Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” – Lord Acton.
Tác giả Powell
Phạm Nguyên Trường (dịch)
Powell là biên tập viên của Laissez Faire Books và là cộng tác viên cao cấp của Cato Institute. Ông từng viết cho The New York Times, The Wall Street Journal, Barron’s, American Heritage và hơn ba chục tòa soạn báo khác. |
Tiêu đề và phân đoạn do Ban Biên Tập Luật Khoa tạp chí thực hiện.
Chủ nghĩa bảo thủ thời gian đầu
Những người đã biết những bài phát biểu hùng hồn nổi tiếng của Acton nhằm chống lại chế độ độc tài sẽ phải giật mình khi biết rằng hồi đầu ông là người theo trường phái bảo thủ.
Ví dụ, khác với những người theo phái tự do ở Manchester như Richard Cobden và John Bright, cùng với đa số người Anh khác, Acton đứng về phía các bang miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ. “Không thể dựa trên cở sở tôn giáo để thông cảm với việc cấm tuyệt đối chế độ nô lệ, cũng không thể dựa trên cơ sở chính trị để chia sẻ quan điểm của chủ nghĩa bãi nô”, ông viết như thế trong tiểu luận nhan đề “Những nguyên nhân chính trị của cách mạng Mỹ” (1861). Năm năm sau, trong một bài giảng về cuộc Nội chiến, Acton nhận xét rằng chế độ nô lệ “đã là một công cụ đầy sức mạnh không chỉ để làm điều ác mà còn để làm điều thiện là giữ trật tự thế giới. . . . bằng cách đánh thức, một mặt, sự hy sinh và mặt kia, lòng từ bi”. Acton từng nói với một người bạn: “Tôi đã tan nát cõi lòng khi nghe tin tướng Lee đầu hàng”.
Trong tác phẩm “Thuyết Tin lành về ngược đãi” (1862), ông từ chối lên án cuộc đàn áp trên mọi lĩnh vực. Dường như ông bảo vệ những nhà cầm quyền Công giáo, những người tuyên bố rằng khủng bố là biện pháp gắn kết xã hội duy nhất. Ông cho rằng người theo đạo Tin Lành, như John Calvin, là những người xấu hơn vì họ khủng bố nhân dân là nhằm dập tắt những quan điểm trái ngược với họ. Trong chỗ riêng tư, Acton nói thẳng hơn: “Nói khủng bố là sai, nói trắng ra, trước hết, tôi cho là không đúng. . .”
Tuy nhiên, Dollinger và Acton đã trở thành những người phê bình thẳng thắn thái độ bất dung của Công giáo. Đối tượng của họ lúc đó là những người theo phái ủng hộ quyền lực tuyệt đối của Giáo hoàng (Ultramontanes), tức là những người tìm cách đàn áp tự do trí tuệ. Dollinger và Acton đã bàn về chính sách của Vatican, đặc biệt là sau khi Giáo Hoàng Pius IX ban hành Bản Cáo Trạng Những Sai Lầm (Syllabus of Errors) khét tiếng (1864), cáo buộc chủ nghĩa tự do cổ điển là dị giáo, trong đó có tư tưởng “Đức Thánh Cha ở Rome có thể và phải chấp nhận, và đồng ý với tiến bộ, tự do và nền văn minh”.
Acton đã có đóng góp vào việc xuất bản một loạt tờ tạp chí Công giáo với nhiệm vụ là giúp tự do hóa Nhà thờ: Tờ Rambler ra hai tháng một lần (1858-1862), tờ Home and Foreign Review (1862-1864) ra hàng quý và tờ Chronicle ra hàng tuần (1867-1868). Những nỗ lực này đã bị thất bại vào năm 1870, đấy là khi Hội đồng Vatican tuyên bố rằng Giáo Hoàng có uy quyền tuyệt đối, không thể sai lầm về tín điều của Giáo Hội. Bởi vì Dollinger là một thày tu, việc ông chấp nhận điều này làm cho ông bị rút phép thông công. Acton, chỉ là giáo dân bình thường, không bị yêu cầu chính thức thừa nhận các nghị định của Hội đồng Vatican, và ông vẫn ở trong Giáo Hội.
Cũng trong thời gian này, Acton viết một tiểu luận có tính tiên tri nhất của ông, nhan đề Quốc tịch (1862), một lời báo động sớm về chế độ toàn trị: “Bất cứ khi nào một đối tượng xác định duy nhất được đưa lên thành mục đích tối thượng của nhà nước, dù đấy có là quyền lợi của một giai cấp, sự an toàn hay sức mạnh của quốc gia, hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất, hay ủng hộ bất kỳ tư tưởng tư biện nào thì cùng với thời gian, nhà nước chắc chắn sẽ trở thành độc đoán. Để có tự do, chỉ cần hạn chế quyền lực công, vì tự do là cái duy nhất làm lợi cho tất cả mọi người như nhau và không tạo ra phe đối lập”.
Năm 1865, ở tuổi 31, Acton kết hôn với người em họ, nữ Bá tước Marie Anna Ludmilla Euphrosyne Arco-Valley. Cô dâu vừa tròn 24 tuổi, là con của Bá tước Johann Maximilian Arco-Valley. Bá tước là người giới thiệu Dollinger với Acton, vì vậy Acton và nữ bá tước trẻ tuổi đã biết nhau ngay từ khi ông bắt đầu học tập ở Bavaria. Dường như nữ Bác tước cũng chia sẻ mối quan tâm của chồng về tôn giáo và lịch sử. Họ sinh được sáu người con, bốn người sống đến tuổi trưởng thành. Trong các bữa ăn, Acton thường nói tiếng Đức với vợ, nói tiếng Ý với mẹ vợ, tiếng Pháp với chị dâu, tiếng Anh với các con và có thể nói một ngôn ngữ châu Âu khác với khách.
Tôn giáo luôn luôn nằm trong tâm trí Acton, và ông trở thành người cứng rắn hơn Dollinger, ông tuyên bố rằng các nhà sử học phải lên án cái ác. Tháng 2 năm 1879, ông đoạn tuyệt với Dollinger sau khi vị giáo sư lùi về quan điểm cho rằng vai trò của nhà sử học chỉ là giải thích sự kiện, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là không bàn về những tội ác khủng khiếp. Acton khẳng định rằng những hành động tội ác, như giết người, bao giờ cũng là tội ác. Ông viết về Tòa án dị giáo như sau: “Tòa thánh đã gây ra những vụ giết người và tàn sát hàng loạt với quy mô lớn nhất và mức độ tàn bạo và phi nhân nhất. Họ không chỉ là những kẻ sát nhân hàng loạt, mà họ còn đưa nguyên tắc sát nhân thành luật của Giáo Hội Kitô giáo và điều kiện cho sự cứu rỗi”.
Acton than thở: “Trong quan niệm đạo đức nền tảng của mình tôi hoàn toàn cô đơn”. Ông tâm sự với người bạn của mình là Charlotte Blennerhassett như sau: “Hãy để tôi cố gắng nói càng ngắn càng tốt và không cần lập luận với bạn rằng trên thực tế cái đó rất đơn giản, rõ ràng, và không phải là câu chuyện thú vị. Đấy là câu chuyện về người đàn ông bắt đầu cuộc sống với niềm tin rằng mình là người Công giáo chân thành và người theo phái tự do chân thành; do đó ông ta từ bỏ tất cả những thứ không tương thích với tự do trong đạo Công giáo và tất cả mọi thứ không tương thích với Công giáo trong chính trị. . . . Vì vậy, tôi là một trong số những người ít suy nghĩ về những cái đang là, mà suy nghĩ nhiều về những thứ nên là, những người hi sinh thực tế vì lý tưởng, hi sinh quyền lợi vì nghĩa vụ, hi sinh quyền lực vì đạo đức”.
Trong những năm 1870, Acton không chỉ bị sốc về trí tuệ mà còn trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Số là, phần lớn tu nhập của ông là từ đất nông nghiệp do cha mẹ để lại, nhưng thu nhập từ trang trại lại giảm trong giai đoạn suy thoái kéo dài. Năm 1883, ông phải bán một số tài sản. Ông phải cho thuê bất động sản ở Aldenham. Tuy nhiên, ông cũng đã tìm việc làm được trả lương cao.
Acton và Gladstone
Nhờ ông bố dượng mà Acton trở thành nghị viên trong khoảng 6 năm, kể từ năm 1859 và đã gặp Gladstone ở đây. Galdstone làm thủ tướng tới ba nhiệm kì. Năm 1869, tức là ba năm sau khi Acton thất cử, Gladstone phong cho Acton chức Nam tước và ông có chân trong Viện Nguyên Lão, nhưng trong suốt thời gian ở trong quốc hội, ông chưa bao giờ tham gia tranh luận. Acton coi Gladstone là người lãnh đạo tinh thần vĩ đại và thường lặng lẽ ủng hộ ông này. Hai người đều say mê thảo luận về lịch sử và tôn giáo.
Trong những bài phê bình, Acton trách linh mục Anh giáo là Mandell Creighton, tác giả cuốn Lịch sử Giáo hoàng trong thời kỳ Cải cách, là không lên án các Giáo hoàng thời Trung Cổ – những người khởi xướng Tòa Án Dị Giáo. Nhưng Acton và Creighton đã trao đổi với nhau một cách chân tình, và Actons đã viết những dòng khó quên nhất vào ngày 05 tháng 4 năm 1887:
“Tôi không thể chấp nhận quy tắc của ông rằng chúng ta phải đánh giá Giáo hoàng và nhà vua khác với đánh giá những người khác, với một giả định có lợi cho họ là họ không có gì sai. Nếu có bất kỳ giả định nào thì đó phải là sử dụng biện pháp khác nhằm chống lại những người nắm giữ quyền lực, biện pháp tăng khi quyền lực tăng. Không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.
Acton là người Công giáo mộ đạo, và ông đã đưa quan điểm của mình đi xa đến mức trách cứ bạn là Gladstone, khi ông này viết bài mà ông cho là chưa xứng tầm nhằm bảo vệ Kitô giáo trước cuộc tấn công của những tiểu thuyết gia nổi tiếng. Acton nhận xét rằng những người không có tín ngưỡng đáng bị coi là đã gây ra cuộc chiến dẫn đến kết quả là Giáo Hội Kitô đã trở thành “tổ chức bất dung, chuyên chế và tàn ác kinh khủng như thế”.
Việc học tập không mệt mỏi của ông thì sao? Acton theo đuổi tư tưởng từ cuốn này sang quyển sách khác, để rồi sau đó thì bỏ. Ông đã nghiên cứu về lịch sử các Giáo hoàng, lịch sử những cuốn sách bị Giáo Hội Công Giáo cấm, lịch sử nước Anh thời James II và lịch sử Hiến pháp Mĩ. Ông đã nghĩ tới cuốn lịch sử phổ quát, chủ đề của nó sẽ là quyền tự do của con người. Nó đã trở thành giấc mơ của ông về lịch sử của tự do.
Tác giả James Bryce nhớ lại, Acton “nói như một người đầy cảm hứng, dường như đang phát biểu trên đỉnh núi cao trong không trung, ông nhìn thấy ở bên dưới con đường tiến bộ của nhân loại quanh co khúc khuỷu từ thời tiền sử tối tăm đến thời hiện đại sáng sủa hơn, nhưng vẫn còn thất thường và đôi khi bị gián đoạn. Khả năng hùng biện của ông thật là tuyệt vời, nhưng hơn cả tài hùng biện là tầm nhìn xuyên thấu, giúp – thông qua tất cả các sự kiện và các thời đại – nhận ra trò chơi của những lực lượng tinh thần, khi thì sáng tạo, khi thì phá hủy, luôn luôn chuyển hóa, tạo ra và tái tạo các thiết chế và trao cho linh hồn của nhân loại những hình thức hoạt động không ngừng thay đổi của mình. Dường như toàn bộ lịch sử đột nhiên lóe lên trước luồng ánh sáng mặt trời rực rỡ”./.
Còn tiếp