Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguồn: Aryeh Neier, “The Power of the Human-Rights Movement”, Project Syndicate, 27/01/2016.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
—
Hầu hết những ai hiến thân mình để bảo vệ các quyền con người trên toàn thế giới cũng đều đồng ý rằng đây là một giai đoạn rất tồi tệ đối với phong trào của chúng ta. Bằng chứng hiện diện ở mọi nơi.
Ngày nay, số người buộc phải di tản do chiến tranh và sự đàn áp nghiêm trọng (của chính quyền) đang lớn hơn bao giờ hết kể từ sau Thế chiến II. Nhưng việc ngăn cản người tị nạn tái định cư vẫn đang tăng mạnh, phần lớn là do nỗi lo ngại trước các cuộc tấn công khủng bố ở nhiều quốc gia. Quả thật, dưới danh nghĩa tăng cường an ninh, nhiều chính phủ đang vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản.
Các chính phủ Trung Quốc, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Israel, và Nga đang tiến hành – hoặc đang cân nhắc nghiêm túc việc tiến hành – các bước làm thui chột xã hội dân sự bằng cách hạn chế các nguồn tài trợ sẵn có cho các tổ chức phi chính phủ. Trung Quốc đã và đang đàn áp giới luật sư nhân quyền. Ở Đông Âu, từ Hungary đến Ba Lan, chủ nghĩa dân tộc phi tự do đang trên đà trỗi dậy. Ngay cả các nền dân chủ trưởng thành của Tây Âu và Hoa Kỳ cũng đang chứng kiến sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng dành cho những chính trị gia tán thành chủ nghĩa dân tộc và các giáo lý bài ngoại.
Có phải xu hướng hướng tới sự bảo vệ quốc tế lớn hơn dành cho các quyền con người, vốn bắt đầu từ bốn thập niên trước, đã đến hồi kết thúc?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét cách xu hướng này xuất hiện lúc ban đầu. Năm 1975, 35 nước châu Âu và Bắc Mỹ đã ký Hiệp ước Helsinki, mở đường cho sự hợp tác giữa Đông Âu và Tây Âu. Một trong những nguyên tắc mà Hiệp ước này thiết lập cho quan hệ giữa các nước tham gia là “tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản, bao gồm tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo, hay tự do tín ngưỡng”.
Sau Helsinki, các phong trào nhân quyền bắt đầu giành được sự ủng hộ trong các nước cộng sản đàn áp – bắt đầu với chính Liên Xô – khi chúng gây áp lực buộc các chính phủ phải tuân thủ những cam kết đã được ghi nhận. Nhiều tổ chức thúc đẩy nhân quyền trên quốc tế, trong đó có Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), cũng bắt đầu hoạt động trong thời gian này.
Những năm 1970 cũng đánh dấu một bước ngoặt trong vai trò của nhân quyền trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Quốc hội đã ban hành một loạt các đạo luật – đôi khi vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Gerald Ford – cấm Hoa Kỳ viện trợ cho những chính phủ vi phạm các quyền con người được quốc tế công nhận, ngay cả khi họ là đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ thời Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao còn có nhiệm vụ phải công bố chi tiết báo cáo nhân quyền hàng năm về mọi thành viên của Liên Hợp Quốc, một hoạt động vẫn tiếp tục được tiến hành cho tới tận ngày nay.
Bất chấp những bước đi đầy hứa hẹn này, triển vọng toàn cầu của việc thúc đẩy các quyền con người dường như còn ảm đạm hơn cả ngày nay. Liên Xô dưới thời Leonid Brezhnev dường như nhiều khả năng sẽ duy trì quyền kiểm soát đế quốc đối với các nước Đông Âu vô thời hạn. Trung Quốc đang ở trong những giai đoạn cuối của cuộc Cách mạng Văn hóa tàn bạo. Phần lớn châu Mỹ Latin và nhiều nước châu Á – trong đó có Indonesia, Pakistan, Philippines, và Hàn Quốc – bị cai trị bởi các nền độc tài quân sự đã tra tấn và “làm biến mất” hàng ngàn công dân của họ.
Tại Việt Nam, nơi Hoa Kỳ đã sát hại ít nhất một triệu người trước khi rời đi vào năm 1975, một chế độ cộng sản theo đường lối cứng rắn đã bảo đảm quyền lực. Nước láng giềng Campuchia phải chịu sự cai trị của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ngay cả nước Ấn Độ dân chủ cũng bị đặt dưới nền cai trị nguy hiểm từ năm 1975 đến năm 1977, và những người chỉ trích các chính sách của chính phủ một cách bất bạo động đã bị bắt giam.
Ở Nam Phi, chế độ phân biệt chủng tộc apartheid nằm vững trên ngôi. Gần như không có một chút tôn trọng nhân quyền nào ở những nơi khác của châu Phi hay ở Trung Đông, nơi các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Iran của Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành tra tấn.
Tuy nhiên, trong một thập niên rưỡi sau đó, những triển vọng cải cách đã bừng sáng. Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu; các chế độ độc tài quân sự phải nhường đường cho dân chủ ở châu Mỹ Latin và nhiều nước châu Á; và việc Nelson Mandela được thả tự do đã báo hiệu sự cáo chung của chế độ apartheid ở Nam Phi. Các phong trào nhân quyền quốc tế có vai trò quan trọng trong tất cả những bước phát triển này.
Nhưng đã có những bước thụt lùi nghiêm trọng. Có lẽ gây thiệt hại nặng nề nhất là việc thành lập một chế độ thần quyền ở Iran năm 1979, và vụ thảm sát Thiên An Môn diễn ra một thập niên sau đó ở Trung Quốc. Việc những cuộc đàn áp của Trung Quốc đã không cản trở đáng kể sự trỗi dậy của nước này tới vị thế siêu cường toàn cầu đã gửi đi một thông điệp nguy hiểm tới các chế độ chuyên chế khác cũng đang tìm cách hưởng lợi kinh tế từ toàn cầu hóa mà không tôn trọng những chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Nếu muốn đạt được tiến bộ, phong trào nhân quyền quốc tế phải củng cố tầm quan trọng của việc đánh giá các chính phủ trên cơ sở hành vi của họ, đảm bảo rằng vi phạm các quyền con người sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và uy tín của quốc gia. Trung Quốc, với sức mạnh kinh tế khổng lồ của mình, đã nhiều lần thoát khỏi trừng phạt; nhưng những nỗ lực đàn áp những người kéo sự chú ý tới việc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đã cho thấy ngay cả nước này cũng không miễn nhiễm với áp lực như vậy.
Bảo vệ các quyền con người luôn là một cuộc đấu tranh khó khăn. Nhưng phong trào nhân quyền đã chứng tỏ rằng cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến thế nào thì nó cũng không phải là vô vọng. Có thể nó không có sức mạnh của thanh gươm hay sức mạnh của đồng tiền. Nhưng, với một cách tiếp cận táo bạo và sáng tạo, nó có thể giúp đảm bảo rằng khi các chính phủ vi phạm nhân quyền – bao gồm cả việc tấn công những người bảo vệ các quyền này – họ phải trả một cái giá quốc tế có ý nghĩa./.