Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Dạ Lãm
“Nếu bạn không phải là thành viên của một đảng phái chính trị, bạn có rất ít cơ may để ngồi vào một trong 600 ghế ở Quốc hội liên bang (Bundestag – Quốc Hội Đức)”. Đó là những gì mà một hướng dẫn viên đã nói với vị du khách trẻ khi viếng thăm.
Vai trò then chốt của đa dạng và sàng lọc đảng phái
Về cơ bản, pháp luật Đức ghi nhận rằng: “đảng phái chính trị sẽ tham gia vào sự hình thành ý chí chính trị của người dân”. Nhưng nhiều nhà khoa học chính trị khẳng định họ còn đi xa hơn thế, không chỉ “tham gia”, sự đa đạng của đảng phái chính trị quyết định những gương mặt có thể định hình chính trị ở Đức. Rất khó để có được ghế trong quốc hội đối với những ứng viên độc lập không có đảng chính trị nào hậu thuẫn. Và nguyên nhân dẫn đến điều này bắt nguồn từ một hệ thống bầu cử cực kỳ phức tạp.
Trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất ở Đức vào năm 2013, có 61,8 triệu người dân hội đủ điều kiện đi bầu. Tất cả đều là công dân Đức trên 18 tuổi; 3 triệu người trong số họ đi bầu cử lần đầu.
Những số liệu này được cung cấp bởi Cục Thống kê Liên bang, người đứng đầu cơ quan này cũng đã giám sát cuộc tổng tuyển cử. Mọi đảng phái muốn tham gia phải đăng kí chính thức với Cục để có thể tranh cử ở cấp quốc gia.
Những đảng phái này phải có thành viên trên khắp nước Đức, một Điều lệ thành văn và một cương lĩnh chính trị, nhằm giải thích nhiệm vụ chính trị của họ và thể hiện sự tuân thủ của đảng đối với các nguyên tắc dân chủ và Hiến pháp Đức (chứ không phải ngược lại -ND). Mỗi đảng phải có một ban điều hành, trụ sở phải nằm trên lãnh thổ Đức.
Đảng nào chưa có đại biểu ở quốc hội Đức ở cấp độ tiểu bang hay liên bang, thì cần phải chứng minh rằng họ được ủng hộ rộng rãi thông qua việc thu thập chữ ký của 0,1 % cử tri để được bỏ phiếu.
Trong cuộc bầu cử năm 2013, 34 đảng phái chính trị đã được sàng lọc và chỉ có 9 trong số đó được tham gia tranh cử trên toàn 16 bang của Đức.
Phép thử 60 năm
Một vài trong số các đảng này có thể chỉ có vài trăm phiếu bầu ít ỏi trong Ngày Bầu cử và do đó không bao giờ có thể bước chân vào Quốc hội liên bang.
Theo luật bầu cử của Đức, đảng phái chính trị phải đạt được tối thiểu 5% tỷ lệ phiếu bầu để vào nghị viện. Điều này nhằm đảm bảo sự ổn định thông qua việc ngăn chặn phân mảnh các đảng phái nhỏ trong bộ máy lập pháp – như những gì đã sách nhiễu nước cộng hòa Weimar (nước Đức trước đây) vào những năm 1920. Xây dựng số đông (majority building) và đưa ra quyết định là rất khó nhưng sẽ càng không thể nếu quốc hội bị chi phối bởi các nhóm nhỏ lẻ.
“Rào cản 5%” này đã giữ cho các đảng phái chính trị cực đoan khác không thể bước vào quốc hội liên bang. Tuy nhiên, một ngoại lệ của quy định 5% được áp dụng cho các đảng phái mà ứng cử viên của họ chiến thắng tại ít nhất 3 khu vực bầu cử.
Một bài học từ quá khứ khác là việc cho phép cử tri không chỉ bầu cho đảng phái và cương lĩnh của họ, mà còn chọn lựa cá nhân để đại diện cho lợi ích của khu vực. Từ đó, một sự kết hợp giữa đại diện theo tỷ lệ và một hệ thống đầu phiếu đa số tương đối[1] đã được triển khai, cho phép mọi người đều được bầu 2 phiếu ở mỗi cuộc bầu cử. Hệ thống này về cơ bản đã không hề thay đổi trong 60 năm trở lại đây.
Một lần bầu cử – 2 lá phiếu
Với lá phiếu “đầu tiên” (“Erststimme”) cử tri chọn ứng cử viên mà anh ta ưng ý nhất.
Nước Đức được chia thành 299 khu vực bầu cử – mỗi khu vực tương ứng với 250,000 cư dân. Mỗi đảng có thể đưa một ứng cử viên vào một khu vực bầu cử. Và ứng viên độc lập cũng có thể tham gia, nếu họ thu thập được ít nhất 200 chữ ký từ những người ủng hộ. Ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ chiến thắng (đầu phiếu đa số tương đối).
Có 589 ghế ở Quốc hội liên bang Đức, và “lá phiếu đầu tiên” nhằm làm đầy một nửa số ghế này, đảm bảo mỗi quận đều có đại diện.
“Lá phiếu thứ 2” (“Zweitstimme”) là để bầu cho một đảng phái chính trị. Lần này là để xác định mặt bằng chung tổng thể của hạ viện: phần trăm số ghế mà mỗi đảng có được. Trong đại hội đảng, các đảng phái sẽ lập danh sách ứng cử viên cho mỗi bang của liên bang. Bang nào có dân số đông hơn sẽ được gửi nhiều đại biểu quốc hội tới hạ viện hơn các bang khác.
Các đảng xếp hạng ứng viên của họ, và chỉ có một vài cái tên trong top được in lên lá phiếu. Vì vậy, khi cử tri chọn một đảng, anh ta không thể chắc chắn rằng cá nhân nào trong danh sách sẽ được vào hạ viện.
Quan điểm phản đối
Lấy ví dụ tên của Thủ tướng Angela Merkel, nó đã xuất hiện trong top danh sách của đảng CDU trên lá phiếu ở Mecklenburg-Western Pomerania. Đây là bang nơi có khu vực bầu cử của bà. Vì thế bà có hai cơ hội để vào hạ viện. Nếu bà có nhiều phiếu nhất tại khu vực bầu cử của mình, bà sẽ giành được một ghế chắc chắn. Nhưng nếu bà thất bại trong việc giành được sự ủng hộ của đa số cư dân ở đây, bà vẫn có thể bước vào hạ viện thông qua danh sách của đảng mình. Hình thức “lưới an toàn” này đã bị các nhà phê bình hệ thống bầu cử của Đức xem là có vấn đề.
Hiện đã có một số chỉ trích đối với hệ thống bầu cử ở Đức bởi những người muốn nhìn thấy tận mắt cá nhân các đại biểu mà tên của họ được thông qua ở cử tri đoàn của mình. Các nhà phê bình không đồng tình với trình tự thủ tục lên danh sách ứng viên của các đảng phái sau một bức màn khép kín.
Số khác thấy hệ thống này quá phức tạp. Trong lịch sử, lá phiếu đầu tiên và thứ hai thường có tỷ lệ tương ứng đồng nhất, nhưng sẽ có những lúc một đảng phái có được nhiều ghế chỉ với lá phiếu đầu tiên hơn là họ nên có nếu theo lá phiếu thứ hai với quy tắc tỷ lệ. Nếu điều đó xảy ra, đảng đó có thể giữ những vị trí bổ sung được gọi là “ghế lồi” (“Überhangmandate”).
Điều này theo hướng có lợi cho các đảng lớn như SPD và CDU, những đảng có khả năng đưa ứng cử viên về từng khu vực bầu cử. Tòa bảo hiến đã phán quyết rằng điều này đem đến cho họ những lợi thế không công bằng. Do vậy trong cuộc bầu cử 2013, các đảng khác đã được dự kiến nhận được nhiều ghế hơn để cân bằng./.