Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Huy Hoàng (dịch)
Ngay cả trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta vẫn còn tồn tại câu hỏi rằng liệu “quyền con người” về cơ bản có phải là một khái niệm của phương Tây, thứ bỏ qua tất cả những thực tế khác biệt về văn hóa, kinh tế, và chính trị của phương Nam [1] hay không. Các giá trị của một xã hội tiêu dùng có thể áp dụng được cho các xã hội không có thứ gì để tiêu thụ hay không?
Và một câu hỏi nghe có vẻ phù phiếm: Khi ta ngăn một người đàn ông trong trang phục truyền thống khỏi đánh vợ anh ta, thì ta đang tôn trọng quyền con người của người vợ hay đang vi phạm quyền của người chồng?
Trên thực tế, có tồn tại một số quan điểm phản đối nghiêm túc đối với khái niệm nhân quyền phổ quát, thứ mà những người bảo vệ nó cần thừa nhận – một cách thành thật – nếu muốn bác bỏ chúng.
Quan điểm phản đối thứ nhất lập luận rằng tất cả các quyền và giá trị đều được định nghĩa bằng và giới hạn trong các nhận thức văn hóa; không có văn hóa phổ quát, do đó không có nhân quyền phổ quát. Một số triết gia phản đối rằng các khái niệm về quyền con người được xây dựng trên quan điểm cá nhân về con người như một hữu thể tự trị có nhu cầu lớn nhất là được thoát khỏi sự can thiệp của nhà nước, thấm nhuần, nói một cách tương đối, với quyền riêng tư cá nhân (“right to be left alone”). Các xã hội phi phương Tây thường đề cao một đạo đức cộng đồng coi xã hội lớn hơn tổng các thành viên cá nhân, và coi nghĩa vụ quan trọng hơn quyền.
Tiếp theo là lập luận Bắc/Nam thông thường, rằng “quyền con người” tạo vỏ bọc cho sự can thiệp của phương Tây vào thế giới đang phát triển. Một số người cũng cho rằng các nước đang phát triển không có khả năng đáp ứng quyền con người, do các nhiệm vụ xây dựng đất nước và phát triển kinh tế vẫn còn dang dở; do đó việc đình chỉ hoặc hạn chế quyền con người là hy sinh số ít để số nhiều được hưởng lợi.
Những người khác phản đối các quyền mà họ cho là phản ánh thiên kiến văn hóa phương Tây, mà rắc rối nhất trong số đó là nữ quyền. Làm sao nữ quyền có thể mang tính phổ quát khi mà trong một số nền văn hóa hôn nhân không được coi là một hợp đồng giữa hai cá nhân, mà được coi là một liên minh giữa các dòng dõi, và khi hành vi phải phép của phụ nữ là trung tâm đối với nhận thức của xã hội về danh dự gia đình?
Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo tôn giáo còn cho rằng các quyền con người chỉ có thể được chấp nhận khi chúng được xây dựng trên các giá trị siêu việt của đức tin và từ đó được chúa trời chấp thuận. Có một sự xung đột cố hữu giữa tính phổ quát của nhân quyền và tính đặc thù của các quan điểm tôn giáo.
Làm thế nào để đáp lại những quan điểm phản đối này? Có thể thấy các khái niệm về công lý và pháp luật, tính chính danh và nhân phẩm, sự bảo vệ khỏi ách áp bức, và sự tham gia vào các vấn đề cộng đồng xuất hiện trong mọi xã hội; thách thức mà những người ủng hộ nhân quyền phải đối mặt là cần tìm ra mẫu số chung, và đừng thể hiện sự nản lòng trước tính bất khả của chủ nghĩa phổ quát.
Những quan điểm phản đối này phản ánh một quan điểm đối lập sai lầm giữa tính ưu việt của cá nhân và tính tối cao của xã hội. Văn hóa thường được các nhà lãnh đạo chuyên chế sẵn sàng chà đạp lên bất cứ khi nào họ cần viện dẫn như một lá chắn chống lại nhân quyền. Bên cạnh đó, quốc gia nào có thể tuyên bố duy trì “văn hóa truyền thống” thuần khiết của họ? Ta không thể nào áp dụng mô hình của một quốc gia dân tộc “hiện đại” để nhập nhằng trở lại các quy chuẩn và biên giới bộ lạc, rồi lại lập luận rằng nên áp dụng truyền thống bộ lạc để đánh giá hành vi nhân quyền của nhà nước hiện đại đó.
Dù sao cũng không có điều gì là bất khả xâm phạm về văn hóa. Văn hóa liên tục phát triển trong mọi xã hội sống, đáp ứng với cả kích thích nội sinh lẫn ngoại lai, và các xã hội đều phát triển nhanh hơn và chối bỏ nhiều điều trong mỗi nền văn hóa.
Chúng ta có thể thừa nhận rằng nhiều xã hội không coi tảo hôn, tục cắt âm vật, và những điều tương tự là không thể chấp nhận được; nhưng chúng ta cũng nên hỏi xem nạn nhân của những tập quán này cảm thấy như thế nào. Nơi nào cưỡng ép còn tồn tại, nơi đó các quyền còn bị vi phạm, và những hành động vi phạm này phải bị lên án bất kể truyền thống biện minh ra sao. Thay vì văn hóa, sự cưỡng ép văn hóa mới là thử thách của nhân quyền.
Về tôn giáo, mọi tôn giáo đều là hiện thân của một số chân lý được áp dụng chung cho cả nhân loại – công lý, sự thật, ân huệ, từ bi – và con người thường đổ lỗi cho chúa trời về chính những tội lỗi của họ. Như cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã nói, vấn đề không nằm ở đức tin, mà là ở tín hữu.
Bằng cách đình chỉ nhân quyền vì lợi ích phát triển, các chế độ chuyên chế thúc đẩy sự đàn áp chứ không phải sự phát triển. Phát triển gắn với sự thay đổi, nhưng đàn áp lại ngăn chặn sự thay đổi. Mặc dù có thể có những trường hợp các xã hội chuyên chế đã tăng trưởng kinh tế thành công, Botswana, một nền dân chủ châu Phi mẫu mực, đang phát triển nhanh hơn bất cứ nhà nước chuyên chế nào khác.
Một số nước đang phát triển – đáng chú ý nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Chile, Cuba, Lebanon, và Panama – đã có vai trò tích cực và có ảnh hưởng trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Các nguyên tắc về quyền con người đã được chấp nhận, áp dụng, và phê chuẩn rộng rãi bởi nhiều nước đang phát triển, bởi vậy mà khó có thể công bằng khi cho rằng các nguyên tắc đó đang được áp đặt lên những nước này.
Còn về tính không phù hợp hay chủ nghĩa vị chủng của nhân quyền, các quyền con người nào mà một người sống trong một đất nước đang phát triển có thể không cần? Quyền được sống? Quyền không bị tra tấn? Quyền không bị bắt làm nô lệ, không bị tấn công vũ lực, không bị tự ý bắt giữ, bỏ tù, hay hành quyết? Trên thực tế, không ai ủng hộ việc thu hẹp bất cứ quyền nào trong số này.
Các quan điểm phản đối việc áp dụng các tiêu chuẩn nhân quyền thường xuyên được các nhà cai trị chuyên chế và giới tinh hoa quyền lực lợi dụng để hợp lý hóa những hành vi vi phạm giúp họ duy trì quyền lực. Cũng như ác quỷ có thể trích dẫn kinh thánh cho mục đích của hắn, chủ nghĩa cộng đồng của Thế giới thứ Ba có thể là khẩu hiệu của một tên bạo chúa được đào tạo từ gốc rễ, như trường hợp của Pol Pot, ở Sorbonne. Những tiếng nói đích thực của phương Nam biết cách gào lên trong nỗi thống khổ. Đó là những tiếng nói phải được chú ý.
Chú giải của dịch giả
[1] Các nước kém phát triển hơn ở phía Nam bán cầu, chủ yếu ở châu Mỹ Latin, châu Phi, và các nước đang phát triển của châu Á (ND).
Nguồn: Shashi Tharoor, “Are Human Rights Universal?” Project Syndicate, 04/06/2002.