Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Oliver Wendell Holmes Jr (8/3/1841-6/3/1935) là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ suốt ba thập niên từ 1902 đến 1932. Ông là con trai của một bác sĩ kiêm nhà thơ nổi tiếng – Oliver Wendell Holmes Sr (Holmes cha). Holmes con từng đi lính và chiến đấu trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865). Hòa bình trở lại, ông bị Holmes cha “bắt đi học luật”. Holmes con tìm thấy niềm đam mê với luật, trở thành luật sư, và sau cùng là một trong những vị thẩm phán uyên bác và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử luật pháp Hoa Kỳ.
Trong cương vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, Holmes thổi khối kiến thức uyên thâm của mình vào những dòng ý kiến pháp lý sắc sảo, súc tích và đầy sức mạnh, thỉnh thoảng pha chút hài hước ý nhị. Các ý kiến của ông góp phần quan trọng trong việc mở rộng phạm vi quyền tự do ngôn luận tại Mỹ và ảnh hưởng mạnh tới việc sử dụng luật pháp để quản lý kinh tế của nhà nước liên bang. Ông là một trong những người tiên phong đưa tư duy kinh tế vào luật pháp.
Một trong các tác phẩm có sức ảnh hưởng dai dẳng nhất của Holmes có lẽ là bài tiểu luận Con Đường Pháp Luật (The Path of the Law) đăng năm 1897 trên tạp chí chuyên ngành luật của trường đại học Harvard – Harvard Law Review. Holmes đưa ra trong bài tiểu luận này tư tưởng triết lý luật học chủ đạo của ông: Chủ nghĩa hiện thực pháp luật (Legal Realism) khẳng định luật pháp là sản phẩm trực tiếp từ các quyết định trong thực tế xử lý vụ việc của tòa án (chứ không phải là thứ có sẵn trong tự nhiên, do tư duy bằng lý tính thuần túy, hoặc được chúa trời định đoạt), trong bối cảnh tòa án được xem như một phương tiện của công quyền, đồng thời khẳng định việc phải tách rời các triết lý đạo đức và khía cạnh thực tế của luật pháp.
Bên cạnh Con Đường Pháp Luật, Holmes có một tập bài giảng mang tên Thông Luật (The Common Law) bao gồm 12 bài giảng về các ngành luật chính trong thông luật do ông viết khi còn hành nghề luật sư./.