Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Dịch giả: Nguyễn Huy Hoàng
Dịch từ chương “Development of Civil Society” của tác giả Jose Harris
Trích từ “The Oxford Handbook of Political Institutions“ ed. S. Binder, R. Rhodes, and B. Rockman. Oxford: Oxford University Press.
Tựa đề, phần giới thiệu và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
Kỳ trước: Chủ nghĩa Cộng Sản cổ điển và Xã Hội Dân Sự – những đồng môn “thiên địch”
—
Tham vọng nhất trong tất cả là những khát vọng của phong trào “Vì Xã Hội Dân Sự Toàn cầu”, đã vận động trên nhiều mặt – thông qua các nhóm nghiên cứu ở các trường đại học, các nhóm hoạt động gây áp lực, các tổ chức phi chính phủ, và các thể chế quốc tế – cho sự phát triển của một chương trình nghị sự chung về “xã hội dân sự” trong mọi môi trường liên quốc gia có thể có, trong đó có giải quyết xung đột và tránh chiến tranh.
Chương trình nghị sự này vạch ra một tương lai khi các tổ chức cất tiếng nói thay mặt cho các phong trào mở, tự nguyện, và vô vụ lợi sẽ tạo ra được một “khu vực thứ ba”, ngang hàng với các chính phủ nhà nước và nền kinh tế quốc tế, trong tất cả các nước trên thế giới (Barber 2001–2a,b; Keane 2003; Kaldor trong Kaldor, Anheier và Glasius 2003).
Việc “xã hội dân sự” đã chuyển dịch triệt để ý nghĩa của nó nhiều lần trong suốt 2.000 năm trong các nền văn hóa và bối cảnh khác nhau có lẽ là không đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là ý tưởng này, được nhen nhóm bởi một số ít luật sư và trí thức trong những ngày suy tàn của La Mã cộng hòa, vẫn tiếp tục cháy và bùng nổ với một mối nối rất dài trong đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, sự xuất hiện trở lại mạnh mẽ của “xã hội dân sự” trong những năm gần đây đã đặt ra tầm quan trọng của việc làm rõ ý nghĩa mà những người liên tục viện dẫn thuật ngữ này hiểu về nó, như một chiến lược cải cách lẫn một mô hình của nền văn minh tương lai. Khi các phiên bản khác nhau của xã hội dân sự đụng độ, hoặc xô xát lẫn nhau như những con tàu đi trong sương, làm thế nào công dân tích cực hoặc nhà quan sát chính trị thờ ơ biết được ý nghĩa thật sự là gì?
Câu trả lời cho câu hỏi này không phải là vấn đề đơn giản. Kể từ những năm 1980, đường nét của xã hội dân sự mà những người ủng hộ nó vạch ra đã được thể hiện dưới nhiều hình thức, từ bốn mô hình chính được đề xuất trên đây cho tới những mô hình nhỏ hơn. Do vậy mà ở một số khu vực, xã hội dân sự được coi như sự đòi hỏi pháp luật nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật, và sự giám sát các dịch vụ công mở rộng nhiều hơn nữa để đảm bảo sự bình đẳng lớn hơn, “hòa nhập xã hội”, và hòa giải xung đột.
Nhưng ở trong những khu vực khác nó lại được xem là chỉ dấu đến chiều ngược lại, hướng tới việc phục hồi những cấu trúc mang tính vi mô, tự cứu, dựa trên khu vực, thay cho những cơ chế hỗ trợ non trẻ và mang tính điều tiết của chính quyền trung ương (Green 2000).
Với một số nhà bình luận, sự suy giảm trên diện rộng trong nhiều nền văn hóa “tiên tiến” về sự tham gia của công dân trong các câu lạc bộ, các nhóm chiến dịch, các chương trình địa phương, và các xã hội tự nguyện là chỉ số chính cho sự tan rã của xã hội dân sự (tức là “hội chứng chơi bowling một mình” theo chẩn đoán của Putnam 2000). Nhưng với những người khác, điều ngược lại mới là đúng: Cá nhân tự chủ, độc lập, ra lựa chọn luân lý – không bị cản trở bởi các mối quan hệ cộng đồng đảng phái, và chỉ ràng buộc với sự công bình khách quan của pháp luật – chính là những gì tổ chức xã hội dân sự thế kỷ 21 hướng tới (Seligman 1995, 200–19; Harris 2003, 7–9).
Tương tự, trong con mắt của một số chuyên gia, “xã hội dân sự” nhất thiết kéo theo một nền văn hóa quốc gia “phổ quát” toàn diện hơn nhiều, trong khi với những người khác nó đồng nghĩa với một nền văn hóa quốc gia đa dạng và đa nguyên hơn nhiều. (Sự tương phản ở đây được nắm bắt gọn ghẽ trong sự khác biệt về triết học giữa các phương pháp tiếp cận của Pháp và Anh về các vấn đề hội nhập dân tộc và tôn giáo.)
Bản thân tôn giáo cũng có một vị thế mâu thuẫn tương tự trong nhiều cuộc tranh luận hiện nay, một số người tham gia mô tả xã hội dân sự là “thế tục” về bản chất (tôn giáo bị giới hạn trong một không gian hoàn toàn “riêng tư”); trong khi những người khác nhấn mạnh mối tương quan chặt chẽ giữa nghi lễ tôn giáo dưới mọi hình thức (Cơ đốc, Do thái, và Hồi giáo) và mức độ tham gia của công chúng cao trong các lĩnh vực tự nguyện, từ thiện, “vô vị lợi” (Ireland, Israel, Bỉ, và Hà Lan là những ví dụ nổi bật của mối tương quan này) (Barber 2002b, 8).
Tương tự, trong phong trào Vì Xã Hội Dân Sự Toàn Cầu đã có nhiều lớp quan điểm về cách “xã hội dân sự” khớp với những nền văn hóa lịch sử khác nhau. Những thuộc tính như dân chủ, bình đẳng giới, luật hôn nhân tự do, và vai trò lãnh đạo của tầng lớp trung lưu có giáo dục là những điều kiện tiên quyết tuyệt đối, hay là những vấn đề về tự chủ văn hóa nên được coi là biến và có thể thương lượng được ở địa phương (Barber 2002b, 7–11)?
Mối quan hệ của “xã hội dân sự toàn cầu” với bản thân toàn cầu hóa – dù là quan hệ kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ, hay đơn thuần “Internet” – vẫn còn gây nhiều tranh cãi, với nhiều người ủng hộ “xã hội dân sự” ghét tương tác toàn cầu loại này trong khi lại hứng thú với những loại khác. Và nhắc lại những nguồn gốc lịch sử của thuật ngữ này, có một số người như Habermas và Skocpol đã nghi ngờ mạnh mẽ sự tuyệt giao của xã hội dân sự với những mối liên hệ của nó với khái niệm truyền thống về một nhà nước tổ chức tốt. Sự nghi ngờ này có vẻ đặc biệt thích đáng, do một khảo sát gồm 27 quốc gia năm 2001 đã cho thấy hơn 42% thu nhập của các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan “vô vụ lợi” khác trên thực tế đến từ chính phủ và các nguồn lực từ thuế (Habermas 1962; Skocpol 1996, 19–25; Barber 2002b, 8, 23).
Xã hội dân sự do đó vẫn còn là một ý tưởng khó nắm bắt, bất ổn, và gây nhiều tranh cãi một cách lạ thường, khó xác định dứt khoát bằng cách tham thiếu đến việc xã hội dân sự là gì hay không phải là gì. Người ta cũng thường giả định rằng (dù thế nào đi chăng nữa) xã hội dân sự sẽ không bao giờ tương thích với chủ nghĩa phát xít, phong kiến, chủ nghĩa phụ quyền, chủ nghĩa toàn trị, bạo động, hoặc chế độ mafia địa phương. Nhưng mỗi mô hình trong bốn mô hình nêu trên lại thường gắn kết với một trong những cấu trúc xã hội được cho là đối nghịch này. Như một người tham gia vào một diễn đàn gần đây đã nói: “Ở quê hương tôi, Ku Klux Klan là một phần của xã hội dân sự. Phong trào này phi chính phủ, phi lợi nhuận, dựa trên hội viên, dân chủ nội bộ … và các thành viên đều làm việc nhiệt tình trên cơ sở tự nguyện để thúc đẩy sứ mệnh của tổ chức”.
Cũng khó khăn không kém nếu muốn xác định chính xác vị trí của xã hội dân sự trên bất kỳ trục khái niệm nào, từ một nền kinh tế kế hoạch tới chủ nghĩa tư bản tự do kinh tế, từ chủ nghĩa phổ quát văn hóa tới chủ nghĩa đa nguyên văn hóa, từ “các quyền con người” đối với các nguồn lực cơ bản tới các quyền tư hữu, hay từ mô hình nhà nước “can thiệp” tới mô hình nhà nước “tối thiểu”. Do sự tích lũy dần dần nhiều ý nghĩa khác nhau qua nhiều thế kỷ, chúng ta cũng không thể coi xã hội dân sự như một “hình mẫu lý tưởng” theo kiểu Weber, được thiết kế để nâng cao tri thức thông qua những hiểu biết lý thuyết được định nghĩa sắc gọn, thay vì với tham chiếu tới những sự kiện lịch sử chính xác. Những cách sử dụng phổ biến hiện nay của thuật ngữ này do đó có lẽ nên được coi như một cụm “sự tương đồng tùy chọn” chồng lấn lẫn nhau một cách lỏng lẻo, dùng để truyền đạt một nhóm nhiều khát vọng đạo đức, văn hóa, và xã hội, hơn là một tập hợp các khái niệm phân tích chính xác trong khoa học chính trị và xã hội.