‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Thay vì xem xét làm thế nào các giá trị văn hóa toàn cầu – được lan truyền thông qua thương mại quốc tế, truyền thông, Internet, phim ảnh và du lịch – lại trở thành những nhân tố tiềm tàng phá vỡ sự tin tưởng vào truyền thống địa phương; các học giả chính thống lại tăng cường quan điểm bài ngoại bằng việc mô tả các ảnh hưởng văn hóa của nước ngoài như là các phương pháp “diễn biến hòa bình” – mà nước ngoài đang cố gắng làm xói mòn quyền lực của Đảng và Nhà nước.
Kỳ trước:
Dịch giả: Étranger Nguyen
Dịch từ chương “Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie
Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)
Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
————
Văn hóa làng xã và Văn hóa ngoại lai
Các nhà nghiên cứu Việt Nam bị quyến rũ với vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế xã hội. Có rất nhiều chủ đề trong lĩnh vực này, nhưng có hai hai khái niệm hỗ trợ cho đề xuất rằng thái độ với văn hóa định hình cách con người du nhập pháp luật.
Khái niệm thứ nhất xác định văn hóa dân tộc từ thực tiễn ở các làng quê cổ truyền và bao quanh nó nhiều tầng lớp các ảnh hưởng ngoại lai (Đào Minh Quang 1993). Một vài nhà nghiên cứu trong xu hướng này chế giễu giới trí thức bị ảnh hưởng của Trung Hoa – họ cho là những người này “tôn thờ” Trung Quốc và ủy thác nhà nước Việt Nam bản xứ và đặt niềm tin vào hệ thống giáo điều và bảo thủ tân Khổng giáo[1] đang sa lầy (Vũ Khiêu 1999; Đào Trí Úc và Lê Minh Thông 1999). Như tín điều[2], (họ cho rằng) các tổ chức xã hội Việt Nam nhất định giống như các làng ở đồng bằng Bắc Bộ (châu thổ sông Hồng) được đặt trong một lõi truyền thống, trong khi các tổ chức khác, đặc biệt là các tổ chức hình thành do ảnh hưởng của quá trình thực dân hay do ảnh hưởng của nước ngoài nên bị đặt ở rìa của xã hội. Những quan điểm kiểu này đặc biệt được đề cao trong các phát biểu của lãnh đạo Đảng nhằm làm nổi bật văn hóa truyền thống trong thế đối nghịch với văn hóa ngoại lai (Lê Khả Phiêu 1998).
Đối chọi với góc nhìn dân tộc chủ nghĩa – mô tả văn hóa Việt Nam như là một anh hùng phản kháng trước sự vượt trội của ngoại quốc, quan điểm thứ hai lại nhìn văn hóa Việt Nam trong mối tương quan với những ảnh hưởng từ nước ngoài. Một vài nhà bình luận nhắc lại rằng trong buổi đầu của quá trình thực dân hầu hết giới trí thức Việt Nam đã đối xử với văn hóa Pháp bằng một sự khinh bỉ (Đào Trí Úc và Lê Minh Thông 1999). Sau đó, khi mà các giá trị cổ truyền đã chứng tỏ không đủ sức chống lại sự vượt trội của văn hóa thuộc địa, những người Việt tiên phong đã bắt đầu vay mượn một cách có chọn lọc những lý thuyết và thực tiễn [từ nước Pháp]. Các nhà cách mạng theo chủ nghĩa dân tộc như là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã bị ảnh hưởng với các tư tưởng pháp lý của người Pháp như là quyền công dân và hiến pháp. Sau đó nữa, những bài học mà Hồ Chí Minh học được ở châu Âu, ở Liên Xô và Đông Á trong những năm 1930 được mô tả là đã đem lại sức sống mới đối nghịch với luật pháp ở thuộc địa (Quang Can 2001). Thông điệp cho các nhà lãnh đạo ngày nay là việc trao đổi văn hóa sẽ tiếp thêm sinh lực và làm mới lại các giá trị truyền thống.
Các bình luận liên quan tới việc vay mượn văn hóa nước ngoài bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự nhận thức về đặc trưng văn hóa Việt Nam. Chúng cổ vũ cho việc trao đổi văn hóa và cảnh báo về việc thổi phồng quá mức các đặc trưng văn hóa Việt Nam đã thừa hưởng từ nước khác (Nguyễn Trần Bạt 2002). Những nhà bình luận này tin rằng các giá trị văn hóa nước ngoài nên được đánh giá dựa trên khả năng tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế và xã hội.
Văn hóa đương đại làm hư hỏng người Việt?
Tuy nhiên, các quan điểm dù đối lập vẫn nhấn mạnh sự bền vững của nguyên lý “Đảng lãnh đạo” trước sự vượt trội của các yếu tố văn hóa nước ngoài; thay vì xem xét làm thế nào các giá trị văn hóa toàn cầu – được lan truyền thông qua thương mại quốc tế, truyền thông, Internet, phim ảnh và du lịch – lại trở thành những nhân tố tiềm tàng để phá vỡ sự tin tưởng vào truyền thống địa phương (Trần Văn Giàu 1995). Những ý kiến này làm tăng tính bài ngoại bằng việc mô tả các ảnh hưởng văn hóa của nước ngoài như là các phương pháp “diễn biến hòa bình” – mà nước ngoài đang cố gắng làm xói mòn quyền lực của Đảng và Nhà nước. Sức mạnh của những ý kiến này được thể hiện qua vụ giáng chức Lê Đăng Doanh[3], một nhà cải cách thị trường có tên tuổi, vì đã quá gần gũi với người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ[4].
Những yếu tố văn hóa vay mượn được mô tả là đã làm hư hỏng và phá vỡ các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Ví dụ, các tư tưởng nước ngoài bị lên án là đã làm thế hệ trẻ xa rời văn hóa Việt Nam, khiến họ trở thành người “mất gốc”, trở nên tham lam, ích kỷ và chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng. Các nghị quyết của Đảng vang vọng những quan ngại này: “kinh tế thị trường, với sức mạnh khủng khiếp khó kiểm soát, đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân và khiến cho con người gắn bó với những lợi ích cá nhân trong khi quên đi lợi ích cộng đồng[5]”[6].
Thay vì đánh giá những văn hóa nhập ngoại dựa trên khả năng làm lợi cho cộng đồng của chúng, các quan điểm dân tộc chủ nghĩa lại lạm dụng các tiêu chuẩn chính trị để hướng dẫn việc du nhập văn hóa. Như là người bảo vệ nền đạo đức quốc gia, các nhà lý thuyết của Đảng đã lựa chọn và đề cao những quan điểm chính trị và đạo đức cốt lõi để bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của quốc gia (Lê Khả Phiêu 1998:42). Mối quan tâm cốt yếu là “các giá trị truyền thống phải có vai trò lãnh đạo nhằm định hướng quan hệ với những yếu tố ngoại lai cũng như quyết định [các yếu tố ngoại lai nào có thể du nhập]”.
Giá trị văn hóa Khổng là lời giải đáp cho khủng hoảng văn hóa Việt Nam?
Những tranh cãi trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện trong các bài viết về pháp luật, và ảnh hưởng của chúng là rõ ràng trong những tiếp cận cải cách luật pháp. Những khác biệt giữa pháp luật phương Tây và các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam đã được khám phá trong một nghiên cứu thực hiện bởi Viện Khoa học pháp lý[7], trực thuộc Bộ Tư pháp[8]. Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng những tiêu chuẩn pháp lý trong các Bộ luật phong kiến của Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các giá trị châu Á. Được đề cao bởi các nhà lãnh đạo châu Á như thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hay thủ tướng Malaysia Mohamd Mahathir[9], luận điểm dân tộc chủ nghĩa này duy trì quan điểm cho rằng các nước châu Á có thể chống chọi được với những áp lực tiêu cực của toàn cầu hóa trong khi vẫn giữ được ổn định xã hội và quyền lực của tầng lớp tinh hoa bằng cách sử dụng các giá trị đạo đức truyền thống cốt lõi, chủ yếu là của Khổng giáo. Cách tiếp cận này bị mất uy tín phần nào trong cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á [năm 1997] – cuộc khủng hoảng đã hé lộ những lỗ hổng cấu trúc nghiêm trọng trong mô hình phát triển của các nước Đông Á. Tuy nhiên, bản chất nghiên cứu này cũng đang theo đuổi một giả thiết chưa được kiểm chứng rằng các giá trị văn hóa Á Đông sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đã lùng sục các bộ luật phong kiến Việt Nam, tìm kiếm những tinh hoa trong luật pháp của Nho giáo. Trong khi coi các tiêu chuẩn pháp luật phong kiến như là các công điều chỉnh tự trị, họ lại tách rời những quy định pháp luật phong kiến này khỏi các hoàn cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa khi chúng ra đời. Ví dụ, sự ưa thích truyền thống đối với các phương pháp hòa giải không tạo ra kẻ thù[10] được gán cho chủ nghĩa cộng đồng cổ truyền của Việt Nam trong đó không đề cao “tính cá nhân” và “bản thân” (Đào Bảo Ngọc 1999:32 – 5). Các giới hạn chính trị và kinh tế phong kiến lên các bản án của tòa bị bỏ qua.
Các nhà nghiên cứu cũng đồng thời áp dụng một phương pháp nghiên cứu mơ hồ để đọc lịch sử theo chiều ngược. Họ sử dụng các giá trị văn hóa có ưu thế để đánh giá những ích lợi hiện đại của các tiêu chuẩn pháp lý thời phong kiến. Ví dụ, các nhà bình luận đã hình dung thời kỳ đầu của nhà Lê sơ (thế kỷ XV) như là thời kỳ hoàng kim của các tiến bộ chính trị – pháp luật khi mà thực tiễn thương mại quốc gia đã được phản ánh hoàn toàn rõ ràng trong các quyền hợp pháp được áp đặt. Lối suy nghĩ này đã diễn dịch hoàn toàn sai lầm mục đích của bộ luật thời Lê, vốn được dùng để tái hiện các tiêu chuẩn xã hội Trung Hoa (tam cương ngũ thường[11]). Đối với các đầu óc Khổng giáo, việc đọc một văn bản mà chỉ gói gọn trong nội dung của chính nó thường mang lại những hiểu biết rất hạn chế, trong khi ý nghĩa pháp luật lại nằm chủ yếu trong những bài giảng đạo đức của giới trí thức (Whitmore 1995). Sử dụng văn bản pháp luật thể hiện sự không đếm xỉa gì tới đạo đức, hay tồi hơn, là sự yếu kém của đạo đức. Những điều khoản liên quan tới thương mại trong các bộ luật thời Lê phục vụ cho chức năng của nền công pháp để bảo vệ sự quân bình nhất định của xóm làng và chưa bao giờ có ý định ban phát các quyền tự do cá nhân (Vũ Văn Mẫu 1963[12]).
Mặc dù có vô số bài viết, các nhà nghiên cứu vẫn thất bại trong việc tìm ra một cách thức có ý nghĩa để kết hợp các giá trị truyền thống (đức trị) dựa trên cuộc sống xóm làng tiền công nghiệp vào hệ thống pháp luật hiện đại cho một xã hội có giáo dục với nền kinh tế thị trường lai tạp đã hội nhập quốc tế (Đào Trí Úc 1995). Các nhà nghiên cứu đã không đưa cho các ủy ban dự thảo pháp luật những thông tin bối cảnh cần thiết để xác định liệu các quy chuẩn pháp luật phong kiến có thể áp dụng trong xã hội hiện đại hay không.
Thiếu vắng những bối cảnh văn hóa để tham chiếu, các nhà soạn thảo pháp luật phải dựa trên những mẫu hình văn hóa mơ hồ và những hiểu biết dựa trên về một hệ thống pháp luật nào đó để quyết định, ví dụ, liệu luật Trung Hóa về bản chất có tương thích với xã hội Việt Nam hơn là luật pháp của Mỹ hay Nhật Bản không. Sự tương thích văn hóa có vẻ không quá quan trọng cho việc vay mượn pháp luật những năm 1960 – 1970, khi mà Đảng đã bị thuyết phục rằng xã hội đang tiến lên “thiên đường xã hội chủ nghĩa”. Nhưng một sự vay mượn như vậy sẽ không thể đứng vững trong xã hội Việt Nam hiện đại, khi mà nhà nước đang vay mượn pháp luật từ rất nhiều nguồn khác nhau. Rất khó để giải thích bằng tham chiếu [tới các nghiên cứu] từ cả hai loại tranh luận về văn hóa với cái nhìn hướng nội hoặc hướng ngoại, khi mà cả hai đều thận trọng chống lại việc nhập khẩu ồ ạt pháp luật từ nước ngoài. Ngoài ra, cũng chưa rõ ràng là tại sao các nhà lập pháp khi chấp nhận vay mượn pháp luật nước ngoài lại trở nên miễn cưỡng trong việc thảo luận với các quan điểm trong kinh tế, đạo đức và văn hóa.
Còn tiếp
Chú giải của người dịch
[1] Người dịch giữ nguyên cách gọi trong văn bản gốc. Ở Việt Nam thuật ngữ tân Khổng giáo không phổ biến, có lẽ bởi vì hệ tư tưởng này cũng đã được hình thành từ 1500 năm trước, và không còn “mới” nữa. Người Việt thường dùng chung thuật ngữ “Nho giáo” hoặc “Khổng giáo” cho tất cả các phiên bản của Nho giáo, và khi cần thiết mới phân biệt Đường Nho hoặc Tống Nho.
[2] articles of faith
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Đăng_Doanh
[4] Phỏng vấn với Lê Đăng Doanh tại Hà Nội, tháng Giêng năm 2001 (chú thích của tác giả).
[5] Người dịch dịch trực tiếp từ nội dung tiếng Anh
[6] Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (Ban chấp hành khóa IX) năm 2001 (chú thích của tác giả)
[7] http://moj.gov.vn/vienkhpl/Pages/home.aspx
[8] Dự án này được khởi động bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nhằm vượt qua những trở ngại mà các ủy ban soạn thảo pháp luật gặp phải khi cố gắng xử lý những khác biệt giữa hệ thống pháp luật du nhập từ nước ngoài với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Phỏng vấn Dương Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tại Hà Nội, tháng 3 – 1999. (chú thích của tác giả)
[9] Mặc dù không được biết đến nhiều ở Việt Nam như Lý Quang Diệu, Mohamad Mahathir (1925 – ) là một nhân vật có ảnh hưởng lớn tại châu Á và trên thế giới. Ông giữ chức thủ tướng Malaysia trong 22 năm (1981 – 2003). Hồi ký chính trị của ông đã được xuất bản tại Việt Nam. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Mahathir_Mohamad và https://www.vinabook.com/tun-dr-mahathir-mohamad-hoi-ky-chinh-tri-p56059.html
[10] Thể hiện qua các câu tục ngữ và thành ngữ quen thuộc như “dĩ hòa vi quý” hay “hòa cả làng”.
[11] Tam cương là ba mối quan hệ chính trong xã hội phong kiến: quân – thần (vua – tôi), phụ – tử (cha – con), phu – phụ (vợ – chồng). Ngũ thường là năm đức tính lớn của người quân tử: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tham khảo http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1705-1776-633438675330430000/100-loi-giai-dap-ve-van-hoa-Viet-Nam/The-nao-la-tam-cuong-ngu-thuong.htm
[12] Vũ Văn Mẫu (1914 – 1998) từng là Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Vương quốc Anh, Bỉ và Hà Lan những năm 1960, là thủ tướng cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng hòa dưới quyền Tổng thống Dương Văn Minh. Tiến sỹ luật tại Paris. Nổi tiếng với các nghiên cứu về cổ luật Việt Nam. Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Vũ_Văn_Mẫu