Nữ quyền trong thời đại của chúng ta

Nữ quyền trong thời đại của chúng ta

Vi Katerina Tran

Khi nữ diễn viên Patricia Arquette nhận giải Oscar năm 2015, cô đã phát biểu: “chúng ta cần quyền bình đẳng cho phụ nữ ở Hoa Kỳ ngay lúc này.” Tuy cô Arquette nhắm đến vấn đề bình đẳng lương bổng làm trọng tâm cho bài diễn văn của mình, vấn đề nữ quyền nói chung, dù ở ngay tại Hoa Kỳ, vẫn đang là một vấn đề về quyền con người cần được quan tâm trong xã hội, cho dù đã có những thay đổi đáng kể ở đất nước này trong những thập niên vừa qua.

Ngày nay ở Hoa Kỳ và các nước Tây phương, luật pháp đã có những tiến bộ nhất định trong vấn đề thực thi và bảo vệ nữ quyền. Tuy nhiên, qua lịch sử của những đạo luật về bạo hành phụ nữ cũng như bạo hành trong gia đình, sự tiến bộ đó đã có cả một quá trình rất dài mới có thể đạt được.

Lịch sử vị trí pháp lý của người phụ nữ

Những đạo luật của các nền văn minh cổ cho thấy nữ quyền không hề đuợc nhìn nhận trong xã hội. Từ Bộ luật Hammurabi (1800 năm trước Công Nguyên) – cho phép người chồng quyền được trừng phạt vợ của mình vì bất cứ lý do gì và bằng bất kỳ phương pháp nào vì người vợ thuộc sở hữu của người chồng.

Đến bộ luật La Mã về Gia đình của chế độ Phụ hệ (Roman Code of Paterfamilias) cho phép đàn ông giết vợ nếu cho rằng cô ta phạm tội thông gian mà không cần tòa án xét xử nhưng ngược lại thì người đàn ông thì có quyền ngoại tình mà người vợ chẳng có quyền làm gì nếu phát hiện ra điều đó. Luật La Mã cũng cho phép tử hình phụ nữ nếu họ ra ngoài mà không che mặt hoặc tham gia những hoạt động của công chúng mà không được cho phép.

Bộ luật Tiêu chuẩn thời Trung Cổ (Medieval Canon Law) khuyến khích trừng phạt những người vợ bất tuân mệnh lệnh của chồng bằng những phương pháp tra tấn man rợ và công khai.

520683187

Scold’s bridle, một hình phạt đau đớn dành cho phụ nữ Châu Âu Trung Cổ chỉ vì họ…nói nhiều. Nguồn: Ảnh

Bắt đầu trong thời Phục Hưng ở Pháp, bởi vì có quá nhiều trường hợp những người vợ và trẻ em bị chồng và cha họ đánh đập đến chết gây thiệt hại về kinh tế cho xã hội, một số nhà lập pháp thời ấy đã bắt đầu có những đạo luật “hạn chế” việc bạo hành trong gia đình. Một trong những điều luật ấy là chỉ cho phép người đàn ông đánh vợ con bằng cách đánh đấm hoặc đá vào lưng để không lưu lại dấu vết thương tích!

Vào những năm 1700 ở Anh quốc, người chồng được luật pháp cho phép đánh vợ con nếu sử dụng một cây roi không được lớn hơn ngón tay cái của anh ta. Đạo luật này tồn tại khá lâu và thành ngữ “đạo luật của ngón tay cái” – “the rule of thumb” có bắt nguồn từ đây.

Cuộc chiến pháp lý cho nữ quyền

Ở Hoa Kỳ, tòa án và luật pháp vẫn tiếp tục cho phép đàn ông đánh đập và bạo hành vợ của mình như là một quyền lợi hợp pháp cho đến năm 1871, với phán quyết của án lệ Fulgam vs. the State of Alabama, tòa án đã tuyên bố: “đặc quyền (đánh vợ) này, cho dù nó có thể có nguồn gốc từ xa xưa, thì ngày nay việc đánh vợ bằng roi, kéo tóc, siết cổ, nhổ vào mặt hay đá vào người khi đã gục ngã trên sàn nhà, hoặc bất kỳ hành vi nào khác nhằm gây ra những hành động sỉ nhục đối với cô ấy, đều không được chấp nhận bởi pháp luật của chúng ta.” Tuy nhiên, vào năm 1910, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vẫn ra phán quyết không cho phép người vợ có thể cáo buộc và kiện chồng mình đã bạo hành đánh đập và gây thương tích vì lo ngại sẽ mở ra quá nhiều tranh chấp kiện tụng giữa vợ chồng. Trong suốt thập niên 1960 và 1970, rất nhiều phong trào đấu tranh cho nữ quyền đã diễn ra ở Mỹ. Trong những năm cuối thập niên 1970, các tiểu bang bắt đầu cho phép những nạn nhân của bạo hành trong gia đình kiện những người đã gây ra thương tích cho họ. Tuy nhiên, cho đến năm 1977, Bộ Luật Hình Sự của tiểu bang California vẫn đòi hỏi những nạn nhân của bạo hành trong gia đình phải dùng một chuẩn mực về chứng cứ cao hơn một vụ án gây thương tích bình thường để chứng minh là mình đã bị bạo hành trong gia đình.

Năm 1981, cùng với việc mở rộng và khuyến khích việc thành lập những căn hộ tạm trú (shelter) cho nạn nhân của bạo hành trong gia đình, tuần lễ thường niên Quan tâm đến Bạo hành trong gia đình đầu tiên ở Hoa Kỳ đã được tổ chức (Annual Domestic Violence Awareness Week). Thập niên 1980 là khoảng thời gian các nhân viên cảnh sát ở Hoa Kỳ bắt đầu được huấn luyện về cách tiếp cận và giải quyết các hồ sơ liên quan đến bạo hành trong gia đình. Ở California, việc huấn luyện các nhân viên cảnh sát về bạo hành trong gia đình đã được các nhà lập pháp tiểu bang soạn thảo và thông qua bởi các đạo luật SB1472 và SB1058 trong những năm 1984-1989. Sang đến thập niên 1990, các văn phòng công tố ở các quận hạt ở California bắt đầu khởi tố một cách có hệ thống các vụ án bạo hành trong gia đình, cũng như không cho phép các công tố hủy việc khởi tố một hồ sơ khi nạn nhân yêu cầu hay không chịu ra tòa làm nhân chứng. Các đạo luật chống bạo hành trong gia đình liên quan đến vấn đề nuôi dưỡng con cái (AB2700) và cấm đương sự của một lệnh cách ly tạm thời được mua súng (AB1753) hay sở hữu súng (SB1278) được ban hành ở California.

Từ những năm 1994-1995, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật về Bạo Lực Chống Lại Phụ Nữ (Violence Against Women Act). Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, trang mạng safehorizon.org cho biết, theo thống kê tại Hoa Kỳ, sẽ có 1 trong 4 người phụ nữ ở Hoa Kỳ sẽ là nạn nhân của bạo hành trong gia đình mỗi năm, và cứ 1 trong 3 phụ nữ bị mưu sát ở Hoa Kỳ hằng năm là nạn nhân của chồng hoặc người bạn tình.

Vào năm 1993, Liên Hiệp Quốc công bố bạo hành phụ nữ là một vấn đề Quyền Con Người của Quốc Tế và đưa ra Tuyên Ngôn về việc loại bỏ Bạo Lực chống lại Phụ Nữ (Declaration on the Elmination of Violence Against Women). Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, quyền con người của phụ nữ vẫn tiếp tục bị vi phạm và những hành vi bạo lực dùng để chống lại họ vẫn được chấp nhận ở nhiều quốc gia, những nơi mà luật pháp được sử dụng để bao che và dung túng kẻ bạo hành. Trang mạng viralwomen.com, vào ngày 24 tháng 11 năm 2014, đã liệt kê 7 đạo luật mà họ cho là điên rồ nhất trong việc vi phạm quyền con người của phụ nữ trên thế như sau:

  • Morroco: Nạn nhân của những vụ hãm hiếp có thể bị cáo buộc vi phạm tội hình sự.
  • Pakistan: Phụ nữ có thể bị giết chết nếu họ bị nghi ngờ là có trao đổi với một người đàn ông ngoài hôn nhân.]
stoning

Hiện trường của một vụ “Giết danh dự” – “Honor Killing” tại Pakistan. Gần 1000 phụ nữ bị giết hằng năm bởi loại hình phạt tôn giáo ở quốc gia này.

  • Yemen: Phụ nữ chỉ được xem là 1 nửa người nhân chứng. Tổ chức Freedom House đã báo cáo năm 2005 là ở Yemen, người phụ nữ không được xem như là một người có đủ tư cách pháp lý trong hệ thống luật pháp nước này. Lời khai của một cô gái chưa kết hôn không có giá trị gì trước tòa nếu nó không được bảo đảm bởi một người đàn ông hoặc là lời khai của cô ta chỉ liên quan đến những nơi mà đàn ông không được phép đến. Phụ nữ tuyệt đối không được làm nhân chứng cho những vụ kiện liên quan đến tội thông gian, mạ lỵ, trộm cắp hay tội kê gian.
  • Yemen: Phụ nữ không thể rời khỏi nhà nếu chồng của họ không cho phép.
  • Ecuador: Phá thai là vi phạm pháp luật trừ phi người phụ nữ là một người bị thiểu năng về trí tuệ.
  • Một vài bang ở Ấn Độ: các luật lệ an toàn giao thông không áp dụng cho người nữ. Ở những tiểu bang này, phụ nữ bị loại ra khỏi điều luật bắt buộc sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy. Điều này làm cho hàng nghìn phụ nữ đã phải chết hay gặp thương tích nghiêm trọng mỗi năm.
  • Saudi Arabia: phụ nữ vẫn không thể tham gia bỏ phiếu bầu cử phổ thông cho đến tận năm 2015. Nạn nhân của các vụ hãm hiếp phải đối mặt với việc bị cáo buộc vi phạm tội hình sự. Và, phụ nữ không được phép lái xe ô tô./.

Tài liệu tham khảo:

http://viralwomen.com/post/crazy_restrictions_on_womens_rights/1

http://www.womensafe.net/dv/dvlaws.html

Tài liệu giảng dạy cho luật sư bảo vệ nạn nhân của bạo hành trong gia đình từ Toà Gia Đình của Quận Hạt Santa Clara, California

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.