Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nam Quỳnh
Một vụ scandal dùng tiền mua nghị viên đã góp phần nâng cao chuẩn mực minh bạch thông tin về đảng phái chính trị tại Anh như thế nào?
—
Anh quốc có một lịch sử thực hành dân chủ đa đảng phái lâu đời. Những hình thức sơ khai của các đảng phái chính trị hiện đại đã có mặt tại Anh từ thế kỷ 17. Đảng chính trị (hiểu theo nghĩa hiện đại) lâu đời nhất của nước Anh là Đảng Bảo Thủ (Conservative Party) được thành lập từ năm 1834.
Bước sang thế kỷ 21, tại Anh (chính xác là tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) có tới khoảng 454 các đảng chính trị lớn nhỏ, theo thống kê từ danh sách đăng ký được cập nhật.
Đối với người dân ở một số nước, sự có mặt nhiều đảng phái chính trị đến thế có thể được cho là dấu hiệu của sự bất ổn, hay tiềm năng của hỗn loạn, đặc biệt khi có sự liên tưởng tới hình ảnh những cuộc bạo động của hai đảng chính trị ‘áo đỏ’ và ‘áo vàng’ tại Thái Lan, vốn thường được đưa ra một cách rất thường xuyên và dễ dãi làm ví dụ cho những gì được cho là bất ổn và hỗn loạn của đa nguyên đa đảng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy môi trường dân chủ đa đảng phái ở Anh rất văn minh và ôn hòa.
Sự văn minh ôn hòa đó không phải được dựng xây một sớm một chiều. Nó là kết tinh của một lịch sử thực hành dân chủ lâu dài gian khó, và hiện nay nó được bảo đảm và duy trì bằng một cơ quan rất đặc biệt ở Anh là Hội Đồng Bầu Cử Anh (Electoral Commission).
Scandal £2000 cho một câu hỏi tại Hạ Viện Anh
Giống như ở mọi đất nước khác với nền đa nguyên chính trị, lịch sử thực hành dân chủ đa đảng phái của Anh đầy biến động và đã trải qua vô số thách thức để có thể tồn tại đến thời hiện đại.
Năm 1994, chính phủ đảng Bảo Thủ của thủ tướng Anh John Major đối mặt với một làn sóng phẫn nộ từ dân chúng, sau khi giới báo chí thiên tả của Anh vạch ra vụ việc hai thành viên đảng Bảo Thủ, nghị viên Hạ Viện Anh là Neil Hamilton và Tim Smith đã nhận tiền đút lót từ nhà lobby chuyên nghiệp Ian Greer để đặt câu hỏi trong phiên họp trên Hạ Viện theo hướng có lợi cho một vị thân chủ của Greer. Mỗi câu hỏi được ngã giá £2000.
“…Anh có thể thuê một ông nghị như thuê một chiếc taxi tại London…”
Thú vị là nguồn để lộ thông tin cho báo chí chính là vị thân chủ đáng kính của Greer: nhà tỷ phú người Ai Cập Mohamed Al-Fayed, cha của chàng ‘công tử London’, người tình của công nương Diana, Dodi Al-Fayed.
Một loạt các kiện tụng lùm xùm và các cuộc điều tra diễn ra. Hai chính trị gia Hamilton và Smith tiêu tan sự nghiệp, công ty của Greer phá sản, và chính trị Anh quốc gặp một cơn bĩ cực sẽ dẫn đến những đổi thay lớn.
CSPL và Bảy Nguyên Tắc Đời Sống Công Chức
Chính phủ John Major ngay lập tức quyết định giải quyết vụ việc theo hướng lâu dài, thay vì chỉ qua loa cho qua chuyện. Họ thành lập Ủy Ban về Chuẩn Mực Đời Sống Công Chức (Committee on Standards in Public Life – CSPL[1]), một ủy ban độc lập không thuộc nhà nước có nhiệm vụ tư vấn cho thủ tướng Anh về việc đảm bảo các chuẩn mực mà các công chức Anh phải tuân thủ.
CSPL bao gồm năm người độc lập không phải đảng viên chính trị được thủ tướng Anh tuyển chọn công khai, và ba thành viên là đảng viên chính trị đại diện ba đảng lớn nhất tại Anh là Đảng Bảo Thủ, Công Đảng (Labour Party) và Đảng Tự Do Dân Chủ (Liberal Democrat Party). Người đầu tiên được cử lãnh đạo CSPL năm 1994 là Bá tước Michael Nolan, một quan tòa giàu kinh nghiệm không tham gia chính trị đảng phái.
Năm 1995, CSPL công bố báo cáo đầu tiên của họ trong đó họ vạch ra Bảy Nguyên Tắc cho Đời Sống Công Chức Anh[2]:
Bất Vị Lợi (Selflessness): Không tư lợi từ chức vụ.
Chính Trực (Integrity): Không đặt mình vào thế phải chịu ảnh hưởng của người hoặc tổ chức bên ngoài khi thực hiện công vụ
Khách Quan (Objectivity): Suy xét khách quan khi đưa ra quyết định trong công vụ
Trách Nhiệm (Accountability): Phải chịu trách nhiệm trước toàn xã hội cho các quyết định và hành động của chính mình
Công Khai (Openness): Phải công khai minh bạch trong thực hiện công vụ.
Trung Thực (Honesty): Phải trung thực.
Tinh Thần Lãnh Đạo (Leadership): Phải chủ động làm gương thực hiện các chuẩn mực này và sẵn sàng đương đầu với các biểu hiện sai trái đi lệch chuẩn mực.
Một trong những đề xuất để đảm bảo các chuẩn mực công chức nói trên mà CSPL đưa ra sau đó chính là việc thành lập một hội đồng chuyên trách giám sát bầu cử tại Anh nhằm giám sát chính các đảng chính trị để đảm bảo họ tuân thủ các chuẩn mực đời sống công chức ngay cả trước khi họ giành quyền nắm chính phủ[3].
Hội Đồng Bầu Cử Anh (Electoral Commission) ra đời
Dựa trên đề xuất của CSPL, Hội Đồng Bầu Cử Anh được thành lập năm 2001 với nhiều nhiệm vụ đặc biệt bao gồm kiểm soát đăng ký các đảng chính trị, và kiểm tra giám sát đảm bảo minh bạch trong việc đóng góp tài chính cho các đảng phái chính trị, cũng như tài chính chi tiêu của các đảng này.
Phạm vi quyền hành của Hội Đồng Bầu Cử Anh được quy định đầu tiên trong Đạo luật về Đảng Chính Trị, Bầu Cử và Trưng Cầu Dân Ý năm 2000[4].
Bên cạnh việc áp đặt chế định Hội Đồng Bầu Cử, thắt chặt các yêu cầu về báo cáo tài chính kế toán, về vay mượn tiền và chi tiêu cho hoạt động tranh cử, đạo luật này cũng đặt ra các quy định có tính cách mạng nhằm kiểm soát và nâng cao sự minh bạch trong việc nhận tiền đóng góp tài chính từ bên ngoài đảng của các đảng chính trị có đăng ký tại Anh. Ví dụ, các đảng chỉ được phép nhận những khoản đóng góp tài chính nhiều hơn £500 từ những cá nhân có đăng ký đi bầu tại Anh, hoặc từ các hội đoàn cơ quan khác có đăng ký hoạt động tại Anh. Điều này có vẻ để ngăn chặn sự can thiệp của “các thế lực thù địch”.
Đạo luật này cũng phân định rõ ràng việc có thể tồn tại các hình thức đóng góp chính trị khác nhau: tài chính và phi tài chính. Ví dụ, một công ty kiểm toán, thay vì đưa tiền ủng hộ một đảng, có thể đồng ý cung cấp dịch vụ ‘không công’ cho đảng chính trị đó trong vòng 1 năm và đảng chính trị đó vẫn sẽ phải xin công ty kiểm toán này một hóa đơn dịch vụ để đăng ký với Hội Đồng Bầu Cử là họ đã nhận một khoản đóng góp chính trị từ công ty kiểm toán nọ thông qua dịch vụ trị giá theo như trên hóa đơn.
Nhà nước Anh sau đó thông qua Đạo luật về Đảng Chính Trị và Bầu Cử năm 2009[5] cho Hội Đồng Bầu Cử thêm nhiều quyền hạn, bao gồm quyền chủ động điều tra và đưa ra các án phạt tài chính hoặc phi tài chính dành cho các sai phạm trong hoạt động bầu cử và quản lý tài chính chi tiêu của các đảng chính trị.
Hiện nay Hội Đồng Bầu Cử Anh hoạt động với 122 nhân viên bao gồm ban lãnh đạo, và với nguồn ngân sách do Nhà nước Anh cung cấp vào khoảng 22,5 triệu bảng Anh[6].
Chức năng giám sát của Hội Đồng Bầu Cử Anh cho họ quyền tiếp cận và kiểm soát các thông tin quan trọng về tài chính và hoạt động của các đảng chính trị tại Anh.
Còn tiếp
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.gov.uk/government/organisations/the-committee-on-standards-in-public-life/about
[2]https://www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/336919/1stInquiryReport.pdf
[3]https://www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/336870/5thInquiry_FullReport.pdf
[4] http://www.legislation.gov.uk/ukpga/2000/41/contents
[5] http://www.legislation.gov.uk/ukpga/2009/12/contents
[6] http://www.electoralcommission.org.uk/__data/assets/pdf_file/0010/191089/Electoral-Commission-2014-15-Annual-Report-and-Accounts-web-final.pdf