Nobel Hòa Bình 2015: Luật sư – Thành trì bảo vệ Cách mạng Hoa Nhài

Nobel Hòa Bình 2015: Luật sư – Thành trì bảo vệ Cách mạng Hoa Nhài
Các luật sư Tunisia dẫn đầu một buổi biểu tình phản đối tổng thống Ben Ali.

Hoàng Thảo Anh (dịch)

Khác với một số cuộc cách mạng nằm trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập có phần tự phát và hỗn loạn, sự có mặt của giới luật sư trong cuộc cách mạng Hoa Nhài tại Tunisia mang đến những khác biệt trong bản chất, quy cách tổ chức và tiến trình xây dựng sau cách mạng, biến Tunisia trở thành quốc gia có quá trình chuyển tiếp dân chủ thành công nhất của phong trào này.

Các luật sư Tunisia dẫn đầu một buổi biểu tình phản đối tổng thống Ben Ali.

Các luật sư Tunisia dẫn đầu một buổi biểu tình phản đối tổng thống Ben Ali.

Kỳ trước: Nobel Hòa Bình 2015: Khi Luật sư cũng cần phải xuống đường

Trích nghiên cứu The Role of Lawyers as Transitional Actors in Tunisia” của dự án Conflict and Transition

Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.

Chiến lược cho sự Chuyển tiếp (14/1 – 23/10/2011)

Giai đoạn từ 14/1 – 23/10/2011 được đánh dấu bởi một sức mạnh mang tính cách mạng khi bộ máy của chế độ cũ dần bị phá bỏ[1]. Những đóng góp đáng chú ý của giới luật sư được thể hiện qua: Ủy ban Quốc gia, Cơ quan cao cấp về Thành tựu của những Mục tiêu Cách mạng, Cải cách Chính trị và Chuyển tiếp Dân chủ, và cuối cùng là Nhóm 25 Luật sư

Ủy ban quốc gia

Vào ngày 17 tháng 1 năm 2011, ba ủy ban quốc gia độc lập được thành lập bởi chính quyền lâm thời là:

  • Ủy ban cấp cao về Cải cách chính trị [2]
  • Ủy ban cấp cao về Điều tra hối lộ, tham nhũng (Còn được gọi là ủy ban “Ben Amor”[3])
  • Ủy ban cấp cao về Điều tra sự lạm quyền trong thời kì từ 17/12/2010 cho đến khi hết sứ mệnh được trao[4] (do luật sư Taoufik Bouderbala dẫn đầu)

Hai ủy ban sau có mối liên hệ trực tiếp với giới luật sư bởi hai lý do: được giới luật sư dẫn dắt, và chính các luât sư cũng được tập trung tham gia làm công việc của mình (như xác minh và tham gia quá trình cáo buộc các vụ tham nhũng). Một ủy ban thực sự hoàn thiện về bộ máy tổ chức đã không được thành lập mãi cho tới năm 2014, nhưng trong giai đoạn lâm thời, những cơ quan này đã hoạt động có hiệu quả trong quá trình tìm kiếm, điều tra sự thật sơ bộ.

Ủy ban “Ben Amor” về Điều tra hối lộ, tham nhũng tập trung vào việc xác định nguồn gốc các vụ tham nhũng trong hai thập kỷ trước, bao gồm cả những vụ việc xảy ra trong ngành luật. Ví dụ, họ xem xét lại thủ tục thưởng của hợp đồng hành chính đối với những luật sư được xem là trung thành với chế độ và vô số cách thức khác mà qua đó, Ben Ali và gia đình ông ta tác động đến bộ máy tư pháp. Mặc dù gặp phải xung đột với bộ máy tư pháp và nhiều trở ngại khác, ủy ban đã thành công trong việc chuyển các vụ việc tới bên công tố. Trong quá trình đó, một cơ cấu tham nhũng phức tạp đã bị phơi bày. Đó là phương thức mà Ben Ali và các cộng sự của ông ta đã sử dụng để kiểm soát những doanh nghiệp tư nhân trốn nghĩa vụ thuế và hải quan.

Ủy ban “Bouderbala” về Điều tra sự lạm quyền đã ghi nhận hàng chục vụ vi phạm nhân quyền trong các cuộc nổi dậy và thậm chí có thể xác lập trách nhiệm của nhà nước. Bản báo cáo với 1040 trang, cuối cùng được xuất bản vào đầu tháng 5 năm 2012, thực hiện dựa trên nghiên cứu thực địa tại các vùng chứng kiến sự đàn áp tàn bạo nhất trong cuộc cách mạng. Báo cáo cũng khuyến khích việc xây dựng chương trình chuyển tiếp tư pháp toàn diện, gồm một ủy ban thực sự và một chương trình bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Nội dung báo cáo này đề cập đến những người bị thương và tử vong trong cuộc cách mạng và đã được gửi đến Tổng thống của nền Cộng hòa mới lẫn Tòa án quân sự.

Cơ quan cao cấp về Thành tựu của những Mục tiêu Cách mạng, Cải cách Chính trị và Chuyển tiếp Dân chủ

Cơ quan cao cấp về Thành tựu của những Mục tiêu Cách mạng, Cải cách Chính trị và Chuyển tiếp Dân chủ (HAARO)[5] được thành lập vào tháng 3 năm 2011, với nhiệm vụ chuẩn bị những chế định pháp lý liên quan tới việc tổ chức chính trị và đề xuất cải cách giúp phát triển các mục tiêu Cách mạng cũng như quá trình Dân chủ hóa. Cơ quan này cũng được mời giám sát những hoạt động của chính phủ và tham gia đối thoại với Thủ tướng[6].

Đứng đầu bởi Giáo sư luật Yadh Ben Achour, một trong những trí tuệ pháp lý sắc bén nhất Tunisia, cơ quan bao gồm đại diện của 12 đảng phái chính trị, 19 tổ chức xã hội dân sự, và gia đình của những người tử vong trong cuộc cách mạng tháng 1 năm 2011. Liên đoàn Luật sư đã có 4 đại diện, trong đó có 1 phụ nữ là bà Saida El Ekremi[7]. Bên cạnh đó, các luật sư cũng hiện diện với tư cách là một trong những đại diện của Liên minh Nhân quyền Tunisia (ví dụ như ông Mokhtar Trifi và Anouar Kousri). Luật sư Chokri Belaid, Samir Dilou và cựu chủ tịch Liên đoàn Luật sư, Abdeljalil Bouraoui cũng được liệt vào hàng ngũ đại diện cho các đảng phái chính trị nói trên.

Tham gia tích cực vào công cuộc “chuyển giao”, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến luật bầu cử, nguồn tài trợ cho các đảng phái chính trị, các hiệp hội và nghị định về lĩnh vực thông tin, giới luật sư đã có thành tích lớn vào năm 2011 với việc ban hành nghị định số 79 quy định về Nghề Luật. Điều 1 của văn bản này đã nâng cấp vị thế của luật sư từ một đối tác trong bộ máy hành chính tư pháp thành một trong những “Lá chắn bảo vệ tự do và nhân quyền”[8]

Nhóm 25 Luật sư

Không như những cơ quan đã đề cập ở trên, “Nhóm 25 luật sư” không trực thuộc chính phủ. Nhóm này được thành lập vào tháng 2 năm 2011 bởi một nhóm luật sư có mong muốn điều tra về tham nhũng dưới chế độ cũ và giúp đỡ xây dựng một hệ thống tư pháp đáp ứng được nguyện vọng chuyển tiếp nền công lý của người dân Tunisia. Nhóm 25 luật sư đã nhiều lần tái khẳng định cam kết của mình để từ chối bảo vệ hoặc đàm phán với đại diện của những người có liên quan tới chế độ cũ. Họ cũng nhấn mạnh bất kỳ luật sư nào vi phạm cam kết nói trên sẽ tự động bị khai trừ tư cách thành viên khỏi Nhóm[9].

Trong báo cáo gửi HARRO, ngoài việc đề xuất thiết lập danh sách thẩm phán và luật sư có hành vi tham nhũng[10], Nhóm này gợi ý về “sự thành lập một ủy ban hỗn hợp để xây dựng một bản liệt kê những dấu hiệu tham nhũng cần được điều tra”. Nhóm bắt đầu với hạt nhân là mười luật sư làm việc với sự đồng phối hợp của hai giáo sư Anouar El Bassi và Amor Safraoui. Họ đã cố gắng để phác nên một biểu đồ toàn cảnh, với đường biểu diễn là những cá nhân quyền lực ở trong chính phủ, doanh nghiệp và chính đảng của Ben Ali (RCD).

Sau đó, chiến lược kiện tụng dưới hình thức “Khiếu kiện của công dân” đã được tiến hành. Các nhà chuyên môn đã được sử dụng để yêu cầu chính phủ lâm thời chấm dứt sự thờ ơ đang diễn ra đối với việc truy tố người phạm tội từ chế độ cũ. Các trường hợp được ghi nhận là những khiếu kiện đối với cựu Tổng thống Ben Ali, hai cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Rafik Bel Haj Kassem và Ahmed Friaa, cùng nhiều nhân vật nổi bật của RCD. Tháng 8 năm 2011, sau khi cựu Bộ trưởng Tư pháp của Ben Ali là Bechir Takkari được phóng thích, cùng việc một quan chức cấp cao của RCD, Saida Agrebi trốn khỏi Tunisia, Nhóm đã tăng cường các nỗ lực của mình và yêu cầu chính phủ thiết lập một danh sách thẩm phán chuyên về các vụ việc thuộc lĩnh vực tài chính và thương mại. Đề án này đã được nội các của Thủ tướng Beji Caied Essebsi xem xét.

Tuy nhiên, những động lực ban đầu được tạo nên bởi Nhóm 25 Luật sư như một nhóm gây sức ép trong giai đoạn sau hậu cách mạng đã không được duy trì. Bảy trong số các thành viên đầu tiên đã từ chức để phản đối những gì họ coi là đi lệch với mục tiêu đề ra ban đầu và “phi dân chủ” trong hoạt động quản lý của nhóm. Mâu thuẫn trong nhóm cũng gia tăng từ việc một trong các thành viên đồng ý bảo vệ một quan chức thân cận với Ben Ali. Hiện Nhóm vẫn chưa chính thức giải thể và một thành viên là ông Anouar Bassi đã khẳng định: “điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là công việc vẫn tiếp tục tiến triển.”[11]

(còn tiếp)

Chú giải của người dịch

[1] Theo sự chỉ định của Thẩm phán Farhat Raiji, Faouzi Ben Mrad đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng tạm thời của Bộ Nội vụ để nhân danh Nhà nước Tunisia chống lại Đảng Dân chủ Lập hiến RCD, nhằm giải thể những gì thuộc đảng cầm quyền trong suốt 55 năm

[2] Sau đó đã được sáp nhập với cơ quan khác và trở thành Ủy ban Cao cấp về Bảo vệ những Mục tiêu Cách mạng, Cải cách Chính trị và Chuyển tiếp Dân chủ

[3] Danh xưng đầy đủ của chủ tịch ủy ban này là Giáo sư Abdel Fatah Amor

[4] Thời điểm này được xác lập bởi Nghị định 8/2011 ngày 18/2/2011

[5] Nguyên văn: The Higher Authority for the Achievement of the Revolution’s Objectives, Political Reform and Democratic Transition. Ngay sau khi Ben Ali rời khỏi Tunisia, nhiều ủy ban đã được thiết lập để lấp đầy khoảng trống chính trị. Hai trong số đó là Ủy ban cấp cao về Cải cách chính trị và Hội đồng Quốc gia (hay Ủy ban cấp cao) về Bảo vệ thành quả cách mạng. Hai ủy ban này đã được sáp nhập để thành lập nên Cơ quan cao cấp về Thành quả của những Mục tiêu Cách mạng, Cải cách Chính trị và Chuyển tiếp Dân chủ

[6] Điều 2 của Nghị định số 6, ngày 18/2/2011 quy định về việc thiết lập Cơ quan cao cấp về về Thành quả của những Mục tiêu Cách mạng, Cải cách Chính trị và Chuyển tiếp Dân chủ

[7] 4 đại biểu của Liên đoàn luật sư gồm: Saida El Akremi, Ahmed Seddik, Fethi Laayouni và Rached Barghech. Bà Saida El Akremi là một nhà hoạt động người Hồi giáo, là thành viên của “Tổ chức quốc tế về Ủng hộ Tù nhân Chính trị” (bị cấm bởi Ben Ali). Bà còn là phu nhân của Bộ trưởng bộ Tư pháp (thuộc đảng Hồi giáo Ennahda), người đã phục vụ cho chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử tháng 10/2011.

[8] Điều này sửa đổi bổ sung Điều 1 của luật số 89-87 (7/9/1989) về nghề luật, với quy định: “Nghề luật là tự do và độc lập trong khuôn khổ hành chính tư pháp.”

[9] Olivier Metzner, luật sư của cháu trai Ben Ali (Imad Trabelsi), khẳng định rằng một số luật sư đồng nghiệp của ông đã bị đe dọa tẩy chay khi họ kiên trì bảo vệ cho những đại diện của chế độ cũ. Xem thêm tại ‘Tunisie, Ben Ali: Les Avocats “Menacés”’ Le Figaro <www.lefigaro.fr/flash-actu/2011/02/17/97001-20110217FILWWW00455-tunisieben-ali-les-avocats-menaces.php> truy cập ngày 12/7/ 2015.

[10] Xem thêm “Group of 25 Expresses Concerns With HAARO” www.tunisia- live.net/2011/08/12/group-of-25 truy cập ngày 4/5/2015; Aymen Allani, ‘Qu’est ce qui Fait Courir le Groupe des 25 Avocats?’ (La Tunisie Vote, 13/9/ 2011).

[11] Xem thêm Chawki Rouissi, Tunisie Numérique, ‘Conflit au Sein du Groupe des 25 et Démission de 6 Nouveaux Avocats’ <www.tunisienumerique.com/conflit-au-sein-du- groupe-des-25-et-demission-de-6-nouveaux-avocats/47228> truy cập ngày 4/7/ 2015.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.