Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Quốc Hội hoặc Nghị Viện là một trong các cơ quan dân chủ đại diện điển hình và quan trọng nhất của mô hình nhà nước dân chủ hiện đại. Vì vậy, quy trình bầu cử phổ thông để chọn nên những “đại biểu của nhân dân” chắc chắn không thể là căn cứ duy nhất để công dân thực hành các quyền chính trị của mình.
Làm thế nào để những cử tri biết đại diện của họ thật sự đã làm được những gì, đóng góp bao nhiêu cho hoạt động của Quốc Hội? Quan điểm của những đại diện này có thật sự nhất quán và bảo đảm quyền lợi của công dân? Những người đại biểu của quốc gia đã bàn luận, tranh luận và bảo vệ điều gì trên chính trường Quốc Hội?
Trông chờ vào các bài báo – nơi chỉ có những phát biểu đáng đọc nhất đồng thời với những phát biểu ngờ nghệch nhất xuất hiện; và quan trọng hơn, chỉ là những thông tin mà Quốc Hội cho là “không kín” và cho phép báo chí phổ biến mới được phơi bày không phải là một cách tốt để kiểm soát và đánh giá hoạt động của đại biểu quốc hội. Chính vì vậy, các Bản Báo Cáo Thông Tin Hoạt Động Quốc Hội ra đời với nhiều hình thức khác nhau trên thế giới.
Truyền thống “Báo cáo Hansard” của Khối Thịnh Vượng Chung…
Khơi nguồn từ Anh Quốc, Hansard – tên gọi truyền thống của ấn phẩm Thông tin nghị sự Quốc Hội (Parliamentary Debates) – được đặt theo tên của nhà xuất bản Thomas Curson Hansard (1776-1833), người liều lĩnh và thành công nhất trong việc tổng hợp, in ấn và phát hành ấn phẩm này tại Westminster.
Trước năm 1771, các hoạt động và tranh luận bên trong Quốc Hội Anh được xem là những cuộc tọa đàm bí mật giữa giới tinh hoa của đất nước này. Điều này tạo nên một thứ đặc quyền cho các đại biểu nhân dân, nơi mà các hoạt động lập pháp, lựa chọn quyết định cho cả quốc gia lại không phải chịu trách nhiệm hay sự lên án nào từ phía người dân. Quan trọng hơn, thiếu vắng thông tin ghi nhận lại các tranh luận, quan điểm giữa các dân biểu tạo điều kiện cho nhiều nghị viên lạm dụng để bảo vệ lợi ích cho các nhóm quyền lực nhỏ lẻ hơn là bảo vệ công dân của quốc gia họ. Trong thời kỳ này, người dân Anh Quốc cũng bắt đầu xây dựng được văn hóa chủ động trong các hoạt động chính trị và nhiều thời báo độc lập cũng hứng thú trong việc cung cấp những bản thảo không chính thức của các buổi chất vấn, tranh luận và phát biểu ý kiến của các nghị viên.
Các hoạt động này đương nhiên được xem là trái luật với danh nghĩa an ninh quốc gia hoặc phỉ báng cá nhân đại biểu quốc hội. Những cuộc đấu tranh pháp lý và cộng đồng diễn ra gay gắt trong suốt khoản thời gian sau đó. Đến năm 1909, Quốc Hội Anh tiếp quản ấn phẩm Hansard, tổ chức thành lập và quản lý hoạt động sản phẩm thông tin này bởi nguồn nhân lực nhà nước; đây cũng là thời điểm người dân Anh Quốc chính thức có thể tiếp cận mọi thông tin hoạt động Quốc Hội mà không gặp phải rào cản nào khác.
Hansard đang được sử dụng hiện tại là bản báo cáo ghi nhận nguyên văn (verbatim) (nhưng không chắc chắn phải đúng từng câu chữ (word-by-word), vốn có thể có các chỉnh sửa về ngữ pháp, chấm phẩy câu…, miễn là nội dung trình bày không bị biến đổi) những phiên chất vấn, tranh biện và đóng góp của mọi đại biểu.
Để người đọc có thể liên tưởng cụ thể hơn, người viết xin được phép trích một đoạn hội thoại trong bản Hansard liên quan đến ngân sách an ninh nội địa của Kenyan, một quốc gia đang phát triển cũng áp dụng Hansard.
“Bộ trưởng Bộ tài chính Kerrow: Các khoản chi mà Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa nhắc đến như “Các chi phí khác” được tô đậm trong tài liệu và nhiều chi phí khác gần như chỉ liên quan đến các khoản chi pháp lý. Nếu ngài cộng cả chúng vào nhiệm kỳ này, số lượng sẽ lên đó 550 triệu SH. Đó là vấn đề mà Bộ chúng tôi đang quan tâm.
Dân biểu Odinga: Liên quan đến mục “Vật liệu và nguồn cung ứng đặc biệt”, điều khoản vào năm trước yêu cầu khoản chi là 109.27 triệu SH. Năm nay khoản chi tương ứng cùng mục lại là 214 triệu SH. Chúng tôi có thể biết chi tiết các vật liệu đó là gì?
Bộ Trưởng Bộ an ninh nội địa Michuki: Đó là các khoản mục bảo mật.”
Chỉ qua một đoạn hội thoại và chất vấn nhỏ, ai cũng có thể nhận định và phân tích sự hiệu quả, mục tiêu và các vấn đề bên trong một nhà nước; điều khiến cho truyền thống Hansard rất được ưa chuộng tại nhiều quốc gia.
…và Ký Lục Nghị Viện (Congressional Record) của Hoa Kỳ
Dù là một thuộc địa của Anh Quốc, nhà nước Hoa Kỳ có lịch sử phát triển mô hình minh bạch thông tin hoạt động của cơ quan dân chủ đại diện phát triển tương đối độc lập và có phần sớm hơn cả Anh Quốc. Nghị Viện nước này chính thức ghi nhận và phát hành Ký lục nghị viện vào năm 1873 (Kỳ họp nghị viện thứ 43).
Ký lục nghị viên có phần quy củ, nhiều thông tin và gần giống với hình thức báo chí hơn Báo cáo Hansard. Được phát hành bởi Văn Phòng In Ấn Chính Phủ (Government Printing Office), ghi nhận các thông tin hoạt động ngày trước đó của Thượng Viên hoặc Hạ Viện, miễn là nhị viện đang trong kỳ họp.
Mặc dù các buổi họp của Nghị Viện Hoa Kỳ đã chính thức được truyền hình trực tiếp vào năm 1979 (Hạ Viện) và năm 1986 (Thượng Viện); bản Ký lục vẫn được xem là có độ tin cậy cao hơn, khả năng trích dẫn rõ ràng hơn cũng như đầy đủ các viện dẫn, chú giải các dự thảo luật, sửa đổi, bổ sung… Mọi tuyên bố, quan điểm ủng hộ hay chống đối một chính sách hay dự luật cũng như các lý lẽ mà một nghị viên đưa ra sẽ được ghi nhận đầy đủ trong bản Ký lục.
Ký lục nghị viện được phát hành trong kỳ họp của Hạ Viện hoặc Thượng Viện hoặc cả hai, có độ dài trung bình 272 trang mỗi ngày và được chia làm 4 mục nội dung chính: Hoạt động Hạ Viện (House’s proceeding), Hoạt động Thượng Viện (Senate’s proceeding), Ghi nhận bổ sung (Extensions of Remarks) và Thông tin thường nhật (Daily Digest). Mỗi chuyên mục sẽ có thông tin đặc trưng riêng biệt để người đọc tìm hiểu một cách dễ dàng.
Trong đó, chuyên mục hoạt động Hạ Viện và Thượng Viện bắt buộc ghi nhận lại toàn bộ nguyên văn phát biểu và tranh luận của nghị viên đối với một dự luật hoặc chính sách; các thông tin trao đổi giữa Chủ tịch Hạ Viện hoặc Thượng viện với nhánh quyền lực hành pháp; biên bản ghi nhớ, kiến nghị, các thông tin như đề xuất bổ sung hoặc sửa đổi dự thảo luật hoặc đạo luật kèm theo tên nghị viên đưa ra yêu cầu, các buổi họp của các ủy ban, ban lãnh đạo nghị viện… Ghi nhận bổ sung dành cho Hạ nghị sĩ và Tuyên bố bổ sung (Additional Statement) dành do Thượng nghị sĩ trong trường hợp họ muốn Ký lục ghi nhận thêm quan điểm lập pháp của mình, một bài diễn thuyết có liên quan được thực hiện bên ngoài Nghị Viện hoặc thư, ý nguyện được gửi đến từ các cử tri nhằm củng cố quan điểm mà mình đưa ra.
Chuyên mục Thông tin thường nhật chính thức có mặt trong Ký lục theo quy định của Đạo Luật Tái Tổ Chức Hoạt Động Lập Pháp 1946 (Legislative Reorganization Act of 1946) bắt buộc đưa ra các thông tin ngắn gọn, đầy đủ và tiện lợi cho công chúng không chuyên những thông tin hoạt động lập pháp của Hạ Viện, Thượng Viện trong ngày trước đó; cũng như lịch trình hoạt động cho ngày kế tiếp.
Quốc Hội Việt Nam áp dụng như thế nào?
Sẽ là thiếu sót nếu không có lời khen ngợi đối với hệ thống minh bạch thông tin tương tự với báo cáo Hansard và Ký lục nghị viện tại Việt Nam, dù chưa có tên gọi chính thức nhưng có thể được truy cập tại trang điện tử www.quochoi.vn hoặc http://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/Pages/default.aspx (tức chọn mục Hoạt động Quốc Hội).
Ở đây, người dân có thể truy cập vào từng kỳ họp, xem chương trình họp, tổng hợp nội dung chất vấn và các ý kiến bổ sung cho mỗi dự thảo luật. Người viết khuyến khích các cử tri Việt Nam nên thường xuyên cập nhật vào theo dõi thông tin từ hệ thống trên bởi đây là một trong những việc làm lợi ích nhất để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát những đại biểu mà mình đã bầu chọn.
Tuy nhiên, mặt khác, ngoài hiện trạng yếu kém về thực quyền và nguồn lực mà nhà nước giao cho đại biểu quốc hội để thực hiện quyền hiến định của mình; tính thể chế và tổng hợp hóa các thông tin quốc hội nhằm mục tiêu công bố rộng rãi, tạo điều kiện kiểm soát đánh giá từ phía công chúng là còn khá thấp.
Trước hết có thể thấy điều đó ở việc lựa chọn thông tin công bố. Chỉ có hai loại thông tin có thể tìm thấy rõ ràng nhất là tổng hợp đóng góp ý kiến cho dự thảo luật và biên bản của buổi chất vấn chính phủ. Các nội dung buổi họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội hầu như luôn được bỏ trống dù đây là cơ quan quyền lực nhất của bộ máy Quốc Hội. Nhiều cuộc họp và buổi tiếp khách nhạy cảm cũng gần như bị bỏ qua hoàn toàn trước giới truyền thông, dân chúng và kể cả các biên bản từ Quốc Hội cũng không tồn tại.
Ngoài ra, các tài liệu này cũng thiếu tính tổng hợp và khả năng tra cứu. Ví dụ đối với các biên bản chất vấn chỉ được đánh số theo thứ tự kỳ họp, rất khó để xác định nội dung bên trong và tính quan trọng của nó. Ở góc độ khác, các biên bản đóng góp ý kiến cho dự thảo chỉ là bản tổng hợp sơ lược các nội dung được kiến nghị, không có bất kỳ thông tin nào về ý kiến từ đại biểu nào, có tranh luận nào khác diễn ra hay không.v.v.
Vì sao việc phương thức “báo cáo Hansard” quan trọng?
Áp dụng báo cáo Hansard hay Ký lục nghị viên ở mức độ hoàn thiện đều có những tác động tích cực và vô cùng đáng kể trong việc cải thiện năng lực của dân biểu.
Chúng là căn cứ rõ ràng nhất giúp các nhà hoạt động, chuyên gia chính sách và người dân quan sát thường xuyên, đánh giá khả năng và đóng góp của từng đại biểu vào thực tế hoạt động và sự hiệu quả của Quốc Hội, nghị viện nói chung. Từ đó giúp các đối tượng tiếp nhận có những quyết định quan trọng trong việc phát động, vận động phong trào chính trị. Đây cũng là nơi giúp các cử tri kiểm tra lời hứa của những người đại diện mình, xem họ có tích cực vận động ủng hộ hoặc chống đối quyết liệt một chính sách nhất định nào đó hay không.
Không chỉ vậy, đây cũng là một hình thức tôn trọng vai trò và tiếng nói của cá nhân trong một cơ chế làm việc tập thể và quyết định theo đa số. Theo Sir. John A. Mcdonald – thủ tướng đầu tiên của Canada, Hansard là cách tốt nhất để tiếng nói của cá nhân hoặc thiểu số có thể được nghe thấy, bất kể quyết định của đám đông đi đến đâu, và từ đó, sẽ là cách mà hậu thế đánh giá những thành viên của hệ thống dân biểu, thay vì đả kích toàn bộ chỉ vì ý kiến của đám đông đã được thông qua. Ông cũng cho rằng, Hansard không chỉ là quan điểm đơn thuần (ủng hộ hay không ủng hộ), nó cho người đọc thấy được vấn đề nào được quan tâm nhất trên chính trường, phong cách truyền tải, và phong thái suy nghĩ của tất cả những dân biểu đang đại diện dân chúng.
Cuối cùng và theo người viết cũng là đặc điểm quan trọng nhất, báo cáo Hansard và các phiên bản của nó là một lời khẳng định cho việc không có khái niệm “Dân Chủ Đại Diện Bí Mật” – nơi mà Quốc Hội, cơ quan đại diện toàn dân, lại khép cửa bí mật với nhân dân để bàn một vấn đề hệ trọng hay tiếp đón một vị khách nhạy cảm. Quốc Hội là đại diện của nhân dân, và không có bất kỳ hoạt động nào của Quốc Hội có thể xem là tuyệt mật với chính người đã bầu nên họ cả./.
Tài liệu tham khảo
http://www.senate.gov/legislative/congrecord.htm