Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Bạch Thị Nhã Nam
Tác giả Bạch Thị Nhã Nam hiện là thạc sĩ, giảng viên trường đại học Kinh Tế Luật, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh. |
Ngày 9/10/2015, Trung Quốc đã tiến hành buổi lễ đánh dấu việc hoàn tất xây dựng và bắt đầu vận hành các hải đăng trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động trên nằm trong chuỗi hoạt động xây đảo nhân tạo, nạo vét, bồi đắp các bãi đá của Trung Quốc, và xây dựng các công trình nhân tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đó hoạt động cải tạo diễn ra mạnh mẽ nhất trên bãi đá Chữ Thập, khi Trung Quốc đã hoàn thành đường băng dài gần 3000 m, đồng thời Trung Quốc đang tiến hành việc xây dựng hai đường băng khác trên bãi đá Subi, và bãi đá Vành Khăn. Cho đến nay việc xây dựng các đảo này trên quần đảo Trường Sa đã tạo ra 8 triệu mét vuông đất đai giữa biển khơi, vượt trội các hoạt động bồi đắp của các nước khác. Đây là một bước đi làm thay đổi hiện trạng biển Đông mạnh mẽ và lâu dài, khi biến những thực thể nửa nổi nửa chìm hay một vài mỏm đá có diện tích rất nhỏ trở thành đảo thực sự. Điều này không chỉ là các hoạt động thuần túy nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân sự mà là những bước đi có ảnh hưởng sâu sắc cả về khía cạnh pháp lý và quân sự. Trước các hành vi “đảo hóa” này của Trung Quốc, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Các bài viết liên quan:
Chiến thắng đầu tiên trong vụ kiện Biển Đông: Việt Nam – người hùng thầm lặng?
Tranh chấp Biển Đông: 5 lập luận của Philippines
Việt Nam phải lưu những bằng chứng thực thể tự nhiên
Diễn giải từ điều 121 khoản 1 và 2 của UNCLOS, chỉ có đảo được hình thành một cách tự nhiên mới được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Việc xây dựng đảo của Trung Quốc không có tác dụng củng cố yêu sách biển của Trung Quốc trong vùng biển đường chữ U mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố dựa trên quyền lịch sử trong nhiều năm nay.
Theo điều 60 khoản 8 của UNCLOS 1982, đảo nhân tạo không được hưởng quy chế lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, cũng như không ảnh hưởng tới việc phân định biển.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải lưu giữ những bằng chứng về tình trạng tự nhiên của những thực thể này trong quần đảo Hoàng Sa trước khi Trung Quốc tiến hành xây dựng, và cải tạo các đảo. Bởi vì, trong những tranh chấp pháp lý có thể phát sinh trong tương lai giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu Việt Nam không chứng minh được tình trạng tự nhiên của các thực thể đảo vào thời kì trước khi các hoạt động cải tạo của Trung Quốc, điều này có thể gây nguy hiểm cho những tranh biện pháp lý và những bất lợi cho Việt Nam trước tòa án quốc tế.
Tác giả đề xuất rằng các bức ảnh vệ tinh với độ phân giải cao có thể góp phần cung cấp thông tin về vấn đề này. Những bức ảnh vệ tinh này được cung cấp từ rất nhiều nguồn đáng tin cậy như các bức ảnh vệ tinh ghi lại hiện trạng của các thực thể từ trước và trong quá trình Trung Quốc xây đảo của Tạp Chí Quốc Phòng hàng tuần Jane (Jane’s Defence Weekly, http://www.janes-defence-weekly.com/), Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (“AMTI”) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (“CSIS”) của Mỹ (http://amti.csis.org/), Chuyên mục về biển đông trên trang cá nhân của nhà báo Victor Robert Lee, (http://www.victorrobertlee.com/op-eds/), Tờ The Diplomat, Tờ Global Nation…
Ngoài ra, Việt Nam cần phải tiến hành khảo sát địa lý và lưu giữ các bằng chứng về tình trạng của các thực thể tự nhiên tại Trường Sa để chứng minh tình trạng ban đầu mang tính tự nhiên của các quần đảo trước khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, phòng khi có thể phát sinh các tranh chấp pháp lý trước các cơ quan tài phán giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tương lai.
Việt Nam cũng cần phải xác định yêu sách biển của mình, sau khi đã có thông tin khảo sát về các đảo/đá ở Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Cùng với việc cải tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Trường Sa, sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển này sẽ tăng lên, sẽ dẫn đến các nguy cơ đụng độ trên biển cũng sẽ tăng lên. Việt Nam xác định rõ yêu sách biển của mình sẽ giúp biết được mình có những quyền gì trong những vùng biển đó, và cũng là để bảo vệ ngư dân tránh khỏi những cái cớ để bị tấn công, bảo vệ các quyền lợi thiết yếu của Việt Nam trong các vùng biển, các đảo trong tranh chấp, quản lý các tranh chấp, và tiến hành khai thác hòa bình cùng các bên.
Việt Nam nên chuẩn bị cần thiết cho việc bảo vệ các quyền lợi pháp lý trước các cơ quan tài phán quốc tế
Việt Nam cần duy trì thực hiện phản đối đầy đủ các hoạt động của Trung Quốc trên các quần đảo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông thông qua các kênh chính thức như Phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, các thư từ trả lời chính thức của các cơ quan Nhà nước Việt Nam gởi đến các cơ quan Nhà nước Trung Quốc … và các kênh không chính thức như trả lời của cấp cao Việt Nam trước báo giới quốc tế và khu vực… Việc phản đối đối với các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc như xây dựng đảo, tổ chức du lịch trên Hoàng Sa và một loạt các hoạt động khác của Trung Quốc, khẳng định rằng Việt Nam không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trong khu vực tranh chấp, hành vi “đảo hóa” nói trên của Trung Quốc không có giá trị về mặt pháp lý để Trung Quốc tuyên bố mở rộng các vùng biển, và hiện trạng của các đảo trong khu vực tranh chấp sẽ không được xem là các bằng chứng pháp lý trong việc củng cố chủ quyền của Trung Quốc.
Việc liên tục phản đối của Việt Nam được thực hiện với một ý nghĩa pháp lý quan trọng bên cạnh các khía cạnh liên quan đến chính trị hay ngoại giao khác. Đó là theo quy định của luật quốc tế về việc xác định thời điểm “kết tinh” tranh chấp (critical date) – thời điểm bắt đầu xảy ra tranh chấp, sau thời điểm này, những bằng chứng về các hoạt động thực thi và củng cố chủ quyền của các bên tranh chấp sẽ không có giá trị làm mạnh thêm yêu sách chủ quyền của một quốc gia nếu như các quốc gia tranh chấp khác phản đối. Tuy vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm “kết tinh” tranh chấp ở Trường Sa, nhưng có một điều chắc chắn rằng thời điểm đó là trước những năm 1980.
Hiện tại trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông lên Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye) về các vấn đề phân định biển và các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ UNCLOS 1982 ở Biển Đông, Tòa đã đưa ra phán quyết Tòa có thẩm quyền xét xử đối với các yêu cầu khởi kiện của Philippines. Rõ ràng khi vụ kiện được giải quyết, vụ kiện sẽ giúp tháo gỡ một số vấn đề ở Biển Đông. Trước khi đưa ra các phán quyết cuối cùng, Tòa có thể đưa ra các biện pháp tạm thời, có tác dụng thúc đẩy các bên hợp tác theo quán quyết của Tòa trong khi chờ một giải pháp cuối cùng.
Đối với hành vi “đảo hóa” của Trung Quốc, Việt Nam có thể tham khảo các nội dung khởi kiện của Philippines, có thể nghiên cứu các sự kiện và các tranh luận một cách thận trọng, đánh giá tiến trình hành động của Philippines. Mặc dù Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế đối với các tranh chấp chủ quyền, Việt Nam sẽ phải dựa vào một số thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS để có thể đơn phương đưa Trung Quốc ra tòa. Để thực hiện được việc này một cách hiệu quả, Việt Nam cần phải tiến hành một nghiên cứu có hệ thống để chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ thông tin cần thiết về vấn đề này. Đồng thời Việt Nam phải lưu chiểu trên tinh thần hai nước có tình hình khác nhau, với nhiều lợi ích khác nhau trong mối quan hệ với Trung Quốc, vì thế Việt Nam nên thận trọng, không sao chép đơn thuần những gì Philippines đã làm và phải tìm ra cách của riêng mình. Đó cũng sẽ là một trong những nền tảng quan trọng cho những cuộc tranh biện pháp lý của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực khác như Liên Hiệp Quốc, ASEAN, Diễn đàn đối thoại Shangri-la…
Việt Nam nên nỗ lực cùng các bên tranh chấp kêu gọi cộng đồng ASEAN và Trung Quốc thông qua Bộ quy Tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) trong bối cảnh mới
Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được DOC từ 13 năm nay và đã tham vấn về COC được ba năm. Tuy nhiên tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, nhất là trong những năm gần đây khi ASEAN liên tục chứng kiến các vụ việc đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải như việc Trung Quốc đặt dàn khoan dầu tại vùng biển mà chiểu theo luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, không thể có bất cứ lập luận hợp pháp nào cho các đòi hỏi chủ quyền và quyền tài phán phi lý như trên, cũng như các hoat động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn trên các đảo tranh chấp làm thay đổi nguyên trạng, đi ngược lại tinh thần thoả thuận của DOC, làm xói mòn lòng tin và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Việc thiếu đi một Bộ Quy tắc Ứng xử, thiếu đi một tiến trình ngoại giao, dẫn đến các bên tranh chấp đối đầu với nhiều đụng độ và căng thẳng hơn trong khu vực. Vì vậy sự ra đời của COC là hết sức cần thiết vào thời điểm này. Đồng thời với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, ASEAN và Trung Quốc cần thiết phải đẩy nhanh đàm phán nhằm sớm thông qua hoàn tất COC. COC cần phải là một công cụ pháp lý ràng buộc điều chỉnh ứng xử của các bên ở Biển Đông, không chỉ nhằm ngăn ngừa, mà còn quản lý và giải quyết các vụ việc xảy ra và góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc giải quyết toàn diện và lâu dài các tranh chấp trên Biển Đông.
Nhiều cơ quan nghiên cứu ASEAN đã tổ chức nhiều phiên họp thảo luận với phía Trung Quốc về các nguyên tắc và thành tố chính cho COC. Những người tham gia đều tái khẳng định lợi ích của việc đạt được bản COC có tính chất ràng buộc vào trong thời điểm này. Các bên tham gia cũng đồng tình rằng COC cần được soạn thảo dựa trên DOC nhưng cần “toàn diện và hiệu quả hơn DOC”.
Nội dung nào cần phải được đưa vào trong COC là một câu hỏi thu hút quan tâm nhiều học giả. Trước tình hình leo thang căng thẳng khi Trung Quốc có những hành đạo cải tạo, bồi đắp đảo, xây dựng các công trình quân sự, hiện đại hóa và mở rộng nhanh chóng lực lượng hải quân và không quân tại khu vực, COC cần đề cập các các thỏa thuận chống đụng độ trên biển giữa các bên yêu sách. Đồng thời, một giải pháp ưu tiên được đặt ra là các biện pháp quản lý xung đột tạm thời. Các giải pháp tạm thời khác có thể bao gồm việc tạm dừng các hoạt động quân sự trong khu vực tranh chấp, trong đó có các hoạt động thu thập tình báo mang tính chất khiêu khích, phi quân sự hóa tại các thực thể đảo và một số cơ chế tạm thời (ad hoc) nhằm giải quyết các tranh chấp nghề cá hay ít nhất là thỏa thuận về cách thức cư xử có đi có lại khi một quốc gia phải đối mặt với tình huống vi phạm nội luật tại khu vực tranh chấp.[1]
COC cần nêu rõ các nguyên tắc giúp duy trì nguyên trạng của việc kiểm soát trên thực tế của các bên tranh chấp khác nhau đối với các đảo và rạn đá. COC cần tiếp nối sự thành công của DOC trong việc ngăn chặn việc chiếm lấy các thực thể địa lí mới, vừa tính đến các chiến thuật mới như chiếm đoạt mà không cư ngụ, đánh bật một bên đang cư ngụ bằng cách phong tỏa, và xây dựng đảo quy mô lớn. Do đó, các bên trong tranh chấp không được chiếm đoạt các thực thể địa lí đã có bên khác chiếm đóng; các bên trong tranh chấp không được phong tỏa các thực thể địa lí đã có bên khác chiếm đóng; các bên trong tranh chấp không được chiếm lấy các thực thể địa lí chưa được chiếm đóng , dù bằng cách chiếm đóng thực sự hoặc bằng cách không cho bên khác tiếp cận; các bên trong tranh chấp không được xây đảo nhân tạo trên các bãi ngầm hoặc bãi lúc nổi lúc chìm, và không được mở rộng đảo dù là đảo tự nhiên hay đảo nhân tạo.
Việt Nam hiện đóng vai trò là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng cũng là thành viên tích cực của ASEAN, hiện Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký ASEAN, vì vậy những nỗ lực chính trị ngoại giao, tích cực thương thuyết đàm phán để thông qua Bộ quy tắc Ứng xử COC phù hợp với tình hình mới của tranh chấp. Việc thiết lập một Bộ Quy tắc vững chắc và việc thực thi thành công COC là một thách thức to lớn, đồng thời cũng mang lại một cơ hội lớn đối với khu vực.
Việt Nam cần nỗ lực tìm kiếm các biện pháp song phương để quản lý xung đột tạm thời với Trung Quốc
Với tư thế là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc luôn muốn giải quyết song phương tranh chấp Biển Đông với các bên trong tranh chấp một cách riêng rẽ để tiện “bẽ từng chiếc đũa”. Đối mặt với một quốc gia hùng cường hơn rất nhiều lần trên nhiều khía cạnh, Việt Nam cần phải đa dạng hóa các phương thức và biện pháp giải quyết tranh chấp, và trong đó tìm kiếm giải pháp song phương không là một ngoại trừ.
Bên cạnh diễn đàn ASEAN và các nỗ lực hướng tới COC, Việt Nam cần kiên nhẫn duy trì các kênh đối thoại cấp cao, kênh trao đổi thông tin chính thức của Nhà nước để tiếp tục trao đổi thảo luận, và trước mắt là tìm ra các biện pháp quản lý xung đột tạm thời như tạm dừng các hoạt động có tính chất khiêu khích trong khu vực tranh chấp, phi quân sự hóa tại các thực thể đảo và một số cơ chế tạm thời nhằm giải quyết các tranh chấp nghề cá …
Thực tiễn giải quyết tranh chấp trong quá khứ đã chứng kiến các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với việc phân định Vịnh Bắc Bộ, như Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc với tư cách là một công cụ hợp pháp quan trọng để quản lý, bảo tồn và sử dụng nguồn lợi hải sản trong khu vực Vịnh Bắc Bộ. Nhìn chung, Hiệp định đã đem lại rất nhiều kết quả tích cực như tăng cường hợp tác giữa hai nước, giảm bớt đáng kể các xung đột về nghề cá, chia sẻ và khai thác nguồn lợi hải sản một cách hòa bình… So sánh với việc thực thi Hiệp định Nghề cá giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, thì Hiệp định Nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam được đánh giá diễn ra khá suôn sẻ. Kinh nghiệm thành công từ việc thực thi Hiệp định nghề cá Trung-Việt là một việc làm hữu ích, giúp Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp về một mô hình về hợp tác nghề cá trong vùng đặc quyền kinh tế, theo một cách thức tuân thủ UNCLOS trong vùng nước ở quần đảo Trường Sa.
[1] Dương Danh Huy, Quản lí căng thẳng một cách công bằng ở Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/5069-quan-ly-cang-thang-mot-cach-cong-bang-o-bien-dong, Nghiên cứu Biển Đông, 07/07/2015, truy cập ngày 01/10/2015.