Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Đức Việt
Không thể phủ nhận những gì TPP sẽ mang lại là rất đáng lạc quan cho môi trường dân chủ và xã hội dân sự tại Việt Nam trong năm năm tới. Tuy nhiên, bất kỳ sự lạc quan nào cũng cần tỉnh táo. Trong lịch sử, chưa bao giờ có một xã hội nào được tự do hóa, dân chủ hóa chỉ bằng áp lực nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại.
Bài viết trước: Năm nguyên tắc về quyền công đoàn đối với Việt Nam trong TPP – Kỳ 3
—
Chứng kiến những gì mà quá trình đàm phán TPP (đặc biệt liên quan đến chương Lao Động) mang lại, rất nhiều người đã bắt đầu vẽ nên viễn cảnh về một xã hội đa nguyên khi Việt Nam cam kết hợp pháp hóa công đoàn độc lập. Tuy nhiên, sự lạc quan này có quá lý tưởng, quá lãng mạn hay không?
Theo tác giả bài viết này, công đoàn độc lập sẽ không đem lại tự do chính trị như nhiều người mong muốn mà đó sẽ là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và can đảm của xã hội dân sự.
Ai có quyền khiếu nại khi tiêu chuẩn lao động bị vi phạm?
Ngày 12 tháng 1 năm 2016, sau nhiều tháng im lặng, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch – HRW) đã đưa ra một bản phúc trình dạng Hỏi & Đáp (Q&A) liên quan đến rất nhiều khía cạnh của TPP[1]. HRW chú trọng vào những vấn đề về nhân quyền trong TPP và đã đưa ra một đánh giá có thể làm thất vọng nhiều người, theo đó những cam kết trong TPP sẽ không giúp “bảo vệ hiệu quả quyền lao động ở các quốc gia (TPP) có thành tích về quyền lao động yếu kém như Việt Nam, Malaysia, và Brunei.”[2]
Lý do vì sao HRW đưa ra nhận định bi quan như vậy đã được giải thích trong Q&A. Theo đó, HRW cho rằng việc thiếu vắng một cơ chế thực thi, khiếu nại hữu hiệu khi có vi phạm tiêu chuẩn lao động sẽ khiến TPP mất đi hiệu lực thực tế của nó.
Khác với chương Đầu Tư, cơ chế giải quyết tranh chấp của chương Lao Động không đi theo hệ thống ISDS (Investor-State Disputes Settlement – Cơ chế Giải quyết tranh chấp giữa Nhà Đầu Tư và Quốc Gia).[3] Tức là nếu một nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam cảm thấy công đoàn độc lập của công nhân họ bị chính phủ Việt Nam phân biệt đối xử, nhà đầu tư này phải gửi khiếu nại lên cho chính quyền Mỹ chứ không được trực tiếp mở một vụ kiện chống lại Việt Nam theo cơ chế ISDS. HRW đánh giá đây là một bất cập của chương Lao Động. Bởi lẽ, cơ chế khởi kiện giữa các chính phủ với nhau rất phức tạp, thường bị chính trị hóa và cân đo đong đếm giữa các quyền lợi.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Elizabeth Warren trong một phúc trình trước Thượng viện Mỹ đã chỉ ra rằng nước Mỹ có một lịch sử dài “thất hứa” trong việc thực thi các tiêu chuẩn lao động trong các hiệp định thương mại tự do như NAFTA, CAFTA.[4] Bản phúc trình chỉ ra rằng mặc dù là một thành viên của CAFTA với một chương Lao động khá rõ ràng về quyền công đoàn, Guatemala được xem là “quốc gia nguy hiểm nhất thế giới cho các công đoàn viên”.[5] Trong khi đó, Mỹ và Colombia cũng có một Bản Kế Hoạch Hành Động tương tự với bản kế hoạch với Việt Nam về tiêu chuẩn lao động, nhưng chỉ sau 4 năm thực hiện, Colombia đã chứng kiến 105 vụ sát hại các nhà hoạt động công đoàn và hơn 1.337 thư đe dọa tính mạng những nhà hoạt động này.[6]
Bộ Lao Động Hoa Kỳ cũng rất thụ động trong việc giải quyết các khiếu nại được xã hội dân sự phúc trình lên. Chẳng hạn, đơn khiếu nại của 6 tổ chức công đoàn Guatemala từ năm 2008 đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết.[7] Chính điều này khiến cho chúng ta có cơ sở để bi quan rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục thụ động trong việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến tiêu chuẩn lao động trong TPP từ xã hội dân sự.
Tuy nhiên, ngay cả khi chính phủ Mỹ chấp nhận theo đuổi các khiếu nại thì TPP cũng để ngỏ khả năng cho những cuộc mặc cả, thỏa hiệp chính trị. Theo TPP, chính phủ Mỹ có quyền tái áp đặt các rào cản về thuế quan hay thương mại nếu Việt Nam không thực hiện các cam kết về tiêu chuẩn lao động trong TPP. Dầu vậy, xin lưu ý rằng TPP cho chính phủ Mỹ quyền năng này không có nghĩa là nó sẽ được thực hiện một cách tự động trên thực tế. Điều này tùy thuộc vào quan điểm chính trị và ngoại giao của chính quyền Mỹ tại thời điểm có xảy ra vi phạm. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu chính quyền Mỹ chọn thỏa hiệp với Việt Nam vì một lợi ích kinh tế nào đó để bỏ qua việc thực thi trừng phạt này.
Tóm lại, một khi việc yêu cầu thi hành một cam kết nào đó nằm trong tay các Nhà nước thì sự lạc quan của xã hội dân sự cần phải được giảm thiểu.
Công nhân có quyền gì đối với việc yêu cầu thực thi?
Đối với người lao động là đối tượng bị tác động trực tiếp khi có vi phạm trong TPP, họ cũng không có đủ quyền năng để khởi kiện chính phủ vi phạm.
Theo Bản Kế Hoạch về Quyền lao động giữa Việt Nam và Mỹ, người lao động khi có khiếu nại chỉ có quyền thực hiện thông qua các thanh tra lao động thuộc biên chế của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội hoặc các Sở trực thuộc Bộ này. Điều này có nghĩa rằng các công nhân chỉ có quyền khiếu nại các vi phạm từ phía giới chủ. Nếu chính phủ Việt Nam vi phạm các cam kết về tiêu chuẩn lao động (ví dụ, quá năm năm kể từ ngày TPP có hiệu lực mà vẫn chưa đưa ra luật về công đoàn độc lập, công nhân Việt Nam cũng không có quyền khiếu nại).
Có một điều ít ai để ý đến trong chương Lao Động đó là quyền công đoàn đã được xác định rõ là một quyền dân sự – kinh tế, chứ không phải là một quyền chính trị. Cụ thể, trong Bản Kế hoạch giữa Việt Nam và Mỹ, ghi nhận rất rõ rằng công đoàn độc lập có quyền tổ chức đình công hoặc các biện pháp tập thể khác liên quan đến “các mối quan tâm nghề nghiệp (occupational) và kinh tế – xã hội (socio-economic) tại doanh nghiệp của họ.”[8] Theo một nhận định của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore thì đây là bước đi khéo léo của chính quyền Việt Nam vì nó tạo nên tính chính danh cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ với giới chủ, và đồng thời tạo cơ sở cho chính phủ Việt Nam đàm phán các vấn đề khác trong TPP.[9]
Điều này có nghĩa rằng tổ chức công đoàn độc lập được mặc định chỉ tham gia vào các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp và kinh tế – xã hội chứ không được phép lan tỏa sang các vấn đề về chính trị. Chính quyền Việt Nam cũng sẽ đủ khôn ngoan để đặt ra các phương thức nhằm hạn chế tối đa sự can dự vào chính trị của các tổ chức công đoàn này.
Chính vì thế, những ai mong muốn sự xuất hiện một cách hợp pháp của một tổ chức kiểu như Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan (?) tại Việt Nam sẽ thấy niềm tin của mình bị lung lây.
Tự do không miễn phí
Không thể phủ nhận những gì TPP sẽ mang lại là rất đáng lạc quan cho môi trường dân chủ và xã hội dân sự tại Việt Nam trong năm năm tới. Tuy nhiên, bất kỳ sự lạc quan nào cũng cần tỉnh táo. Trong lịch sử, chưa bao giờ có một xã hội nào được tự do hóa, dân chủ hóa chỉ bằng áp lực nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại. Các hiệp định thương mại, sức ép của những quốc gia lớn chỉ là một trong những tiền đề cho sự thay đổi.
Như một quy luật, tất cả các quốc gia đang phát triển đều đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan khi họ phải phát triển kinh tế để tránh sự bất mãn từ phía người nghèo. Nhưng khi phát triển kinh tế, họ lại vô tình tạo ra một tầng lớp trung lưu đủ tri thức để đòi hỏi quyền tự do nhưng không quá giàu để có thể trở nên bạc nhược. Và đó là lúc thay đổi diễn ra thực sự.
Các xã hội chỉ thức tỉnh khi người dân của nó biết tích lũy những gì họ đạt được từ các hiệp định thương mại. TPP là một cơ hội để xã hội dân sự chứng minh cho những ai còn hoài nghi rằng người Việt Nam không phù hợp với nền dân chủ.
Tự do không miễn phí. TPP không đem lại tự do, nó chỉ là phương tiện.
–Hết–
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.hrw.org/news/2016/01/12/qa-trans-pacific-partnership#2
[2] Như trên.
[3] Xem thêm http://www.luatkhoa.org/2015/06/cong-ty-nuoc-ngoai-kien-chinh-phu-va-hiem-hoa-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do/
[4] Broken Promises: Decades of Failure to Enforce Labor Standards in Free Trade Agreements.
[5] Như trên
[6] Như trên
[7] Như trên
[8] Khoản II, Bản Kế Hoạch
[9] The TPP’s Impact on Vietnam: A Preliminary Assessment, ISEAS, Lê Hồng Hiệp – 4 tháng 11 năm 2015 – ISSN 2335-6677