Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Các nhà chính trị đối lập Singapore gặp những trở ngại làm người ta thối chí.
Phạm Nguyên Trường (dịch)
Tác giả Sally Andrews nghiên cứu Luật/Nghiên cứu quốc tế và toàn cầu ở University of Sydney và đang là giám đốc Công ty phát triển Tây Papua, tập trung việc cung cấp nước giếng và hạ tầng vệ sinh ở các tỉnh thuộc Papua. |
Các cuộc tấn công dân sự
Trong môn chính trị học, Singapore là trường hợp bất thường rất đáng quan tâm. Là nước phi dân chủ giàu có nhất trong lịch sử, nhiều người đã dự đoán rằng kết quả của cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ là một bước ngoặt đối với quốc gia-thành phố này. Từ cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 năm 2011, trong đó các đảng đối lập giành được kỉ lục là 6 ghế, một số nhà bình luận – trong đó có Thủ tướng Lý Hiển Long – cho rằng cuộc tổng tuyển cử năm 2016 sẽ là cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh thực đầu tiên trong nhiều thập kỉ qua.
Nhưng, dù có muốn thổi phồng những phẩm chất dân chủ của Singapore đến đâu cũng không được lờ đi những khó khăn về mặt cơ cấu mà các ứng cử viên đối lập đang gặp. Nắm quyền từ năm 1959, Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền (PAP) tiếp tục giữ 90% số ghế trong Quốc hội của Singapore, đa số ghế còn lại do những nghị sĩ thuộc các đảng đối lập thất cử nhưng có số phiếu cao nhất và những nghị sĩ “được chỉ định” nắm giữ. Những vị trí đó trong quốc hội tạo ra ấn tượng cho rằng chính sách của PAP là kết quả của những cuộc tranh luận mang tính đảng phái nghiêm túc; trên thực tế, các đảng viên chỉ là đối lập cuội mà thôi.
Các nhân vật đối lập thật sự thường gặp những khó khăn ghê gớm, cho nên không có gì ngạc nhiên khi các ứng cử viên có thể thích những vị trí không phải do bầu cử mà được. PAP khét tiếng vì đã tiến hành những vụ kiện tụng chống lại các nghị sĩ đối lập nhằm vô hiệu hóa hoạt động của họ, không cho họ tranh cử; đấy là do không có luật về đặc quyền của nghị sĩ quốc hội. Các nhân vật đối lập có thể bị kiện vì tội phỉ báng khi chỉ trích PAP.
Tranh tụng thường kéo dài cho đến khi người đó bị tuyên bố là đã phá sản, và thế là bị loại khỏi danh sách ứng viên. Đây là ví dụ nổi bật về biện pháp đàn áp “mềm” của PAP, mục tiêu của họ, mà ai cũng thấy, là Joshua Benjamin Jeyaretnam – lãnh đạo Đảng Lao Động – bị phá sản năm 2001, và Chee Soon Juan – lãnh đạo Đảng Dân chủ Singapore, bị phá sản năm 2011.
Pháp luật và xuyên tạc
Thao túng về mặt chính trị đối vế hệ thống luật pháp có ảnh hưởng rộng khắp đối với tự do ngôn luận ở Singapore. Ví dụ, Luật về Trật tự công cộng (Public Order Act) đòi hỏi rằng những người tham gia các cuộc thảo luận chính trị phải đăng kí trước với chính quyền, và Luật về giải trí và hội họp (Public Entertainment and Meetings Act) cấm bốn người tụ tập khi chưa được phép của cảnh sát. Biên tập viên các bản tin và diễn đàn thảo luận trực tuyến thường xuyên bị rắc rối với luật pháp, còn tác giả trên các blog thường bị buộc phải đăng ký làm thành viên của các tổ chức chính trị nếu bài viết của họ động chạm vào các vấn đề của quốc gia.
Trong khi cá nhân thường bị xử lí bằng pháp luật, thì PAP còn thực hiện những chính sách mang tính trừng phạt đối với một số khu vực bầu cử. PAP thường chuyển những khoản đầu tư cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ra khỏi những khu vực đã bỏ phiếu chống lại họ. Biện pháp xuyên tạc kinh điển là sau đó các ứng cử viên của PAP nêu ra bất lợi của khu vực bầu cử – do chính phủ của họ có tình rút vốn khỏi khu vực – như là bằng chứng cho thấy phe đối lập đã không biết tận dụng vị trí của mình.
Khó khăn đáng kể khác là PAP có thể để tạo ra và cơ cấu lại khu vực bầu cử. Không những không tôn trọng ranh giới tĩnh, mà các quan chức trong ngành hành pháp của PAP có toàn quyền trong việc xác định khu vực bầu cử. Trong khi PAP sử dụng quyền lực này nhằm gây khó dễ cho phe đối lập bằng cách không chịu công bố ranh giới cho đến sát ngày bầu cử, quyền này cũng được sử một cách tinh tế.
Kể từ năm 1988, PAP đã bác khả năng thành lập ra Nhóm Đại diện Cử tri (GRCs), với yêu cầu là mỗi đảng phải đưa ra sáu ứng cử viên. Trái với đòi hỏi mỗi đảng chi đưa ra một ứng viên cho khu vực chỉ bầu một đại biểu quốc hội, GRCs hầu như không thể giành chiến thắng. Tháng 2 năm 2011, Ủy ban phân định lại ranh giới bầu cử của PAP thông báo rằng các đơn vị bầu cử chỉ bầu một đại biểu là Nee Soon Central và Nee Soon East – những khu vực mà Đảng Lao động được nhiều người ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2006 – đã trở thành những khu vực GRCs. Không có cơ quan độc lập để giám sát sự chia lại một cách trắng trợn như vậy, các đảng nhỏ buộc phải chấp nhận rằng GRCs trên thực tế là mình thua. Thậm chí giả sử rằng đảng nhỏ nào đó có thể giành được một ghế như vậy – Đảng Lao động đã giành chiến thắng bất ngờ trong khu vực Aljunied năm 2011 – không có biện pháp nào có thể ngăn chặn PAP vẽ lại ranh giới của khu vực GRCs đó trong lần bầu cử sau.
Các dấu hiệu của tính chính danh không còn
Các đảng đối lập sẽ phải vượt qua một số trở ngại rất lớn trong hai năm tiếp theo. Nhưng không phải tất cả tin tức đều là xấu, trong mấy năm gần đây luận cứ về “tính hợp pháp do thành tích” (khái niệm cho rằng chế độ độc tài được biện minh bởi thành công về kinh tế) của PAP đã bị thách thức. Động lực quan trọng thúc đẩy tự do hóa là bất bình đẳng ở Singapore đang ngày càng gia tăng. Trong những thập kỷ gần đây, hệ số Gini của Singapore đã tăng từ 0,43 vào năm 1998 lên 0,48 vào năm 2014, làm cho khoảng cách thu nhập ở Singapore lớn hơn những con hổ châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Mặc dù thế thượng phong của PAP có thể được đảm bảo khi hình ảnh “người sáng lập” Singapore, ông Lý Quang Diệu, tiếp tục bao trùm lên quá trình phát triển chính trị, thế hệ các nhà lãnh đạo mới sẽ không thể sử dụng di sản trong lĩnh vực kinh tế của ông như là nguồn gốc của tính hợp pháp được nữa. Trong những nỗ lực nhằm giữ được sự ủng hộ của quần chúng và ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ, PAP có thể cho rằng mở cửa vũ đài chính trị để mọi đảng phái tham gia cạnh tranh là thích hợp. Tăng trưởng chậm lại và bất đồng chính kiến gia tăng có thể trở thành phương tiện tốt nhất cho PAP để biến hình ảnh của mình từ việc là “lựa chọn duy nhất” thành “lựa chọn tốt nhất”./.
Nguồn: ‘Soft’ Repression: The Struggle for Democracy in Singapore