Điểm sách: Nguồn gốc trật tự chính trị của Francis Fukuyama

Điểm sách: Nguồn gốc trật tự chính trị của Francis Fukuyama

Cái gì tạo ra một xã hội có trật tự và sống động – Francis Fukuyama có đưa ra được câu trả lời?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường

yff-2013-3281-medTác gia Yoshihiro Francis Fukuyama sinh ngày 27 tháng 10 năm 1952 là một nhà chính trị, kinh tế học người Mỹ. Fukuyama được biết đến rộng rãi lần đầu tiên với quyển sách danh tiếng và cũng gây tranh cãi – Nơi lịch sử kết thúc và Người đàn ông cuối cùng (xuất bản vào năm 1992) – trong đó tranh luận rằng sự lan rộng của mô hình dân chủ cấp tiến, cơ chế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa và phong cách sống Tây phương là dấu hiệu cho điểm kết thúc của quá trình tiến hóa văn hóa xã hội cũng như mô hình nhà nước của loài người.

Fukuyama từng học tại các trường đại học thuộc Ivy Leaguage Hoa Kỳ như Cornell, Harvard hay Yale. Hiện ông là một trong những tác gia và học giả danh tiếng nhất thế giới liên quan đến xây dựng quốc gia, kinh tế vĩ mô, quản lý chính phủ và dân chủ học.

Nguồn gốc trật tự chính trị (Tên sách gốc: The Origins of Political Order) được xuất bản vào năm 2011 của nhà kinh tế chính trị học Francis Fukuyama về câu hỏi điều gì làm nên sự ổn định “ổn định”. Trong tác phẩm này, ông dùng phương pháp so sánh lịch sử thực chứng để tìm ra những yếu tố làm nên sự ổn định của một hệ thống chính trị.

f

Bìa sách Nguồn gốc trật tự chính trị.

Với tác phẩm Sự cáo chung của lịch sử (The End of History),ông trở thành tiếng một cách bất đắc dĩ là người lạc quan về chính trị – tức là người tin rằng mọi thứ sẽ tiến về phía dân chủ, nếu chúng ta để cho lịch sử tự diễn ra theo ý mình. Trên thực tế, Fukuyama là một nhà tư tưởng bi quan hơn bạn nghĩ, ông luôn luôn đề phòng những sự kiện sai lầm có thể xảy ra.

Ảnh hưởng về một tương lai bi quan

The End of History, được xuất bản năm 1992, là một cuốn sách làm người ta thất vọng (thất vọng hơn bài báo ban đầu, làm nền tảng cho nó, được xuất bản năm 1989). Nó bị lu mờ bởi ảnh hưởng của một trong những người thầy của Fukuyama, một nhà triết học bảo thủ ở Chicago, tên là Allan Bloom. Bloom cho rằng xã hội Mỹ đang chìm vào đại dương của chủ nghĩa tương đối về trí tuệ và văn hóa đại chúng, còn Fukuyama thì lo rằng chiến thắng của chế độ dân chủ sau năm 1989 còn bị những thứ đó đe dọa nhiều hơn nữa. Không còn những trận chiến lớn về tư tưởng thì chính trị sẽ trở thành những sự kiện vô nghĩa, lặp đi lặp lại.

Tác phẩm mới của Fukuyama lại bị ảnh hưởng bởi một ông thày khác, đấy là nhà chính trị học bảo thủ ở Harvard, ông Samuel Huntington. Huntington nổi tiếng với tác phẩm Sự va chạm giữa các nền văn minh (The Clash of Civilizations). Nhưng mối quan tâm chính của ông này là trật tự chính trị: Làm sao tạo ra và làm sao phá vỡ được nó. Về cơ bản Huntington nghĩ rằng trên đường dẫn đến xã hội có trật tự có hai việc có thể sai lầm. Người ta có thể không đến được đó vì xã hội của của họ không bao giờ thoát ra khỏi tình trạng xung đột nội bộ và nội chiến đang ngấp nghé. Hoặc người ta có đi đến đó và nhận ra xã hội của họ bị mắc kẹt trong vết xe đổ và không thể thích ứng trước những mối đe dọa và thách thức mới.

Fukuyama dùng khuôn khổ này và áp dụng để giải quyết vấn đề của trật tự dân chủ.

Tại sao một số xã hội đã đi theo con đường dân chủ, tiến tới ổn định trong khi những xã hội khác vẫn mắc kẹt với chế độ độc tài?

Và chế độ dân chủ có thể thích ứng trước các mối đe dọa và thách thức mới mà họ phải đối mặt hay không?

“Sự chuyên chế của những người anh em họ”

Để trả lời câu hỏi thứ nhất Fukuyama cho rằng chúng ta phải quay trở lại cội nguồn của xã hội loài người (mặc dù gọi đây là lịch sử từ trước khi có con người thì hơi thái quá: có vài trang nói về loài tinh tinh, nhưng thực ra nó là câu chuyện bắt đầu với con người thời kì đầu).

Con người luôn luôn tự tổ chức thành những nhóm gắn bó với nhau – không bao giờ có thiên đường theo kiểu của Rousseau với những cá nhân tự do về mặt tinh thần, lang thang trong những khu rừng nguyên sơ. Nhưng rắc rối là những xã hội đầu tiên của loài người lại quá chặt chẽ. Đây thực chất là những nhóm có quan hệ huyết thống và tạo ra cái mà Fukuyama gọi là “sự chuyên chế của những người anh em họ”. Người ta làm hầu như tất cả mọi việc vì người thân của mình và hầu như cũng làm bất cứ điều gì với những người không phải là người thân (cướp, giết, hiếp). Đây là thực đơn cho những vụ xung đột liên tục và ở mức độ thấp, xen kẽ với những đợt đầu rơi máu chảy nghiêm trọng.

Ba trụ cột của trật tự chính trị

Muốn thoát khỏi cái bẫy huyết thống thì phải thành lập nhà nước (Fukuyama gọi là chính quyền tập quyền), người ta cần nhà nước để thoát khỏi sự kiềm tỏa của gia đình.

Fukuyama coi nhà nước là một trong ba trụ cột tạo ra cơ sở cho trật tự chính trị. Nhà nước đầy sức mạnh cũng chưa đủ là vì quyền lực chính trị không thể giải quyết được vấn đề của các dòng họ. Thay vào đó, nhà nước chỉ làm mỗi một việc là đẩy vị trí của nó lên trên xã hội, vì vậy, tất cả những thứ bạn nhận được là những người cai trị cứng rắn, họ sử dụng quyền lực của mình nhằm ủng hộ người thân của chính họ, từ thời cổ đại đến đến nước Libya ngày nay ai cũng dễ dàng thấy như thế.

Vì vậy, quyền lực quốc gia cần phải được bổ sung bằng nguyên tắc pháp quyền, tức là nguyên tắc áp đặt giới hạn đối với quyền lực chính trị và tham nhũng. Tuy nhiên, tự thân nguyên tắc pháp quyền có thể gây mất ổn định trật tự chính trị vì nó làm suy yếu khả năng của nhà nước trong việc đưa ra những hành động quyết liệt khi cần và cho các tổ chức nằm ngoài nhà nước quá nhiều tự do.

Do đó mà cần trụ cột thứ ba: Chính phủ có trách nhiệm giải trình (hoặc cái mà hiện nay chúng ta có thể gọi là chế độ dân chủ). Điều này làm cho nhà nước mạnh mẽ, nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân để họ có thể thay người cầm quyền khi những người này bắt đầu hành động không đúng.

Ảo giác về an toàn chính trị

Fukuyama cho rằng chúng ta vẫn thường xử lí ba trụ cột của trật tự chính trị như thể đấy là những thứ riêng biệt, có thể tự làm công việc của mình. Chúng ta đấu tranh cho dân chủ, mà quên rằng nếu không có nguyên tắc pháp quyền thì có nhiều khả năng là sẽ gây ra những chia rẽ xã hội sâu sắc. Hoặc chúng ta đấu tranh cho nguyên tắc pháp quyền, mà quên rằng nếu không có nhà nước mạnh thì sẽ dẫn tới bất ổn chính trị.

Nhưng, ông cũng cho rằng cả xã hội cũng có thể mắc sai lầm tương tự. Ông phân biệt giữa trật tự chính trị tốt và trật tự chỉ vừa “đủ tốt”, đấy là khi có một hoặc hai trụ cột, làm người ta có cảm giác ảo về an toàn.

Ví dụ, Trung Quốc cổ đại đã xây dựng được nhà nước tập quyền mạnh, trước phương Tây nhằm chống lại nội chiến giữa các vùng miền. Nhưng nhà nước Trung Quốc vừa nổi lên đã quá mạnh: nó không chỉ đập tan các lãnh chúa mà còn nghiền nát tất cả tổ chức xã hội dân sự mới phôi thai hoặc ý tưởng về trách nhiệm giải trình. Như vậy là Trung Quốc được hưởng lơi thế ngay từ đầu trên con đường dẫn tới trật tự chính trị, nhưng lợi thế này đã mất vì quá nhiều quyền lực bị tập trung vào tay một số người ngay từ đầu. Fukuyama tin rằng sự kiện này là lời giải thích cho tình trạng độc đoán của nền chính trị Trung Quốc cho đến tận ngày nay.

df

Trung Quốc đập tan các lãnh chúa – nhưng đồng thời cũng đập xã hội dân sự mới phôi thai. Trong ảnh:  chiến binh đất nung, chôn trong lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên (Tần Thủy Hoàng – ND), gần Tây An

Một nước khác, có lẽ còn làm người ta ngạc nhiên hơn, đã từng đi đúng hướng, rồi lại sai đường, đấy là Hungary.

Trong thế kỉ XIII, chỉ bảy năm sau Đại hiến chương tự do (Magna Carta) của Anh, Hungary cũng công bố Magna Carta của mình (gọi là Golden Bull), cho phép các nhà quí tộc áp đặt giới hạn pháp lí đối với quyền lực độc đoán của nhà vua. Tại sao sau đó Hungary không đi theo con đường của Anh để đến với tự do và chính phủ hiến định? Bởi vì các nhà quí tộc đã nhận được quá nhiều: họ làm cho nhà vua yếu đến mức cuối cùng họ muốn làm gì thì làm, điều đó có nghĩa là bóc lột nông dân và làm giàu cho gia đình mình. Hạn chế quyền lực của nhà nước đến mức làm cho nhà nước bất lực, giới quí tộc Hungary đã phá tan cơ hội thiết lập trật tự chính trị ổn định, nhưng đồng thời lại gia tăng đáng kể khả năng thụ hưởng cho chính mình.

Dường như Fukuyama quan tâm nhiều hơn đến những con đường làm cho xã hội loài người không tiến tới được trật tự chứ ít quan tâm tới việc tìm ra những con đường có thể dẫn tới thành công.

Câu hỏi mà ông thực sự muốn trả lời không phải vì sao Hungary không được như Anh, mà vì sao Anh không rơi vào hoàn cảnh như Hungary, tức là rối loạn. Câu trả lời của ông thực chất là với nhiều may mắn. Việc xây dựng thành công trật tự chính trị bên lề của Tây Âu phụ thuộc vào một loạt sự kiện ngẫu nhiên: sự hòa nhập một cách đúng đắn các tư tưởng tôn giáo, cải cách luật pháp, những người quản trị tài năng, và sau đó, cuộc nội chiến và bệnh dịch hạch trong thế kỷ XVII đã nhắc mọi người về những việc có thể xảy ra nếu họ để cho mọi thứ sụp đổ.

…Không có xã hội nào phải mắc kẹt…

Fukuyama muốn chúng ta nhớ rằng xây dựng xã hội chính trị tốt là việc khó và cần nhiều thứ thì mới đi đúng hướng. Nhưng ông muốn rút ra thông điệp tích cực như sau: nếu trật tự chính trị là công việc tình cờ thì điều đó có nghĩa là có rất nhiều cách khác nhau để đạt được nó. Không có xã hội nào được đảm bảo là sẽ xây dựng được nó, nhưng cũng không có xã hội nào là chắc chắn sẽ bị mắc kẹt, ngay cả Trung Quốc.

Vẫn có một cái gì đó về cơ bản không làm người ta hi vọng, cũng như khi nói về toàn bộ cuốn sách, mặc dù nó đầy những điều thú vị bất ngờ. Fukuyama thường xuyên cho thấy là dường như ông chấp nhận cả hai con đường. Trật tự chính trị cơ bản là một sản phẩm vô tình của cuộc đấu tranh chính trị kéo dài nhiều thế kỉ, tuy nhiên, biết như thế có thể làm cho cuộc đấu tranh trở thành dễ dàng hơn. Như thế nào? Chỉ có một cách là làm nhiều nhất có thể để thử vận may của chính mình. Hơn nữa, việc này cũng thường kết thúc như câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước vậy. Anh đã thực hiện thành công Cách mạng năm 1688 vì nước này đã có xã hội tương đối trật tự; và người ta nói với chúng ta rằng cuộc Cách mạng anh tạo được xã hội có trật tự.

Vấn đề nữa là Fukuyama không trả lời câu hỏi thứ hai, mà ông đã nêu ra. Cái gì giữ cho xã hội dân chủ ổn định không bị mắc kẹt trong lối mòn?

Trật tự chính trị có thể sinh ra thái độ tự mãn cũng như an ninh. Fukuyama công nhận đây là vấn đề ngay cả đối với những xã hội được xây dựng trên ba trụ cột, nhưng ông cũng nói rằng trụ cột thứ ba là cơ sở để hy vọng: trách nhiệm giải trình chính trị có nghĩa là chúng ta có thể loại bỏ chính phủ khi có sai lầm. Nhưng điều này có vẻ giả tạo và không thuyết phục. Dường như luân phiên chính phủ cũng tương tự như chuyển những chiếc ghế xếp trong khi những thách thức chủ yếu (biến đổi khí hậu, nợ nần, sự trỗi dậy của Trung Quốc) gia tăng.

Nguồn gốc của trật tự chính trị (The Origins of Political Order) là tập một của tác phẩm gồm hai tập và Fukuyama nói rằng cuốn thứ hai sẽ bàn về giai đoạn kéo dài đến hiện nay (tập một kết thúc với cuộc Cách mạng Pháp). Nhưng với một cuốn sách đầy tham vọng như vậy, việc trì hoãn không trả lời câu hỏi căn bản mà nó đặt ra là không thật sự tốt. Fukuyama đã mượn một câu từ môn khoa học xã hội hiện đại nhằm giải thích điều ông thực sự quan tâm: Làm sao để có nước Đan Mạch (tức là một xã hội ổn định, thịnh vượng, năng động, và thậm chí có nhà hàng tốt nhất thế giới). Nhưng câu chuyện lịch sử mà ông đưa ra không cho ta câu trả lời./.

David Runciman là tác giả cuốn Political Hypocrisy do Princeton University Press ấn hành.

Nguồn The Origins of Political Order by Francis Fukuyama – review

Lời nhắn Luật Khoa:

Hiện nay tác phẩm Nguồn gốc của trật tự chính trị (Tên sách gốc: The Origins of Political Order) vẫn chưa được biên dịch và phát hành tại Việt Nam. Tuy nhiên độc giả có nhu cầu vẫn có thể đặt mua tại các website sách nước ngoài.

Sách tham khảo Tương lai hậu nhân loại của Francis Fukuyama đã xuất bản tại Việt Nam.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.