Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Nguyễn Quốc Tấn Trung (Tổng hợp)
Với quãng thời gian phải bỏ ra dài hơn cả quy trình đào tạo bác sĩ, tính công chúng của nghề nghiệp và lượng kiến thức kinh tế – xã hội mà những người hành nghề cần có; nhiều người tin rằng Luật Sư là một trong những nghề được đánh giá cao và đáng kính trọng nhất trong xã hội.
Song cũng chính vì tính chất này, nghề Luật Sư trở thành một nguyên liệu khai thác dồi dào của giới hoạt động giải trí – văn hóa, dẫn đến sự lãng mạn hóa nghề nghiệp Luật Sư và tạo ra những hiểu lầm đáng tiếc cho các bạn trẻ đang trong độ tuổi định hướng nghề nghiệp.
Vì vậy, trước khi bạn bắt tay vào chuyến đại hành trình tốn kém, dài lâu và đòi hỏi sự cố gắng, hãy cân nhắc vài nhầm lẫn phổ biến đối với nghề Luật Sư.
1. Trở thành Luật Sư là tấm vé bảo đảm cho thành công vươt trội về mặt tài chính / Làm Luật Sư không đủ sống.
Cả hai quan điểm có thể đúng ở một số trường hợp, nhưng nếu muốn cân nhắc theo nghề Luật Sư, bạn cần phải bỏ qua cả hai định kiến này.
Tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Luật Sư luôn có mặt trong top những nghề được trả lương hậu hĩnh nhất; song những mức lương này đều đến từ các mega-firm (những hãng luật duy trì hơn 101 Luật Sư) và chỉ đại diện cho khoảng 1% toàn bộ hãng luật tại Hoa Kỳ theo số liệu của American Bar. Vì vậy, dù nghề Luật Sư là một nghề được kính trọng và sống tốt tại các quốc gia phát triển, nó chưa hẳn khiến mặt bằng chung các Luật Sư đều là những người giàu có.
Ngược lại, tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, quan niệm cho rằng Luật Sư là một nghề không đủ sống cũng rất sai lầm và có thể cản bước tiến của một số bạn trẻ có nguyện vọng. Theo một số thống kê gần đây, các Luật Sư đứng đầu bộ phận pháp chế của các công ty và tập đoàn hoàn toàn có thể hưởng mức lương hàng trăm triệu (VND) mỗi tháng. Những Luật Sư hành nghề nhiều kinh nghiệm và có danh tiếng có thể vượt ngưỡng này.
Tuy nhiên, nếu xét phổ lương từ năm triệu cho đến khoảng mười triệu (VND) dành cho các sinh viên luật vừa ra trường; mức lương trung bình này khá thấp so với các ngành như Marketing, Quản trị kinh doanh hoặc Tài chính, Ngân Hàng với trình độ tương đương.
Vì vậy, nghề Luật Sư là một nghề rất cần kinh nghiệm và sự kiên nhẫn để theo đuổi, hãy cân nhắc lại việc theo nghề này nếu bạn muốn làm giàu nhanh chóng.
2. Luật Sư là những người cãi nhau giỏi / Cãi nhau giỏi thì có tố chất làm Luật Sư
Một định kiến thường gặp trong xã hội về nghề Luật Sư. Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ rằng cãi nhau và nghề Luật Sư (ở Việt Nam thậm chí được gọi là nghề thầy cãi) không có cái mối liên kết chặt chẽ như mong đợi.
Trước tiên, cãi vã là quá trình tranh luận thường ngày sử dụng nhiều tiểu xảo ngôn ngữ và logic, mà theo ngôn ngữ khoa học có thể gọi tên như “công kích cá nhân”, “đánh tráo khái niệm” hay “sử dụng sai tam đoạn luận”. Nói cách khác, cãi nhau là quá trình các bên đàn áp lập luận lẫn nhau một cách không hệ thống nhằm đạt đến chiến thắng cho tự mãn cá nhân.
Việc hành nghề của Luật Sư, ngược lại, nhắm vào sự thuyết phục. Điều này được thể hiện ở cả kỹ năng viết và kỹ năng nói, có đối tượng là khách hàng, đối tác giao dịch của khách hàng (trong quá trình tư vấn) và nhắm đến bồi thẩm đoàn, hội đồng xét xử (trong quá trình tranh tụng).
Hiển nhiên việc phản biện thành công lập luận của Luật Sư đối lập (hoặc các vị trí khác) là cần thiết, nhưng mục đích cao nhất của các cuộc tranh luận cũng nhằm đi đến mục tiêu tối thượng là thuyết phục hoặc thỏa hiệp với một chủ thể nào đó. Vì vậy, các “kỹ năng” cãi nhau thuần túy ít khi mang lại lợi ích cho Luật Sư cũng như thân chủ của họ.
3. Luật Sư cần thuộc lòng quy phạm pháp luật
Theo đánh giá của nhiều luật sư, đây có lẽ là lầm tưởng thường gặp nhất của xã hội đối việc học luật và Luật Sư.
Dù không thiếu các Luật Sư chuyên ngành hoặc nhiều năm kinh nghiệm có thể nhớ chi tiết các điều khoản của một số văn bản pháp luật, điều này không đồng nghĩa với việc họ có thể thuộc lòng toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật; và cũng không đồng nghĩa với việc hành nghề Luật Sư nói chung cần thiết phải như vậy.
Thực tế, người Luật Sư cần hiểu rõ bản chất, nguyên tắc và phương pháp áp dụng của quy định pháp luật. Ví dụ cụ thể, đối với các Luật Sư hình sự, việc ghi nhớ các quy định trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự sẽ không giúp ích gì cho quá trình hành nghề. Thay vào đó, họ cần phải hiểu và nắm rõ các cấu thành tội phạm, đặc trưng cần phân biệt giữa những loại tội phạm cũng như bản chất của từng giai đoạn tố tụng.
Trí nhớ tốt là một điểm cộng lớn cho người Luật Sư (cũng như đối với nhiều ngành nghề khác), nhưng đây không phải là tố chất quyết định của quá trình hành nghề luật.
4. Luật Sư luôn đối mặt với những thử thách trí tuệ hào hứng
Hành nghề Luật Sư đòi hỏi một sự sẵn sàng cao độ về lý trí cũng như thể chất, các công việc cũng cần đầu tư chất xám một cách bắt buộc và nghiêm túc. Tuy nhiên, đa phần các công việc thường ngày của các Luật Sư lại mang tính chất nhàm chán và lặp lại.
Điều này đặc biệt đúng nếu xét tới trường hợp của các sinh viên mới ra trường hoặc Luật Sư vừa vào nghề tại các hãng luật có quy mô, khi công việc của họ thường xuyên là những nhiệm vụ chi tiết, vi mô như rà soát văn bản, kiểm tra trích dẫn, tổng hợp tài liệu – hồ sơ, soạn thảo thư trả lời liên lạc thường ngày.
Kể cả đối với các Luật Sư đứng đầu, vì lý do hiệu quả kinh tế, yêu cầu thời gian của khách hàng và bản chất vụ việc (đặc biệt đối với các Luật Sư doanh nghiệp, thương mại), họ buộc phải xây dựng một hệ thống hồ sơ mẫu, tình huống và văn bản tư vấn tiền lệ để có thể tham khảo hoặc sử dụng trực tiếp nếu phù hợp.
Cho những bạn trẻ mong muốn theo nghề luật vì nghĩ rằng đây là một nghề nghiệp năng động và vinh quang như trong các sản phẩm của Hollywood, các bạn cần suy nghĩ lại. Có thể nói 95% công việc của một Luật Sư (kể cả tư vấn lẫn tranh tụng) nằm trên bàn giấy.
5. Là Luật Sư, tôi có thể loại bỏ sự bất công và ảnh hưởng đến các thay đổi xã hội.
Quan điểm này không sai, nhưng không thể gọi là chính xác nếu cân nhắc nó là một yếu tố để lựa chọn nghề Luật Sư.
Với tư cách là Luật Sư, một trong những nghĩa vụ nghề nghiệp là bảo vệ người yếu thế, bảo vệ công lý và hỗ trợ quá trình cải cách tư pháp. Sự có mặt của Luật Sư trong các phiên toàn hình sự cũng là một hình thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên, các công việc thông thường hằng ngày như hoạt động tư vấn thương mại, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại hay kể cả bảo vệ thân chủ trong một phiên tòa hình sự ít khi liên quan đến việc chiến thắng của cái thiện với các ác mà chỉ là vấn đề của sự thật khách quan và áp dụng văn bản pháp luật có hiệu lực.