‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Nguyễn Hoài An (tổng hợp)
Các luật cấm báng bổ tôn giáo nghiễm nhiên trao cho chính quyền quyền phân xử đúng sai về tôn giáo. Và khi một chính quyền độc tài ủng hộ một tín điều tôn giáo nhất định, báng bổ tôn giáo trở thành cáo buộc thường xuyên được sử dụng để dập tắt những tiếng nói đối kháng từ những người phê bình hay những người chủ trương dân chủ.
Theo báo cáo năm 2014 của Ủy ban vì Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, số lượng các nước có chế tài xử phạt những phát ngôn, biểu đạt được cho là báng bổ tôn giáo hay khinh thường, xúc phạm tôn giáo, biểu trưng tôn giáo, hình tượng tôn giáo hoặc tình cảm tôn giáo đang tăng lên. Ở một số nước, các cá nhân có thể đối mặt với án chung thân hoặc thậm chí án tử hình cho những tội danh được gắn nhãn: báng bổ tôn giáo.
Mầm mống của sự áp đặt
Với việc định nghĩa báng bổ là hành động thể hiện sự coi thường hoặc thiếu tôn kính Thượng đế hay những gì thiêng liêng, các luật cấm báng bổ nghiễm nhiên đặt định các chính quyền vào vị trí người phân xử đúng sai trong các cuộc đối thoại tôn giáo. Chúng cho phép các quan chức áp đặt những quan điểm tôn giáo cụ thể (mà họ cho rằng phù hợp với việc trị vì) lên các cá nhân, cộng đồng và những người bất đồng chính kiến. Thực tế là chúng đã cho thấy là dễ bị lạm dụng và lợi dụng hơn là bảo vệ các tôn giáo.
Dù thường được biện minh là thiết chế cần thiết để thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo, song những luật này lại có tác dụng ngược lại. Chúng khuyến khích những cá nhân cực đoan áp đặt, rao giảng công khai quan niệm của họ về chân lý lên người khác (dưới lớp vỏ tôn giáo – có thể là những tư tưởng cực đoan hoặc lạc hậu nhưng được bảo vệ), thậm chí thông qua biện pháp vũ lực; trong khi những cá nhân lên tiếng phản đối các quan điểm tôn giáo này luôn có khả năng trở thành “kẻ báng bổ”. Do đó khiến tình trạng khó dung nạp tôn giáo, phân biệt đối xử và bạo lực tôn giáo chỉ trở nên thêm trầm trọng. Điều này cũng tiềm ẩn những nguy cơ rõ ràng khi các chính quyền độc tài ủng hộ một tín điều tôn giáo nhất định, báng bổ tôn giáo trở thành cáo buộc thường xuyên để dập tắt những ý kiến phê bình hoặc những người chủ trương dân chủ.
Vi phạm chuẩn mực quốc tế
Các luật cấm bảng bố chắc chắn không phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Thay vì bảo vệ cá nhân con người, chúng bảo vệ đức tin và thường dẫn đến những hành vi vi phạm tự do tín ngưỡng và tự do biểu đạt, đặc biệt là khi các cá nhân bị bỏ tù vì bày tỏ đức tin tôn giáo khác với tôn giáo chiếm ưu thế và có ảnh hưởng chính trị.
Theo Điều 18 của Công ước Quốc tế về Dân quyền và Quyền Chính trị (ICCPR), các cá nhân có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, trong đó có quyền thể hiện đức tin tôn giáo thông qua các hoạt động như thờ phụng, tuân thủ giáo luật, thực hành giáo pháp và truyền giảng kinh pháp. Giới hạn áp lên quyền này rất hẹp, và chỉ được phép sử dụng khi cần thiết để bảo vệ “sự an toàn, trật tự, sức khỏe hay đạo đức cũng như các quyền và tự do cơ bản của người khác.” Và tín điều đạo đức, theo Ủy ban Nhân quyền Quốc tế, “phải dựa trên những nguyên tắc không rút ra từ một truyền thống [xã hội, triết học hay tôn giáo] đơn nhất nào.”
Theo nhận định của các chuyên gia luật quốc tế, các điều luật cấm báng bổ tôn giáo hiện nay không phù hợp với các cam kết nhân quyền. Một nhóm chuyên gia quốc tế do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc triệu tập gần đây cũng đưa ra khuyến nghị nên bãi bỏ các luật này “vì chúng bóp nghẹt tự do tôn giáo hay tự do tín ngưỡng, cũng như những đối thoại, thảo luận lành mạnh về tôn giáo.”
Cũng theo các chuyên gia, những luật này đi ngược lại với các nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận ở Liên Hợp Quốc công nhận rằng biện pháp tốt nhất để đấu tranh với tình trạng thiếu dung thứ tôn giáo là thông qua các biện pháp tích cực như giáo dục, phản biện. Hình sự hóa chỉ kích động bạo lực và sự tự mãn tôn giáo. Nói cách khác, chúng hợp lý hóa và hợp pháp hóa cảm giác mong muốn trả thù và sự cần thiết phải trừng phạt dành cho những người chỉ nói lên những gì họ cảm thấy không đúng về tôn giáo đó.
Gia tăng về cường độ sử dụng và phạm vi áp dụng
Khi ngày càng nhiều quốc gia đưa ra chế tài xử phạt tội báng bổ tôn giáo, các trường hợp phải ngồi tù về tội danh này tăng lên về số lượng và được mở rộng về phạm vi rất đáng báo động. Đơn thuần bày tỏ quan điểm khác với một tín điều chiếm ưu thế cũng có thể khiến một cá nhân đối mặt với án tù. Khung hình phạt cho tội này có thể “nhẹ” là vài năm tù giam, đến nặng là chung thân và tử hình.
Điển hình cho những nước có luật cấm báng bổ tôn giáo với con số tù nhân đức tin ở mức cao là Pakistan. Ở đất nước này, cáo buộc báng bổ tôn giáo hết sức phổ biến và luật cấm báng bổ được sử dụng quyết liệt hơn hẳn các nước khác. Theo Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, hiện ở Pakistan có 14 cá nhân mang án tử hình, và 19 người mang án chung thân vì các phán quyết liên quan đến tội báng bổ tôn giáo. Con số bị bắt giữ và đang chờ xét xử vì “tội” này thì không đếm xuể.
Ở các nước như Bangladesh, Hy Lạp và Kazakhstan, cáo buộc báng bổ tôn giáo được chính quyền sử dụng để dập tắt những tiếng nói đối kháng. Cụ thể, ở Hy Lạp, tháng 9 năm 2012, một cá nhân đã bị bắt giữ và đến tháng 1 năm 2014, thì bị kết án 10 tháng tù giam vì lập một facebook chế giễu một linh mục dòng Chính thống đã qua đời. Trong khi đó, ở Bangladesh, đầu tháng 4 năm 2013, chính quyền đã bắt giữ 3 người tự nhận là vô thần vì tội “xúc phạm đến những điểm nhạy cảm tôn giáo,” sau khi họ viết blog về Phiên tòa Tội ác Chiến tranh của Bangladesh năm 1971.
Hai quốc gia mới góp mặt vào nhóm những quốc gia có luật cấm báng bổ tôn giáo là Nga và Tunisia. Ngoài ra, dù nghị quyết về “luật cấm báng bổ tôn giáo” toàn cầu đã bị Liên Hợp Quốc bác đi từ lâu, song có vẻ như Liên đoàn các quốc gia Ả-rập đang có những động thái xây dựng một đạo luật cấm báng bổ tôn giáo trong khu vực.
Lược dịch từ báo cáo “Prisoners of Belief: Individuals Jailed under Blasphemy Laws”, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.