Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Trâm Huyền (dịch)
Một nhóm nhỏ các nhà khoa học chính trị có thể đã tìm ra lý do đằng sau ‘cơn sốt’ Donald Trump tại Mỹ. Các khám phá của họ có nhiều ý nghĩa không chỉ trong phạm vi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tổng hợp các kỳ:
Amanda Taub
Truyền thông Mỹ trong vòng một năm qua đã cố gắng giải mã một bí ẩn: Tại sao cử tri thuộc Đảng Cộng Hòa lại đang ủng hộ một tay dân túy cực hữu có da ngả màu cam và chẳng một tí kinh nghiệm chính trị thật sự nào? Khi kẻ ấy đồng thời cũng cổ súy những quan điểm quá khích và quái dị? Làm cách nào mà Donald Trump, có vẻ như chẳng từ đâu cả, bỗng nhiên trở nên được lòng cử tri như thế?
Điều làm cho sự trỗi dậy của Trump khó hiểu chính là ở chỗ sự ủng hộ dành cho ông ta đến từ nhiều nhóm dân cư – vượt qua những lằn ranh ngăn cách học vấn, thu nhập, tuổi tác, và cả tôn giáo – vốn ngăn cách các nhóm cử tri cho các ứng cử viên khác nhau. Và trong khi phần lớn các ứng viên Đảng Cộng Hòa có thể thu hút được sự ủng hộ từ chỉ một phân mảng trong tổng số cử tri của đảng, ví dụ như đám dân mộ đạo Thiên Chúa miền Nam hay đám dân ôn hòa miền duyên hải, Trump hiện đang nhận được sự ủng hộ từ cả vùng vịnh Florida cho tới các thị trấn nông thôn bang New York, và mới đây ông ta giành chiến thắng lớn tại các hội nghị đảng (caucuses) tại bang Nevada
Có lẽ lạ lùng nhất là không chỉ Trump mà cả những người ủng hộ ông cũng có vẻ là từ… dưới đất chui lên, bất ngờ thể hiện với một số đông những tư tưởng quá khích hơn bất cứ những gì đã từng trở nên phổ biến trong dân chúng gần đây. Tại bang South Carolina, một cuộc thăm dò khi rời phòng bỏ phiếu (exit poll) của đài CBS cho thấy 75% cử tri Đảng Cộng Hòa ủng hộ một lệnh cấm người Hồi giáo tại Mỹ. Một thăm dò khác của Tổ chức Thăm dò Chính Sách Công (PPP) cho thấy một phần ba số người ủng hộ Trump ủng hộ việc đuổi người đồng tính ra khỏi đất nước. 20% trong số ủng hộ Trump nói rằng tổng thống Lincoln lẽ ra không nên trả tự do cho nô lệ tại Mỹ.
Tháng 9 năm ngoái, một nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Amherst bang Massachusetts tên là Matthew MacWilliams nhận ra rằng các nghiên cứu trong luận án của anh có thể đã có câu trả lời cho không chỉ một, mà cả ba bí ẩn nói trên.
MacWilliams nghiên cứu khuynh hướng chuyên chế (authoritarianism) – không phải nghiên cứu bản thân các nhà độc tài, mà là nghiên cứu tâm lý của các cá nhân cử tri được xem là có một sự khao khát dành cho trật tự và một nỗi sợ hãi ‘người ngoài’ (outsiders). Những người dân được thẩm định là có khuynh hướng chuyên chế cao thì thường, khi cảm thấy bị đe dọa, mong ngóng các lãnh đạo mạnh mẽ với những lời hứa là sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ họ khỏi những ‘người ngoài’ và ngăn chặn những thay đổi mà họ sợ.
Thế nên, rất tự nhiên, MacWilliams tự hỏi không biết khuynh hướng chuyên chế có thể có mối quan hệ với sự ủng hộ dành cho Trump không.
Anh thăm dò làm mẫu một nhóm dân có khả năng lớn sẽ là cử tri, cố gắng tìm các mối tương quan giữa sự ủng hộ Trump và các quan điểm theo khuynh hướng chuyên chế. Khám phá của MacWilliams rất đáng kinh ngạc: Khuynh hướng chuyên chế không chỉ tương quan, nó còn có vẻ tiên đoán được sự ủng hộ dành cho Trump theo một cách đáng tin cậy hơn bất kỳ chỉ số nào khác. MacWilliams làm một thăm dò tương tự tại bang South Carolina, ít lâu trước khi có cuộc bầu cử sơ bộ tại đây, và tìm ra những kết quả tương tự. Những kết quả này đã được trang tin Vox đăng tải:
Tình cờ là MacWilliams không phải người duy nhất phát hiện ra điều này. Cách chỗ anh vài dặm, trong một văn phòng của Trường Đại học Vanderbilt, một giáo sư tên là Marc Hetherington cũng đang có những khoảnh khắc eureka của ông. Hetherington nhận ra rằng ông và một nhà khoa học chính trị khác, Jonathan Weiler của Đại học North Carolina, về cơ bản đã tiên đoán được sự trỗi dậy của Trump ngay từ năm 2009, khi họ tìm thấy một thứ có ý nghĩa quan trọng nhiều hơn những gì họ đã nghĩ.
Năm đó, Hetherington và Weiler xuất bản một cuốn sách nói về các ảnh hưởng của khuynh hướng chuyên chế trong chính trị Mỹ. Thông qua một loạt các thí nghiệm và phân tích dữ liệu kỹ càng, họ đưa ra một kết luận đáng ngạc nhiên: Phần lớn sự phân cực chia tách chính trị (polarization) tại Mỹ không phải chỉ đơn thuần là do các hoạt động mánh mung gian lận trong sắp xếp khu vực bầu cử (gerrymandering) hay do ảnh hưởng của tiền bạc lên chính trị hoặc do các yếu tố thường được nhắc tới khác, mà còn là do một nhóm cử tri không được chú ý nhưng đông đúc một cách bất ngờ – những người theo khuynh hướng chuyên chế (authoritarians).
Cuốn sách kết luận rằng Đảng Cộng Hòa, thông qua việc chọn quảng bá bản thân họ như là đảng của các giá trị truyền thống, luật lệ và trật tự, đã vô tình thu hút được một nhóm lớn dân chúng Mỹ có khuynh hướng chuyên chế, những người vốn trước đây có thể ủng hộ cả hai Đảng Cộng Hoà hoặc Dân Chủ.
Xu thế này ngày càng trở nên tốc độ trong những năm gần đây do các thay đổi nhân khẩu học và kinh tế (ví dụ như nhập cư) và nó “kích hoạt” một trào lưu theo khuynh hướng chuyên chế, dẫn đến việc có nhiều người Mỹ tìm đến các hình mẫu lãnh đạo mạnh mẽ (strongman leader). Những người dân này tin rằng các lãnh đạo như thế sẽ bảo vệ tình trạng hiện có mà họ cảm thấy đang bị đe dọa, và sẽ áp đặt trật tự trong một thế giới mà họ thấy càng ngày càng trở nên lạ lẫm.
Trump là hiện thân của mẫu lãnh đạo chuyên chế cổ điển: đơn giản, mạnh mẽ và sẵn sàng trừng phạt.
Hetherington và Weiler phát hiện ra rằng những cư dân Mỹ với các quan điểm chuyên chế như thế đang kéo nhau vào Đảng Cộng Hòa, gây ra sự phân cực trong chính trị Mỹ. Nhưng những người này đồng thời cũng gây chia cắt trong nội bộ Đảng Cộng Hòa, dù sự chia cắt này lúc đầu không rõ ràng. Đó là sự chia cắt giữa những cử tri Cộng Hòa truyền thống và nhóm người theo khuynh hướng chuyên chế vốn có những quan điểm vừa khác chính thống, vừa thường là quá khích hơn.
Khi đó, Hetherington và Weiler đã tiên đoán rằng việc kéo nhau vào Đảng Cộng Hòa của nhóm cư dân này sẽ ngày càng mạnh. Và kết quả không tránh khỏi đó là cuối cùng thì nhóm theo khuynh hướng chuyên chế sẽ giành đủ quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng Hòa để có tiếng nói của riêng họ.
Lúc đó là năm 2009, ngay Hetherington và Weiler cũng không nhận ra những ngụ ý mang tính bùng nổ từ nghiên cứu của họ: nếu lý thuyết của họ đúng từ đầu đến cuối, nó tiên đoán một biến chuyển kịch tính đang lù lù đến với nền chính trị Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ nhìn lại, các kết quả nghiên cứu của họ trở nên rõ ràng một cách đáng sợ.
Người theo khuynh hướng chuyên chế được cho là thường thể hiện những nỗi sợ hãi sâu sắc hơn các nhóm cử tri khác. Họ tìm kiếm việc áp đặt trật tự khi xã hội diễn ra những biến đổi mà họ cho là nguy hiểm, và họ cầu mong một người lãnh đạo mạnh mẽ, có thể tiêu diệt những nỗi sợ hãi của họ bằng sức mạnh. Thế nên nhóm người này sẽ tìm kiếm một ứng cử viên hứa hẹn những điều như thế. Bản chất cực đoan của những nỗi sợ hãi của họ, cộng với khao khát thách thức các mối đe dọa bằng sức mạnh, dẫn dắt nhóm người này đến một ứng cử viên có tính khí hoàn toàn khác thường lạ lẫm trong chính trị Mỹ, người có thể có những chính sách đi quá những chuẩn mực thông thường được chấp nhận.
Ngay cả Hetherington cũng cảm thấy sốc khi nhận ra rằng lý thuyết của ông và Weiler đã trở nên đúng như thế nào. Đầu mùa thu năm 2015, khi sự trỗi dậy của Trump làm bối rối phần lớn các nhà báo và khoa học chính trị tại Mỹ, Hetherington đã gọi điện cho Weiler. Ông nói đi nói lại không ngừng: “Anh tin nổi không? Anh tin nổi không?”.
Mùa đông vừa rồi, tôi liên lạc với Hetherington, MacWilliams và một số nhà khoa học chính trị khác cũng nghiên cứu khuynh hướng chuyên chế. Tôi muốn hiểu thêm về lý thuyết có vẻ là đã tiên đoán sự trỗi dậy của Trump một cách chính xác đến rợn người này. Và cũng như những nhà khoa học này, tôi muốn biết là sự trỗi dậy của chính trị chuyên chế có ý nghĩa thế nào đối với nền chính trị Mỹ. Phải chăng Trump chỉ là bắt đầu của một thứ gì đó lớn hơn?
Các nhà khoa học chính trị mà tôi liên lạc khi đó cũng chỉ đang bắt đầu lần mò câu hỏi này. Chúng tôi đồng ý là có một điều quan trọng gì đó đang diễn ra và chúng ta cũng chỉ mới đang bắt đầu hiểu nó là gì.
Donald Trump có thể chỉ là Trump đầu tiên trong rất nhiều Trump của chính trị Mỹ.
Ít lâu trước các cuộc hội nghị Đảng Cộng Hòa tại bang Iowa (Trump về nhì sau các cuộc bỏ phiếu ở đây), trang tin Vox đã phối hợp với Morning Consult là một công ty truyền thông và thăm dò ý kiến có trụ sở tại Washington để tìm hiểu các nhóm dân theo khuynh hướng chuyên chế – và thử nghiệm các giả thiết mà chúng tôi đã khởi thảo sau khi trao đổi với các nhà khoa học chính trị đầu ngành.
Chúng tôi phát hiện ra một hiện tượng giúp giải thích một cách đặc biệt rõ ràng sự trỗi dậy của Donald Trump. Bản thân hiện tượng đó lớn hơn cả Trump. Nó góp phần làm rõ một số câu chuyện chính trị lớn nhất trong một thập kỷ qua tại Mỹ. Hóa ra, Trump chỉ là một triệu chứng. Sự lớn mạnh của khuynh hướng chuyên chế Hoa Kỳ đang biến đổi Đảng Cộng Hòa và cơ chế chính trị quốc gia với những hậu quả sâu sắc có ảnh hưởng vượt ra ngoài tầm cuộc bầu cử đang diễn ra./.
Còn tiếp
Nguồn bài viết: Trump and authoritarianism