Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hoàng Thảo Anh (dịch)
Bài viết được trích từ bài báo cáo ngắn Statement by the United Nations Special Rapporteur on the rights to freedom of peaceful assembly and of association at the conclusion of his visit to the Republic of Korea của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc.
Chương, đoạn và các tiêu đề là do ban biên tập của Luật Khoa biên soạn.
—
Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Đại Hàn Dân quốc vì đã mời tôi thực hiện chuyến công tác chính thức ở đây từ ngày 20 đến ngày 29 tháng 1 năm 2016, đây cũng là lần đầu tiên tôi đến châu Á.
Tôi cũng rất biết ơn Chính phủ vì sự hợp tác tuyệt vời trong việc tổ chức chuyến công tác, bao gồm chuyến thăm Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thương mại Hàn Quốc (KCTU) Han Sang-gyun đang bị giam giữ. Bên cạnh việc trao đổi thông tin với các thành viên của các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp, tôi cũng đã gặp gỡ nhiều quan chức khác. Sự tiếp đón và hỗ trợ của họ được đánh giá cao dù tôi không hề gặp được nhà lãnh đạo cấp cao nào, bất chấp những yêu cầu lặp đi lặp lại của mình. .
Tôi cũng đã gặp những nhà hoạt động đại diện cho nhiều luồng quan điểm khác nhau, quan sát nhiều cuộc biểu tình, nói chuyện với những gia đình mất thân nhân trong vụ chìm phà Sewol, và còn nhiều nữa. Tôi đã đến Ansan, Sejong, Gyeongju và Pohang.
Những trải nhiệm đó cho phép tôi trực tiếp mắt thấy tai nghe nhịp sống của xã hội dân sự và nền dân chủ của đất nước này. Tôi rất ấn tượng bởi truyền thống náo nhiệt và tràn đầy năng lượng của người dân khi họ tụ tập với nhau rồi xuống đường hay tới các tòa nhà công quyền để nói ra tâm tư nguyện vọng của mình và yêu cầu tiến hành thay đổi. Một số xem truyền thống này là mất trật tự, nhưng nhịp đập của xã hội dân sự vang vọng khắp Hàn Quốc, đây là điều mà mọi nền dân chủ cần hướng tới.
Đại Hàn Dân quốc đã có những thành tựu ấn tượng: cách đây vài thập niên, họ đã chuyển tiếp thành công từ nền toàn trị sang chế độ dân chủ và thúc đẩy một trong những chuyển đổi kinh tế đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới.
Đất nước này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến và bảo vệ quyền con người ở tầm quốc tế. Hàn Quốc hiện đang giữ ghế chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, và cũng đồng bảo trợ cho những nghị quyết quan trọng của Hội đồng Nhân quyền, đáng kể nhất là nghị quyết xác lập nhiệm vụ của tôi; xúc tiến và bảo vệ quyền con người ở các cuộc biểu tình ôn hòa; và trong không gian xã hội dân sự.
Dù là một hành trình gian khổ, nhưng Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia dân chủ. Nếu có thể nhấn mạnh một thông điệp mà tôi có thể gửi đến người dân Hàn Quốc và Chính phủ nước này hôm nay, đó sẽ là: công cuộc xây dựng nền dân chủ và các quyền con người ở Hàn Quốc vẫn chưa kết thúc; và thực sự công cuộc này vẫn chưa bao giờ kết thúc ở bất kỳ quốc gia nào. Những gì chúng ta có được là một cấu trúc, một cơ sở để phát triển; và nhiệm vụ long trọng đặt ra với chúng ta, với tư cách là chính phủ cũng như công dân, là tiếp tục xây dựng, củng cố nền tảng và sự năng động của nó.
Việc cấu trúc này rạn nứt theo thời gian là điều không thể tránh khỏi vì đó là bản chất của dân chủ. Vấn đề khiến tôi quan tâm trong buổi kết luận chuyến thăm Hàn Quốc hôm nay là cách mà Chính phủ giải quyết những thiếu sót. Tôi cảm thấy các quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình có chiều hướng suy thoái dần. Các quyền này không phải bị dập tắt mạnh mẽ, mà từ từ phân rã với một tốc độ chậm rãi. Ngay cả tòa án, nơi luôn phải giải thích pháp luật theo hướng có lợi cho quyền con người gần đây cũng tiến tới hạn chế các quyền này hơn là mở rộng chúng.
Tôi nghe nói các quan chức chính phủ nhiều lần dùng lý do [vì “lợi ích” nhân dân] để hạn chế các cuộc biểu tình. Họ cũng viện dẫn những yêu cầu về an ninh, đặc biệt là trong mối quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên làm nguyên nhân để hạn chế nhân quyền. Tôi thừa nhận những khó khăn trên, nhưng đó không nên là lý do để viêc kìm hãm nhân quyền vượt quá chừng mực.
Một điều chắc chắn là những cuộc biểu tình gần đây ở Hàn Quốc đã diễn ra thuận lợi. Quyền tự do lập hội và biểu tình ôn hòa không phải lúc nào cũng là quyền phổ biến của người dân khi mà nhiều lúc họ không thực sự cần dùng đến chúng. Nhưng có lý do để cộng đồng quốc tế cùng ghi nhận chúng như là quyền cơ bản của con người: những quyền này là công cụ tốt nhất để giải quyết các xung đột xã hội. Chúng cho phép các nhóm thiểu số khuếch trương tiếng nói của mình; cho những người mất việc làm một kênh trung gian để tham gia và trở thành một phần của tiếng nói xã hội; và trên hết là những quyền này cho phép chúng ta đối thoại, loại bỏ những bất đồng chính kiến, dù lộn xộn đến đâu đi chăng nữa, trong hòa bình.
Khi cân nhắc những phương án thay thế, CHDCND Triều Tiên là một ví dụ tiêu biểu cần phải tránh xa. Và còn nhiều nữa những trường hợp khác trên toàn thế giới, nơi các chính phủ nỗ lực ngăn chặn bất đồng chính kiến ôn hòa, chỉ để thấy bạo lực ngày một leo thang.
Lịch sử Hàn Quốc rất khác biệt. Biểu tình giúp đất nước này tốt hơn, và sự cởi mở từ lâu đã là truyền thống của họ. Tôi muốn kêu gọi cả người dân và Chính phủ của quốc gia này trân trọng di sản đó.
Với những quan sát sơ bộ bước đầu, tôi muốn giải quyết một số vấn đề cụ thể. Những điều này và nhiều việc khác sẽ được đề cập toàn diện trong Báo cáo của tôi đến Hội đồng Nhân Quyền vào tháng Sáu.
Còn tiếp