Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Điểm đặc trưng mà tác giả đã nhắc đến trong các bài viết trước về vụ án Abel v. United States chính là việc Chánh tòa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ thời điểm đó – ông Earl Warren, cũng chỉ là một trong bốn người thuộc phe thiểu số. Nếu so sánh với văn hóa pháp lý tại Việt Nam mà nhiều thẩm phán đương nhiệm phải thừa nhận về tình trạng “án bỏ túi”, “án chỉ đạo”… thì đây là một điều lạ kỳ khi người đứng đầu ngành tòa án tại Hoa Kỳ không phải là người ra quyết định cuối cùng.
Bài viết trước: Người Đàm Phán (Bridge of Spies): Phán quyết cuối cùng
Một đặc điểm thú vị nữa về sự tôn trọng tư duy phản biện pháp lý trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ là sự tồn tại của phần “dissenting opinion” (bất đồng ý kiến), thỉnh thoảng cũng được gọi là “minority report” (quan điểm thiểu số) được ghi nhận cùng lúc với phán quyết chính thức của một số cấp tòa. Dù không ảnh hưởng đến hiệu lực của phán quyết hay tạo ra tiền lệ pháp, chất lượng pháp lý của “dissenting opinion” không thua kém, hoặc đôi khi vượt trội so với phán quyết chính thức, luôn mở ra một con đường mới về tư duy pháp lý cho những người chưa hài lòng với quyết định hoặc đơn giản là muốn nhìn hai mặt của một vấn đề. Vì vậy, không lấy làm lạ khi các ý kiến thiểu số thường xuyên được trích dẫn trong các nghiên cứu pháp luật, phán quyết hoặc thậm chí trở thành căn cứ lập luận cho một phán quyết của bản án khác.
Tỷ lệ ý kiến 5-4 của quyết định vụ việc Abel kiện Hoa Kỳ[1] cho thấy sự phức tạp và tính ngẫu nhiên, không chắc chắn đúng sai của các vấn đề trong vụ này. Chỉ với một ý kiến khác đi thôi là sự việc đã có thể được giải quyết theo hướng có lợi cho bên Abel.
Trong khi ý kiến phe đa số của thẩm phán Frankfurter có sự chặt chẽ và có một sức thuyết phục nhất định, chúng ta có thể nhìn ra một số khuyết điểm của ý kiến đa số này bằng việc nhìn vào các ý kiến trái chiều của các thầm phán phe thiểu số.
Thẩm phán Douglas: FBI đang cố gắng qua mặt ngành tư pháp
Không như các thẩm phán phe đa số, thẩm phán Douglas không có sự đồng cảm với nhu cầu thực hiện công tác hành pháp mà FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ) đã thể hiện trong vụ việc này.
Theo ông, FBI có thừa thời gian và khả năng để xin một trát lệnh pháp lý (judicial warrant) đàng hoàng tạo điều kiện bắt giữ và khám xét Abel thể theo Tu chính Án thứ tư nhưng họ đã không làm điều đó mà lại đi ‘núp bóng’ một trát lệnh hành chính (administrative warrant) của INS (Cục Di Dân Mỹ).
Việc FBI ngay từ đầu chủ động đưa vụ Abel cho INS và đề nghị INS hợp tác cùng bắt người, cùng khám xét tịch thu tang vật, rồi cùng đưa Abel tới một nơi giam giữ đặc biệt cách nơi bị bắt cả nghìn dặm để thẩm vấn và giam giữ không xét xử không tiếp cận luật sư trong 3 tuần liền cho thấy tính chất bất thường của vụ việc. Việc bắt Abel như thế không chỉ đơn thuần là một sự hợp tác điều tra bình thường của hai cục này như các thẩm phán phe đa số đã nhìn nhận.
Bằng một giọng văn giễu cợt, thẩm phán Douglas phê phán cái sự ‘đại tiện’ khơi khơi của các nhân viên FBI trong việc đảm bảo mặt pháp lý của sự hợp tác bất thường nói trên: tìm tới một cục cùng Bộ tư pháp xin trát lệnh hành chính, thay vì phải làm đầy đủ các bước chuẩn bị bằng chứng, lời tuyên thệ cần có để xin một trát lệnh pháp lý đàng hoàng từ tòa án. Cái trát lệnh hành chính không chịu sự kiểm soát của Tu chính án thứ tư nên chả phải xác định phạm vi khám xét hay địa điểm khám xét gì cả, thật là nhanh chóng gọn gàng làm sao cho các nhân viên FBI!
Thẩm phán Douglas nhắc lại lý do ban đầu vì sao phải có Tu chính án thứ tư: để đảm bảo một sự giám sát độc lập của ngành tư pháp lên ngành hành pháp, thông qua một cơ chế cho tòa án trách nhiệm xem xét và quyết định chấp nhận hay không một yêu cầu xin trát lệnh pháp lý từ cơ quan hành pháp, dựa trên những bằng chứng mà cơ quan hành pháp phải đưa ra để chứng minh lý do chính đáng cho việc bắt giữ và khám xét một người bất kể có tội hay không.
Cho phép một cơ quan hành pháp như FBI hành xử qua mặt ngành tư pháp như họ đã làm trong vụ Abel chính là đi ngược lại mục đích giám sát độc lập này của Tu chính án thứ tư.
Thẩm phán Douglas không đi xa tới mức cho rằng FBI đã hành động ác ý (bad faith) cố ý lợi dụng luật pháp như cáo buộc của phía Abel, nhưng ông cho rằng sự hăng say truy bắt Abel trong vụ việc này đã khiến các nhân viên FBI xem thường Tu chính án thứ tư và vi phạm Tuyên ngôn nhân quyền của Hiến pháp Mỹ.
Thẩm phán Brennan: người bị bắt không được phép biến mất một cách trắng trợn như thế
Thẩm phán Brennan đồng tình với thẩm phán Douglas về bản chất bất thường của vụ bắt Abel: Ngay cả khi có thể chấp nhận việc bắt Abel ban đầu là hợp pháp thì những hành vi khám xét và thu giữ giấy tờ đồ đạc của FBI và INS cũng như giam giữ và thẩm vấn riêng biệt Abel ngay sau khi bắt giữ ông ta, về bản chất, là đi quá xa so với mục đích nhân danh luật di trú trong trát lệnh hành chính của INS rất nhiều.
Trát lệnh hành chính không chịu kiểm soát của Tu chính án thứ tư đã giúp các cơ quan hành pháp FBI và INS thoát khỏi sự kiểm soát công khai minh bạch của ngành tư pháp. Nói nôm na là hai cục FBI và INS đã ngang nhiên ‘đóng cửa tự kỷ’ với nhau: họ giam giữ một người, thẩm vấn ông ta và khám xét đồ đạc của ông ta mà chả phải trình báo công khai với ai và chả phải chứng minh mục đích chính đáng cho những việc làm đó của họ cho ai cả.
Theo thẩm phán Brennan, “Abel đã biến mất” một cách trắng trợn ngay sau khi FBI và INS bắt giữ ông ta. Việc làm biến mất một con người như thế khó có thể chấp nhận là thích đáng và hợp pháp dựa trên những tiêu chuẩn mà Tu chính án thứ tư đã đặt ra.
Cho phép cơ quan hành pháp liên bang tận dụng một trát lệnh hành chính để thực hiện một loạt những hành vi giam giữ, thẩm vấn, khám xét như FBI và INS đã làm trong vụ Abel chính là cho phép một sự tập trung quyền lực không giới hạn trong tay ngành hành pháp chẳng phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát độc lập nào từ bên ngoài ngành này. Trong khi Tu chính án thứ tư được khai sinh chính là để kiểm soát và giảm thiểu sự tập trung quyền lực dễ dẫn đến lạm dụng đó.
Thẩm phán Brennan cho rằng lôi cái sự khác biệt bản chất trát lệnh hành chính/pháp lý ra để biện minh cho FBI và INS như các thẩm phán phe đa số đã làm là nông cạn và không thỏa đáng vì Tu chính án thứ tư đặt ra một quyền bảo vệ bao quát dành cho sự riêng tư của người dân khi đối diện với bất kỳ sự xâm phạm nào của cơ quan nhà nước.
Việc phân chia hành chính/pháp lý những sự xâm phạm như thế dựa trên tham khảo mục đích và ý định chủ quan của cơ quan hành pháp, rồi theo đó áp dụng những mức độ bảo vệ khác nhau dựa trên sự phân chia đó sẽ hoàn toàn phá vỡ mục đích của Tu chính án thứ tư.
Những hành vi khám xét và thu giữ đồ đạc của Abel theo đó không thể thoát khỏi sự kiểm soát của Tu chính án thứ tư, và chiếu theo Tu chính án này thì những hành vi khám xét và thu giữ đồ đạc đó đã phạm luật vì không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Theo đó, việc kết án Abel dựa trên những bằng chứng này là sai luật. Abel phải được truy tố và xử lại dựa trên chỉ những bằng chứng đã được thu giữ đúng luật.
Về tư duy pháp lý của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ
Nói một cách giản lược, có thể thấy hai cách tiếp cận khác nhau của phe đa số và phe thiểu số trong quyết định Abel kiện Hoa Kỳ:
Dù hai cách tiếp cận khác nhau nhưng cả hai phe đa số và thiểu số của Tối cao pháp viện trong vụ Abel kiện Hoa Kỳ đều thể hiện một số chuẩn mực cao nhất của tư duy pháp lý.
Các thẩm phán không chọn việc nhẹ nhàng là dựa vào yếu tố Abel là người ngoại quốc ra để từ chối xem xét xem ông ta có được luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ hay không. Từ đầu đến cuối, họ thẩm tra suy xét vụ việc kỹ càng như thể Abel là một công dân Hoa Kỳ.
Xuyên suốt tất cả các ý kiến phản đối và ủng hộ, chúng ta thấy một sự duy lý không khoan nhượng luôn gắn kết với dữ kiện của vụ việc thay vì với phỏng đoán hay cảm xúc. Các thẩm phán công nhận tính nghiêm trọng của các hành vi phạm tội của Abel nhưng họ đã không hề biến phiên tòa thành một cuộc đấu tố nơi họ thoải mái thể hiện lòng yêu nước nồng nàn ‘hợp lòng dân’ và lòng căm ghét, không khoan nhượng trước ‘kẻ thù quốc gia’ Abel.
Việc Abel là một gián điệp xâm hại an ninh quốc gia đã không hề khiến cho các thẩm phán phe thiểu số phải nao núng hay chần chừ khi đưa ra những luận điểm phê bình đanh thép việc bắt giữ và khám xét Abel của bản thân cơ quan nhà nước Mỹ. Cách diễn dịch hiến pháp của họ cho họ thấy là việc bắt giữ và khám xét này không hợp hiến và họ nói thẳng ra như thế và sẵn sàng quyết định cho Abel được xử lại cho đàng hoàng.
Kỳ tới: Luật sư và cơ quan điều tra – hai cánh tay của nền tư pháp
Chú giải của người viết: