Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bộ phim Conviction (Kết án) phát hành năm 2010 dựa trên một câu chuyện có thật về Betty Anne Waters. Khi anh trai của cô bị kết án về tội giết người, Betty Anne Waters bỏ nghề bồi bàn để đi học luật nhằm chứng minh rằng anh vô tội. Mười tám năm sau, cô phơi bày sự thật, anh của cô không còn phải chịu cảnh tù đày, nhưng cái giá cô phải trả là gì?
Trâm Huyền (dịch)
Tác giả Decca Aitkenhead – Thứ bảy, ngày 11 tháng 12 2010, 00.02 GMT
Câu chuyện trong một bộ phim sắp ra vào năm sau (năm 2010 – ND) thoạt nhìn có vẻ giống như một loạt những bộ phim đẫm nước mắt liên quan đến tù tội mà Hollywoood đã từng sản xuất. Một chàng trai trẻ cuốn hút nhưng bất ổn định – một kẻ phá phách xóm làng – bị nghi giết hại dã man một người phụ nữ hàng xóm. Cả nhà anh ta bàng hoàng khi anh ta bị kết tội và chịu án chung thân không cơ hội được thả trước thời hạn. Mọi lời quả quyết khẳng định vô tội đều như đàn gảy tai trâu, mọi đơn kháng án bị bác và chàng trai buộc phải sống suốt phần đời còn lại trong tù. Trong tuyệt vọng, cô em gái của chàng trai – một tiếp viên quán bar chưa học hết trung học – quyết định đi học luật, hy vọng sẽ tự mình chiến đấu để chứng minh anh mình vô tội. Bất chấp tất cả, cô tìm thấy bằng chứng DNA để minh oan cho anh mình và cuối cùng, sau 18 năm ngồi tù, anh cô được trả tự do.
Giống như những phim như Shawshank Redemption hay Green Mile, phim Conviction (Kết Án) muốn làm bật lên một sự nhân bản từ nỗi tuyệt vọng của hệ thống nhà tù Hoa Kỳ. Sự khác biệt là câu chuyện phía sau phim Conviction là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Betty Anne Waters thật sự là một tiếp viên bán thời gian tại một quán bar, cô thật sự đã đi học luật và một tay minh oan cho anh mình. Trong quá trình đó, cô hy sinh một cuộc hôn nhân và, tại một thời điểm, cả cuộc sống với hai đứa con trai của cô. Một thập niên sau ngày anh trai cô được thả, phim Conviction mang câu chuyện của cô đến với màn bạc.
Câu chuyện tưởng như của một nàng Erin Brockovich khác, nhưng các nhà làm phim đã không nhắc đến một chi tiết oái ăm cuối cùng của câu chuyện vì họ sợ khán giả xem phim sẽ không thể chịu được nó.
Tôi gặp cô Waters, 55 tuổi, khi cô bay sang London để quảng bá cho bộ phim. Vẻ mặt thận trọng nhưng nhẹ nhàng của cô cho người ta cảm giác lạ là cô vừa ngượng ngập vừa không xúc động mấy. Cô có cách nói chuyện ngập ngừng, không để lộ cảm xúc. Bề ngoài của cô trông có vẻ là đã được chăm chút hơn trước đây nhiều, nhưng trong cách cô kể chuyện mình không có dấu hiệu của sự tỉa tót. Cô kể một cách ngắc ngứ và không sử dụng những hoa mỹ hùng biện hay những khoảnh khắc im lặng tạo hiệu ứng. “Bạn nghĩ là cuộc đời không thể điên hơn chút nào nữa, ” cô nói. ” Nhưng, thế đấy!”
Waters sinh năm 1955, một trong chín người con trong một gia đình mà nếu họ đã sống tại miệt thâm Nam Hoa Kỳ, họ đã có thể được tả thuộc dạng “nhà quê da trắng” (white trash). Nhưng không, đám trẻ trong nhà lớn lên tại miền đồng quê bang Massachusetts trong một thị trấn nhỏ tên là Ayer, nơi họ có tiếng là “một trong những gia đình đó” – hoang dại và không thể quản lý. Loại gia đình hay hái trộm táo nhà bạn hay làm những việc tệ hơn thế. Lũ trẻ có những người cha khác nhau và luôn vắng mặt trong khi mẹ của chúng lộn xộn và hờ hững. Waters và anh trai Kenny, lớn hơn cô một tuổi, nhiều lần phải gặp riêng cảnh sát từ khi còn nhỏ. Thỉnh thoảng lũ trẻ trèo vào nhà hàng xóm ăn cắp kẹo. “Chúng tôi như những đứa thổ dân da đỏ bé xíu, bạn có thể nói thế.” Cô cười.
Vào cuối những năm 1970, gia đình cô chuyển đến bang Rhode Island nơi Waters bỏ học trung học một năm trước khi hết cấp để đi làm bán thời gian tại một nhà hàng với anh Kenny. Kenny về lại Ayer để chăm sóc cho ông ngoại và khi ông ở đó, một người hàng xóm bị cướp của và đâm đến chết. Cảnh sát lập tức tìm tới Kenny để tra hỏi vì ông có tiền án tiền sự. Nhưng Kenny có bằng chứng ngoại phạm: ông làm việc cả đêm tại một hàng ăn trong thị trấn nơi ông gây gổ với một người cảnh sát và sau đó ông đã đi thẳng từ chỗ làm tới tòa vào buổi sáng hôm sau để chịu tội đánh cảnh sát. “Lần đầu tiên tôi đã nghĩ thật mừng là Kenny ra tòa.” cô Waters nói. “Thật là một bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo. Kenny không thể là nghi phạm giết người.”
Hai năm rưỡi sau đó, bất ngờ cảnh sát bắt giữ Kenny và kết tội ông giết người. Cả gia đình tính mời luật sư bào chữa tư nhân nhưng khoản tiền cọc thôi đã là 50,000.00 đô. “Anh Kenny bảo là, ‘Đừng có đi thuê luật sư, chỉ tốn tiền vô ích thôi vì tất cả bằng chứng cho thấy anh vô tội,'” và thế nên họ không thuê luật sư nữa. Cô Waters đã lo lắng chứ? “Không chúng tôi đã nghĩ việc đó thật là ngớ ngẩn. Chúng tôi đã nghĩ là Kenny sẽ được về nhà với chúng tôi. Nhưng rồi, dĩ nhiên, phiên tòa bắt đầu, và nó là một câu chuyện khác.“
Khi Kenny bị bắt, Waters đã đến kiểm tra chỗ hàng ăn tại thị trấn Ayer để đảm bảo là họ còn giữ những giấy báo công nhật có thể dùng để chứng minh ngoại phạm cho Kenny. “Tôi đã lo lắng, vì đã qua hơn hai năm rồi. Cô gái ở hàng ăn nói với tôi “Ừ tôi tìm được chúng cho cảnh sát rồi, họ đang trên đường đến đây lấy đây’” Nhưng, phiên tòa bắt đầu và tòa được bảo là không hề có giấy báo công nhật nào được tìm thấy cho tuần diễn ra vụ việc.
Waters bắt đầu hoang mang. “Nhưng lúc đó thì quá muộn rồi. Tôi biết là cảnh sát có những giấy báo công đó trong tay nhưng tôi không thể ra trước tòa nói với bồi thẩm đoàn như thế vì tôi đã có mặt dự thính trong phiên tòa và đã biết về các bằng chứng được đưa ra, và vì thế tôi không thể làm một nhân chứng của vụ việc được. Thật là điên khùng.”
Mọi thứ chỉ trở nên tệ hơn. Một người bạn gái cũ là Brenda Marsh, vốn đã sống với Kenny tại thời điểm diễn ra án mạng, khai trước tòa là ông đã về nhà vào sáng hôm sau án mạng trong tình trạng say khướt với nhiều vết xước trên người. Cô ta nói ông đã không hề đến làm chỗ hàng ăn và cũng chẳng hề đến tòa hôm đó. Theo cô Marsh – người mẹ của đứa con duy nhất của Kenny – khi cô và Kenny chia tay sau đó, trong một lần đánh nhau lúc say rượu, Kenny đã thú nhận ông là thủ phạm vụ án mạng. Một người bạn gái cũ khác, Roseanna Perry, cũng ra tòa làm chứng là ông đã thú nhận như thế với cô ta trong một lần say xỉn. Bồi thẩm đoàn tuyên Kenny có tội và vào tháng Năm năm 1983, khi vừa 29 tuổi, Kenny nhận án tù chung thân không có cơ hội thả trước thời hạn.
Nhưng khi ấy, Waters không từ bỏ hy vọng. “Ngay sau khi kết án, Roseanna bắt đầu gọi điện thoại cho mẹ tôi vào lúc hai giờ sáng, say khướt và nói rằng “Con xin lỗi.” Và cô ta muốn rút lại lời khai.” Waters tìm được một luật sư và cô Perry ký một bản khai có tuyên thệ thú nhận cô nói dối. Tòa cho phép kháng án và một lần nữa Waters đã tưởng là anh Kenny của cô sẽ được về nhà sớm. “Và rồi Roseanna lại giở trò. Cô ta nói cô ta chỉ ký vào bản khai có tuyên thệ kia vì gia đình Waters bắt cô ta ký. Cô ta sợ phải đi tù về tội khai man trước tòa.” Đơn kháng án thất bại.
“Đó là lúc tôi thật sự hoảng sợ . Trước lúc đó tôi đã nghĩ là hệ thống có thể làm được việc. Tôi đã luôn nghĩ là chỉ có những người có tội mới phải đi tù. Tuyệt đối thế. Thế nên tôi đã cảm thấy rất sốc.”
Làm cách nào mà Waters có thể chắc chắn anh cô vô tội? “Ừ thì, đầu tiên là tôi biết anh tôi. Anh ấy không biết cách xử lý tình huống thế nên nếu có ai lao vào đánh anh ấy thì anh ấy đánh lại – nhưng anh ấy không phải là kẻ hiếu chiến. Khiêu khích anh ấy và anh ấy sẽ không biết kiềm chế – nhưng anh ấy sẽ không lao vào nhà một người nào đó và cố gắng giết họ. Anh ấy không như thế. Thêm nữa, tôi biết về các bằng chứng. Thế nên tôi chẳng hề nghi ngờ dù chỉ một giây là anh ấy có tội. Tôi đã luôn biết anh ấy vô tội.”
Nhưng anh trai cô thì đang mất niềm tin. Trong tuyệt vọng, Kenny tìm cách tự sát. Không thành công, nhưng ông nói với cô qua điện thoại từ nhà giam “Betty Anne, anh không thể sống hết phần đời còn lại trong tù. Anh không thể.” Waters quýnh lên, kinh hãi là anh cô có thể thử lần nữa. Rồi Kenny nói với cô, “Betty Anne, nếu em đi học lại và trở thành luật sư của anh, anh biết em sẽ đưa anh ra được. Anh không quan tâm phải đợi bao lâu.” Cô hứa cô sẽ làm như thế, nếu anh cô hứa sẽ không tự sát.
“Và đó là giao kèo của chúng tôi. Nhưng tôi đã không hề nghĩ ngay từ lúc đó là “Ừ ha, mình cứ làm thế, mình sẽ đi học luật và mình sẽ thi đậu lấy bằng luật sư và mình sẽ tìm ra bằng chứng để cứu anh ấy ra,” Waters cười. “Không, tôi không hề nghĩ thế dù chỉ một giây. Tôi đã nghĩ, cứ đăng ký học đi cho anh ấy sống tiếp và có thể điều gì đó sẽ xảy ra nhưng ít ra anh ấy cũng sẽ không tự sát.” Và ở độ tuổi chớm ba mươi, đã kết hôn và có hai đứa con, cô tiếp viên quán bar đến đăng ký học tại trường cao đẳng cộng đồng gần nhà và bắt đầu hành trình 13 năm học hành đằng đẵng và cô đơn.
Waters chỉ mới hoàn thành bằng đại học đầu tiên[1] khi chồng cô rời bỏ cô. Ông phàn nàn là cô yêu anh trai mình hơn yêu ông ta. Vài năm sau, hai đứa con trai cô chọn việc sang ở với bố, đẩy Waters tới chỗ trầm cảm nặng. Bộ phim có ngụ ý là bọn trẻ bỏ đi vì mẹ chúng quá cống hiến cho việc học, nhưng đây là điểm duy nhất trong bộ phim mà Waters muốn sửa lại cho đúng, cô nói rõ ràng, “Không, tôi không mất các con trai của tôi. Người ta nói thế nhưng thật ra chúng sang sống với bố chừng hơn một năm thôi, và lý do không phải vì Kenny, tin tôi đi. Tôi có thể thu xếp cuộc sống để giành nhiều thời gian cho các con và chúng không hề cảm thấy bị bỏ rơi. Chúng sang ở với chồng tôi vì chồng tôi muốn thế, và tôi nghĩ là vì anh ấy đã tức giận với tôi. Nhưng đúng là khoảng thời gian đó rất cô đơn. Đó là quãng tệ nhất trong cuộc đời tôi.” Cô dừng lại và cười. “Tôi nói thế, nhưng tôi cũng có những quãng thật tệ khác trong đời, nhưng cái tệ ấy là một kiểu tệ khác.”
Còn tiếp
Chú giải của người dịch
[1] Bằng luật sư ở Mỹ là bằng sau đại học, những người học luật phải có trước một bằng đại học rồi mới đăng ký đi học luật.
Nguồn bài viết: