Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trâm Huyền (Tổng hợp)
Tháng 11 năm 2012, phóng viên Dave Haslam của tờ Bolton News thành phố Bolton (miền bắc nước Anh) gửi cho chính quyền địa phương một yêu cầu tiết lộ thông tin dựa trên Đạo luật tự do thông tin năm 2000 của Anh quốc (FOIA 2000 – Freedom of Information Act 2000).
Haslam muốn chính quyền địa phương cho biết tên các quan chức địa phương đã phải nhận thư đòi nợ tiền thuế cộng đồng (Council Tax) từ nhà chức trách địa phương.
Chính quyền địa phương Bolton cho nhà báo này biết có 6 quan chức địa phương đã phải nhận thư đòi nợ thuế, đặc biệt hai người trong số này đã bị mời ra toà vì không chịu trả tiền thuế dù đã có thư đòi nhiều lần. Haslam bèn yêu cầu chính quyền cho biết tên hai người này nhưng chính quyền từ chối tiết lộ, lấy lý do danh tính những người này được phép bảo mật theo FOIA 2000.
Sau khi nhận được phàn nàn của Haslam, Văn Phòng Cao Uỷ Thông Tin Anh Quốc (ICO – Information Commissioner’s Office), cơ quan độc lập giám sát việc đảm bảo quyền tự do thông tin vì lợi ích cộng đồng, quyết định đứng về phía chính quyền địa phương Bolton và xác nhận là luật cho phép chính quyền giấu tên các quan chức trốn thuế này.
Không bỏ cuộc, Haslam quyết định kiện cả văn phòng ICO và chính quyền địa phương Bolton lên toà hành chính Anh.
Sau khi thua cuộc tại cấp toà hành chính đầu tiên năm 2014, ngày 10 tháng 03 vừa rồi, chàng phóng viên cứng đầu Haslam đã thắng tại cấp toà hành chính thứ hai.
Ngay từ trước khi toà quyết định vụ việc, một trong hai vị quan chức bí ẩn nói trên đã quyết định “tự thú trước bình minh”: tháng 8 năm 2014, Mudasir Dean, một quan chức địa phương thuộc đảng Bảo Thủ, thú nhận việc ông đã lần lữa không trả tiền thuế cộng đồng. Ông xin người dân địa phương Bolton thứ lỗi.
Vị quan chức còn lại cương quyết không chịu ra mặt là một thành viên đảng Lao Động. Vị này đã bị mời ra toà hai lần với tổng tiền nợ thuế lên đến £1975 (khoảng 62 triệu VND).
Trong văn bản quyết định dài 14 trang của mình, thẩm phán Kate Markus QC xác nhận là toà hành chính có trách nhiệm quyết định vụ việc dựa trên đánh giá cân bằng được – mất về quyền và lợi ích của các bên liên quan: người có thông tin cá nhân muốn bảo mật (vị quan chức trốn thuế), và bên đòi thông tin dựa trên lợi ích công cộng (phóng viên báo Bolton News).
Thẩm phán Markus công nhận rằng việc không trả tiền nợ thuế và bị mời ra toà của vị quan chức về bản chất là việc cá nhân của ông ta, nhưng vì ông ta là quan chức địa phương có nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ lớn với cộng đồng, việc ông ta không trả tiền nợ thuế là một thông tin quan trọng để đánh giá việc thực thi nghĩa vụ của ông ta tốt hay tệ.
Vị quan chức nay phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng như là một người của công chúng (public figure), và việc ông ta không trả tiền nợ thuế không thể được công chúng biết đến nếu chính quyền địa phương không chịu tiết lộ danh tính của ông ta cho phóng viên báo Bolton News.
Người dân địa phương Bolton có quyền được biết tên vị quan chức không gương mẫu này để có thể quyết định một cách đầy đủ nhất là có nên bầu cho ông ta nữa khi ông ta tranh cử lần sau không. Lợi ích cộng đồng từ yêu cầu tiết lộ thông tin của phóng viên Dave Haslam vì thế là một lý do chính đáng.
Ngày 22 tháng 3 vừa rồi, không đầy 2 tuần sau quyết định của thẩm phán Markus, tên vị quan chức trốn thuế được báo Bolton News tiết lộ: Ismail Ibrahim. Vị này chống chế là ông ta không trả tiền nợ thuế lúc bị đòi vì khi đó ông đang căng thẳng chuyện cá nhân và gia đình.
Ibrahim phụ trách một uỷ ban của chính quyền địa phương Bolton chuyên về giám sát chi tiêu công. Ông ta gần như chắc chắn sẽ mất chức sau vụ scandal này và sẽ mất luôn khoản trợ cấp công vụ £5000 từ chính quyền.
Cả hai luật sư tư vấn Caroline Kean và luật sư tranh tụng Anya Proops, những người đại diện cho phóng viên Dave Haslam trong vụ kiện, đều tham gia vụ này trên cơ sở vì công ích không tính phí (pro bono).
Nguồn tham khảo
Quyết định của toà hành chính Anh: http://www.osscsc.gov.uk/Aspx/view.aspx?id=4805