Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vụ án Abel v. United States là một ví dụ hoàn hảo về những thành viên của hệ thống tư pháp luôn làm hết mình phận sự với sự thượng tôn pháp luật và công lý một cách tuyệt đối.
Câu chuyện về một vị luật sư chấp nhận rủi ro đánh đổi danh tiếng và cái nhìn của công chúng để bảo vệ kẻ thù quốc gia giữa làn sóng “săn phù thủy” những năm 1950 vì niềm tin của ông vào hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
Hay câu chuyện của những nhân viên FBI luôn cố gắng hoàn thành công việc của họ nhanh nhất, tốt nhất để bảo vệ an ninh quốc gia song vẫn thỏa mãn tính hợp pháp và hợp hiến của họ trong từng hành động.
Kỳ trước: Tư duy phản biện – Chuẩn mực cơ bản của nền tư pháp lành mạnh
Luật sư: Chấp nhận rủi ro và danh tiếng để bảo vệ công lý
Một thủ pháp quen thuộc của đạo diễn Steven Spielberg là ông luôn muốn làm cho khán giả xem phim có thể liên kết bản thân họ với nhân vật chính của phim một cách dễ dàng.
Thế nên, ông luôn khắc họa hình tượng nhân vật chính của mình là những ‘người bình thường bị buộc phải làm anh hùng’. Từ gã doanh nhân mê rượu và gái Oskar Schindler cam tâm từ bỏ sản nghiệp để cứu sống hàng trăm người Do Thái trong Bản Danh Sách Của Schindler (Schindler’s List) đến ông giáo làng tay run run cầm súng ra mặt trận chống phát xít John Miller (một vai diễn khác của Tom Hanks) trong Giải Cứu Binh Nhì Ryan (Saving Private Ryan), và nay luật sư James B. Donovan cũng được trình diễn như thế.
Trong phim Người Đàm Phán (Bridge of Spies), luật sư Donovan được giới thiệu là một luật sư chuyên về bảo hiểm ít kinh nghiệm hình sự bất ngờ được bổ nhiệm tham gia bảo vệ tên gián điệp khét tiếng Rudolf Abel.
Thật ra, để thực hiện thủ pháp quen thuộc của mình, đạo diễn Steven Spielberg đã bỏ qua một vài sự thật rất quan trọng về nhân vật James B. Donovan trong thực tế: Donovan không hề là một ông luật sư bình thường buộc phải làm anh hùng một mình chống cả nhà nước Mỹ như trong phim.
James B. Donovan thật trong vụ việc Abel kiện Hoa Kỳ là một luật sư kỳ cựu đã từng là quân nhân Hải quân Hòa Kỳ, và từng làm Tổng pháp chế (General Counsel) của tổ chức OSS – tiền thân của cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA trong những năm thế chiến thứ hai. Ông đồng thời tham gia tố tụng các tội phạm chiến tranh phe phát xít trong các phiên tòa Nuremberg nổi tiếng.
Những sự thật này không hề làm giảm giá trị của hình ảnh lý tưởng về người luật sư mà phim Người Đám Phán muốn làm nổi bật. Biết thêm những sự thật này càng làm cho chúng ta hiểu giá trị công việc mà luật sư Donovan đã làm trong thực tế lịch sử.
Donovan được Luật Sư Đoàn Brooklyn (New York) tiến cử cho tòa sau khi Abel yêu cầu tòa bổ nhiệm luật sư cho ông ta[1]. Cho dù đã có nhiều năm làm quân nhân bảo vệ tổ quốc, rồi lại làm việc cho nhà nước Mỹ, đã chung vai đấu cật với nhà nước trong những năm chiến tranh và sau chiến tranh gian khó, luật sư Donovan đã không hề thể hiện một sự thiên vị nào khi được bổ nhiệm bào chữa cho ‘kẻ thù quốc gia’ Rudolf Abel. Ông chấp nhận việc chỉ định và đã chiến đấu bảo vệ thân chủ của mình tới cùng.
Luật sư Donovan đã bào chữa cho Rudolf Abel mà không nhận đồng nào (Donovan kể lại là chi phí mà tòa chấp thuận cho ông nhận từ Abel đều được ông đem đi cho từ thiện). Ông chấp nhận một khối lượng lớn công việc (vụ việc kéo dài hơn bốn năm trời qua các cấp tòa) giữa bầu không khí chính trị căng thẳng của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh vẫn còn dư chấn rõ rệt của những cuộc truy lùng đấu tố những người bị tình nghi là Cộng sản và thân Cộng sản trong nước Mỹ do thượng nghị sỹ chống Cộng Joseph McCarthy tiến hành trước đó vài năm.
Sự can đảm chấp nhận rủi ro cho danh tiếng và sự nghiệp cá nhân của bản thân trong việc tham gia bào chữa bảo vệ quyền cho một tội phạm khét tiếng của luật sư Donovan là một hành động anh hùng cần được biểu dương, đặc biệt trong hiện tại khi những nhà nước phương Tây vốn có truyền thống thượng tôn pháp luật tôn trọng nhân quyền đang ngày càng xem nhẹ những nguyên tắc bảo vệ quyền công dân trong bối cảnh chống khủng bố toàn cầu.
Hình tượng người luật sư anh hùng mà phim Người Đàm Phán thể hiện cũng là một nhắc nhở đáng quý cho những người trẻ về một hình tượng người luật sư lý tưởng.
Người luật sư lý tưởng không hẳn là những kẻ mặc com-lê đi ra phong nhã đi vào hào hoa, mưu mẹo xảo trá và nói dối không ngượng mồm giống thường thấy trong những series truyền hình Mỹ như Suits hay Boston Legal.
Anh, hay cô ta, có thể đơn giản chỉ là một con người làm đúng bổn phận và trách nhiệm của mình với một thái độ quật cường và bất khinh sợ quyền lực, giống như hình tượng ‘kẻ cứng cựa’ (“Standing Man” – “стойкий мужик”) mà nhân vật Rudolf Abel trong phim Người Đàm Phán đã nhắc đến khi nói chuyện với nhân vật luật sư Donovan: luôn biết đứng lên sau mỗi lần bị vũ lực quật ngã, hết lần này đến lần khác, cho tới khi bản thân những kẻ cường bạo phải bỏ cuộc.
Công chức hành pháp: Tôn trọng những chuẩn mực pháp lý
Từ án lệ Abel kiện Hoa Kỳ có thể thấy rằng, trong khi các lực lượng an ninh cảnh sát ở một số nước còn đang bận tư duy biện chứng xem xe hơi chạy trên đường bê tông thì văng nước hay gây bụi, và trầm ngâm triết học về việc một người công an phải làm gì khi đi ngang một đám đông đang đấm đá túi bụi hai người luật sư tay không tấc sắt, thì các lực lượng an ninh cảnh sát Hoa Kỳ luôn phải căng óc ra nghĩ làm cách nào để truy bắt tội phạm và thu thập bằng chứng theo những cách chính đáng và hợp Hiến nhất có thể.
Bản thân điều đó không có nghĩa là các lực lượng an ninh cảnh sát Hoa Kỳ “mã thượng“, “đức độ“,và “trọng nghĩa khí” hơn các lực lượng an ninh cảnh sát các nước khác.
Bản thân những người sỹ quan cảnh sát ở đâu cũng vậy: họ được huấn luyện để bảo vệ trị an xã hội, ngăn ngừa và truy bắt tội phạm. Trong quá trình làm việc, mối quan tâm hàng đầu của họ là làm cách nào để ngăn ngừa tội phạm và bắt các hung thủ phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều khi, để làm được việc đó, họ phải mưu mẹo khôn khéo đánh lừa tội phạm, hay dùng một số biện pháp gây tranh cãi về mặt đạo đức để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Điều đó tự nó không hẳn là xấu nếu nó được kiểm soát bằng những chuẩn mực rõ ràng và được đảm bảo chừng mực bằng một hệ thống giám sát độc lập từ bên ngoài lực lượng hành pháp.
Ở Mỹ, những chuẩn mực rõ ràng chính là luật lệ và hiến pháp, và hệ thống giám sát chính là ngành tư pháp độc lập với tòa án các cấp và lực lượng luật sư đông đảo.
Thế nên, những người sỹ quan an ninh và cảnh sát Hoa Kỳ bắt buộc phải hoàn thành nhiệm vụ của họ trong những giới hạn và chừng mực này. Nếu không, họ sẽ gặp phiền toái rất lớn từ hệ thống giám sát kia.
Như thế có là ‘bất công’ quá cho lực lượng an ninh cảnh sát Hoa Kỳ không?
Không! Vì việc truy bắt tội phạm, ngăn ngừa tội ác một cách thành công mà vẫn đảm bảo chừng mực, có kiểm soát và tôn trọng nhân quyền là một công việc cực kỳ khó khăn nhưng không phải là bất khả.
Phim ảnh hành động trinh thám Hollywood thường cho chúng ta những kịch bản gay cấn giống nhau đến nhàm chán:
Một quả bom nguyên tử sắp nổ. Kẻ duy nhất biết mật mã phá bom là tên tội phạm đang nhe răng cười khẩy với lực lượng an ninh vì họ quá tôn trọng nhân quyền nên chẳng thể đè hắn ra mà tra tấn đòi mật mã. Người dân cả thành phố khóc lóc ôm nhau chào vĩnh biệt.
Bất ngờ người hùng của chúng ta xuất hiện: một sỹ quan an ninh táo bạo sẵn sàng vứt bỏ luật pháp để cứu người. Anh sỹ quan nắm đầu tên tội phạm quăng vào ghế, dùng búa đóng đinh tay tên tội phạm, rồi cắm điện vào hai đầu gối cho giật tên tội phạm đến sùi bọt mép. Tên tội phạm chịu không thấu, van xin sống rồi đọc mật mã cho người sỹ quan an ninh. Thế giới hòa bình!
Sự lặp đi lặp lại các motif người hùng tay không bắt giặc sẵn sàng “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện“, “cứu người sắp chết hơn tôn trọng nhân quyền“, “vì đại cục bỏ qua tiểu tiết” v.v. giống như thế trong phim ảnh đã góp phần làm lan rộng lối suy nghĩ cảm thông và biện minh cho việc lạm dụng quyền hành, chà đạp nhân quyền của các lực lương an ninh cảnh sát.
Sẽ là rất ngây thơ nếu cho rằng thực tế cuộc sống bao giờ cũng chỉ gói gọn vào hai lựa chọn tra tấn bức cung một người hay là phải chết cả lũ đơn giản đến buồn cười như thế.
Thực tế cuộc sống thường sẽ luôn cho những người sỹ quan an ninh cảnh sát được lựa chọn giữa những phương án giải quyết vấn đề khác nhau, bao gồm cả những phương án giúp họ đạt được mục đích phá án trong chừng mực, có kiểm soát và tôn trọng nhân quyền.
Khi ở trong một môi trường không có sự kiểm soát độc lập từ bên ngoài thì câu hỏi là bản thân những người sỹ quan an ninh cảnh sát có cảm thấy phải cương quyết tìm ra một phương án như thế và chọn nó để tiến hành hay không.
Người viết nhớ mãi một cảnh trong một bộ phim khác của đạo diễn Steven Spielberg “Báo Cáo Thiểu Số” (Minority Report).
Nhân vật chính sỹ quan cảnh sát John Anderton, do diễn viên Tom Cruise thủ vai, đối mặt với một nghi phạm đã ngang nhiên thú nhận hắn bắt cóc và giết chết đứa con trai cưng của John, trong một căn phòng đầy tang chứng vật chứng cho thấy hắn đã thật sự làm điều đó.
Trong thịnh nộ và đau đớn, John lao vào đấm đá kẻ nghi phạm, rồi anh rút súng. Anh có thể thỏa mãn khát vọng báo thù của mình chỉ bằng một phát đạn vào trán nghi phạm. Nhưng không, anh biết mình vẫn còn có thể lựa chọn.
Bằng một giọng run rẩy, John đọc lời cảnh báo Miranda, báo hiệu việc bắt giữ nghi phạm theo đúng quy định pháp luật “Anh có quyền giữ im lặng…”.
Đôi khi, biểu hiện rõ ràng nhất của sức mạnh không phải là vũ lực máu me hoành tráng, mà là cố chấp đến cùng cực hoàn thành nhiệm vụ trong khi vẫn bảo vệ được những nguyên tắc của chính mình.
Hết.
Chú giải của tác giả:
[1] Kahn, Jeffrey, The Case of Colonel Abel (September 16, 2010)