Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” – Lord Acton.
Tác giả Powell
Phạm Nguyên Trường (dịch)
Powell là biên tập viên của Laissez Faire Books và là cộng tác viên cao cấp của Cato Institute. Ông từng viết cho The New York Times, The Wall Street Journal, Barron’s, American Heritage và hơn ba chục tòa soạn báo khác. |
Tiêu đề và phân đoạn do Ban Biên Tập Luật Khoa tạp chí thực hiện.
Ít người nhận thức được những mối nguy hiểm của quyền lực chính trị rõ ràng như Lord Acton. Ông hiểu rằng những người nắm quyền thường đặt quyền lợi của chính họ cao hơn tất cả và sẽ làm tất cả mọi việc nhằm giữ được quyền lực. Họ thường xuyên nói dối. Họ vu cáo những người cạnh tranh. Họ chiếm đoạt tài sản tư nhân. Họ phá hủy của cải. Đôi khi họ còn giết người, thậm chí tàn sát nhiều người. Trong những bài viết và bài giảng của mình, Acton chống lại xu hướng tập thể của thời đại mình và tuyên bố rằng quyền lực chính trị là cội nguồn của cái ác, vô phương cứu chữa. Ông gọi chủ nghĩa xã hội “là kẻ thù tệ hại nhất mà tự do từng gặp từ trước đến nay”.
Đôi khi Acton đạt được đỉnh cao của thuật hùng biện, đấy khi ông khẳng định rằng tự do cá nhân là tiêu chuẩn đạo đức để phán xét các chính phủ. Ông tin “rằng tự do là đỉnh cao nhất… tự do hầu như, nếu chưa nói là hoàn toàn, là biểu hiện, phần thưởng và động cơ trong quá trình đi lên của dân tộc… Dân tộc thù nghịch với sở hữu tư nhân là dân tộc không có thành tố quan trọng nhất của tự do… Tự do không phải là phương tiện để đạt tới mục đích chính trị cao nhất. Tự do chính là mục đích chính trị cao nhất”.
Mặc dù Acton ngày càng cô đơn, ông được người ta ngưỡng mộ vì kiến thức siêu phàm về lịch sử. Ông truyền cho thế giới nói tiếng Anh quan niệm khắt khe – các học giả Đức thế kỉ XIX là những người đi tiên phong – trong việc nghiên cứu lịch sử, càng tìm hiểu được nhiều nguồn sử liệu ban đầu thì càng tốt. Ngôi nhà của ông ở Cannes (Pháp) có hơn 3.000 đầu sách và bản thảo; ngôi nhà ở Tegernsee (Bavaria) có khoảng 4.000; và ngôi nhà ở Aldenham (Shropshire, Anh) có gần 60.000 đầu sách và bản thảo. Ông đánh dấu hàng ngàn đoạn mà ông coi là quan trọng. Năm 1873 ông được trường Đại học Munich trao tặng danh hiệu Tiến sĩ triết học, năm 1889 ông được Đại học Cambridge trao tặng danh hiệu Tiến sĩ luật và năm 1890 ông được Đại học Oxford trao tặng danh hiệu Tiến sĩ luật dân sự – nhưng ông chưa bao giờ có bằng cấp gì, thậm chí không có cả bằng tốt nghiệp phổ thông.
Chắc chắn là, Acton không nắm được nhiều vấn đề. Khoa học không phải là mối bận tâm của ông. Mặc dù lo lắng cho người nghèo, nhưng ông coi những người theo phái tự do chủ nghĩa ở Manchester quan tâm tới việc nâng cao đời sống là những người duy vật không đáng để ý. Ông biết rất ít về lịch sử kinh tế, tức là môn học nói cho ta biết người dân bình thường làm ăn sinh sống như thế nào. Ông bị tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng thị trường làm cho người giàu ngày càng giàu thêm, trong khi người nghèo ngày càng nghèo hơn, trong khi thực tế thị trường tự do – ví dụ, cuộc Cách mạng công nghiệp thời ông – đã cứu hàng triệu khỏi bị chết đói.
Acton trông như thế nào? Những bức ảnh được công bố đều cho thấy ông có một bộ râu dài. Ông có đôi mắt màu xanh, sắc sảo, trán cao. “Ông là người cao trung bình và về già ông đẫy ra”, nhà viết tiểu sử David Matthew nói. “Ông ấy là người hoạt ngôn nổi tiếng, nhưng khi nói về mô hình Đức thì bao giờ ông cũng dẫn ra nhiều sự kiện và tài liệu tham khảo. . . ông rất thích đi bộ, băng qua những sườn đồi thấp vùng núi Bavaria hoặc lang thang trên sườn dốc vùng núi hướng ra biển ở Alpes Maritimes (Pháp)”.
Acton truyền cho người nghe niềm đam mê cực kì to lớn. “Giọng ông có sức hút như nam châm”, một sinh viên từng nghe ông giảng bài ở Cambridge nói. “Chưa bao giờ một thanh niên trẻ có sức thuyết phục trong mỗi lời nói như Lord Acton từng thể hiện. Nó khống chế toàn bộ đối tượng, dường như ôm trọn đối tượng trong ngọn lửa hừng hực của nó. Và ngọn lửa nuôi dưỡng mỗi lời nói đó là vô cùng vô tận, chí ít là những người có mặt cảm thấy như thế. Trên hết, có lẽ chính niềm tin này đã tạo cho những bài giảng của Lord Acton sức hấp dẫn và sức sống. Ông nói từng câu như thể ông đang cảm thấy nó, treo nó lên một cách nhẹ nhàng và thốt ra với sự thận trọng nhất định. Tình cảm của ông được truyền cho cử tọa, họ như nuốt lấy từng lời”.
Hoàn cảnh gia đình
John Emerich Edward Dalberg-Acton sinh ngày 10 tháng 1 năm 1834, ở Naples. Mẹ ông, bà Marie Pelline de Dalberg được sinh ra trong một gia đình Công giáo ở Bavaria, thuộc dòng dõi quý tộc Pháp. Cha ông, Ferdinand Richard Edward Acton, là một nhà quý tộc người Anh. Bố của Acton mất khi ông vừa tròn ba tuổi, và khi ông lên sáu thì mẹ ông tái giá với Lord Leveson, ông này sau được phong là Earl of Granville, một đảng viên tự do (Whig) Anh có nhiều ảnh hưởng và từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao trong nội các theo đường lối tự do của John Russell và William Ewart Gladstone.
Acton được giáo dục chủ yếu như một tín đồ Công giáo – ở Saint Nicholas (Pháp), St. Mary’s, Oscott (Anh), Đại học Edinburgh (Scotland), ông học ở đây hai năm, và đại học Munich (Bavaria), ông tới đây sau khi không được ban giám hiệu Cambridge và Oxford chấp nhận vì là người Công giáo.
Johann Ignaz von Dollinger, một trong các nhà sử học lỗi lạc nhất của Châu Âu là người thày quan trọng nhất của Acton. Chẳng bao lâu sau khi Acton đến Munich vào tháng 6 năm 1850, ông bắt đầu rèn luyện để trở thành nhà sử học. “Con ăn sáng lúc 8 giờ”, ông viết cho bố dượng, “sau đó học tiếng Đức hai giờ – một giờ đọc Plutarch và một giờ đọc Tacitus. Giáo sư đặt ra tỷ lệ như thế. Con và giáo sư ăn cơm trưa trước 2 giờ chiều một chút, đây là lần đầu tiên con gặp ông trong ngày. Lúc 3 giờ thì thày dạy tiếng Đức tới. Từ 4 giời đến 7 giờ tối con được tự do – con đọc lịch sử hiện đại trong khoảng một tiếng đồng hồ – và đọc lịch sử cổ đại trong một tiếng đồng hồ ngay trước bữa ăn tối. Con uống trà lúc 8 giờ tối, rồi nghiên cứu văn học Anh và sáng tác đến khoảng 10 giờ thì đi ngủ”.
Acton và Dollinger đã đi du lịch ở Áo, Anh, Đức, Thụy Sĩ, đã đến các thư viện và nhà sách. Họ tiến hành phân tích các bản thảo, gặp gỡ các nhà thơ, nhà sử học, nhà khoa học và chính khách.
Sư khiếm khuyết của ông thể hiện rõ trong những nhận xét của ông về nước Mĩ mà ông đã cùng với bố dượng tới thăm vào tháng 6 năm 1853. Là một nhà quý tộc, ông tỏ ra bàng quan vì cách hành xử thô lậu và quá chú ý tới những vấn đề thực tế. Ông không nhận thức được năng lực vô cùng to lớn của ngành thương mại Mĩ khi ông viết về New York: “Không thể nhìn thấy thành phố vì nó quá bằng phẳng và xung quanh đầy tàu thuyền”.
Khi Acton bắt đầu học với Dollinger, ông đã bị Thomas Babington Macaulay – một nhà sử học theo phái tự do có tài hùng biện, đang đấu tranh cho tự do và tiến bộ – lôi cuốn. Acton tự mô tả là “cậu học trò người Anh thô lậu, say sưa nền chính trị của Đảng tự do”. Nhưng Dollinger giằng Acton ra khỏi Macaulay, và chàng trai trẻ đã trở thành người hâm mộ Edmund Burke, người trước đây từng phản đối cuộc Cách mạng Pháp. Trong khi học với Dollinger, Acton còn nghe các bài giảng của các nhà sử học vĩ đại người Đức, Leopold von Ranke, môt người luôn luôn nhấn mạnh rằng vai trò của một nhà sử học là giải thích chứ không phải là phán xét quá khứ.
Còn tiếp
Nguồn bài viết Lord Acton – Political power corrupts