Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bạch Thị Nhã Nam
Với TPP, nhà đầu tư nước ngoài có thể phớt lờ tòa án nước sở tại và kiện thẳng chính phủ ra tòa quốc tế.
Bài liên quan:Công ty nước ngoài kiện chính phủ và hiểm họa từ các hiệp định thương mại tự do
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho phép công ty nước ngoài khởi kiện chính phủ khi quốc gia này vi phạm các nghĩa vụ của mình và vi phạm đó gây tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài. Đối với Việt Nam, việc gia nhập ngày càng sâu rộng trong nền kinh tế thế giới, cụ thể trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), các hiệp định và thể chế hợp tác khu vực như TPP hay Cộng đồng kinh tế Asean vào cuối năm 2015 (AEC) sẽ khiến Việt Nam đối mặt với ngày càng nhiều các tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ Việt Nam, đặc biệt khi hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng phát triển cả về quy mô, phạm vi và tính chất.
Hiện tượng nói trên cũng đang đặt ra cho Việt Nam nhiều vấn đề về hoàn thiện cơ chế để giải quyết hiệu quả loại hình tranh chấp này, đặc biệt sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của TPP.
TPP là một hiệp định thương mại tự do với mức độ sâu hơn, rộng hơn các hiệp định trong khuôn khổ tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong các lĩnh vực như cắt giảm các dòng thuế; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; các vấn đề về lao động…Do đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ các nước trong khối TPP và cả các nước ngoài khối. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan, giá nhân công rẻ, chi phí nguyên liệu đầu vào thấp và các ưu đãi khác.
Báo cáo Tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố mới đây đánh giá rằng khi tham gia vào TPP, đầu tư nước ngoài được dự đoán vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 13 tỉ USD, mức tăng gần bằng tăng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Úc, Malaysia… Theo báo cáo này, sở dĩ FDI tăng là do Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu khi giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình rẻ hơn so với nhiều nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ…
Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNTACD) được công bố tháng 5/2015 vừa qua cho thấy, trong số các vụ kiện nảy sinh, 60% các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là bị đơn do các nguyên đơn là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia phát triển khởi kiện theo các điều khoản giải quyết tranh chấp này. [1] Trong số các vụ khởi kiện về tranh chấp đầu tư trong năm 2014, các nhà đầu tư Mỹ đứng thứ 2 (5 vụ kiện) trong số các nguyên đơn khởi kiện sau nhà đầu tư Hà Lan (7 vụ kiện) và ngang bằng với Anh Quốc (5 vụ kiện). Các nhà đầu tư Mỹ cũng dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài có truyền thống áp dụng điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước theo số liệu tích lũy đến cuối năm 2014.[2]
Hai nội dung khởi kiện phổ biến được nêu ra bởi các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2014 là việc hủy bỏ hợp đồng hoặc vi phạm hợp đồng kí kết giữa chính phủ nước nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài, và việc thu hồi giấy phép đầu tư hoặc từ chối cấp phép đầu tư. Những lĩnh vực tranh chấp phát sinh là i) xây dựng các nhà máy điện và cung cấp năng lượng điện (ít nhất 7 vụ khởi kiện), ii) khai thác dầu khí, ga, và khai thác hầm mỏ (10 vụ khởi kiện), iii) xây dựng (5 vụ khởi kiện), iv) dịch vụ tài chính (3 vụ khởi kiện).
Theo nghiên cứu được công bố của một tổ chức xã hội tại Hoa Kỳ, Public Citizen, cũng như nhận định của nhiều học giả quốc tế trên các tạp chí uy tín đã chỉ ra rằng nội dung chương Đầu tư của TPP khi cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành khởi kiện chính phủ nước nhận đầu tư, cho thấy nguy cơ chính phủ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, sẽ phải đối mặt với vô vàn các vụ kiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Điều đặc biệt là các điều khoản trong hiệp định TPP sẽ trao quyền cho các tập đoàn tư nhân nước ngoài phớt lờ các thiết chế giải quyết tranh chấp tại nước nhận đầu tư như Tòa án địa phương của nước nhận đầu tư, mà ưu tiên sử dụng các thiết chế trọng tài quốc tế. Có thể kể ra một số thiết chế như tòa trọng tài ICSID (Trung tâm giải quyết các tranh chấp đầu tư giữa quốc gia và công dân của quốc gia khác thuộc Ngân hàng Thế giới – World Bank) hay tòa trọng tài UNCITRAL (Thiết chế Trọng tài Thương mại Quốc tế của thuộc Liên Hiệp Quốc) hoặc một tổ chức tòa án trọng tài quốc tế khác do nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ cùng đồng ý.
Các tập đoàn nước ngoài có thể khởi kiện chính sách của quốc gia hay các hành vi vi phạm của quốc gia nhận đầu tư liên quan đến khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều trường hợp các nước nhận đầu tư đã phải đền bù hàng triệu đô cho các nhà đầu tư ngoài trong các vụ kiện theo các cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước và nhà đầu tư trước các thiết chế trọng tài quốc tế.
(Còn nữa)
* Tác giả Bạch Thị Nhã Nam hiện là Thạc sĩ, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc UNTACD, Báo cáo “Đánh giá việc giải quyết tranh chấp Nhà đầu tư và chính phủ 2014”, công bố tháng 05.2015.
[2] Xem số liệu thống kê bởi UNTACD công bố 05.2015.