Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Phán quyết được Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đưa ra ngày 28 tháng 03 năm 1960 sau hơn một năm nghị án (với hai lần ra tòa)[1]. Tỷ lệ đa số 5 thẩm phán tuyên bác đơn kiện của Abel trong khi 4 thẩm phán còn lại phản đối.
Kỳ trước: Người Đàm Phán (Bridge of Spies): Hoa Kỳ – Quốc gia của nền tư pháp “trượng nghĩa”
Trong số 4 thẩm phán phản đối (theo đó là ủng hộ bên Abel) có ngài Chánh tòa Tối cao pháp viện khi ấy là thẩm phán Earl Warren. Warren là một trong những chánh tòa tối cao pháp viện theo khuynh hướng tự do (liberal) ủng hộ nhân quyền nhất trong lịch sử luật pháp Hoa Kỳ.
Ông là người viết ý kiến chính trong vụ án nổi tiếng Miranda kiện bang Arizona, khởi nguồn của lời cảnh bảo Miranda “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa…”
Tuy nhiên trong vụ việc Abel kiện Hoa Kỳ, ngài Warren lại về phe thiểu số.
Người đưa ra ý kiến chính thay mặt phe đa số trong vụ này là thẩm phán Felix Frankfurter. Ông chia ý kiến thành 3 phần để trả lời 3 câu hỏi:
I. Về động cơ của cơ quan nhà nước khi tiến hành bắt giữ và kết án Abel dựa trên trát lệnh hành chính của INS: Việc cơ quan nhà nước dùng trát lệnh hành chính để bắt giữ và thu thập chứng cứ hình sự có biến trát lệnh hành chính đó thành một trò lừa đảo, và việc đưa ra trát lệnh đó là một hành vi ác ý (bad faith).
II. Về hiệu lực pháp lý của bản thân trát lệnh hành chính của INS: Trát lệnh này có vô hiệu vì không thỏa mãn các yêu cầu bắt buộc về trát lệnh do Tu chính án thứ tư đưa ra hay không?
III. Về các tang vật thu được bởi các nhân viên di trú của INS và nhân viên điều tra của FBI: Có phải các tang vật này đáng ra phải được áp dụng nguyên tắc loại trừ bằng chứng (exclusionary rule) được đưa ra qua án lệ Weeks kiện Hoa Kỳ năm 1914 vì các tang vật này được thu thập theo những cách vi phạm Tu chính án thứ tư? Và theo đó, các tòa dưới đã sai khi kết án Abel dựa trên những tang vật phải bị loại trừ này?
Cho câu hỏi I, phe đa số của Tối cao pháp viện trả lời Không.
Câu hỏi này đã được đặt ra ở các cấp tòa dưới và Tối cao pháp viện đồng ý với các tòa dưới là không có bằng chứng cho thấy trát lệnh hành chính mà INS đưa ra khi tiến hành bắt giữ Abel và tịch thu tang vật từ ông ta là một trò lừa đảo và hành vi đưa ra trát lệnh đó không có ác ý lợi dụng pháp luật một cách bất chính.
Bản thân lời khai của các nhân viên INS cho thấy họ đưa ra trát lệnh này đúng trình tự thủ tục và dựa trên mối quan tâm chính đáng của họ, đó là việc Abel là một người nhập cư trái phép đang chủ động trốn tránh việc trình báo với cơ quan nhà nước (theo luật lúc đó, một người có tình trạng di trú như Abel phải ra trình báo và đăng ký với cơ quan sở tại – Abel chưa hề làm việc này), và thế nên phải được bắt giữ để tiến hành trục xuất theo luật.
Các nhân viên INS không phủ nhận việc họ được FBI thông tin về nghi vấn Abel là gián điệp, nhưng cho dù có thông tin về nghi vấn này hay không thì họ cũng vẫn có thẩm quyển ra trát lệnh bắt giữ Abel như một người nhập cư trái phép và tịch thu đồ dùng của ông ta, và thật sự họ đã thực hiện việc đó trong đúng phạm vi thẩm quyền của mình. Theo đó, INS đã hoạt động độc lập, chứ không phải là con rối trong tay FBI như phía Abel cáo buộc.
Việc FBI sau đó chính thức lên cầm cương và lái vụ việc của Abel theo hướng điều tra và truy tố hình sự về tội làm gián điệp không phải là một hành vi lạm quyền, hay cho thấy một sự câu kết mờ ám không phải phép giữa hai cơ quan FBI và INS, mà chỉ đơn giản là một sự hợp tác làm việc của FBI và INS, hai cục hành pháp liên bang cùng trực thuộc Bộ tư pháp Hoa Kỳ và theo đó có chung nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, và có thể san sẻ trách nhiệm cho phù hợp với lĩnh vực công tác của mỗi cục.
Theo các thẩm phán, sẽ là không hợp lý nếu việc diễn dịch Hiến pháp theo hướng bảo vệ nhân quyền lại dẫn đến việc cấm đoán việc hợp tác làm việc giữa hai cơ quan hành pháp, cùng trực thuộc một Bộ có chức năng nhiệm vụ chung và cùng phạm vi hoạt động.
Thẩm phán Frankfurter có trích dẫn một án lệ cho thấy một trường hợp hai cơ quan nhà nước câu kết một cách không phải phép: một vụ án năm 1920 trong đó cơ quan điều tra Bộ tư pháp sử dụng nhân viên Cục di trú để bắt người. Tuy nhiên hồi đó, Cục di trú trực thuộc Bộ lao động thế nên mới có thể chấp nhận cáo buộc câu kết không phải phép vì hai Bộ tư pháp và Bộ lao động có phạm vi hoạt động và nhiệm vụ khác nhau.
Cho câu hỏi II, phe đa số của Tối cao pháp viện cũng trả lời Không. Trát lệnh hành chính của INS có hiệu lực thi hành.
Các thẩm phán đầu tiên viện dẫn việc nhiều lần mà các luật sư phía Abel, trong tranh tụng tại các tòa dưới, đã xác nhận rằng việc bắt giữ Abel do INS tiến hành là chính đáng. Vấn đề này, theo các thẩm phán, đáng ra không đáng để họ xem xét vì nó chưa bao giờ được đưa ra trong các phiên tòa ở các cấp tòa dưới. Tuy nhiên sau đó, họ vẫn phân tích cặn kẽ bản chất thật sự và lịch sử pháp lý của trát lệnh mà INS dùng để bắt Abel.
Về cơ bản, một trát lệnh hành chính như thế (administrative warrant) không phải là một trát lệnh pháp lý (judicial warrant). Chỉ có các trát lệnh pháp lý mới chịu sự kiểm soát của Tu chính án thứ tư. Quyền hành pháp để đưa ra các trát lệnh hành chính như thế được quy định tại các nơi khác trong nội dung Hiến pháp và thực tế là quyền hành pháp này đã chưa bao giờ bị thách thức pháp lý một cách thành công.
Vì thế, trát lệnh hành chính của INS, và theo đó là việc bắt giữ Abel, có hiệu lực pháp lý không gây tranh cãi.
Cho câu hỏi III, phe đa số của Tối cao pháp viện lại vẫn trả lời Không. Có vẻ là với phe đa số, câu hỏi này là câu hỏi “khó nuốt” nhất.
Mấu chốt là việc khám xét và thu giữ tang vật của INS và của FBI ngay sau việc bắt giữ và khám xét Abel. Trát lệnh hành chính của INS có hiệu lực pháp lý và cho phép việc bắt giữ cũng như khám xét, nhưng nó có “bao” luôn cả việc khám xét và thu giữ tang vật ngay sau đấy của cả INS và FBI không?
Nên nhớ các nhân viên FBI đã khám xét lại phòng của Abel và tìm thấy những bằng chứng rõ ràng nhất cho việc làm gián điệp của Abel: chiếc bút chì rỗng ruột chứa vi phim và cuốn sổ tay giải mã giấu trong miếng gỗ.
Các thẩm phán xác nhận đã và đang có những vụ án tương tự với cùng điểm mấu chốt gây tranh cãi. Giới hạn pháp lý cho các khám xét tiếp theo sau việc bắt giữ nghi phạm một cách đúng luật vẫn còn là một điểm mờ của luật vào thời điểm đó.
Xem xét dựa trên dữ kiện vụ việc và đối chiếu với mục đích chính danh mà INS đưa ra trong trát lệnh hành chính của họ, các thẩm phán quyết định rằng các giấy tờ và vật dụng do INS thủ được khi bắt giữ Abel và khi khám hành lý cá nhân của Abel ngay sau đó đã được tịch thu từ một quá trình khám xét chính đáng đúng luật. Các nhân viên INS có quyền khám xét để đảm bảo việc hoàn thành các nhiệm vụ hành pháp của họ: xác minh danh tính của người bị bắt, xác minh các cách thức công cụ đã được người bị bắt sử dụng để đi lọt qua biên giới Hoa Kỳ và ở lại trong địa phận nước này, cũng như đảm bảo người bị bắt không giấu diếm vũ khí có thể được dùng để chống người thi hành công vụ và giúp người bị bắt trốn thoát trong quá trình trục xuất người đó.
Bên cạnh đó, các thẩm phán nhắc lại rằng các hình thức bảo vệ nhân quyền trong Hiến pháp chỉ phải được áp dụng trong các bắt giữ và khám xét hình sự, trong khi việc bắt giữ và khám xét Abel là trong bối cảnh luật nhập cư/di trú nhằm trục xuất Abel như một người nhập cư trái phép chứ không phải một tội phạm hình sự. Các tiêu chuẩn bảo vệ nhân quyền của quy trình bắt giữ và khám xét để trục xuất như thế thấp hơn của quy trình bắt giữ và khám xét dựa trên nghi vấn tội hình sự.
Các tang vật mà INS thu được vì thế không có vấn đề và việc chấp nhận những tang vật đó trước tòa là đúng luật. Những tang vật này không đáng được bảo vệ bởi nguyên tắc loại trừ bằng chứng vì chúng được thu thập từ một quá trình khám xét đúng luật.
Các thẩm phán để đến cuối mới động đến hai bằng chứng quan trọng nhất mà FBI đã tìm ra khi khám xét lại phòng của Abel: Chiếc bút chì rỗng ruột và miếng gỗ có giấu cuốn sổ tay.
Theo họ, những tang vật này được FBI thu thập một cách không hề trái luật hay vi phạm nhân quyền của Abel.
Điểm mấu chốt làm nên khác biệt chính là việc Abel bị bắt không phải tại nhà riêng do ông ta sở hữu mà tại một khách sạn ông ta thuê phòng tạm thời.
Thời điểm FBI bắt đầu tiến hành khám xét, Abel đã trả chìa khóa và thanh toán tiền phòng xong xuôi. Như vậy mối quan hệ hợp đồng giữa Abel và khách sạn đã chấm dứt và phòng Abel đã ở trở lại thành tài sản riêng của chủ khách sạn. Bản thân chủ khách sạn đã cho phép các nhân viên FBI vào khám phòng nên không có mâu thuẫn pháp lý ở đây.
Chiếc bút chì và miếng gỗ được tìm thấy trong thùng rác phòng ông ta ở nên mặc định là Abel đã từ bỏ quyền sở hữu đối với các đồ vật này. Chúng trở thành những đồ vật vô chủ và có thể chuyển thành sở hữu của bất kỳ ai nhặt chúng, trong trường hợp này là FBI.
Các khác biệt nói trên đảm bảo là căn phòng khách sạn và các tang vật FBI tìm được không thể được xem là “địa phận” và “tài sản riêng” của Abel mà theo đó sẽ phải được sự bảo vệ chống lại các khám xét không phép của cơ quan nhà nước chiếu theo Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Mỹ.
FBI có lẽ đã gặp khúc mắc pháp lý lớn hơn nếu họ bắt Abel tại nhà riêng của ông ta và khám xét, thu giữ đồ dùng (vứt đi hay không) trong địa phận một bất động sản mà Abel một mình sở hữu toàn bộ.
Với ba câu trả lời Không cho các cáo buộc của phía Abel, các thẩm phán phe đa số tán thành việc bác đơn kiện của Abel.
Abel chính thức thụ án tù vì tội làm gián điệp cho tới năm 1962 khi ông ta được trao trả cho Liên Xô để đổi lấy một viên phi công Mỹ bị Liên Xô bắt được. Câu chuyện thương lượng trao trả tù binh này chính là nửa sau rất hấp dẫn của bộ phim Người Đàm Phán (Bridge of Spies).
Kỳ tới: Tư duy phản biện – Chuẩn mực cơ bản của nền tư pháp lành mạnh
Chú giải của người viết: