Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Hoài An (dịch)
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Human Rights Watch, World Report 2016, Singapore đã nổi lên như một quốc gia có tình trạng đáng báo động về vi phạm nhân quyền. Hoạt động giám sát Internet được tăng cường, làm hạn chế hơn nữa quyền tự do biểu đạt và hội họp hòa bình ở nước này.
Trong bản báo cáo dài 659 trang, tổ chức Human Rights Watch đã trình bày tình trạng nhân quyền ở hơn 90 nước. Nhiều vấn đề nóng đã được đề cập. Sự lan rộng của các cuộc tấn công khủng bố cùng làn sóng người tị nạn ồ ạt đã khiến nhiều chính phủ hạn chế các quyền con người để đảm bảo an ninh của đất nước mình. Cùng lúc đó, các chính phủ độc tài toàn trị trên thế giới, do lo sợ những phong trào đối kháng hòa bình được tiếp sức bởi các phương tiện truyền thông xã hội, đã tiến hành những cuộc đàn áp mạnh tay lên các nhóm hoạt động độc lập với quy mô chưa từng có.
Ở Singapore, Đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) đã cầm quyền từ năm 1959, luôn chiếm gần như toàn bộ ghế trong quốc hội (83/89 ghế theo kết quả bầu cử hồi tháng 9). Dưới sự điều hành của PAP, nhiều điều luật mập mờ, có phạm vi quá rộng về trật tự công cộng, đạo đức, an ninh và hòa hợp tôn giáo, chủng tộc đã được đưa ra làm công cụ áp chế quyền tự do, biểu đạt của người dân, cũng như khởi tố những cái gai trong mắt chính quyền.
Diễn thuyết và biểu tình tự do…tại nơi chỉ định trước
Quyền tự do hội họp hòa bình của người dân Singapore tiếp tục bị hạn chế với danh nghĩa đảm bảo trật tự công cộng. Theo các quy định tại Luật Trật tự Công cộng, bất kỳ cuộc hội họp nào ở nơi công cộng hoặc có sự tham gia của công chúng đều phải được sự cho phép của cảnh sát. Cảnh sát có quyền từ chối, và cơ sở để cảnh sát dụng quyền hạn này có phạm vi rất rộng.
Người dân Singapore cũng không được tự do lập hội. Bất kỳ hội nào có từ 10 thành viên trở lên cũng phải đăng ký với chính quyền. Cơ quan tiếp nhận đăng ký có quyền bác đơn đăng ký nếu xác định thấy hội nhóm này có thể “gây tổn hại đến sự yên bình, phúc lợi và trật tự công cộng.”
Các cuộc biểu tình và tụ tập có thể được tổ chức tại khu Diễn thuyết của công viên Hong Lim mà không cần xin phép cảnh sát. Tuy nhiên, ở đây giới hạn về chủ đề diễn thuyết lại được đặt ra.Các vấn đề về tôn giáo và chủng tộc là chủ đề cấm kỵ. Người tổ chức và diễn giả phải là công dân Singapore. Người nước ngoài muốn diễn thuyết phải được sự đồng ý của cảnh sát. Không chỉ có vậy, các cuộc biểu tình ở khu vực này vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị khởi tố. Hai nhà hoạt động nổi bật Han Hui Hui, Roy Ngerng Yi Ling và bốn người khác đã bị truy tố vì tổ chức một cuộc tuần hành ở công viên Hong Lim. Theo lời các quan chức, quy định cho phép diễn thuyết, chứ không phải tuần hành hay các hoạt động biểu tình khác.
Kiểm duyệt bằng các biện pháp dân sự
Trong năm 2015, chính phủ Singapore có nhiều dấu hiệu cho thấy sự coi thường luồng thông tin tự do và quyền tự do biểu đạt. Theo đạo luật Phát thanh Truyền hình, các trang tin điện tử bàn về các vấn đề chính trị trong nước ở Singapore phải chịu sự quản lý của Cơ quan Phát triển Truyền thông (MDA). Đáng chú ý là sự quản lý này can thiệp sâu vào nội dung mà các trang tin được đăng tải. Nói cách khác, MDA có quyền kiểm duyệt, yêu cầu trang tin gỡ bỏ ngay lập tức bất kỳ thông tin nào được cho là đi ngược lại “lợi ích chung, trật tự công cộng hoặc hòa khí quốc gia”. Không chỉ có vậy, chỉ cần có bất kỳ động thái nào nhằm chỉ trích chính phủ, các blogger và cổng tin tức online cũng phải đối mặt với án phạt từ phía chính phủ.
Cụ thể, tháng 1 năm 2015, Alex Au, một blogger và nhà hoạt động LGBT nổi tiếng, đã bị khởi tố vì tội viết blog công kích hệ thống tư pháp. Bài viết của Au nhắc đến những điểm đáng ngờ của tòa án khi sắp lịch xử hai vụ việc theo điều 337 Bộ luật Hình sự Singapore hình sự hóa tội quan hệ tình dục giữa hai người đàn ông. Trước tòa, Au khẳng định các bài viết phê bình của mình phù hợp với quyền tự do phát biểu và biểu đạt. Tuy nhiên, theo phán quyết của tòa, anh phải nộp phạt 6.000 USD.
Tháng 2 năm 2015, cảnh sát Singapore bắt giữ hai biên tập viên của cổng tin tức The Real Singapore và cáo buộc họ đã xuất bản những bài viết có khuynh hướng thúc đẩy thù hận giữa các nhóm dân Singapore. Ba tháng sau đó, MDA chính thức đình chỉ hoạt động của cổng tin tức này.
Tháng 3, các quan chức kết tội Amos Yee, một blogger 16 tuổi, vì đã làm tổn thương tình cảm tôn giáo và có hành vi tục tĩu khi đăng tải video và hình ảnh hoạt họa liên quan đến cố thủ tướng Lee Kwan Yew (Lý Quang Diệu). Trong bức ảnh hoạt họa, Yee đã ghép khuôn mặt ông Lý và cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher vào hai nhân vật hoạt họa quan hệ tình dục.
Ngoài ra, chính quyền Singapore cũng sử dụng tội xúc phạm, làm nhục dân sự để dập tắt những ý kiến trái chiều. Roy Ngerng Yi Ling, người từng viết bài chỉ trích cách quản lý quỹ tiết kiệm trung ương của thủ tướng Lee Hsien Long (Lý Hiển Long) trên blog năm 2014, hiện đang phải đối mặt với khoản bồi thường 106.000 đô-la Mỹ sau vụ kiện của ông Lee.
Việc Singapore thẳng tay đàn áp các blogger và những người khẳng định quyền tự do phát biểu cho thấy quyết tâm kiểm soát quyền tự do của chính phủ nước này. Nói như ông Phil Robertson, phó giám đốc Human Rights Watch châu Á: “Thành công kinh tế của [Singapore] không thể che lấp sự đàn áp và kiểm duyệt bên trong mà người dân nước này phải đối mặt mỗi ngày.”
Lược dịch từ Human Rights, World Report 2016