Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong tiến trình cải cách hành pháp và tư pháp, thay vì nhắm đến cải thiện một nền pháp quyền trọn vẹn và đầy đủ, nơi các cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật; một công cụ khác được ra đời dùng để làm chuẩn mực riêng cho các cá nhân nắm quyền – đạo đức. Sản phẩm lâu đời của Nho giáo phong kiến nhanh chóng được ưa thích bởi các quan chức. Nó trở thành thước đo sự thành công của một vị trí lãnh đạo hoặc thậm chí là cơ sở xử lý đảng viên sai phạm.
Kỳ trước:
Dịch giả: Étranger Nguyen
Dịch từ chương “Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie
Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)
Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
————
Có một sự căng thẳng kéo dài giữa các phát ngôn về đạo đức và pháp luật tại Việt Nam. Trong quá khứ, đạo đức thường được coi trọng hơn pháp luật (Tạ Văn Tài 1982). Như chúng ta đã thấy, các quy tắc đạo đức cách mạng chứ không phải luật pháp mới là công cụ quản lý xã hội Việt Nam trước thời kỳ đổi mới 1986. Pháp chế chính thức được khuyến khích tại Đại hội VI của Đảng năm 1986, nhưng việc cai trị bằng pháp luật đã không được chính thức thừa nhận tận cho tới khi Đại hội XVII khẳng định khái niệm “nhà nước pháp quyền” năm 1991 (Đỗ Mười 1992:30 – 8). Cùng thời gian đó, hầu hết các nhà bình luận pháp luật đều nhận ra rằng sự phân tách minh bạch giữa pháp luật và đạo đức là tiền đề cho hệ thống pháp luật dựa trên các quyền (Nguyễn Như Phát 1997).
Mặc dù đã có sự thay đổi đáng kể trong pháp chế xã hội chủ nghĩa, những quan điểm về nhà nước pháp quyền đã có rất ít ảnh hưởng lên các nguyên tắc tổ chức Xô viết (tập trung dân chủ và làm chủ tập thể) vốn đã hợp pháp hóa sự lãnh đạo của Đảng. Trong tất cả các tuyên bố chính thức rằng luật pháp chi phối mối quan hệ nhà nước – xã hội, sẽ có những diễn giải khác mạnh mẽ chỉ ra rằng quy tắc đạo đức vẫn còn là một nguồn sức mạnh đầy sức sống của tính hợp pháp và các tiêu chuẩn cho sự lãnh đạo của Đảng. Đảng và Nhà nước nhấn mạnh “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị lãnh đạo toàn diện xã hội … và công cuộc cải cách hệ thống chính trị hoàn toàn không nên động đến điểm then chốt về vai trò lãnh đạo của Đảng” (Học viện Hành chính quốc gia 1991:11 – 9).
Tầm quan trọng ngày nay của các quy tắc đạo đức được diễn giải từ những nỗ lực không ngơi nghỉ để mô tả Đảng là không thể sai lầm – một mẫu mực của đạo đức. Khẳng định của Hồ Chí Minh “Đảng ta là đạo đức” được nhắc đi nhắc lại. Nguyễn Phú Trọng (1999:7), một thành viên của Bộ Chính trị, đã mô tả Đảng một cách khoa trương là “trí tuệ, danh dự, lương tâm của thời đại; Đảng ta là sự hiện thân của trí tuệ, chất lượng, là tinh hoa của dân tộc”[1].
Quy tắc đạo đức được ngụ ý xa hơn bằng việc Đảng tự coi mình là chuẩn mực đạo đức.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IX năm 2001 đã khởi xướng thước đo sau đây để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đề cao các hành vi mẫu mực, và tập trung vào tự phát triển cá nhân (Đảng Cộng sản Việt Nam 2001). Việc đổi mới hành chính công nhằm tuyển dụng và đề bạt những người xứng đáng cũng được lưu ý, nhưng chỉ là một thứ gia vị bên cạnh tư tưởng mẫu mực về đạo đức nằm ẩn dưới quan điểm “Đảng lãnh đạo”. Các báo cáo của Chính phủ cũng tràn ngập những thống kê quy kết những vướng mắc giữa mục tiêu lập pháp và hành vi xã hội cho việc thực thi yếu kém của các viên chức thiếu năng lực nhận thức và đi chệch khỏi đạo đức của Đảng (Ngo Cuong 1997). Chúng giống hệt cả về hình thức lẫn nội dung việc đánh giá đạo đức các hành vi vi phạm pháp luật trong các văn bản pháp lý những năm 1960.
Việc nhận ra những tiềm năng cho sự thay đổi là rất quan trọng. Bằng chứng cho thấy những lực đẩy từ thị trường và những ràng buộc của các hiệp định quốc tế đang thúc ép Đảng phải thay thế những quy luật đạo đức không rõ ràng, dễ dẫn đến sai phạm và lạm dụng bằng các tiến trình tố tụng và hệ thống pháp luật minh bạch. Khi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tăng cường thách thức những kết quả vốn không thể bị nghi ngờ của các quy tắc đạo đức, sẽ là hợp lý nếu Đảng và Nhà nước tìm kiếm những nguồn thay thế cho những mệnh lệnh hành chính – có thể là các mệnh lệnh bắt nguồn từ luật pháp [chứ không phải từ ý muốn của Đảng hay đạo đức]. Các giải pháp đạo đức rất khó khăn để đứng vững trong một nền kinh tế thị trường đa nguyên lai tạp xã hội chủ nghĩa.
Những nghiên cứu ban đầu gợi ý rằng sự chuyển dịch từ các quy tắc đạo đức sang việc cai trị bằng pháp luật đã có những bước tiến vững chắc trong khu vực kinh tế (Nguyễn Thị Oanh 1998:3). Một khi các quy tắc đạo đức bị hạ thấp tầm quan trọng so với các công cụ pháp luật, có thể Đảng sẽ mở rộng giới hạn cho các tranh luận về đạo đức cho các cuộc tranh cãi công khai. Trong khi chờ đợi, các nhà nghiên cứu pháp luật hiếm khi đề cập tới các quy tắc đạo đức, ít hơn nhiều so với sự cần thiết của đạo đức pháp luật. Sự im lặng của họ khá tương phản với những tranh luận trong lĩnh vực văn hóa.
Còn tiếp
Chú giải của tác giả
[1] Người viết dịch lại từ nội dung tiếng Anh.
[2] Người dịch giữ nguyên cách gọi trong văn bản gốc. Ở Việt Nam thuật ngữ tân Khổng giáo không phổ biến, có lẽ bởi vì hệ tư tưởng này cũng đã được hình thành từ 1500 năm trước, và không còn “mới” nữa. Người Việt thường dùng chung thuật ngữ “Nho giáo” hoặc “Khổng giáo” cho tất cả các phiên bản của Nho giáo, và khi cần thiết mới phân biệt Đường Nho hoặc Tống Nho.