Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bộ phim Conviction (Kết án) phát hành năm 2010 dựa trên một câu chuyện có thật về Betty Anne Waters. Khi anh trai của cô bị kết án về tội giết người, Betty Anne Waters bỏ nghề bồi bàn để đi học luật nhằm chứng minh rằng anh vô tội. Mười tám năm sau, cô phơi bày sự thật, anh của cô không còn phải chịu cảnh tù đày, nhưng cái giá cô phải trả là gì?
Trâm Huyền (dịch)
…
Ngay cả khi đã vào được trường luật, Waters không có những khoảnh khắc khám phá tri thức bừng sáng kiểu trong phim Educating Rita[1]. Trái lại, “Tôi đã luôn nghĩ là ‘Nếu mình không tìm ra gì thì sao? Đi đâu từ đây?’. Đó là một khoảng thời gian tệ hại đầy lo lắng. Quãng thời gian học cao đẳng cộng đồng ít căng thẳng hơn vì tôi giữ được Kenny sống. Nhưng bây giờ thì sao?”
Khi ấy Waters đã không còn nói với ai về việc người anh trai cô phải ở tù. “Bạn thấy đấy, khi Kenny mới bị kết án tôi đã bảo với mọi người là ‘Anh tôi đang ở tù mà anh ấy vô tội.’, và tôi luôn bắt gặp những cái nhìn kiểu ‘Tôi rất tiếc Betty Ann nhưng có thể là anh cô có tội thật.’ Tôi có thể cảm thấy cái nhìn đó. Và tôi biết, vì tôi có thể đã nghĩ giống thế. Tôi hiểu cái nhìn đó vì nếu bạn trong tù thì có nghĩa là bạn có tội rồi, phải không? Tại sao bồi thẩm đoàn kết án bạn? Tại sao hệ thống lại đẩy bạn vào tù? Chắc phải vì một cái gì đó. Biết thế nên tôi chả buồn nói với ai nữa.” Waters chỉ kể chuyện anh trai mình cho đúng một người – một phụ nữ cô gặp ở trường luật, người rất nhanh chóng trở thành người bạn thân nhất của cô.
Và lúc đó, một cách bất ngờ, Waters tạo ra đột biến. Trong trường luật, cô đọc được một bài báo khoa học về DNA và biết được về Dự án Vô Tội (the Innocence Project), một tổ chức do luật sư Barry Scheck thành lập để yêu cầu tòa án xem xét lại một số vụ việc dựa trên bằng chứng DNA. Tại thời điểm Kenny bị kết án, chưa có nhiều hiểu biết về bằng chứng DNA. Waters nhận ra rằng nếu cô có thể lần tìm lại các mẫu vật bằng chứng trong vụ việc của anh mình và thử nghiệm DNA, cô có thể minh oan cho anh mình.
Tự nhận đang viết một bài báo nghiên cứu, Waters và người bạn thân nhất của cô bắt đầu gọi cho thư ký tòa ở thành phố Boston. Lúc đầu, họ được bảo tất cả các bằng chứng đã bị tiêu hủy, nhưng họ tiếp tục thỉnh cầu và kiến nghị, cho tới khi thuyết phục được một người thư ký cho họ vào tìm trong kho của tòa. Một chiếc hộp được tìm ra có chứa bằng chứng của vụ án mạng năm xưa: một miếng rèm cửa dính máu, và một con dao. Waters liên lạc với Dự án Vô Tội. Luật sư Scheck đồng ý cùng làm luật sư bào chữa và một lần nữa Waters nghĩ là anh cô có thể sớm về nhà.
Nhưng Waters bất ngờ khi Kenny từ chối việc thử DNA. “Anh ấy không hiểu về DNA, nó vẫn còn mới, và anh ấy sợ là bọn họ lại tạo ra bằng chứng là anh ấy có tội trong khi anh vô tội.” Trừ phi Kenny đồng ý thử DNA, còn không thì Waters và Scheck không thể làm gì. Cô Waters có thấy lo lắng tí nào không, cho dù chỉ trong một giây, rằng có thể Kenny từ chối vì một lý do mờ ám nào? “Không,” cô nói nhẹ nhàng trong khi liếc nhìn tôi một cách ngạc nhiên. “Không, tôi không hề lo lắng.”
Cuối cùng, Waters cũng thuyết phục được anh mình thử DNA. Bằng chứng DNA thu được chứng minh được sự vô tội của Kenny và vào tháng 3 năm 2001, với cô em gái bên cạnh, Kenny bước ra khỏi một phòng tòa tại thành phố Boston và đi về phía tự do giữa một rừng phóng viên. Ông là tù nhân thứ 83 trong lịch sử Hoa Kỳ được minh oan bằng bằng chứng DNA.
Ngay sau đó Kenny vẫn không hoàn toàn được tự do. Án giết người của ông được hủy nhưng phòng công tố địa phương muốn xử ông lại với tội đồng lõa giết người. Thế là Waters cùng người bạn thân từ trường luật và luật sư Scheck lại phải lần tìm lại hai người bạn gái cũ đã đưa ra bằng chứng chống lại Kenny. Họ muốn chứng minh những người phụ nữ này nói dối.
Hóa ra hồi ấy chính bạn trai của bà Marsh là người đã liên hệ với cảnh sát và rao bán lời thú tội của cô ta đổi lấy tiền. “Bà ta đã luôn biết mình dối trá,” Waters nói với một thoáng giận dữ. ” Bà ta bảo bà ta phải làm vậy.” Cảm giác thế nào khi phải gặp người phụ nữ đã khiến anh cô phải vào tù cả thập kỷ trước? “Ừ thì,” Waters cười, “cảm giác nặng nề. Tôi căm ghét người đàn bà đó. Nhưng tôi nghĩ là tôi đã biết bà ta sẽ rút lại lời khai, tôi nghĩ bà ta đã luôn muốn làm điều đó, nhưng sợ chịu tội khai man. Nhưng khi Kenny được thả tự do, bà ta hẳn biết là hết đường chối cãi. Giờ bà ta phải nói sự thật.”
Bà Perry cũng xin rút lại lời khai một cách dễ dàng. Khi cảnh sát tiếp cận bà ta 17 năm trước, bà ta ban đầu cũng khẳng định là Kenny đã luôn nói với bà ta là ông ấy vô tội. “Nhưng cảnh sát cứ quay lại tìm bà ấy, rồi lại mang bà ấy lên đồn – bản thân bà ấy cũng có tiền án tiền sự. Và tôi nghĩ là họ đã hứa với bà ấy sẽ xóa án tích. Họ cho bà ấy thấy hình hiện trường án mạng và bảo rằng ‘Kenny đã làm việc này.’ Và họ bảo bà ấy,’Chúng tôi đã có tất cả những bằng chứng chúng tôi cần. Chúng tôi chỉ cần cô nói sự thật và chúng tôi biết cô biết điều gì đó.’ Cô cứ nói ‘Không, tôi không biết.’ cho tới khi cô ấy thấy hình hiện trường, lúc đó thì cô ấy nói ‘Thôi được rồi’.” Perry đã nói với Waters rằng bà ta không hề biết rằng lời khai của mình sẽ giúp ghép tội Kenny thành công. Bà ta ký một lời khai có tuyên thệ xác nhận lời đã khai là dối trá.
Cuối cùng sau 18 năm đằng đẵng, Kenny được tự do. Ông về sống với cô em gái và cả hai xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình, cả chương trình của Oprah Winfrey, để kể lại câu chuyện của họ. “Ôi chúa ơi anh Kenny đã rất mừng, rất vui sướng,” Waters kể lại. Trong những tháng sau ngày Kenny được thả, Waters được một loạt các công ty điện ảnh liên lạc. “Anh Kenny rất vui thích về việc đó. Anh ấy cứ nói,’Betty Anne, họ muốn làm phim về em kìa!’“
Nhưng Waters vẫn không hài lòng. “Bằng chứng DNA giải oan cho Kenny nhưng nó không chứng minh được những gì cảnh sát thị trấn Ayer đã cố tình làm với anh ấy. Và đó là thứ mà tôi muốn chứng minh.”
Sau khi Kenny bị kết án, Waters đã thấy các báo cáo cảnh sát nhắc tới việc bằng chứng vân tay loại một nghi phạm khác khỏi phạm vi điều tra. Nhưng bằng chứng vân tay không hề được sử dụng khi tranh tụng trên tòa; phía cảnh sát còn khẳng định họ không tìm thấy bằng chứng vân tay nào có thể sử dụng được từ hiện trường. “Và tôi đã nghĩ đại loại là ‘Thế những dấu vân tay đó đâu?’ Vì nếu bằng chứng mà đủ mạnh đến mức loại trừ được nghi phạm ban đầu thì nó cũng đủ mạnh để loại trừ nghi phạm khác.”
Waters mất thêm bảy năm nữa để lần ra bằng chứng cho việc cảnh sát đã cố tình đưa một người vô tội vào tù. “Chuyện xảy ra là viên cảnh sát đã tìm ra mấy dấu vân tay tại hiện trường nghỉ hưu một tuần trước khi Kenny bị bắt và ông cảnh sát ấy mang cả bằng chứng vân tay về nhà ông ấy. Mới cách đây hai năm, trong lúc phỏng vấn lấy bằng chứng khẩu cung, chúng tôi mới biết ông ấy vẫn giữ những bằng chứng vân tay ấy trước khi ông ta chuyển đến bang Florida. Ông ta để mọi thứ ở trong một kho chứa thế nên chúng tôi nói ‘Chúng tôi muốn nhìn thấy những bằng chứng đó.’ Nghe vậy ông ta bèn nói ‘Ồ tôi không nghĩ những bằng chứng đó có trong kho.’ Thế là chúng tôi xin trát tòa cho đòi bằng chứng và chúng tôi lôi mọi thứ trong kho của ông ấy ra. Dưới cái nóng 110 độ (độ F), chúng tôi tìm ra phong bì có chứa các bằng chứng vân tay, và một bản danh sách có tên anh trai tôi trên đó. Bản danh sách các nghi phạm được loại trừ. Bọn họ đã biết anh ấy không giết người. Bọn họ đã biết ngay từ đầu là anh ấy vô tội.”
Năm ngoái (2009) thị trấn Ayer đồng ý thỏa thuận giàn xếp đơn kiện, trả 3.4 triệu đô bồi thường cho án oan của Kenny. Tháng tới, bộ phim Conviction sẽ ra rạp. Phim có ngôi sao Hilary Swank trong vai Waters và sẽ làm cho câu chuyện của cô trở nên bất tử. Chuyện đã có thể có một kết thúc cổ tích sau một thiên dài ác mộng, và như Waters nói với một nụ cười tiếc nuối, “Anh Kenny đã có thể rất yêu những công việc chúng tôi đang làm, anh ấy đã có thể yêu nó.”
Trong tất cả những năm ông ngồi tù, anh trai cô đã luôn là một hiện diện sống động trong cuộc sống gia đình cô. “Khi bạn nói chuyện trên điện thoại với anh ấy bạn không có cảm giác anh ấy đang trong tù, cứ như anh ấy chỉ đang ngồi phòng kế bên vậy.”
Trong suốt 18 năm, Waters đã giữ cho anh mình sống bằng cách theo đuổi một ước mơ mà chỉ có anh cô là tin vào nó.
Nhưng chỉ sáu tháng sau khi được thả năm 2001, Kenny, trên đường đi ăn tối với mẹ và một người em trai, bèn ghé qua nhà định hỏi xem mấy đứa cháu có thích đem đồ ăn về không. Ông đi đường tắt qua một hàng rào và té ngã một khoảng cách 15 thước xuống đường bê tông. Mười ba ngày sau, với cô Waters bên giường bệnh viện, ông qua đời.
Water không bao giờ làm luật sư nữa. Cô kể là cô được nhờ vả thường xuyên, các thân chủ xin cô bào chữa cho họ, nhưng cô luôn từ chối. Cô làm việc tình nguyện cho Dự án Vô Tội. Đến nay dự án này đã cứu được 285 người tù. Waters không hề muốn làm luật sư.
Cô vẫn làm tiếp viên tại một quán bar ở bang Rhode Island, và trong khi các thành viên khác trong gia đình Waters được làm diễn viên quần chúng trong phim Conviction, cô cũng không hề muốn xuất hiện trong phim.
“Tôi hạnh phúc với những gì mình đang làm.” cô nói nhẹ nhàng.
Chú giải của người dịch
[1] Phim hài Anh năm 1983 về một cô gái làm nghề uốn tóc trở lại học đại học ngành văn chương và làm sống lại niềm đam mê văn chương trong người giáo sư của cô.
Nguồn bài viết: