TED Talks – Martha Mendoza: Vì sao người dân cần một chính phủ minh bạch và công khai – Kỳ 1

TED Talks – Martha Mendoza: Vì sao người dân cần một chính phủ minh bạch và công khai – Kỳ 1

— Trương Tự Minh (lược dịch)

Tháng 9/2012, tham gia trong loạt TED Talk có chủ đề “Công khai” tổ chức tại hạt Santa Cruz, California, Martha Mendoza, một nhà báo kỳ cựu của hãng tin Associated Press, chia sẻ về tầm quan trọng của nhà nước công khai, song song với những câu chuyện khắp thế giới về việc vận dụng quyền tiếp cận thông tin nhằm đảm bảo một nền thiết trị minh bạch. Nhân dự thảo Luật tiếp cận thông tin theo kế hoạch sẽ được đưa ra cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Luật Khoa tạp chí chuyển đến bạn đọc bài nói nhiều suy ngẫm của cô.

maxresdefault

Nhà báo Martha Mendoza tại buổi nói chuyện. Ảnh: TED

Martha Mendoza là một nhà báo điều tra từng có 20 năm công tác tại hãng tin Associated Press, thông tấn xã lớn nhất Hoa Kỳ. Các phóng sự gây chú ý của nữ nhà báo người Mỹ lần lượt mang về cho cô nhiều giải thưởng trong nước, khu vực và quốc tế, đồng thời mở ra những buổi điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, các cuộc điều tra tại lầu Năm góc lẫn phản hồi từ Nhà Trắng. Năm 2000, Mendoza cùng nhóm của mình mang về một giải Pulitzer, giải thưởng danh giá nhất làng báo thế giới, cho loạt bài công bố vụ thảm sát hàng trăm người dân Nam Hàn của quân đội Mỹ những năm 1950 trong cuộc chiến liên Triều – một bí mật vốn bị giấu kín qua nhiều thập kỷ

Nếu việc chính trị là một tôn giáo thì tôi là một tín đồ sùng bái mô hình nhà nước cởi mở và công khai. Vì vậy đam mê mà tôi theo đuổi là quyền tự do tiếp cận thông tin. Nhìn bức ảnh dưới đây, có thể bạn thấy đó chỉ là những xấp hồ sơ, giấy tờ tẻ ngắt và vô vị, nhưng với tôi chúng chính là những khe hở chỉ lối vào bên trong căn phòng chứa sự thật. Bởi vì các hồ sơ, tài liệu chính phủ luôn chứa đựng thông tin quý giá, thứ sẽ đưa chúng ta đến sự thật đằng sau các hoạt động của cơ quan công quyền. Sự thật cởi trói chúng ta khỏi những mù mờ của ngộ nhận và sự dẫn dắt định hướng. Hãy cùng tôi làm một chuyến hành trình đi qua các câu chuyện, chỉ chốc nữa thôi bạn sẽ thấy việc tiếp cận các thông tin công đã mang đến những thay đổi tích cực như thế nào. Để khi tôi kết thúc, hi vọng các bạn cũng sẽ nhìn thấy sức mạnh cũng như tính thiết thực, gần gũi của nó trong đời sống hằng ngày.

Điều đầu tiên hẳn sẽ là câu hỏi: làm cách nào tôi tiếp cận được các văn bản và tài liệu nhà nước?

Ở Hoa Kỳ, chúng ta có một nhóm các đạo luật được gọi chung là “sunshine laws” (tạm dịch: luật ánh sáng mặt trời). Tên gọi này tuy đơn giản, nhưng mục đích đằng sau nó là rất rõ ràng: nhà nước được đặt dưới sự tường minh của ánh sáng mặt trời, hãy mở tất cả mọi cánh cửa, mọi cửa sổ để ánh sáng vào soi rọi sự thật. Các vị Cha đẻ của Hiến pháp chúng ta là những người hơn ai hết hiểu rất rõ điều này. Tu chính án thứ nhất không nhắc đến nghề giáo viên, bác sĩ hay luật sư mà đó lại là báo chí – chính xác là một nền báo chí tự do. Bởi báo chí đóng vai trò như nhánh quyền lực thứ tư đứng bên ngoài kiểm soát ba cột trụ lập pháp, hành pháp và tòa án mang quyền lực nhà nước.

Hãy thử nghĩ, nếu bạn không biết tiền thuế của mình đang được sử dụng ra sao, các chính sách được quyết định như thế nào, hoặc ai hay nhóm người nào đang chi phối chính trường, làm sao bạn có đủ thông tin để lựa chọn ủng hộ hay phản đối một vấn đề nào đó?

Nhà nước thường có xu hướng không muốn công khai nhiều thông tin, vì vậy bạn hãy luôn nhớ để có được thông tin mình muốn sẽ không dễ dàng chút nào, đôi khi đó còn là sự đối đầu giữa các lợi ích.

Nhưng trong cuộc đối đầu đó, chúng ta vẫn có các công cụ có thể hỗ trợ hiệu quả. Với tôi, vũ khí mạnh nhất chính là quyền tiếp cận thông tin, theo đó Luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act) quy định các văn bản và thông tin từ nhà nước phải được công khai đến mọi người dân.

Thập niên 60 của thế kỷ trước, toàn thế giới chỉ có hai quốc gia ghi nhận quyền tự do thông tin của công chúng là Thụy Điển và Phần Lan. Đến năm 1966, Hoa Kỳ là nước đầu tiên ngoài châu Âu nối gót. Trong vòng mười năm trở lại đây, khi làn sóng dân chủ hóa lan đến nhiều vùng và lãnh thổ trên toàn cầu, một hiện tượng vô cùng thú vị đã xảy ra. Bằng cách này hay cách khác, các quốc gia lần lượt đưa vào hệ thống luật pháp trong nước khung pháp lý cho quyền tiếp cận thông tin nhà nước của người dân. Đến thời điểm hiện tại hầu hết các nước đã ghi nhận quyền này, ít nhất là trên lý thuyết. Và công việc của tôi hôm nay là chứng minh cho bạn một đạo luật tưởng chừng chỉ nằm trên mặt giấy nhưng tiềm ẩn sức mạnh mang đến sự thật và tự do cho chúng ta trong tư cách công dân.

Hộp đựng thức ăn cũng cần được kiểm soát

Một vài năm trước, chính quyền liên bang tiến hành kiểm tra nồng độ chì trong các hộp đồ ăn trưa của học sinh tại trường. Theo kết quả công bố, tất cả 60 mẫu thử đều không cho thấy nồng độ ở mức nguy hiểm. Vì muốn xem xét kỹ hơn kết quả, tôi đã đệ đơn yêu cầu được cung cấp các thông tin ghi nhận được trong cuộc kiểm tra theo phạm vi áp dụng của Luật Tự do thông tin. Thế rồi một năm sau, chuyển đến nhà tôi là một thùng to, bên trong chứa hàng trăm kết quả kiểm nghiệm mà sau đó đã giúp tôi phát hiện ra cứ năm hộp đựng thức ăn thì có một hộp có nồng độ chì cao. Một số thậm chí còn cao hơn mức an toàn cho phép. Thế nhưng Ủy ban An toàn Người tiêu dùng (Consumer Safety Product Commission) lại trả lời: “Tuy thực tế là vậy nhưng bọn trẻ phải dùng lưỡi liếm hộp thì mới bị nhiễm chì.” Tất nhiên, nếu có con nhỏ hẳn bạn biết quá rõ trẻ con sẽ liếm bất cứ thứ gì mà chúng có thể. Vì vậy sau khi chúng tôi đưa tin về việc này, các nhà sản xuất đã buộc phải giảm nồng độ chì được có trong các hộp đựng, còn những hộp đã xuất xưởng trước đó với nồng độ nguy hiểm được thu hồi khỏi thị trường.

Buộc FDA phải hành động

Người phụ nữ bạn thấy trong hình là Kathleen Thorn. Cô vừa hạ sinh một em bé, bên cạnh là gia đình nhỏ gồm một bé 2 tuổi, một bé 7 tuổi và chồng của cô. Hai tuần sau khi chụp bức ảnh này, Kathleen nói với bác sĩ cô muốn sử dụng biện pháp tránh thai. Nhưng thật không may, sáu tuần sau khi bác sĩ kê toa để cô dùng thuốc tránh thai bằng miếng dán da ngoài da, cô đã qua đời vì chứng tụ máu. Vào thời điểm đó, miếng dán ngoài da được xem là có độ an toàn tương đương biện pháp tránh thai bằng thuốc uống bởi cả hai có nồng độ hormone ngang nhau. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, do tiếp xúc trực tiếp với da nên hormone từ miếng dán sẽ đi thẳng vào máu người sử dụng, trong khi đó nếu bạn uống thuốc viên, trước hết nó phải đi qua dạ dày và ruột trước khi hormone được giải phóng vào cơ thể. Sau cái chết của Kathleen, tôi bắt đầu nghiên cứu các trường hợp tử vong liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai. Cuối cùng kết quả cho thấy miếng dán có độ rủi ro gấp ba lần thuốc uống. Dựa trên các thông tin vừa phát hiện, chúng tôi đã thành công khi yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thêm mục cảnh báo trên bao bì miếng dán. Cần nói rõ rằng thuốc tránh thai bằng miếng dán ngoài da chỉ chống chỉ định với một số người, do đó thêm vào mục cảnh báo sẽ nhằm mục đích giúp các bác sĩ lưu ý tốt hơn khi kê toa.

Đưa EPA ra phiên điều trần của Thượng Viện

Trong thời gian thực hiện phóng sự trên, thắc mắc của tôi chuyển đến châu Âu, tôi muốn biết liệu nữ giới ở châu lục này có dùng miếng dán tránh thai như ở Mỹ hay không. Hóa ra, phương pháp này bị cấm ở châu Âu. Tuy nhiên lý do không phải vì độ rủi ro cho người sử dụng mà là bởi họ không tìm ra cách tiêu hủy nó một cách an toàn. Nếu bạn cho miếng dán đã dùng vào bồn cầu và giật nước xả, hormone còn sót lại trong miếng dán sẽ theo ống thoát nước đổ ra sông rồi sau đó đi vào lại nước uống của bạn. Còn nếu cho vào thùng rác, hormone có thể ngấm vào đất và hòa vào mạch nước ngầm khi các miếng dán được tiêu hủy tại bãi rác. Thế nên ở châu Âu người ta không cho phép sử dụng miếng dán ngoài da cho biện pháp tránh thai. Vậy mà tại đất nước chúng ta, nó vẫn được sử dụng. Từ phát hiện trên, tôi cùng một số đồng nghiệp đã tìm đến các sở cấp thoát nước trên khắp các tiểu bang để tìm hiểu về quy trình kiểm tra chất lượng nước dùng tại những cơ quan này. Chúng tôi muốn biết liệu quá trình kiểm tra có tính đến dư lượng các loại hóa dược lẫn trong nước hay không – chẳng hạn kháng sinh, ibuprofen, hormone hoặc các hoạt chất tương tự. Các sở cấp nước công cộng đều trả lời chúng tôi với phản hồi tích cực, tuy nhiên, dẫu ở hầu hết mọi nơi được kiểm tra đều tìm thấy ít hay nhiều dư lượng hóa dược, các cơ quan trên chọn cách không công bố kết quả này dựa trên lý giải rằng họ không rõ dư lượng như thế đã đến mức báo động hay chưa, đồng thời cũng chưa có rủi ro rõ ràng nào ở mức đo được hiện tại. Chúng tôi quyết định cho đăng loạt phóng sự về vấn đề này sau khi tìm đến một số nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra các hoạt chất hóa dược sẽ khiến các tế bào máu teo lại, bị biến dạng hoặc phát triển quá nhanh. Rõ ràng có cơ sở để lo ngại những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra nếu chúng ta tiếp xúc với chúng một thời gian dài trong nhiều năm qua đường nước uống. Sau đó nhiều buổi điều trần đã diễn ra tại Thượng viện.

Tôi nhớ đã chứng kiến một vị thượng nghị sĩ truy trách nhiệm Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) trong cơn bức xúc: “Vì sao phải đợi đến khi hãng tin AP công bố trên báo thì chúng ta mới biết có gì trong nước uống?” Tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ khác. Đây mới là cách mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội vận hành, và mỗi bên đang thực hiện đúng vai trò của mình. Là một thành viên của xã hội, cụ thể với tư cách một nhà báo, tôi đang đứng từ bên ngoài một cách khách quan và đảm bảo cơ quan nhà nước thực thi chức năng, nghĩa vụ của mình. Nếu đứng ở bên trong, chẳng chóng thì chày tôi cũng trở thành một đồng minh hậu thuẫn cho các bí mật. Và cũng cần xét rằng, chính nhờ một nền báo chí tự do và một nhà nước có trách nhiệm công khai mà tôi mới có thể làm được như vậy.

Còn tiếp

Nguồn bài viết: https://www.youtube.com/watch?v=KzDE7D52zlA

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.