Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Trần Lam Phương (Tổng hợp)
Được đặt ra từ cách đây hơn 2500 năm, nhưng vấn đề nhân quyền chưa bao giờ mất đi tầm quan trọng hay tính thời sự của nó. Các vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở nhiều nơi trên thế giới. Với sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, 10 tổ chức dưới đây đã đấu tranh không biết mệt mỏi để đảm bảo những quyền cơ bản nhất của con người được tôn trọng.
1/ Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International)
Năm 1961, phẫn nộ khi biết chuyện hai sinh viên bị bỏ tù chỉ vì nâng ly ăn mừng tự do ở Bồ Đào Nha, luật sư Peter Benenson người Anh đã lên tiếng phản đối bằng bài viết “The Forgotten Prisoners”. Từ đây, một chiến dịch viết thư ủng hộ hai sinh viên đã được phát động, mở màn cho sự ra đời của tổ chức Ân xá Quốc tế.
Là tổ chức phi chính phủ, có trụ sở tại London, Ân xá Quốc tế đặt mục tiêu điều tra, phơi bày các vi phạm nhân quyền ở bất kể đâu trên thế giới; thúc đẩy những hành động ngăn ngừa và chấm dứt các hành vi vi phạm nghiêm trọng; và đòi công lý cho những cá nhân bị xâm phạm quyền lợi. Một số vấn đề chính yếu mà tổ chức tập trung giải quyết gồm có vận động xóa bỏ án tử hình; thúc đẩy bình đẳng giới; chống phân biệt chủng tộc, sắc tộc; đòi công lý cho các tù nhân lương tâm; và vận động các chính phủ thay đổi những điều luật hà khắc, đè nghẹt quyền con người.
Năm 1977, Ân xá Quốc tế đã được trao giải Nobel Hòa bình cho “chiến dịch chống tra tấn”. Năm 1978, tổ chức tiếp tục được Liên Hợp Quốc trao giải thưởng vì những đóng góp trong lĩnh vực nhân quyền.
Hiện Ân xá Quốc tế có 7 triệu thành viên và người ủng hộ trên thế giới. Đây cũng là nguồn kinh phí hoạt động chính cho Ân xá Quốc tế khi tổ chức này tuyên bố không nhận đóng góp từ các chính phủ hay các tổ chức chính phủ để đảm bảo “sự độc lập tuyệt đối với mọi chính phủ, ý thức hệ chính trị, lợi ích kinh tế hoặc tôn giáo”.
Trang web: www.amnesty.org
2/ Tổ chức Quyền Toàn cầu (Global Rights)
Được thành lập tại Washington DC, Hoa Kỳ, năm 1978 với tên gọi ban đầu là Hội Luật Nhân quyền Quốc tế (International Human Rights Law Group), Global Rights là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền ở cấp quốc tế thông qua các chương trình xây dựng năng lực.
Sát cánh cùng với các nhà hoạt động tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, Global Rights lấy việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của các cộng đồng sống ở bên lề làm sứ mệnh. Thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác của Global Rights ở địa phương được tăng cường năng lực thu thập bằng chứng và phơi bày thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền.
Bên cạnh đó, Global Rights cũng hướng chương trình hành động của mình vào việc vận động cải tổ môi trường chính trị, pháp lý; thúc đẩy nữ quyền và bình đẳng giới; và thúc đẩy bình đẳng sắc tộc, chủng tộc.
Website: www.globalrights.org
3/ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch)
Được thành lập năm 1978, ban đầu mục đích của tổ chức Theo dõi Nhân quyền là nhằm giám sát sự tuân thủ Hiệp ước Helsinki của Liên Xô cũ. Bằng việc phơi trần những vi phạm nhân quyền ở Liên Xô và các đồng minh của khối này ở châu Âu, Theo dõi Nhân Quyền đã có đóng góp đáng kể vào các cuộc chuyển đổi dân chủ ở khu vực này cuối những năm 1980.
Hoạt động của tổ chức Theo dõi Nhân quyền tập trung chủ yếu vào các quyền cơ bản của con người. Tổ chức đã tiến hành nhiều chiến dịch như vận động bỏ án tử hình, phản đối những hành vi phân biệt đối xử có liên quan đến xu hướng tính dục.
Một hoạt động chính khác của tổ chức là tiến hành nghiên cứu và báo cáo về vi phạm nhân quyền. Khác với các báo cáo chi tiết của Ân xá Quốc tế, báo cáo của Theo dõi Nhân Quyền thường dài và hướng vào các cuộc khủng hoảng. Nhờ thu hút được sự chú ý đông đảo của cộng đồng quốc tế, báo cáo của tổ chức thường được sử dụng làm công cụ vận động cho các quyền tự do cơ bản, cũng như gây áp lực buộc các chính phủ và tổ chức quốc tế phải tiến hành cải cách.
Website: www.hrw.org
4/ Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (International Committee of the Red Cross)
Là một thành viên của Phong trào Chữ Thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế, Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế, trụ sở tại Geneva, cũng là tổ chức lâu đời nhất và nhận được nhiều lời khen ngợi nhất của Phong trào.
Với quy mô hoạt động rộng khắp, trọng tâm hoạt động nhân đạo của Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế được nêu rõ trong tuyên bố sứ mệnh của tổ chức: “Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế là một tổ chức vô tư, trung lập và độc lập, có sứ mệnh nhân đạo là bảo vệ sinh mạng và phẩm giá của các nạn nhân chiến tranh cũng như nạn nhân của các cuộc xung đột nội bộ và giúp đỡ họ.”
Ngoài việc thực thi sứ mệnh trên, Ủy ban cũng tiến hành hướng dẫn và điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy và tăng cường luật nhân đạo và các nguyên tắc nhân đạo phổ quát.
Ủy ban đã ba lần được trao giải Nobel Hòa bình trong các năm 1917, 1944, và 1963 cho các nỗ lực không mệt mỏi của mình.
Website: www.icrc.org
Còn tiếp