Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đoàn Nhã An
Từ cách đánh giá Tuyên bố chung Trung Quốc – ASEAN 2002 cho đến vai trò của Việt Nam trong vụ kiện, có rất nhiều điểm thú vị trong Quyết định về thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đối với tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông (Biển Luzon theo cách gọi của Philippines và biển Hoa Nam theo cách gọi của Trung Quốc).
Các bài viết liên quan
1) “Thẩm Quyền” của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế là gì?
Thẩm quyền (jurisdiction) của tòa án là điều kiện đầu tiên và căn bản nhất cần phải có trong mỗi vụ kiện. Giải thích một cách đơn giản và trực tiếp, tòa án chỉ có thể thụ lý hồ sơ và giải quyết những tranh chấp của các bên nếu tòa án đó có thẩm quyền. Thẩm quyền của tòa án được phân biệt làm 2 loại: Thẩm quyền về nhân thân (personal jurisdiction) và Thẩm quyền vụ việc (subject-matter jurisdiction). Trong mỗi hồ sơ vụ án, tòa án nơi nhận đơn phải có đủ cả hai thẩm quyền để có thể nghe thẩm và đưa ra phán quyết.
Thẩm quyền về nhân thân (personal jurisdiction) cho phép tòa án xét xử các đơn kiện khi các bên, đặc biệt là bị đơn, có sự ràng buộc về nhân thân dưới thẩm quyền mà tòa án đó có được. Ví dụ cho thẩm quyền về nhân thân là trong các vụ kiện tranh chấp tài sản, khi cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều là công dân hay thường trú nhân của một quốc gia, thì tòa án của quốc gia ấy có thẩm quyền thụ lý các hồ sơ tranh chấp và tiến hành thủ tục xét xử với cả hai.
Thẩm quyền vụ việc (subject-matter jurisdiction) cho phép tòa án xét xử những vụ việc mà tính pháp lý của nó nằm trong thẩm quyền của tòa án đó. Ví dụ cho thẩm quyền về tính pháp lý của sự việc chúng ta có thể xem xét đến, rằng cũng trong các vụ kiện về tranh chấp tài sản, khi những điều luật của quốc gia mà các tài sản hiện đang nằm trong lãnh thổ quốc gia đó, có nêu rõ về quyền lợi của các cá nhân hay pháp nhân, cũng như quyền sở hữu đối với các loại tài sản, thì tòa án của quốc gia ấy sẽ có thẩm quyền xử lý hồ sơ chiếu theo những điều luật hiện hành.
Khi một tòa án cho rằng họ không có thẩm quyền để xử lý một hồ sơ thì tòa bắt buộc phải đưa ra quyết định hủy bỏ vụ việc. Đó là lý do vì sao, trong cuộc chiến pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế (Permanent Court of Arbitration) đã phải có những buổi xử án vào các ngày 7, 8, và 13 tháng 7 năm 2015 tại Hague chỉ để nghe tranh biện hai bên về một vấn đề pháp lý duy nhất, đó là “thẩm quyền” của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong việc thụ lý vụ án này.
2) Bắt buộc phải có một phiên xét xử quyết định thẩm quyền bất kể quan điểm của Trung Quốc
Sở dĩ Tòa Trọng Tài Thường Trực đã đưa ra phán quyết trước tiên về “thẩm quyền” là vì tòa án này đã xem xét đến nội dung của văn bản mà chính phủ Trung Quốc đã công bố vào ngày 7 tháng 12 năm 2014. Văn bản có tiêu đề: Văn bản nêu rõ quan điểm của Nhà Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền (của Toà Án) trong sự việc Trọng tài Phân xử về vùng biển Nam Trung Hoa đã được đề đơn bởi Cộng Hòa Phi Luật Tân (Position Paper of the Government of the People’s Republic of China on the Matter of Jurisdiction in the South China Sea Arbitration Initiated by the Republic of Philippines) từ Bộ Ngoại Giao Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc luôn nói rõ là việc họ đưa ra văn bản ngày 7 tháng 12 năm 2014 về vấn đề tranh chấp ở biển Đông không đồng nghĩa với việc Trung Quốc cho phép Tòa Trọng Tài dùng điều đó làm cơ sở pháp lý để có thể xem như Trung Quốc đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ tranh chấp này. Điều này nhất quán với luồng quan điểm từ trước đến nay của chính phủ Trung Quốc đối với việc Philippines đơn phương nộp hồ sơ đòi hỏi Tòa Trọng Tài Thường Trực thụ lý và đưa ra phán quyết về một số tranh chấp trong vùng biển South China Sea (Nam Trung Hoa). Đó là, Trung Quốc luôn nêu rõ chính phủ nước họ sẽ không bao giờ chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài hay tham gia trong vụ việc Philippines đơn phương nộp hồ sơ tại tòa trọng tài.
Tuy nhiên, theo Công Uớc Quốc Tế về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea), gọi tắt là UNCLOS, một tòa trọng tài được lập ra theo các điều khoản của công ước này bắt buộc phải đưa ra phán quyết về việc họ có thẩm quyền để thụ lý một vụ tranh chấp truớc hết và trên nhất, cho dù có một bên không tham gia hoặc không chính thức phản đối thẩm quyền của tòa. Do đó, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã xem văn bản ngày 7 tháng 12 năm 2014 của chính phủ Trung Quốc là một đơn yêu cầu (a plea) xem xét về thẩm quyền của Tòa Trọng Tài để đưa ra quyết định mở tòa thẩm án ngày 7, 8, và 13 tháng 7 năm 2015 cho vấn đề pháp lý này.
Ngày 29 tháng 10 năm 2015, Toà Trọng Tài Thường Trực đã có thông cáo báo chí về phán quyết đồng thuận của tòa sau các phiên xử trong tháng 7, 2015. Một cách vắn tắt, Tòa Trọng Tài Thường Trực phán quyết họ có thẩm quyền thụ lý và đưa ra phán xét về hồ sơ chính phủ Philippines nộp kiện Trung Quốc dựa theo các điều khoản của UNCLOS.
3) Không phải tranh chấp chủ quyền mà là tranh chấp về cách áp dụng và diễn giải UNCLOS
Trước hết, Tòa Trọng Tài Thường Trực – một tòa được thành lập dựa theo Điều phụ lục số 7 (Annex 7) của UNCLOS – trong phán quyết đưa ra ngày 29 tháng 10, năm 2015 tại Hague, đã nêu rõ họ có thẩm quyền với cả hai chính phủ Philippines và Trung Quốc vì cả hai nước này đều là thành viên của công ước UNCLOS và do đó đều bị ràng buộc bởi các điều khoản về giải quyết các tranh chấp dưới công ước đã được ký kết. Việc Trung Quốc không đồng ý tham gia hay đưa ra phản đối chính thức cũng không thể tước đoạt thẩm quyền của Tòa Trọng Tài. Ngoài ra, việc Philippines đơn phương nộp đơn lên Tòa Trọng Tài cũng không bị xem là hành vi lạm dụng thủ tục pháp lý (abuse of process). (Xin xem thêm Thông Cáo Báo Chí ngày 29 tháng 10, năm 2015, trang 1, đoạn 4).[1] Đây chính là lập luận dựa trên cơ sở của thẩm quyền về nhân thân (personal jurisdiction) bởi vì thẩm quyền mà tòa án có được trong trường hợp này là do các bên đã tham gia ký kết vào cùng một công ước Quốc Tế, ở đây là UNCLOS, trước đó. Và vì thế, họ đã chấp nhận và đồng ý tuân thủ càng điều luật của công ước đó, kể cả việc chấp nhận thẩm quyền và chịu sự phán xét của Tòa Trọng Tài.
Tòa Trọng Tài cũng đưa ra phán quyết dựa trên cơ sở thẩm quyền về tính pháp lý của sự việc (subject-matter jurisdiction). Theo đó, tòa đã bác các lập luận không chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài từ phía Trung Quốc. Trước hết, Trung Quốc nêu ra vấn đề tranh chấp ở biển Đông không nằm trong những điều khoản của UNCLOS vì đó là những tranh chấp về chủ quyền (sovereignty) của các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa (South China Sea), và như thế, Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng Tài không có thẩm quyền để giải quyết tính pháp lý của sự việc. Tiếp đến, Trung Quốc lập luận thêm là những tranh chấp này thực ra cũng chỉ là việc phân định biên giới hải phận giữa các quốc gia và được miễn trừ khỏi thẩm quyền của Tòa Trọng Tài dựa theo một bản tuyên bố của Trung Quốc năm 2006. Bác bỏ các lập luận của Trung Quốc, Tòa Trọng Tài tuyên phán những vấn đề pháp lý của vụ kiện này thực chất chính là những tranh chấp giữa hai quốc gia về việc diễn giải và thực thi UNCLOS và do đó, tính pháp lý của vụ việc thuộc về thẩm quyền của Tòa Trọng Tài.
4) Việt Nam – người hùng thầm lặng?
Một trong những yếu tố có thể ngăn cản Tòa Trọng Tài thực hiện thẩm quyền thụ lý đơn kiện từ chính phủ Philippines chính là khi phán quyết của tòa có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của một nước thứ ba có liên quan đến vùng biển tranh chấp. Nước thứ ba đó được xem là một bên liên quan bắt buộc của vụ kiện (indispensable third-party) và quyền lợi của quốc gia đó phải được mang ra xem xét. Ở đây, Việt Nam là một nước đã tuyên bố chủ quyền đối với 1 số đảo trong vùng biển tranh chấp và trên mặt lý luận, có thể được xem là một bên thứ ba có liên quan bắt buộc đến vụ kiện. Tuy nhiên, Tòa Trọng Tài cho rằng vì đơn kiện của Philippines không đòi hỏi tòa phải phán quyết về chủ quyền quốc gia trong vùng biển tranh chấp, thế nên quyền lợi của các quốc gia thứ ba như Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Hơn thế nữa, tòa cũng ghi nhận rằng vào ngày 11 tháng 12 năm 2014 (5 ngày sau khi Hoa Kỳ đưa ra báo cáo về việc Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc có thể vi phạm UNCLOS),[2] Bộ Ngoại Giao của chính phủ Việt Nam đã nộp một bản tuyên bố đến Tòa Trọng Tài, trong đó ghi rõ chính phủ Việt Nam “không có bất kỳ nghi ngờ gì về việc Tòa Trọng Tài có thẩm quyền trong những thủ tục pháp lý của vụ kiện này”. Từ đó cho thấy tuyên bố gửi đến Tòa Trọng Tài từ chính phủ Việt Nam ngày 11 tháng 12 năm 2014 đã góp phần vào việc Tòa Trọng Tài đưa ra phán quyết là tòa có đầy đủ thẩm quyền pháp lý để xử lý vụ kiện vì nó đã giúp giải quyết triệt để lập luận về yếu tố bên thứ ba có liên quan bắt buộc (indispensable third-party).
5) Tuyên bố chung Trung Quốc-ASEAN 2002 không có giá trị pháp lý
Trong việc tuyên bố tòa có thẩm quyền để đưa ra phán quyết về vụ án tranh chấp trong vùng biển South China Sea giữa Philippines và Trung Quốc, tòa cũng đã xem xét những lập luận khác từ phía Trung Quốc như việc họ đã từng đưa ra tuyên bố chung (China-ASEAN Declaration) vào năm 2002 cho việc giải quyết các tranh chấp với các nước thuộc khối ASEAN trong vùng biển South China Sea bằng thủ tục đàm phán trước khi phải dùng đến Tòa Trọng Tài theo UNCLOS. Tòa Trọng Tài cho rằng tuyên bố China-ASEAN năm 2002 là một thông cáo chính trị, hoàn toàn không có giá trị pháp lý, cũng như không có các quy chế cụ thể để thực thi hòa giải và không có quy định ngăn cản các bên tìm kiếm các giải pháp khác.
Tòa Trọng Tài cũng cho rằng những cam kết khác giữa Philippines và Trung Quốc cũng không thể ngăn cản Philippines chọn dùng Tòa Trọng Tài để tìm kiếm sự tài phán cho những tranh chấp trong vùng biển South China Sea. Hơn thế, Tòa Trọng Tài cũng phán quyết rằng Philippines trên thực tế đã thực hiện hết các quy định về trao đổi quan điểm pháp lý để tìm kiếm một phương pháp hòa giải cho vụ tranh chấp với Trung Quốc cũng như đã có nỗ lực hòa giải theo luật UNCLOS cũng như theo luật Quốc Tế nói chung.
6) Những giới hạn và ngoại lệ trong việc xác định Thẩm quyền dựa trên UNCLOS
Thẩm quyền của Tòa Trọng Tài không phải là vô hạn. Theo Điều 297 và 298 của UNCLOs, có những giới hạn (limitations) và ngoại lệ (exceptions) cho việc xác định thẩm quyền của Tòa Trọng Tài. Tóm tắt nội dung phán quyết, Tòa Trọng Tài cho phép họ có thẩm quyền để đưa ra phán quyết cho 7 trong 15 vấn đề pháp lý mà phía Philippines đã đệ đơn vào ngày 22 tháng Giêng năm 2013. Ngoài ra, về 7 vấn đề pháp lý còn lại, thẩm quyền của Tòa Trọng Tài cần phải được đưa ra song song với phán quyết của tòa về lập luận phải trái về pháp lý (legal merits) nhằm xem xét những điều khoản về các giới hạn và ngoại lệ của UNCLOS có cần phải được áp dụng hay không. Do đó, tòa sẽ công bố phiên xử tiếp theo về lập luận phải trái của các vấn đề pháp lý (legal merits) trong những ngày sắp tới. Tòa cũng yêu cầu phía Phillipines xem xét làm rõ và thu hẹp lại vấn đề pháp lý còn lại của 1 trong số 15 đã nộp trong đơn kiện. Phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này dự kiến là sẽ được đưa ra vào tháng 6 năm 2016.
Chú giải của tác giả
[1] http://www.scribd.com/doc/287742193/Press-Release-No-7-Eng
[2] http://amti.csis.org/arbitration-timeline/