Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Đoan Trang
Từ hai vụ án của ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn đã thực tế chứng minh được sai phạm của cơ quan điều tra gần đây, đến những vụ án dang dở còn nhiều nghi vấn của tử tù Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, hay vụ án của blogger Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh đang chờ xét xử, chúng ta thường nghe nói đến hiện tượng vi phạm tố tụng ở cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy, những vi phạm tố tụng nào đang diễn ra trong các vụ án này?
Thuật ngữ “due process” là một khái niệm quan trọng trong quy trình tố tụng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, tiếc rằng ở Việt Nam, nó vẫn còn mới mẻ, chưa được chính thức hóa. Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, có người gọi due process là “pháp trình chính đáng”, cũng có người dịch thành “trình tự tố tụng chuẩn”, “tiến trình tố tụng chuẩn”; bài này tạm thống nhất cách gọi là “chuẩn mực tố tụng”.
Chuẩn mực tố tụng – điều không thể thiếu để tránh oan sai
Tố tụng theo chuẩn nghĩa là tố tụng tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc, trình tự và thủ tục đã được thiết lập sẵn, nhằm đảm bảo bị can, bị cáo nào cũng luôn được xét xử công bằng. Theo đó, không một bị cáo nào bị trừng phạt, xử lý hình sự mà không thông qua những thủ tục chặt chẽ và thích đáng, áp dụng đồng nhất cho tất cả các vụ án. Về nguyên tắc, mọi nghi phạm đều:
– có quyền được xét xử bởi một tòa án công bằng, vô tư, không thiên vị, không định kiến;
– có quyền được thông báo trước về mọi diễn biến trong tiến trình xét xử;
– có quyền được trình bày (kể cả quyền đưa ra bằng chứng, quyền mời nhân chứng), được lắng nghe, được tự bảo vệ mình;
– có quyền được luật sư bào chữa; quyền được đối chất và kiểm tra chéo nhân chứng;
– quyền bác bỏ/ phủ nhận/ không phải khai những điều bất lợi cho chính mình (tức là những lời khai chống lại chính mình, những lời tự nhận tội, thú tội);
– và nếu bị kết tội thì tội đó phải được chứng minh bằng những bằng chứng vượt khỏi sự nghi ngờ hợp lý (tức lý lẽ, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội hoàn toàn đầy đủ, thuyết phục, khiến cho không còn “nghi ngờ hợp lý” nào về sự vô tội của bị cáo).
Sở dĩ phải có chuẩn mực tố tụng, là bởi vì nền tư pháp phương Tây mặc định rằng tòa án không bao giờ có thể đảm bảo không ra phán quyết sai lầm. Trong mọi vụ án, kết quả tốt nhất luôn là kẻ có tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, công lý được thực thi; nhưng nếu không làm được điều đó thì tòa cũng phải đạt được giải pháp tối thiểu, là không để xảy ra oan sai. Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng (gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc công tố, tòa án) phải đảm bảo chuẩn mực tố tụng, “due process”.
Chuẩn mực tố tụng thường được cụ thể hóa trong luật pháp của mỗi nước. Ở Mỹ, Tu chính án số 5 và số 14 của Hiến pháp Mỹ quy định: “Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống, tự do thân thể, hay tài sản, mà không thông qua chuẩn mực tố tụng trong luật pháp…”, “Nhà nước cũng không được phép tước đoạt mạng sống, tự do thân thể, hay tài sản của bất cứ ai mà không thông qua chuẩn mực tố tụng trong luật pháp…”.
Dù chưa có khái niệm tương ứng trong tiếng Việt, nhưng chuẩn mực tố tụng cũng được học tập và thể hiện khá rõ ràng trong luật pháp Việt Nam, thông qua Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Tuy nhiên, dù các quy định pháp lý xây dựng chuẩn mực tố tụng tương đối đầy đủ, hầu hết các vụ án oan sai tồn tại ở Việt Nam vẫn do cơ quan điều tra và cơ quan công tố đã không tuân thủ đúng chuẩn mực đặt ra, chẳng hạn: Không cho bị can, bị cáo gặp luật sư sớm; sử dụng bức cung, nhục hình; kết tội chỉ dựa vào lời khai (do bị ép cung) của bị can, bị cáo… Nói cách khác, hầu hết các án oan sai được phát hiện xuất phát từ việc cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm chuẩn mực tố tụng quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Làm sai lệch hồ sơ vụ án – từ vụ án Nguyễn Thanh Chấn đến vụ án Hồ Duy Hải
Sau hơn 10 năm phải ngồi tù oan vì tội danh giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn đã chính thức được trả tự do vào năm 2014. Trước đó, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào cuộc và xác nhận hai cá nhân trực tiếp thực hiện quá trình điều tra – ông Trần Nhật Luật, nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, người trực tiếp điều tra vụ án và ông Đặng Thế Vinh, Kiểm sát viên, trực tiếp thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra vụ án – đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cụ thể hành vi làm sai lệch hồ sơ vẫn còn đang được xác minh.
Trong vụ án Hồ Duy Hải, vấn đề về sai lệch hồ sơ vụ án cũng được giới chuyên gia đánh giá là nghiêm trọng.
Biên bản giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/1/2008 tại Bưu cục Cầu Voi… không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. Những dấu vân tay đó của ai thì cơ quan điều tra không xác minh được.
Cái mà cơ quan điều tra cho là hung khí cũng biến mất khỏi hiện trường vụ án. Nhân chứng Nguyễn Văn Thu ra chợ mua một con dao nộp cho Ban Công an xã và khẳng định “nó giống với con dao đã mất” tại hiện trường (21/3/2008). Về sau, con dao này được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An sử dụng để truy tố Hồ Duy Hải về hành vi giết người.
Đó là sự vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngay từ định nghĩa về vật chứng (Điều 74).
Bức cung, nhục hình: Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Chưởng
“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén vừa được trả tự do trong tháng 10 năm 2015 sau 17 năm tù tội là một minh chứng rõ ràng cho vấn nạn bức cung nhục hình trong phương pháp chứng minh của cơ quan điều tra Việt Nam. Trong vụ án này, việc thu thập chứng cứ bỏ qua quá nhiều chứng cứ quan trọng; thậm chí lời khai nhận tội của ông Nén không hề trùng khớp với hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi; mâu thuẫn hoàn toàn với lời khai của các nhân chứng. Có lần ngay tại phiên tòa, ông Nén đã cởi áo để chỉ các dấu vết ông bị đánh đập để ép buộc nhận tội.
Vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng phát sinh những vấn đề tương tự. Năm 2009, anh Chưởng đã gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
Không chỉ có tử tù Nguyễn Văn Chưởng cáo buộc bị cơ quan điều tra đánh đập, mà nhân chứng Trần Quang Tuất – người từng xác nhận Chưởng có bằng chứng ngoại phạm – cũng phản ánh việc bị công an tra tấn, ép cung: “Tôi bị các anh công an dọa nạt, chửi bới, có lúc khóa tay vào ghế, đấm vào đầu, dọa bắt giam tôi… suốt cả ngày làm việc các anh công an luôn bắt ép tôi phải viết là: Không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng, và việc tôi làm giấy xác nhận để gửi cho cơ quan công an [trước đó] là do tôi nhớ nhầm…” (18/4/2013).
Trong khi đó, một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình sự đã là “nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình” (Chương II), vốn vô cùng cơ bản trong chuẩn mực tố tụng.
Kết tội chỉ dựa vào lời khai – tiền lệ điều tra cho đến vụ án Lê Văn Mạnh
Việc cơ quan điều tra tại Việt Nam kết luận hành vi phạm tội của một bị cáo dựa trên lời khai của bị cáo này, sau đó vẽ lại tiến trình thực hiện hành vi mà ít khi được củng cố bởi các chứng cứ hiện vật, khoa học, đã trở thành một tiền lệ quen thuộc đến nguy hiểm tại một số cấp điều tra, biểu hiện ở hầu như tất cả các vụ án đã được nhắc đến ở trên.
Trong vụ án Lê Văn Mạnh (2005), tất cả chứng cứ kết án Lê Văn Mạnh đều là lời khai của bị cáo cùng một bức thư “nhận tội” bị cáo gửi ra ngoài cho gia đình trong thời gian bị tạm giam. Điều này vi phạm quy định tại Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Vụ Ba Sàm: Sai phạm trong quy trình khám xét, thu thập vật chứng
Hai blogger Nguyễn Hữu Vinh (tức Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy đang chờ xét xử. Đây cũng là một vụ án mà cơ quan điều tra – một bên tham gia tiến trình tố tụng – có nhiều sai phạm, vi phạm chuẩn mực tố tụng.
Chẳng hạn, ngay việc “bắt khẩn cấp” ông Vinh và bà Thúy vào ngày 5/5/2014 đã có vấn đề. Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ cho phép bắt khẩn cấp khi:
a) có căn cứ để cho rằng người bị bắt đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Trên thực tế, ông Vinh và bà Thúy bị cáo buộc vi phạm Điều 258 Bộ luật Hình sự, đây không phải là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hai người bị bắt khi đang ở nhà, không có ai trông thấy, và cả hai cũng không hề có hành vi bỏ trốn.
Do vậy, có thể cho rằng ông Vinh và bà Thúy bị bắt khẩn cấp vì rơi vào trường hợp c), tức là “có dấu vết của tội phạm ở người hoặc chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”. Nhưng chứng cứ để cáo buộc lại là những bài viết trên Internet, do Cơ quan An ninh Điều tra truy cập và in ra từ máy tính của ông Vinh khi… không có mặt ông hay người nhà của ông ở căn phòng đó. Việc này vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự (liên quan đến thu thập, xử lý, bảo quản vật chứng), vì thế, chứng cứ ấy cũng không hợp lệ.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là, vì sao với những chuẩn mực tố tụng trong pháp luật hình sự Việt Nam được quy định chi tiết, các sai phạm vẫn lọt qua được sự kiểm tra của viện kiểm sát, tòa án và từ đó dẫn đến oan sai. Có thể là sự thiếu vắng luật sư ngay từ khi can phạm bị khởi tố, sự bị động của tòa trong suốt tiến trình diễn ra vụ án và còn quá lệ thuộc vào hai cơ quan công tố cũng như hậu quả của việc vi phạm chuẩn mực tố tụng đối với các cá nhân thực hiện còn ở mức “rung cây nhát khỉ”. Đây là những điều mà pháp luật Việt Nam đang dần buộc phải sửa đổi, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến bị cáo, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp.