Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Hoàng Linh
Một vụ việc ở Hungary đã dẫn đến một phán quyết rất rõ ràng của Tòa Nhân quyền châu Âu: không thể tuyên phạt tòa báo mạng vì các bình luận (comment) có tính xúc phạm của độc giả nếu tòa báo đã kịp thời xóa bỏ bình luận đó.
Bạn điều hành một tờ báo mạng, nhưng không có thời gian (và điều kiện kỹ thuật) kiểm soát nội dung mọi bình luận dưới các bài báo ở đó? Và chắc chắn, sẽ có những lúc, một số cá nhân hay tổ chức cho là bị ảnh hưởng, hoặc bị xúc phạm bởi những comment ấy, và đi kiện… tờ báo bạn? Tình huống dễ hình dung, phải không?
Đó là trường hợp mà tờ index.hu, mạng tin lớn thứ nhì ở Hungary, và Hiệp hội Những nhà cung cấp nội dung (MTE) gặp phải trong một vụ việc kéo dài từ năm năm nay.
Và phán quyết đầu tháng 2 mới đây của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (Tòa Strasbourg) được coi là một biến chuyển trong sự nhận định về quyền tự do ngôn luận trực tuyến (online), khi Tòa cho rằng nhà cung cấp nội dung không nhất thiết phải chịu trách nhiệm về những bình luận mà người sử dụng đưa ra.
Từ một vụ việc bảo vệ người tiêu dùng
Đầu năm 2010, sau nhiều phàn nàn của người tiêu dùng, truyền thông Hungary bắt đầu để ý tới một hiện tượng mà họ cho là “có vấn đề”: hai trang mạng quảng cáo bất động sản lớn tại Hung là ingatlanbazar.com và ingatlandepo.com (cùng thuộc một chủ sở hữu) gửi hàng loạt thư đòi nợ tới những người sử dụng các dịch vụ mà trước đó họ nói là miễn phí.
Ngày 25-2-2010, Hiệp hội Những nhà cung cấp nội dung – một hội chuyên ngành do các nhà cung cấp nội dung liên mạng, các tờ báo online thành lập năm 2001 nhằm đưa ra và giám sát Quy tắc Đạo đức chung cho các trang trực tuyến Hungary – đã cho đăng tải trên blog của họ một bài viết với nhan đề “Lại một cung cách kinh doanh phi đạo đức trên mạng” phê phán cách hành xử của hai trang mạng nọ.
Bài viết đó đã có hai bình luận chỉ trích các trang mạng quảng cáo, cùng chủ nhân của chúng, với những từ ngữ “rác rưởi”, “trộm cắp”… Sau đó, nhiều trang mạng, trong đó có mạng tin index.hu – trong chuyên mục có nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – đã đăng tải lại bài viết của MTE, và tại đó, đã xuất hiện nhiều comment hàm chứa những ngôn từ mang tính xúc phạm và nhục mạ.
Đây không phải là chuyện hiếm gặp trên mạng, tuy nhiên chủ nhân hai trang mạng quảng cáo đã lựa chọn một giải pháp bất ngờ: kiện index.hu và MTE lên tòa vì họ cho rằng, bài viết của MTE, việc đăng lại bài viết đó và một số bình luận của độc giả trên báo mạng là vi phạm các quyền cá nhân. Cho dù ngay sau đó, khi nhận ra tính chất xúc phạm của một số comment, index.hu và MTE đã cho hạ chúng xuống.
Cuộc đấu tư pháp giằng co
Phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 3-2011. Các bị đơn, MTE và index.hu đề nghị Tòa bác bỏ đơn kiện, vì theo họ, bài viết của MTE về hiện tượng mà họ coi là “phi đạo đức” không hề vượt quá những giới hạn của quyền tự do biểu đạt ý kiến, còn bình luận mang tính xúc phạm thì hoàn toàn là của các độc giả, các mạng không có điều kiện kiểm tra trước và họ đã cho hạ khi biết tới chuyện đó.
Rốt cục, Tòa sơ thẩm Hungary ra phán quyết cho rằng, bản thân bài viết của MTE và việc đăng lại nó thì không phạm luật. Tuy nhiên, Tòa nhận định rằng, một số bình luận đi kèm đã xâm phạm “danh tiếng” của nguyên đơn, và đây là trách nhiệm của các chủ trang index.hu và MTE vì, theo Tòa, phải coi các comment có tính chất như “thư bạn đọc”, tức tương đương nội dung được biên tập.
Bản án sơ thẩm không làm vừa lòng cả đôi bên. Nguyên đơn vẫn muốn Tòa phải coi bài viết của MTE là phạm luật, vì nó là nguồn cơn của những phản ứng dữ dội. Còn các bị đơn MTE và index.hu thì viện lý do các bình luận không phải là nội dung được biên tập, chúng xuất hiện mà không thông qua sự “kiểm duyệt” của chủ trang, vì không ai làm được điều đó do số lượng các comment quá lớn.
Nhận xét về phán quyết sơ thẩm, giới luật gia Hung cho rằng, nó đi ngược lại thực tế luật trước nay tại nước này, theo đó chủ trang mạng không có bổn phận kiểm duyệt những nội dung độc lập đến từ “cộng đồng”, và không phụ thuộc vào họ. Sau phiên sơ thẩm, MTE cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp, nhưng Tòa Bảo hiến Hungary cho rằng phán quyết nói trên là hợp hiến.
Tháng 10-2011, Tòa Phúc thẩm bảo lưu phán quyết sơ thẩm, cho rằng các bình luận mặc dù không phải là “thư bạn đọc” do tờ báo chủ trương đăng (nên không bị điều tiết bởi Đạo luật về các dịch vụ điện tử), mà là ý kiến của cá nhân, nhưng việc chúng mang tính xúc phạm người khác thì sẽ vẫn bị xử phạt bởi Bộ luật Dân sự Hungary. Không chịu thua, các bị đơn tiếp tục đưa vụ việc lên Tòa Tối cao.
Tuy nhiên, ở nấc thang cuối cùng của hệ tư pháp Hungary, MTE và index.hu vẫn tiếp tục thua kiện. Tòa Tối cao Hung cho rằng, nếu chủ dịch vụ mạng cho phép người đọc có thể đăng bình luận tại đó mà không thông qua “tiền kiểm soát”, thì họ cần phải tính đến chuyện có những comment vi phạm luật, và họ phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Quyền tự do biểu đạt cần được bảo vệ
Quyết định tối hậu nói trên của Tòa Tối cao khiến giới báo mạng của Hungary xôn xao và bị khuấy động, một số mạng tin phải khóa chức năng bình luận để tránh bị kiện cáo lôi thôi. Nhận thấy trường hợp của mình khá điển hình trên góc độ quyền tự do ngôn luận có thể bị tổn hại bởi các phán quyết của Tòa các cấp, MTE và index.hu đệ đơn kiện Nhà nước Hungary lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg.
Trong thời gian chờ đợi, vào tháng 6 năm ngoái, Tòa Strasbourg đã mở phiên xử trong một vụ án tương tự, rất được giới truyền thông và bảo vệ nhân quyền để tâm: vụ mạng điện tử Delfi kiện Nhà nước Estonia. Tuy nhiên trong dịp đó, Tòa cũng cho rằng một mạng tin phải chịu trách nhiệm về các bình luận mang tính nhục mạ cá nhân hay bạo lực, nếu người bị xúc phạm không thể “truy trách nhiệm” thủ phạm đã comment.
Với tiền đề có vẻ bất lợi như thế, nhưng phán quyết hôm 2-2 mới đây của Tòa Strasbourg thì lại đem phần thắng cho hai nguyên đơn MTE và index.hu, khi Tòa nhận định rằng, Tòa các cấp tại Hungary đã quá cứng nhắc khi không cân nhắc hơn thiệt giữa các quyền cơ bản mang tính đối lập (ở đây là quyền cá nhân và quyền tự do biểu đạt), khiến quyền tự do ngôn luận bị hạn chế bởi các phán quyết của họ.
Lý giải về quyết định đó, Tòa Strasbourg cho rằng, Tòa các cấp Hungary quả thực đã vi phạm điều 10 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền, vốn đảm bảo người dân có quyền tự do biểu đạt của trong khuôn khổ một số hạn chế “phù hợp với luật pháp” và “cần thiết trong một xã hội dân chủ”. Tòa Strasbourg cũng nhận định, các bình luận nhắc tới ở trên quả thực phạm luật, nhưng chưa tới mức kích động bạo lực và hằn thù.
Do đó, Tòa Hungary lẽ ra cần lưu ý tới chuyện hai bị đơn đã kịp thời cho hạ các comment mang tính xúc phạm, bên cạnh đó, cần xem xét tới việc, nếu tuyên phạt các trang mạng vì những ý kiến bên ngoài mà họ không có khả năng rà soát trước, thì điều đó có ảnh hưởng thế nào tới tự do ngôn luận trên mạng nói chung. Nếu chỉ nhất nhất ưu tiên quyền cá nhân, thì đó là tư duy cứng nhắc, có hại cho nhu cầu tự do biểu đạt của người dân.
Tờ index.hu cũng thừa nhận rằng, nếu họ không lập tức hạ comment đó xuống sau khi phát hiện ra thì phán quyết của tòa chắc chắn đã rất khác.
“Một kỷ nguyên mới trong tự do ngôn luận mạng”, đó là bình luận của giới báo chí điện tử Hungary sau phán quyết của Tòa Strasbourg, theo đó, tự do bình luận trên mạng là một trong những công cụ hữu hiệu nhất của sự thể hiện tự do biểu đạt, cơ quan tư pháp nên có cái nhìn và quan điểm thật thấu đáo trong các vụ kiện cáo, đừng để quyền này bị xâm phạm bởi những quyết định thiếu cân nhắc.