Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Nguyễn Hoài An
Beyond Suspicion? The Singapore Judiciary (tạm dịch: Không còn là sự ngờ vực? Nền tư pháp Singapore) được Seow cho ra đời năm 2014, cuốn sách kể lại những vụ việc quan trọng cho thấy rõ sự hai mặt của nền tư pháp Singapore, khi các thẩm phán khom lưng khụy gối trước áp lực chính trị.
Phần trích đăng sau đây là Lời dẫn nhập của cuốn sách.
Các mục đoạn và tiêu đề là do Ban Biên Tập Luật Khoa đặt.
Kỳ trước: Nền tư pháp Singapore – Kỳ 1: Lằn ranh thiên đàng – địa ngục
Singapore – khi nghề luật bị bóp méo trong xã hội pháp quyền
Ở một xã hội khép kín, nơi chính phủ nhúng tay vào gần như mọi hoạt động kinh doanh và thương mại cũng như kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống cộng đồng, thì chuyện đi đúng lề lối được đặt ra để mang lại nhiều lợi lộc với những hợp đồng béo bở là hành động có vẻ hợp lý.
Trong nghề luật, nguồn công việc pháp lý dồi dào mà chính phủ và nhiều công ty có liên hệ với nó ban phát đã và vẫn đang tiếp tục sinh sôi và sinh lợi vô kể.
Vì vậy, dễ hiểu tại sao nhiều hãng luật lại mong muốn trở thành người được chọn hưởng những ưu đãi chính thức như thế. Các vụ kiện nhắm vào Tang Liang Hong và vợ ông là bà Teo Siew Haw rồi sau đó là người lãnh đạo đảng đối lập J. B. Jeyranant cho thấy rõ các luật sư Singapore miễn cưỡng đại diện cho những thân chủ là cái gai trong mắt của vị anh hùng họ Lee cũng như chính phủ của ông này như thế nào. Dù vậy, nói cho cùng thì đây là giá trị sống của người châu Á: ăn cây nào, rào cây ấy.
Trong vụ J. B. Jeyaretnam, nhận thức được những chỉ trích về việc thủ tướng và các chính khách trong bộ máy chính quyền đang lợi dụng tòa án để bóp chết các đối thủ chính trị, thẩm phán S. Rajendran đã buộc phải tuyên bố: những câu hỏi căn cốt liên quan đến sự độc lập của hệ thống tư pháp cũng như khả năng có được một phiên tòa công bằng chắc chắn sẽ nổi lên khi các nhà lãnh đạo tiếp tục dùng tòa án để làm lợi cho mình.
Không có ai chỉ thị thẩm phán phải xét xử như thế nào, ra phán quyết ra sao, nên áp dụng luật theo lối nào hay vấn đề chính sách nào cần xem xét. Đáng lẽ thẩm phán phải xử lý từng vụ việc một cách công minh theo chứng cứ và pháp luật. Trên thực tế, Hiến pháp Singapore cũng yêu cầu mỗi thẩm phán khi nhậm chứ phải tuyên thệ sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình mà không sợ hãi, dung túng, thiên vị bằng tất cả khả năng của mình và tuân thủ những gì được quy định trong pháp luật.
Niềm hy vọng của nền tư pháp mở
Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta đang có ở Singapore một hệ thống tư pháp mở. Tất cả các chứng cứ và các lý lẽ trong các vụ việc đều được công khai cho công chúng tiếp cận. Hồ sơ tòa án là những tài liệu công khai mà người dân có toàn quyền nghiên cứu. Tất cả các cuộc xét xử đều diễn ra công khai, và chỉ được phép diễn ra công khai, mọi phán quyết và hành động của tòa án đều phải qua bài kiểm tra giám sát của công chúng.
Đây là một trong những điểm mạnh rất lớn của hệ thống luật pháp Singapore. Nếu không qua được bài kiểm tra giám sát của công chúng, phán quyết có thể phá hỏng tính liêm chính của hệ thống tư pháp – và sẽ chẳng khác nào một sự chơi khăm người dân Singapore.
Việc thẩm phán cảm thấy buộc phải cúi mình trước quyền lực hiển nhiên cho thấy tình trạng đáng thương của một hệ thống tư pháp trong tình trạng bị câu thúc. Chẳng cần phải có vốn từ đặc biệt, người ta vẫn có thể hiểu câu nói đậm chất Shakespeare: Các thẩm phán thề thốt quá nhiều! Liệu ta có thể tưởng tượng ra tương lai một thẩm phán Singapore đưa ra phán quyết bất lợi cho Harry Lee Kuan Yew và những người anh em đồng chí hướng của ông ta ở PAP khi cầu ước hết lòng?
Một thẩm phán coi trọng lập trường của mình sẽ chẳng cần chờ một cái nháy mắt hay gật đầu khi ra quyết định. Thế nhưng, ngay cả khi người chỉ đường của Lee trong hệ thống tư pháp không gợi ý các thẩm phán dưới quyền nên phán quyết theo hướng nào, thì Lee vẫn đảm bảo thu phục được lòng trung thành cúc cung phục vụ của họ bằng những khoản lương thưởng hậu hĩnh hàng tháng và hàng năm. Nói như Vladimir I. Denisov, một dân biểu ở Liên Xô trong thời Gorbachev: Cứ trả lương hậu hĩnh, thêm chút đặc quyền đặc lợi, thì thẩm phán nào ở Singapore có điên mới ra phán quyết bất lợi cho Lee và phe cánh của ông ta.
Tư pháp và bản án – vũ khí áp chế hiệu quả của chính quyền Singapore
Straits Times, tờ báo có thể coi là cơ quan ngôn luận của PAP, trong bài viết về chuyến thăm Singapore của Ngài Woolf, đại pháp quan phụ trách văn kiện pháp lý của Anh, đã khoe khoang rằng ngài đại pháp quan “đặc biệt ngạc nhiên khi thấy các tòa án ở đây xây dựng được một văn hóa pháp lý mới, hiệu dụng hơn và hướng công nghệ hơn.” Chẳng hạn, ngài bá tước để ý thấy rằng trong khi các vụ việc ở Singapore có thể được đưa ra xét xử trong vòng sáu tháng, thì ở nước ông, một số vụ kiện phải mất hơn hai năm trời mới có thể dàn xếp ổn thỏa.
“Sự hiệu quả của tòa án Singapore khi quản lý các sự vụ thật ấn tượng.” Ngài Woolf đã nhận xét như vậy về cơ chế của hệ thống tòa án, chứ không phải về chất lượng công lý! Cần phân biệt đâu là mèo, đâu là hổ! Công nghệ có thể ấn tượng, nhưng việc thực hiện công lý giữa người với người, và công lý giữa cá nhân với nhà nước, và nhà nước với cá nhân, mới là điều tối quan trọng.
Điều 143, Luật An ninh Nội bộ hà khắc của Singapore định nghĩa tùy tiện và không giới hạn các đối thủ chính trị, người bất đồng chính kiến cũng như những ai phê bình quyết sách của Lee và chính quyền của ông này. Và điều luật này vẫn đang được sử dụng làm dây dẫn cháy khi ngày càng nhiều phiên tòa được mở ra dựa trên đó để dập tắt những ý kiến phê bình thông qua lời đe dọa kết tội phỉ báng và những khoản bồi thường lớn dẫn đến thiệt hại nặng nề và tàn tệ nhất là nguy cơ phá sản cho bên bị.
Các nhà lãnh đạo Singapore nổi tiếng với chiêu sử dụng luật phỉ báng làm vũ khí áp chế. Tuy nhiên, chính phủ không thể thoải mái dùng đến các phiên tòa, trừ khi ngay từ đầu các phiên tòa đã được tôi luyện thành công cụ quản lý đáng tin cậy: nói cách khác, các thẩm phán được chọn phải là những người mà chính quyền có thể dựa vào. Tình thế pháp lý của Tang với vô số các vụ kiện tụng kéo theo đó và thêm vào đó là tình thế tương tự xảy ra với cố vấn pháp lý và cũng là đồng nghiệp chính trị của ông, J. B. Jeyretnam, rõ ràng đã chứng tỏ sự đáng tin cậy của các vị thẩm phán Singapore về mặt chính trị.
Các phương tiện truyền thông, nói theo lời của Lee Kuan Yew, phải thuận theo “nhu cầu quan trọng hơn cả của Singapore cũng như mục đích lớn lao hơn của chính phủ [của ông ta].” Lee đã đạt được chiến tích này tương đối dễ dàng nhưng phải trả cái giá đắt là danh tiếng và địa vị sa sút trên trường quốc tế. Hệ thống tư pháp và pháp lý không tụt quá xa sau đó.
Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã, từng mơ đến một hệ thống tư pháp tương tự cho Đệ tam đế chế, một hệ thống mà trong đó “công lý không phải là người tình của nhà nước, mà là nô bộc cho chính sách nhà nước.” Thế nhưng, trong khi Adolf Hilter và người bộ trưởng nhiệt huyết của ông ta thất bại, thì Harry Lee Kuan Yew lại thành công. Đó quả là một viễn cảnh đáng sợ./.
Nguồn bài viết – Singapore’s Two-Faced Judiciary