Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Lời giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC: Luật Khoa Tạp Chí xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Cà Phê Luật Khoa. Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Cà Phê Luật Khoa sẽ tuyển chọn và đăng một đoạn trích từ một quyển sách, một bài diễn thuyết hoặc một tài liệu thú vị, giàu cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về các đề tài luật pháp và chính trị từ các tác giả cả trong và ngoài nước, hiện đại lẫn kinh điển. Hy vọng chuyên mục này có thể giới thiệu được đến với bạn đọc những tác phẩm luật và chính trị sâu sắc, nhiều ý nghĩa, để có thể làm giàu thêm cho tủ sách và vốn đọc của các bạn. |
Ba Sàm là bút danh của blogger Nguyễn Hữu Vinh (sinh năm 1956). Ông Vinh là một cựu sỹ quan an ninh và cựu đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình có người cha từng là một ủy viên trung ương đảng và bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Vinh có thể được xem là một ‘hạt giống đỏ’ với tiền đồ rộng mở. Nhưng ông quyết định bỏ ngành công an, từ bỏ đảng Cộng sản để chuyển sang làm nghề thám tử tư nhân và viết blog.
Năm 2007, ông Vinh thành lập blog Ba Sàm mà ông tự gọi là “Cơ quan ngôn luận của Thông Tấn Xã Vỉa Hè”. Những bài viết và dịch thuật của blog Ba Sàm thường đi ngược lại với quan điểm của chính quyền Việt Nam và không thuận theo tuyên truyền của giới báo chí chính thống trong nước.
Ngày 5 tháng 5 năm 2014, cùng một cộng sự là cô Nguyễn Thị Minh Thúy, ông Vinh bị bắt với cáo buộc vi phạm Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 23 tháng 03 năm 2016, sau hơn 1 năm 10 tháng bị giam giữ không xét xử, trong một phiên tòa kéo dài 1 ngày, ông Vinh bị kết án 5 năm tù theo tội danh Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước với cáo buộc “bôi nhọ, xuyên tạc sự thật Nhà nước“. Cô Thúy nhận án 3 năm với cùng tội danh.
Quyển sách Anh Ba Sàm do nhà xuất bản Trẻ Hà Nội (không phải Nhà xuất bản Trẻ) phát hành ngày 02 tháng 03 năm 2016. Quyển sách là một tập tuyển chọn nhiều bài viết của các tác giả khác nhau về ông Vinh và vụ việc của ông.
“…Để nhóm lên ngọn lửa
“Luôn quyết liệt, đam mê và can đảm” – Phạm Xuân Cẩn, bạn học cũ của Vinh ở Học viện An Ninh, viết, hòa thêm vào cơn phẫn nộ của cộng đồng blogger sau vụ bắt giữ Vinh. Ông Cẩn nhớ lại Vinh đã là một sinh viên của Học viện như thế nào, sau đó trở thành một sĩ quan an ninh, rồi làm việc ở ban Việt kiều. Kinh nghiệm làm việc của Vinh với các trí thức Việt Nam ở nước ngoài – một số trong đó lưu vong từ năm 1975 – bổ sung thêm vào những hiểu biết của ông về “miền Nam tư bản”, khiến ông bị ám ảnh bởi các ý nghĩ: “Bao nhiêu con người với những bộ óc tài ba đã bị phung phí”.
Năm 1999, gần như ngay sau khi Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp, Vinh ra khỏi biên chế Nhà nước và thành lập công ty riêng, VPI, công ty thám tử tư đầu tiên ở Việt Nam. Công việc làm ăn của Vinh tiến triển tốt, và lợi nhuận của nó đủ làm Vinh nghĩ đến chuyện theo đuổi những sự nghiệp khác.
Năm 2005, khi mạng xã hội 360 (mà giờ đây đã ngừng hoạt động) của Yahoo! xuất hiện, Vinh cũng tham gia làm blog như bất kỳ thanh thiếu niên nào. Ông tạo ra trang blog Ba Sàm trên Yahoo, ban đầu chỉ đăng tải các bài mà ông viết cho báo chí nhà nước, cho đến khi ông nhận ra nhu cầu của người dân Việt Nam, muốn biết “thế giới nghĩ gì về chúng ta”.
Thế là Vinh bắt đầu dịch các tin bài trên báo chí nước ngoài về Việt Nam sang tiếng Việt, và lượng độc giả tăng dần. Blog Ba Sàm cũng cung cấp cả những tài liệu về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, mà cho đến tận bây giờ vẫn còn là một vấn đề chính trị nhạy cảm.
Mặc dù trang Ba Sàm thu hút được một số lượng độc giả khá lớn (đối với một website chính trị) nhưng Vinh không muốn dừng lại ở đó. Ông đi xa hơn trong sự nghiệp “khai dân trí” với sáng kiến xuất bản một bản tổng hợp những tin tức quan trọng nhất mỗi ngày. Vinh cũng thêm vào đó các comment (lời bình luận) – kết hợp giữa những suy nghĩ sâu sắc của một trí thức với một văn phong dí dỏm, sắc sảo. Và các comment đã nhanh chóng trở thành đặc thù của trang Ba Sàm, thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn người đọc tiếng Việt trên khắp thế giới. Đó là một con số khá cao, đặc biệt khi mà lượng phát hành của tờ báo lớn Tuổi Trẻ chỉ đạt tới khoảng 200.000 bản.
“Tin tức được cập nhật 24/7. Đúng như kỳ vọng của độc giả, blog dành sự chú ý đặc biệt cho những câu chuyện mà nền báo chí quốc doanh của Việt Nam không được phép đưa tin. Món điểm tin hàng ngày này đã thu hút tới 100.000 độc giả thường xuyên” – David Brown, một nhà cựu ngoại giao người Mỹ thường có các bài viết được dịch đăng trên Ba Sàm, đã viết như thế về trang mạng này vào tháng 3/2013, khi nó chịu một đợt tấn công nặng nề của các hacker “ủng hộ chính quyền”.
“Luôn đúng giờ, tuân thủ đạo đức báo chí, tức là chính xác, trung lập và bảo vệ nguồn tin, tôn trọng bản quyền. Đó là những nguyên tắc mà chúng tôi tuân theo trong suốt những năm qua” – Đinh Ngọc Thu, hiện là biên tập viên chính của trang Ba Sàm nói. Thu tham gia “điểm tin” cùng Vinh năm 2009, và lý do duy nhất khiến cô không bị bắt cùng Vinh và Thúy là vì cô đang sống ở California.
Quan hệ của Vinh với một số người trong bộ máy Nhà nước, xuất phát từ cương vị trước đây của ông trong các cơ quan nhà nước, cũng là những nguồn tin hữu ích. Tuy nhiên, đồng thời, chúng cũng gây nghi ngờ rằng ông là “an ninh trá hình”. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao Nguyễn Hữu Vinh mãi không bị bắt? Làm sao ông có thể “sống sót” qua rất nhiều đợt công an đàn áp blogger?
Bây giờ thì câu trả lời đã rõ ràng: Đó chỉ là vấn đề thời gian…”./.
—
Hiện nay trang blog Ba Sàm vẫn còn hoạt động tại đường dẫn này: https://anhbasam.wordpress.com/
Các độc giả có thể mua sách Anh Ba Sàm qua trang Amazon: http://www.amazon.com/Anh-Ba-Sam-Vietnamese-Edition/dp/1530357640