Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vi Katerina Tran (dịch)
Những yếu tố khác nhau là nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy ở Tunisia đã được nghiên cứu bởi nhiều công trình, đánh giá tác động mồi lửa của các cuộc đàn áp xã hội, chính trị và kinh tế thực hiện bởi chính quyền Tunisia; vai trò của mạng xã hội; văn hóa của giới trẻ; phong trào công đoàn; và cả một phần đáng kể của việc tận dụng thời cơ.
Nhìn lại sự việc sau khi nó đã xảy ra là một cơ hội tốt để chúng ta có thể phân tích một cách tường tận tương quan giữa các sức ép và động lực ngầm đã góp phần thay đổi cục diện của những cuộc biểu tình năm 2008 trong lòng thung lũng của thành phố Gafsa, để chúng trở thành một chiến dịch được phối hợp bài bản hơn nhắm vào sự công bằng xã hội và kinh tế, và đỉnh điểm của nó chính là một cuộc cách mạng thay đổi thể chế.
Kỳ trước: Nobel Hòa Bình 2015: Luật sư và xã hội dân sự – những vị cứu tinh của Tunisia
Trích nghiên cứu “The Role of Lawyers as Transitional Actors in Tunisia” của dự án Conflict and Transition
Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
———
Phát động
Vụ việc một người bán rau tên Mohamed Bouazizi từ vùng Sidi Bouzid miền Trung Tây của Tusina tự thiêu ngày 17 tháng 12 năm 2010 được rất nhiều người cho là ngòi nổ của một cuộc nổi dậy đầy bất ngờ và rộng lớn trên toàn quốc. Với gần 40% dân số dưới độ tuổi 25, những sinh viên không thể tìm được việc làm trong nền kinh tế tồi tệ chính là lực lượng tiên phong, và họ đã tập trung lại ngay sau cái chết của anh Bouazizi. Các cuộc biểu tình từ đó đã lan tỏa trên khắp các vùng miền trung và miền tây đất nước, rồi tiếp tục cho đến khi đến tận thủ đô Tunis.
Một ngày sau cái chết của anh Bouazizi, rất đông các luật sư Tunisia đã mặc áo thụng đen đặc trưng và tham gia vào một cuộc tọa kháng. Vai trò ngay sau đó của họ – cũng như của những người biểu tình khác – đã bị kích động lên mức độ mới bởi phản ứng tiêu cực từ phía nhà cầm quyền.
Ở đâu có bạo quyền, ở đó có luật sư
Chính quyền Tunisian đã đáp trả bằng cách tung ra các lực lượng an ninh để đối phó với người biểu tình với gần 2000 cảnh sát đã được dùng để đàn áp những cuộc tuần hành và biểu tình ở Sidi Bouzid. Cùng với phong trào chống chính quyền lan tỏa khắp Tunisia, giới luật sư bắt đầu chính thức công khai tham gia vào cuộc tranh đấu chính trị với tốc độ nhanh chóng.
Trong cuộc tọa kháng tại Cung Điện Công Lý vào ngày 31 tháng 12 năm 2010 (tại đó, các luật sư đã đeo một dải ruy băng đỏ, tượng trưng cho biểu tượng ủng hộ phong trào nổi dậy đã được bắt đầu từ Sidi Bouzid), một lực lượng lớn cảnh sát đã có mặt để ngăn cản các luật sư có mang ruy băng đỏ tiến vào tòa án. Những vị luật sư từ chối tháo ruy băng xuống đã bị đánh đập và có nhiều người trong số họ phải chịu những thương tích nghiêm trọng.
Phản ứng lại việc bị đàn áp, Liên Đoàn Luật Sư Tunisia đã ra tuyên bố kêu gọi một cuộc tổng đình công vào ngày 6 tháng Giêng năm 2011, để phản đối cái họ miêu tả là “một cuộc đàn áp bằng bạo lực chưa từng có đối với giới luật sư” nhằm “bịt miệng họ”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tập hợp Dân Chủ Hợp Hiến “RCD” – tổ chức luật sư thân chính phủ, phản đối cuộc đình công và cho đó chỉ là một mánh khóe chính trị.
Tuy thế, cuộc đình công của các luật sư vẫn tiếp tục diễn ra và càng lúc càng nhận được sự ủng hộ của người dân trên khắp đất nước.
Ngay sau khi cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền đối với những người biểu tình ở Thala và Kasserine ngày 8-9 tháng Giêng năm 2011, các luật sư, một lần nữa lại khoác lên những chiếc áo thụng đen và đến ngay trung tâm của cuộc biểu tình ở Sfax, nằm ở phía Nam Tunisia và họ còn đến cả các cuộc biểu tình ở Mednine, Kasserine và Sidi Bouzid. Dần dần, trong một tình trạng tuyệt vọng, tổng thống Ben Ali đã cố gắng tìm cách thay đổi thành phần Nội các của chính phủ và đã đưa ra hứa hẹn sẽ tạo thêm 300.000 công việc làm, nhưng tất cả đã quá trễ. Những cuộc biểu tình cũng như các vụ bạo động gia tăng và cho đến ngày 14 tháng Giêng, vị tổng thống và gia đình ông ta đã ở trên một chuyến bay trên đường đào thoát đến Saudi Arabia.
“Nhổ cỏ tận gốc” bằng con đường dân sự – Luật sư trở thành Thủ tướng
Dù vị Chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Tunisia đã từ chối vào phút cuối để lãnh đạo cuộc diễu hành vào ngày 14 tháng Giêng, vẫn có hằng trăm luật sư tiếp tục cuộc tuần hành trước cửa Bộ Nội vụ trên đại lộ Habib Bourguiba – công cụ chính của bộ máy chính quyền cũ cho việc đàn áp giới bất đồng chính kiến trong thời gian trị vì của Ben Ali.
Đề nghị chấp nhận cho phép mình được là người thế chức (tổng thống) của Thủ tướng Mohamed Ghannouchi đã bị Tổng Liên Đoàn Lao Động Tunisia (UGTT) từ chối thẳng thừng khi họ đưa ra tuyên bố ông ấy có liên hệ quá mật thiết với chính quyền cũ.
Ngày 20 tháng Giêng năm 2011, Hội Đồng Lập Pháp Tổng Ân Xá cũng tuyên bố dỡ bỏ những lệnh cấm các hoạt động của tổ chức Liên Minh Nhân Quyền Tusnisia. Ngay lập tức, các cuộc tuần hành ở thủ đô Tunis đã được thực hiện với mục đích triệt hạ một cách hoàn toàn và tận gốc thể chế cũ, mà họ cho rằng, đại diện của nó là Ghannouchi. Khu quảng trường Casbah, vốn yên ắng mọi ngày, đã được thay đổi hoàn toàn diện mạo bởi 2 cuộc tọa kháng liên tục, khiến nó trở thành một điểm hẹn dành người biểu tình từ ngày này sang ngày khác, cùng với những buổi thắp nến ngay tại cổng văn phòng Phủ Thủ tướng để yêu cầu Gahnnouchi từ chức.
Với mục đích xem xét sự việc tạm trì hoãn Hiến pháp và Quốc hội, một cuộc họp đã được tổ chức vào ngày 11 tháng 2 năm 2011 tại trụ sở Luật Sư Đoàn. Tham gia buổi họp hôm đó đã có các đại biểu từ Liên Đoàn Luật Sự, hội UGTT, Hiệp Hội Thẩm phán, Công Đoàn Báo Chí, một số tổ chức NGO và các đảng phái chính trị khác, với mục đích thành lập một “Cơ chế Quốc gia Bảo vệ thành quả Cách Mạng.”
Ngày 27 tháng Hai, dưới sức ép của nhân dân, Ghannouchi đã chấp nhận từ chức. Luật sư El Béji Caied Essebi đã được đề cử vào chức vụ Thủ tướng, và vào ngày 15 tháng Ba năm 2011, ông đã thành lập Cơ chế Cấp cao để Hoàn thành các Mục Tiêu của cuộc Cách Mạng, cải cách môi trường chính trị và chuyển đổi dân chủ. Vào ngày 20 tháng 3 năm 2011, vào dịp kỷ niệm 55 năm Quốc Khánh, Tổng thống Mbazaa đã tuyên bố các cuộc bầu cử đại biểu Quốc Hội ở Tunisia sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm 2011.
Còn tiếp