Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Hoàng Linh
Điều 8 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền quy định tất cả mọi người đều có quyền được tôn trọng “cuộc sống riêng tư, gia đình, nhà cửa, cũng như “sự riêng tư của thư tín”, bên cạnh một số hạn chế “phù hợp với pháp luật” và “cần thiết trong một xã hội dân chủ”.
Dựa vào điều khoản này, cách đây hơn một năm Tòa án Nhân quyền Châu Âu (Tòa ) đã xử thắng cho một nguyên đơn người Hungary vì một lý do khá đặc biệt mà có lẽ đại đa số chúng ta đều nghĩ, khó mà viện vào đó để kiện một quốc gia.
Chuyện một luật gia gặp nạn
Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, ông Császy Zsolt từng là một luật gia giữ cương vị quan trọng trong Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ), hiện là chính đảng cầm quyền tại Hungary. Tuy nhiên, năm 1993, ông đã ra khỏi đảng này, để lại lời nhắn gửi cho Chủ tịch FIDESZ Orbán Viktor, nay là Thủ tướng Hungary: “Tôi không tin vào lời lẽ của sức mạnh, và thà sống trong một nền dân chủ được tổ chức tồi còn hơn là trong một thể chế độc tài tổ chức tốt”.
Thời gian sau đó, ông Császy làm việc trên cương vị luật gia tại một số cơ quan quản lý tài sản quốc gia. Ngày 31/8/2010, ông bị bắt tạm giam với nghi vấn vi phạm sự quản lý tài sản công và từ đó, ông bị khởi tố điều tra bốn lần. Cho tới nay, mới có một bản án sơ thẩm được tuyên với ông Császy vào năm 2015, buộc ông phải thụ án tù giam 3 năm 6 tháng. Tháng 11 cùng năm, ông cho ấn hành cuốn “ngục trung nhật ký” mang tên “Trong tù ngục của thể chế Orbán”.
Trong sách, vị luật gia bày tỏ quan điểm rằng ông là nạn nhân của một phiên tòa sắp đặt, ngụy tạo mang tính chính trị và lẽ ra ông đã có thể thoát khỏi những cáo buộc bịa đặt nếu ông chịu “tố tội” thủ lĩnh phe đối lập một cách vô cơ sở. Sách cũng nói kỹ lưỡng về hoàn cảnh ông bị bắt tạm giam, cũng như về những điều mà ông coi là vi phạm pháp luật mà ông đã phải chịu đựng, dưới góc nhìn của một luật gia, đồng thời là một nạn nhân của sự trù dập chính trị.
Yêu cầu riêng tư không được đáp ứng
Trở lại ngày 31/8/2010, sáng sớm hôm đó, cảnh sát xuất hiện tại nhà ông Császy, bắt giam ông và tiến hành khám nhà. Trong khi cơ quan điều tra làm việc, vị luật gia thông báo với cảnh sát rằng trong ngày, ông cần phải đi dự đáng tang của người mẹ kế, tuy nhiên viên sĩ quan cảnh sát đã bác bỏ đề nghị đó một cách không chính thức. Sau khi khám xong nhà, cảnh sát bắt đầu hỏi cung nghi can vào hồi 13h35 phút, và ông Császy lại nói, tang lễ bắt đầu lúc 14h15.
Cho dù đã bộc lộ mong muốn nhất thiết phải có mặt tại tang lễ, nhưng một lần nữa, ông Császy lại bị từ chối: theo cảnh sát, việc đi dự lễ tang là đối nghịch với mục tiêu của lệnh tạm giam. Về sau, vụ việc đã được đưa lên Viện Công tố Tối cao Hungary, nhưng cơ quan công tố cũng bác đề nghị này vì theo họ, sự hạn chế là đúng luật. Bởi lẽ, với sự hạn chế đó, có thể tránh được việc nghi can lẩn trốn hoặc tiếp tục có hành vi phạm tội khác, theo chính quyền.
Ngược lại, nguyên đơn cho rằng, với việc ngăn chặn ông đi dự tang lễ mẹ kế, chính quyền Hungary đã vi phạm điểm 8 Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Ônh Császy cho rằng, cảnh sát đã quá cứng nhắc: lẽ ra họ đã có thể chi phép ông tới dự tang lễ người mẹ kế với sự áp tải của nhân viên điều tra, và nếu vậy, biện pháp xử lý của chính quyền sẽ là mềm dẻo và cân đối giữa mục tiêu của sự tạm giam và nhu cầu riêng tư cần được tôn trọng của nghi can.
Cân bằng quyền lợi nhà nước – cá nhân
Tòa Strasbourg, trong phiên xử, đã xác định được rằng hình thức xử lý của chính quyền đối với nguyên đơn – sự tạm giam và hỏi cung – là hợp thức, cũng như mục tiêu của tạm giam là để phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, Tòa nhấn mạnh, không thể diễn giải điều 8 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền theo hướng nguyên đơn đương nhiên có quyền được tham dự tang lễ, vì điều này luôn luôn phụ thuộc vào sự cân nhắc của chính quyền từng nước.
Tuy nhiên, xét rằng biện pháp cưỡng chế được thực hiện ngay trong ngày diễn ra lễ tang, theo Tòa Strasbourg, cảnh sát hoàn toàn có thể đưa nguyên đơn tới dự tang lễ. Còn nhìn dưới góc độ cân đối những lợi ích của chính quyền và cá nhân, Tòa xác định rằng cơ quan điều tra Hungary đã không cố gắng hòa hợp giữa biện pháp tạm giam và sự riêng tư – mang tính gia đình – của nguyên đơn trong trường hợp cụ thể này, khiến quyền của đương sự bị vi phạm.
Cụ thể, đó là quyền được tôn trọng “cuộc sống riêng tư, gia đình” quy định trong điều 8 đã nói ở trên, và việc khước từ quyền đó khiến Nhà nước Hungary đã thua kiện và phải trả 3.000 Euro bồi thường tinh thần và 1.600 Euro để bù đắp cho những chi phí khác của nguyên đơn trong vụ án. Cần nhắc lại là trước đó, vào năm 2002, Tòa Strasbourg đã có phán quyết tương tự trong vụ ông Lotski – một công dân Ba Lan đang thụ án – kiện Nhà nước Ba Lan.
Trong trường hợp đó, mặc dù cơ sở thi hành án có ý kiến đồng ý, nhưng tòa án Ba Lan đã không cho phép ông Lotski được ra tù để từ giã thân mẫu, rồi thân phụ ông khi họ lần lượt qua đời. Có thể thấy rõ rằng về cơ bản, Tòa Strasbourg coi việc cho phép hay không người bị giam được rời nơi giam giữ là thuộc thẩm quyền từng nước thành viên, nhưng Tòa rất lưu ý về việc phải cân đối giữa lợi ích chính quyền và quyền cá nhân, đặc biệt là quyền ghi trong điều 8 (*)./.
(*) Hungary thuộc số các quốc gia rất ít vi phạm điều 8, theo thống kê của Tòa Strasbourg: trong thời gian 1959-2013, chỉ có 11 trường hợp Nhà nước Hung bị thua kiện vì lý do này.