Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong giai đoạn thế kỷ 18 – 19, khái niệm “Xã hội dân sự” rõ ràng không phải là một lý thuyết được gìn giữ và phát triển như nguyên dạng từ thời kỳ La Mã, đặc biệt khi các học giả tách biệt nó khỏi các mô hình chính trị và Karl Marx khép khái niệm này vào quyền lợi “tư bản” tư nhân.
Dịch giả: Nguyễn Huy Hoàng
Dịch từ chương “Development of Civil Society” của tác giả Jose Harris
Trích từ “The Oxford Handbook of Political Institutions“ ed. S. Binder, R. Rhodes, and B. Rockman. Oxford: Oxford University Press.
Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
Kỳ trước: Lịch sử thăng trầm của “xã hội dân sự”
———–
Cách hiểu sai của Karl Marx?
Từ giữa thế kỷ 18 trở đi đã có lác đác dấu hiệu về sự chuyển dịch nội hàm và ngữ nghĩa trong sự hiểu biết chính trị-pháp lý từ lâu về thuật ngữ này. Thay đổi quan trọng nhất trong số đó diễn ra ở Đức, nơi một số chuyên gia bắt đầu mô tả “xã hội dân sự” như một ý tưởng vĩ đại, những người khác lại coi nó là thứ gì đó thiếu sót và hạn chế hơn nhiều, so với những công thức cổ điển và “cận đại” của nó.
Sự chuyển dịch theo hướng đầu tiên thể hiện rõ trong các tác phẩm của Immanuel Kant, ông đã gợi ý một quan niệm về “xã hội dân sự” như một cụm các chuẩn mực dân sự, pháp lý, đạo đức, và tầm nhìn chung, có khả năng đón nhận không chỉ cư dân của bất kỳ vương quốc hoặc chính thể nào mà còn cả toàn thể nhân loại (Reiss 1970, 41–53) (Mô hình 4). Và một bước tiến theo hướng ngược lại ngày càng xác định xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) không giống như “chính phủ” vương giả hay hoàng thân, mà như các hoạt động bán công bán tư trong sản xuất, thương mại, ngân hàng, và tài chính: sự chuyển dịch này có thể phản ánh sự hồi sinh của mối quan tâm trong nước Đức hậu Napoleon về các học thuyết kinh tế của pháp luật dân sự La Mã.
Chính trong bối cảnh sau này một quan niệm quan trọng mới về “xã hội dân sự” đã được Hegel và Marx phát triển; một quan niệm không đề cập đến không gian chính trị công cộng vô tư lợi, khách quan được Cicero và các nhà lý thuyết khế ước người Anh gợi lên, mà đề cập đến không gian tư nhân tư lợi, cạnh tranh của nền kinh tế thương mại tư sản. Trong các tác phẩm của Karl Marx, thuật ngữ “bürger” hay “bourgeois” mất đi ý nghĩa “công cộng”, cổ xưa của nó về các công dân vô tư lợi, và thay vào đó được chuyển sang loại hình kinh tế xã hội của doanh nhân “tư bản” (Hegel 1991, 220–74; Marx 1975) (Mô hình 2).
Sự thoái trào của mối liên kết giữa “xã hội dân sự” và chính trị
Có thể cảm nhận được những thay đổi tương tự trong các khía cạnh khác của ngôn ngữ về xã hội dân sự. Trong tiếng Pháp, cụm từ société civile được áp dụng cho một số nhóm, không thuộc các thể chế công cộng và pháp lý, mà thuộc nhóm trong tiếng Anh gọi là “xã hội thượng lưu” (có nghĩa là thế giới của salon, văn hóa, thời trang, và phép cư xử lịch thiệp) (Harris 2003, 21–2). Tương tự, trong tiếng Anh, Pháp, và Đức, các tính từ “chính trị” và “dân sự” (trước đây giống hệt nhau) đã bắt đầu từ từ tách rời nhau. “Chính trị” ngày càng có nghĩa “đảng chính trị” hay “đảng phái”, trong khi “dân sự” được dùng để chỉ những khu vực của đời sống công cộng nằm “ngoài” hoặc “trên” chính trị (bên cạnh những nghĩa khác).
Những sự chuyển dịch về ý nghĩa này diễn ra trong một loạt lĩnh vực: trong sự xuất hiện ở Anh và những nơi khác lý tưởng về một “dịch vụ dân sự” phi chính trị rõ rệt; trong việc soạn thảo “bộ luật dân sự” quốc gia; và trong cuốn Nền dân trị Mỹ (1966) của Alexis de Tocqueville, nơi “xã hội chính trị” (nghĩa là cuộc đấu tranh chính trị để kiểm soát chính phủ) đối lập hoàn toàn với “hiệp hội dân sự” (nghĩa là mọi người đến với nhau trong các nhóm tình nguyện). Tác phẩm của de Tocqueville báo hiệu sự xuất hiện của những gì cuối cùng đã trở thành một trong những viên gạch chính của dòng quan điểm xã hội dân sự cuối thế kỷ 19. Điều này là việc xác định xã hội dân sự là không gian riêng biệt của chủ nghĩa vị tha, chủ nghĩa công xã, và hợp tác tự nguyện; những chủ đề thường gắn liền với các khái niệm về “dịch vụ công vô tư lợi”, nhưng vẫn khá khác biệt so với các cấu trúc chính thức của chính phủ và nhà nước (Tocqueville 1966, 232–40, 671–6) (Mô hình 3).
Cho dù là do sự phai mờ của ý nghĩa “mang tính nhà nước” nguyên thủy của thuật ngữ này, hay là do lý do nào khác, “xã hội dân sự”đã dần mờ nhạt trong những tác phẩm chủ đạo về lý thuyết và thực tiễn chính trị trong những thập niên cuối thế kỷ 19. Văn hóa đậm chất tự quản, tương hỗ, và tự nguyện của nước Anh cuối thời Victoria thường được các nhà bình luận gần đây xác định là ví dụ kiểu mẫu của một “xã hội dân sự” hưng thịnh, nhưng chưa bao giờ được những người thời Victoria mô tả như vậy (và không phải là những gì họ hiểu về thuật ngữ này).
Ở Đức, nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa xét lại Eduard Bernstein đã phản đối mạnh mẽ việc Marx hợp nhất “bürgerliche Gesellschaft” với tư lợi kinh tế “tư sản” đơn thuần, nhưng nỗ lực của Bernstein nhằm lấy lại một khái niệm “công cộng” hơn về xã hội dân sự (Zivilgesellschaft) vào thời điểm đó chỉ đạt được thành công rất hạn chế (Tudor and Tudor 1988). Tương tự, trong tư tưởng tự do và bảo thủ, ngôn ngữ về “nhà nước” ngày càng chiếm ưu thế và lấn sang nhiều không gian khái niệm vốn thuộc về những hiểu biết mang tính pháp lý truyền thống về xã hội dân sự. Ngay cả bộ tác phẩm khổng lồ Anh-Mỹ đầu thế kỷ 20 về “công dân học” (“civics”) và “công dân tốt” (“good citizenship”) nếu có cũng hiếm khi liên kết những ý tưởng này với một khuôn khổ xã hội dân sự.
Cùng lúc đó, ở châu Âu và Bắc Mỹ, người ta ngày càng quan tâm về cái được gọi đơn giản là “xã hội”. Từ xã hội này có vẻ rất giống, nhưng thực tế lại mang một dải ý nghĩa rất khác, so với ý nghĩa Latin cổ của societas. Cho dù luôn vượt quá định nghĩa chính xác, ý tưởng “xã hội” trong ý nghĩa mới hơn này ngày càng giống với điều gì đó tương tự như “tổng hòa mọi vấn đề của con người”. Đây là một thực thể bí ẩn, dường như được thúc đẩy bởi luật xã hội khách quan của riêng nó, có vẻ khá khác biệt so với những động lực riêng của các cá nhân và so với quan niệm mang tính duy lý và chủ đích về chính trị vốn nảy sinh từ những quan niệm truyền thống “lấy nhà nước làm trung tâm” về xã hội dân sự (Durkheim 1938, vi–viii; Wallas 1914, 3–29, 305–40).
Một số ít nhà lý thuyết tiếp tục bàn về “xã hội dân sự” trong đầu thế kỷ 20 (chủ yếu là các học giả “đa nguyên chủ nghĩa”, bắt nguồn từ các tư tưởng cổ điển và pháp lý, chẳng hạn như Figgis, Maitland, Laski, và Duguit) một cách mờ nhạt, hạn chế, và đa phần tiêu cực. Họ nhấn mạnh rằng “xã hội dân sự” chỉ đơn thuần là một trong nhiều societas, và chức năng duy trì luật pháp và trật tự; tuy đặc biệt nhưng có giới hạn của xã hội dân sự không được lấn át các chức năng quan trọng không kém của các “xã hội” tự chủ khác, chẳng hạn như các giáo hội, công đoàn, trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp, và các thực thể xã đoàn tương tự. Không ngạc nhiên, phong cách lập luận khôn khéo nhưng bí ẩn này có tác động giảm dần trong thời đại của chính trị quần chúng, bạo lực cách mạng, và chiến tranh toàn cầu.
Chủ nghĩa toàn trị – mồi lửa cho sự trở lại của xã hội dân sự?
Điều đáng ngạc nhiên là truyền thống của cuộc tranh luận về xã hội dân sự lại có vai trò tối thiểu, gần như không tồn tại, trong những phản ứng dân chủ và tự do của châu Âu trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị. Trong các tác phẩm chính trị của giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, ý tưởng về một societas civilis đôi khi được tham chiếu như một liều thuốc giải khả dĩ cho chủ nghĩa phát xít. Ví dụ, triết gia Công giáo người Pháp Jacques Maritain đã tiếp cận mô hình của các nhà lý thuyết xã đoàn chủ nghĩa cuối thời trung cổ, trong đó có Thomas Aquinas, người mô tả xã hội dân sự là một quan hệ đối tác khai hóa lẫn nhau giữa Giáo hội và nhà nước thế tục (Maritain 1938, 157–76).
Dù vậy, những tham chiếu này chỉ nằm bên lề cuộc tranh luận chính trị chủ lưu của giai đoạn này, nơi “xã hội dân sự” (nếu có được nhắc đến) thường có vẻ không phải là không gian công cộng khách quan, mà là hình mẫu thể chế của sự ích kỷ tư sản cạnh tranh. Quả thật, trong nhiều thế kỷ, mô hình kinh tế của xã hội dân sự dường như phần lớn đã xóa bỏ mọi dấu vết của mô hình “công dân” trước đây khỏi bộ nhớ chính trị tập thể. Từ những năm 1920 đến những năm 1960, sách giáo khoa tiếng Anh về khoa học chính trị và xã hội đã hoặc hoàn toàn bỏ qua “xã hội dân sự”, hoặc chỉ đơn thuần giả định rằng ý nghĩa đúng nhất của nó là ý nghĩa mà Hegel và Marx đã sử dụng (Laski 1938; MacIver and Page 1950).
Còn tiếp