Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nếu chúng ta yêu cộng đồng mình, thì ta cần nhất quyết đòi hỏi công lý trong mọi tình huống.
Hầu hết các luật sư khi tham gia các vụ xét xử đều phải đối mặt với những cảm xúc ẩn sau xung đột của con người – giận dữ, hiềm tị, tham lam, oán hận. Một số người không chỉ đối mặt, họ còn bị cuốn theo những cảm xúc ấy. Bryan Stevenson là ngoại lệ hiếm có.
Tốt nghiệp đại học Harvard, từng nhận được học bổng nghiên cứu MacArthur, và là người sáng lập tổ chức Equal Justice Initiative, Stevenson đã dành cả cuộc đời để hàn gắn nỗi giận dữ và sợ hãi và rọi ánh sáng tới những góc tối tăm nhất trong hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ.
Sau khi tốt nghiệp trường luật Harvard năm 1985, Stevenson không vào các hãng luật trên phố Wall mặc cho những lời mời chào hấp dẫn mà chọn trở về bang Alabama làm luật sư miễn phí cho thân chủ là các tử tù. Ban đầu chỉ với một phụ tá giúp việc, đến nay văn phòng của EJI đã có 40 nhân viên gồm 20 luật sư làm việc toàn thời gian cùng một số thực tập sinh và sinh viên tốt nghiệp từ trường luật Đại học New York, nơi Stevenson giảng dạy.
Cho đến nay, EJI đã giúp tổng cộng 115 người thoát án tử hình. Tổ chức của vị luật sư 55 tuổi này cũng đã kháng cáo thành công lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nhằm bãi bỏ mức phạt chung thân không được ân xá áp dụng cho trẻ vị thành niên dưới 13 tuổi và việc giam giữ chúng trong các nhà tù dành cho người lớn. Đầu tháng 4/2015, Stevenson đã giúp Anthony Ray Hinton – tử tù ngồi tù oan suốt 28 năm – được phóng thích sau hơn 12 năm kiên trì theo đuổi vụ án.
Sống giữa những người bị tước đoạt quyền lợi và tuyệt vọng, nhưng ở Stevenson luôn ánh lên sự tin tưởng vào tương lai. Anh đã đi khắp đất nước, nói chuyện với các nhóm khác nhau, hối thúc mọi người nhanh chân giải quyết những vấn đề gốc rễ của hệ thống tư pháp và nuôi dưỡng nơi mình và nơi người khác những cảm xúc và phẩm chất có tác dụng hàn gắn.
Cuốn sách mới ra mắt của Stevenson, Just Mercy: A Story of Justice and Redemption (tạm dịch: Chỉ cần lòng khoan dung: Câu chuyện về công lý và sự đền tội), hiện là một cuốn sách ăn khách. Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bởi Dean A. Strang, một luật sư biện hộ trong các vụ án hình sự ở Madison, Wisconsin, tác giả của cuốn sách Justice in a Time of Terror (Công lý trong thời khủng bố) về những vấn đề nhức nhối được Stevenson đưa ra trong cuốn sách.
Hỏi: Thông điệp hy vọng trong cuốn sách của anh rất rõ ràng, nhưng tôi vẫn cho rằng xuất phát điểm của cuốn sách nằm phần nào ở sự giận dữ. Không biết điều đó có đúng không?
Bryan Stevenson: Tôi nghĩ đó là gánh nặng hơn là sự giận dữ. Tôi không có nghĩa vụ phải đại diện cho những người mang án tử hình. Tôi không có nghĩa vụ phải làm công việc tôi đang làm. Và tôi chẳng bao giờ muốn lựa chọn của mình lại trở thành một điều khiến mình phải giận dữ.
Khi bước chân vào thế giới này, tôi thấy rằng tất cả chúng ta đều phải gánh trên vai gánh nặng do một kiểu thờ ơ nào đó với số phận của những con người nghèo khổ.
Chúng ta phải gánh lấy cái gánh nặng từ cái di sản đầy thiên kiến về chủng tộc. Cái cách mà chúng ta chịu đựng sự bất công và bất tín đè nặng tôi và khiến tôi phải đứng dậy. Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm đối mặt với gánh nặng đó.
Tôi không nghĩ ai chứng kiến cảnh tôi ôm cậu bé 14 tuổi đang khóc nức lên vì bị cưỡng bức và đánh đập trong buồng giam lại muốn để cậu bé quay về buồng giam đó. Nhưng hệ thống tư pháp của chúng ta quá biệt lập. Chúng ta đã tạo ra những bức tường và rào chắn bảo vệ những gì xảy ra trong các phòng xử án, các trại giam và nhà tù cũng như ở lề xã hội hiệu quả đến độ hầu hết chúng ta sống mà không có chút ý thức nào về điều mà những thứ này thật sự đại diện cho.
Hỏi: Là người làm việc trong hệ thống tư pháp, điều gì khiến anh bất ngờ về những gánh nặng này?
Stevenson: Đó là cảm giác mọi người thật sự biết đâu là việc nên làm nhưng vẫn cảm thấy buộc phải làm điều ngược lại vì lý do chính trị hoặc mối quan ngại gián tiếp nào đó. Đó là điều tôi quả thật không lường đến. Nó nằm trong cấu trúc và có tính hệ thống xuyên suốt.
Hỏi: Theo lời anh, những người ngoài cuộc sẽ thấy kinh hoàng trước sự bất công mà anh gặp phải trong lòng hệ thống tư pháp. Thế nhưng lại có hàng trăm nghìn người đang ở trong guồng máy ấy và không nghĩ rằng họ, hay chúng ta, phải nhận lãnh lấy trách nhiệm thay đổi. Anh có thể cho biết tại sao không?
Stevenson: Tất cả chúng ta đều được nuôi dạy trong một môi trường chấp nhận rằng các bản án oan sai, không công bằng, kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử với người nghèo là chuyện không tránh khỏi.
Tôi cho rằng mất hy vọng chính là kẻ thù của công lý. Chúng ta đang có quá nhiều người trong cuộc không tìm thấy hy vọng trong những việc họ làm.
Luật sư biện hộ thì bỏ không tranh biện về giả định có tội được gán nghiễm nhiên cho người da màu. Thẩm phán thì từ bỏ nỗ lực đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Công tố viên thì bị tha hóa bởi quyền lực đã được tích lũy qua nhiều kế hoạch bắt buộc phải tống giam. Ta có thể trở thành một thẩm phán, một công tố viên hay đôi khi là một luật sư biện hộ, và chẳng bao giờ đòi cho bằng được công bằng và công lý. Đó chính là tấn bi kịch, và là những gì ta phải thay đổi.
Chúng ta khiến việc kết án trở nên quan trọng hơn là công bằng. Chúng ta bảo vệ ngay cả những hành vi vi phạm quyền con người thấy rõ nếu [các ý kiến phản đối] không được đặt ra đúng lúc, đúng cách.
Hỏi: Sau khi các bản án oan sai được lật lại, những người đứng ra xin lỗi thường có câu: “Các bạn thấy đấy, điều này chứng tỏ hệ thống hoạt động.” Với nhiều người làm việc trong lĩnh vực tư pháp hình sự như chúng ta, tuyên bố này chỉ làm chúng ta bực bội. Trong cuốn sách của mình, anh nói tuyên bố này “khiêu khích”. Anh có thể nói rõ hơn không?
Stevenson: Tháng 4 năm 2015, tôi đã bước ra khỏi một nhà tù ở thành phố Birmingham với một người đàn ông tên là Anthony Ray Hinton. Hinton đã phải ngồi 30 năm sau song sắt cho một tội mà ông không phạm phải. Ông đã bị giam trong một buồng giam 5×7 feet suốt 24h mỗi ngày trong 30 năm. Chứng cứ cho sự vô tội của ông đã được trình lên bang năm 1999. Bên công tố khẳng định, khẩu súng mà họ tìm thấy trong nhà mẹ ông khớp với những viên đạn được tìm thấy trong vụ giết người, và chỉ dựa trên đúng một chứng cứ đó, họ kết án ông. Chúng tôi đã mời những chuyên gia giỏi nhất về súng ở Mỹ kiểm tra khẩu súng và những viên đạn này, và kết quả là, đạn và súng không khớp nhau, Hinton vô tội.
Cuối cùng, chúng tôi phải lôi cả Tối cao Pháp viện vào cuộc, chúng tôi lật lại được bản án, và Hinton được phóng thích. Đó quả thật là một giây phút huy hoàng và tuyệt vời. Nhưng tôi đã ở cạnh Hinton rất nhiều trong suốt sáu tháng cuối cùng ấy, và những gì mà chúng ta làm với ông ấy chẳng khác gì tội ác.
Với tôi, đó chính là khiêu khích – chúng ta biến một người thành nạn nhân, chúng ta tra tấn và làm tổn thương họ mà không ý thức được rằng đấy là việc làm đáng hổ thẹn. Và đó không phải là lần đầu tiên chúng ta làm thế. Tội ác lớn nhất của chế độ nô lệ Mỹ không phải là sự vô tình bắt người khác phải phục dịch, mà đúng hơn là câu chuyện về sự khác biệt chủng tộc mà chúng ta tạo ra để bao biện cho nó.
Vì chúng ta chưa bao giờ giải quyết tội ác đó, cho nên chế độ nô lệ không hề chấm dứt năm 1865, nó chỉ phát triển sang hình thái khác mà thôi.
Hỏi: Nếu chúng ta thay thế văn hóa trách tội trong hệ thống hình sự bằng văn hóa biết khiêm nhường, thừa nhận rằng sai lầm có thể xảy ra, liệu chúng ta có thể đi đến đâu không?
Stevenson: Tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta cần một sự thay đổi hệ hình mà trong đó động lực thúc đẩy chúng ta không phải là sự sợ hãi hay nỗi giận dữ. Chúng ta có những chính trị gia cạnh tranh nhau tấm vé ai là người cứng rắn nhất trong vấn đề tội phạm. Bất kỳ khi nào xã hội bắt đầu tạo ra những chính sách và điều luật vì sợ hãi và giận dữ, thì khi đó sự bất công và bất lương sẽ xảy ra.
Chúng ta phải tránh những hoạt động chính trị xuất phát từ sợ hãi và giận dữ, và bắt đầu đặt cho mình câu hỏi cơ bản hơn: Chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì? Nếu chúng ta làm thế, chúng ta sẽ không đẩy những con người không phải là mối đe dọa cho sự an toàn của dân chúng vào trại giam hay nhà tù và tiêu tốn hàng tỷ đô-la giam giữ họ khi việc đó chẳng mang lại điều gì. Chúng ta sẽ dùng số tiền đó để thúc đẩy các hoạt động chăm sóc y tế và giải quyết vấn đề.
Chúng ta phải tiến hành cuộc chuyển đổi hệ hình đó trong toàn bộ hệ thống. Các sĩ quan cảnh sát của chúng ta đã trở thành những chiến binh sử dụng nỗi sợ hãi và giận dữ để đấu với cộng đồng. Chúng ta không cần đến những cảnh sát coi mình là chiến binh. Chúng ta cần những cảnh sát coi mình là những người bảo vệ và là một thành viên của cộng đồng ấy. Anh không thể làm cảnh sát bảo vệ một cộng đồng mà anh không thuộc về. Cuộc thay đổi hệ hình đó là một phần của tiến trình tạo ra những người bảo vệ công lý thật sự. Nếu anh là người nắm trong tay quyền lực và sử dụng quyền lực ấy trong sợ hãi và giận dữ, anh sẽ trở thành người bất công và bất bình đẳng.
Hỏi: Anh đã nói rất đanh thép về sự dai dẳng của nạn phân biệt chủng tộc và nỗi sợ hãi trong hệ thống tư pháp hình sự. Anh có thể chia sẻ thêm về những điều này không?
Stevenson: Có thể thấy rõ rằng hệ thống tư pháp sẽ ưu ái anh khi anh giàu và có tội hơn là khi anh nghèo và vô tội. Giả định có tội và nguy hiểm được đưa ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng có được một kết quả công bằng. Tôi cũng thấy rằng khi chúng ta thấy thoải mái với các khác biệt do chủng tộc bao nhiêu, chúng ta cũng thoải mái với đủ hình thức phân biệt và bất công bấy nhiêu.
Đó là điều không thể tin được. Điều đó không đúng trong thế kỷ XX, không đúng trong thế kỷ XIX, nhưng lại trở thành đúng trong thế kỷ XXI. Và chúng ta lại không nói về nó.
Chúng ta cần bắt đầu nói về những lực lượng đang tạo ra thực tế này. Đến bây giờ tôi vẫn sốc khi biết chúng ta có những dữ liệu rất đáng lo – từ năm 1980 đến năm 2010, số phụ nữ bị bỏ tù đã tăng 640%, và gần 70% trong số đó là mẹ đơn thân có con nhỏ và hầu hết không phạm tội bạo lực.
Hỏi: Anh có nói đến mối liên hệ của thực tế này với di sản của chế độ nô lệ. Anh có thể chia sẻ thêm không?
Stevenson: Ta có lẽ không cần bàn cãi về việc những người bị nô dịch thì bị coi thường phẩm giá. Anh không thể coi họ như một con người hoàn toàn, và vì vậy anh không tôn trọng mong muốn được gắn kết với một gia đình và một nơi chốn của họ. Đó là cách duy nhất giúp anh có thể chịu đựng và hiểu lối hành hình kiểu lin-sơ cũng như nỗi kinh hoàng của kiểu hành hình đó.
Trong những cuộc hành hình đó, người ta đã làm những điều kinh khủng, man rợ và tàn bạo với người khác, họ xà xẻo cơ thể, cắt đầu và các bộ phận và lấy đó làm món đồ lưu niệm. Xã hội kiểu gì mà lại làm thế? Chỉ có những xã hội không coi con người đó như một con người hoàn toàn. Sự đứt đoạn [giữa một con người hoàn toàn và một con người không hoàn toàn] như thế có nghĩa là anh sẽ chẳng cần phải tôn trọng khát vọng về căn tính, gia đình và kết nối nơi họ.
Và điều đó hiện vẫn đúng. Đến bây giờ chúng ta vẫn không giải quyết sự đứt đoạn cơ bản đó, sự coi thường cơ bản những con người vì chủng tộc hoặc sắc tộc của họ. Đối với tôi đó chính là vấn đề mấu chốt.
Hỏi: Ông của anh đã bị những người trong độ tuổi vị thành niên giết hại khi anh cũng ở độ tuổi này. Điều đó có kéo anh, hay ban đầu đẩy anh ra khỏi công việc mà anh đang thực hiện với trẻ vị thành niên đang thụ án trong tù không?
Stevenson: Khi ông tôi bị giết hại, câu hỏi mà gia đình tôi đặt ra là: Tại sao người ta lại làm thế? Chúng tôi quan tâm hơn đến hoàn cảnh tạo ra những đứa trẻ hành động theo lối đó.
Ở đất nước này có nhiều nơi mà ở đó phần lớn trẻ em bị sang chấn nặng nề khi mới 4-5 tuổi. Các em sống trong những gia đình thường xuyên diễn ra cảnh bạo lực và mọi người luôn to tiếng với nhau. Các em cần những kiểu can thiệp tương tự như kiểu can thiệp thực hiện với các cựu chiến binh khi họ trở về sau cuộc chiến.
Đáng tiếc là hệ thống hiện tại của chúng ta chỉ nghĩ theo một ngôn ngữ: ngôn ngữ trừng phạt.
Hỏi: Làm thế nào thì việc nói về yêu thương, lòng trắc ẩn, khoan dung, hay chuộc lỗi trong hệ thống tư pháp mới dễ chấp nhận hơn?
Stevenson: Tôi cho rằng chúng ta phải khẳng định những điều quan trọng với chúng ta. Chúng ta có quan hệ với nhau. Chúng ta không thể có mối quan hệ bền vững, lành mạnh nếu chúng ta không học cách nói xin lỗi. Tôi không biết cặp đôi nào kết hôn hay có mối quan hệ bền vững suốt một thời gian dài mà không học cách nói xin lỗi. Chúng ta đã không học cách làm thế khi đối mặt với những phần đáng xấu hổ trong lịch sử của mình.
Một điều khác nữa là chúng ta phải tin vào những điều chúng ta không nhìn thấy. Một điều cản trở chúng ta hành động là chúng ta không nhìn thấy một hệ thống tư pháp nhân ái thì sẽ như thế nào. Chúng ta sợ nó sẽ không đủ hà khắc và trừng phạt như chúng ta thấy là nên.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng chúng ta phải mong muốn nhiều hơn nữa. Chúng ta phải khao khát điều gì đó mang đến cảm giác tự do hơn những gì chúng ta đang có. Chúng ta không tự do. Chúng ta không thể kết nối với một người khác mình mà không nhảy bổ vào nhau, tạo ra căng thẳng và sợ hãi.
Trong cuốn sách của mình, tôi có trích câu nói của Reinhold Niebuhr: “Tình yêu là động cơ, nhưng công lý là công cụ.” Nếu chúng ta yêu đất nước này, chúng ta cần suy nghĩ với tinh thần phê phán hơn nữa về những gì mà công lý đòi hỏi. Nếu chúng ta yêu cộng đồng mình, thì ta cần nhất quyết đòi hỏi công lý trong mọi tình huống. Đó là điều hiện nay chúng ta vẫn chưa làm.
Dịch từ bài viết Hopeless is the Enemy of Justice (The Progressive)