. Chính phủ cũng sẽ không còn kiểm soát được lực lượng cảnh sát, hệ thống tư pháp, an ninh hay các vấn đề về dân tộc, để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 60 năm.
Xét quyền con người, đây là một thảm họa. Quân đội Burma đã và đang vi phạm nhân quyền một cách khủng khiếp đối với các sắc tộc thiểu số. Hiếp dâm được sử dụng như một vũ khí chiến tranh, người nông dân bị tra tấn và xử tử, và thôn làng bị đánh bom và đốt cháy. Các chuyên gia pháp lý cho rằng những vi phạm này hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu của tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Chính phủ NLD được cho là hầu như bất lực trong việc ngăn chặn điều này.
Vấn đề về tù nhân chính trị cản lối Burma trong nhiều thập kỷ, sẽ vẫn không thể được giải quyết. Trong suốt chiến dịch bầu cử, vẫn có người bị ném vào tù chỉ vì đăng tải trên Facebook những điều quân đội không thích. Thiếu sự kiểm soát đối với cảnh sát hoặc không thể tạo ra một bộ máy tư pháp độc lập thực sự (là một lĩnh vực yếu kém khác của NLD), mọi người vẫn có thể bị bỏ tù chỉ vì lòng tin hoặc hành động chính trị của họ.
“Xét về quyền con người, đây là một thảm họa.”
Thậm chí, chính phủ NLD không thể sử dụng ngân sách quân sự để duy trì vị thế của mình trong quân đội. Quân đội thiết lập ngân sách riêng cho mình. Chính phủ chỉ có thể thao tác với số tiền còn lại. Có thể sẽ không có gì bất ngờ nếu chi tiêu quân sự cao hơn so với tổng ngân sách y tế và giáo dục cộng lại.
Trong trường hợp chính phủ NLD vẫn cố thực thi những chính sách mà quân đội không bằng lòng, thì trên đầu nghị viện và chính phủ vẫn còn một thế lực nữa là Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia. Theo Hiến pháp, đây mới là cơ quan quyền lực nhất ở Burma, gồm mười một thành viên, sáu trong số đó thuộc phe quân đội. Do đó, tận bên trong thiết chế này đã hình thành nhóm đa số phiếu có thể bác bỏ các quyết định của chính phủ NLD.
Nếu tất cả những biện pháp kiểm soát chính phủ như trên là không đủ, quân đội vẫn còn các điều khoản khác vốn được thòng vào Hiến pháp nhằm trao cho họ quyền chiếm lại quyền lực với các lý do mơ hồ là “an ninh quốc gia” và “đoàn kết dân tộc”. Về cơ bản, họ có thể làm việc này bất cứ lúc nào họ muốn. Vì thế, trong mọi quyết định, NLD sẽ phải ngó trước nhìn sau và dự đoán xem nó có thể an toàn đi xa tới đâu.
Với tất cả những điều kể trên, không có gì đáng ngạc nhiên là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với bà Aung San Suu Kyi và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà là cải cách hiến pháp. Các tướng tá cũng nhận thấy đó là điều tốt. Có tới 25 phần trăm số ghế trong Quốc hội được dành riêng cho họ chỉ để ngồi chơi. Để thay đổi hiến pháp, cần hơn 75 phần trăm các nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Có nghĩa là quân đội có quyền phủ quyết cải cách hiến pháp. Không có gì thay đổi, trừ khi họ quyết định thay đổi nó.
Bất chấp tất cả những vấn đề này, có một chính phủ NLD, dù cho có què quặt, chắn chắn vẫn là tốt hơn so với trước đây. Nhưng nó không phải là dân chủ, và điều này không thể chấp nhận được. Không thể xem nó như là một bước trong quá trình chuyển đổi, bởi vì theo hiến pháp, chẳng có bước kế tiếp khả thi nào hướng tới một nền dân chủ thực sự.
“Quân đội đã chèn thêm các điều khoản vào Hiến pháp để trao cho họ quyền chiếm lại quyền lực với các lý do mơ hồ là ‘an ninh quốc gia’ và ‘đoàn kết dân tộc’.”
Burma giờ đây có một hệ thống lai chủng giữa chế độ quân sự và dân chủ. Đó là một nền dân chủ bị trói cổ. Có thể nó đủ tốt cho cộng đồng quốc tế, những người luôn luôn trịch thượng nói với người dân Burma rằng những điều này cần có thời gian, không có quá trình chuyển đổi nào trơn tru cả, nhưng nó không đủ tốt cho người dân Burma. Ở các nước phương Tây, việc quân đội không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, hay quân đội bổ nhiệm các bộ trưởng quan trọng, đều được xem là không thể chấp nhận. Không thể chấp nhận điều này ở Burma.
Một cuộc chuyển đổi dài và chậm có nghĩa là những vi phạm nhân quyền sẽ vẫn còn tiếp diễn thêm nhiều năm. Sẽ vẫn còn nhiều phụ nữ bị quân đội Burma hãm hiếp, vẫn còn nhiều tù nhân chính trị, nhiều thôn làng khác bị đốt cháy. Những nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền ấy không thể chờ đợi một quá trình chuyển đổi chậm. Họ cần dân chủ, và họ cần nó ngay bây giờ. Vì đối với họ, theo đúng nghĩa đen, đó là cả một vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết. Đây chưa phải là thời điểm để ăn mừng.
Dịch từ: Think Burma Is a Democracy Now? Think Again. (Huffington Post)