Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trâm Huyền (Dịch)
Kỳ trước: Sự trỗi dậy của khuynh hướng chuyên chế tại Mỹ – Kỳ 1
Tổng hợp các kỳ:
Donald Trump có thể chỉ là Trump đầu tiên trong rất nhiều Trump của chính trị Mỹ.
Ít lâu trước các cuộc hội nghị Đảng Cộng Hòa tại bang Iowa (Trump về nhì sau các cuộc bỏ phiếu ở đây), trang tin Vox đã phối hợp với Morning Consult là một công ty truyền thông và thăm dò ý kiến có trụ sở tại Washington để tìm hiểu các nhóm dân theo khuynh hướng chuyên chế – và thử nghiệm các giả thiết mà chúng tôi đã khởi thảo sau khi trao đổi với các nhà khoa học chính trị đầu ngành.
Chúng tôi phát hiện ra một hiện tượng giúp giải thích một cách đặc biệt rõ ràng sự trỗi dậy của Donald Trump. Bản thân hiện tượng đó lớn hơn cả Trump. Nó góp phần làm rõ một số câu chuyện chính trị lớn nhất trong một thập kỷ qua tại Mỹ. Hóa ra, Trump chỉ là một triệu chứng. Sự lớn mạnh của khuynh hướng chuyên chế Hoa Kỳ đang biến đổi Đảng Cộng Hòa và cơ chế chính trị quốc gia với những hậu quả sâu sắc có ảnh hưởng vượt ra ngoài tầm cuộc bầu cử đang diễn ra.
I. Khuynh hướng chuyên chế Hoa Kỳ là gì?
Trong nhiều năm qua, trước khi bất kỳ ai có thể nghĩ là Donald Trump có khả năng dẫn đầu cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ, một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu được trọng vọng đã lao tâm khổ tứ tìm cách trả lời một câu hỏi, nửa khoa học chính trị nửa tâm lý học, vốn đã ám ảnh các nhà khoa học chính trị từ thời chủ nghĩa Phát xít trỗi dậy.
Làm cách nào mà một số đông con người ta có thể rất nhanh chóng tiếp nhận các quan điểm chính trị quá khích vốn thường xuất hiện đồng thời với nỗi sợ hãi các nhóm thiểu số và một nỗi khát khao các hình mẫu lãnh đạo mạnh mẽ?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu tìm hiểu về khuynh hướng chuyên chế: không phải là về bản thân các nhà độc tài mà về tâm lý của những nhóm người vốn trong một hoàn cảnh với các điều kiện có lợi nhất định sẽ khao khát một số chính sách quá khích và tìm kiếm các lãnh đạo mạnh mẽ để thực thi các chính sách này.
Hiện tượng chính trị mà chúng ta gọi là chủ nghĩa dân túy cánh hữu (right-wing populism) có vẻ khớp một cách kinh ngạc với các nghiên cứu về nguyên nhân và bản chất của khuynh hướng chuyên chế.
Sau một giai đoạn ngụy-khoa-học vào giữa thế kỷ 20, một nhóm các học giả nghiêm túc hơn đã tìm cách trả lời câu hỏi này một cách riêng biệt trong môi trường chính trị Mỹ: các nhà nghiên cứu như Hetherington và Weiler, Stanly Feldman, Karen Stenner và Elizabeth Suhay, cùng nhiều người khác.
Mảng nghiên cứu này, được phát triển trong các năm đầu thập niên 90, đã hình thành một cách sắc nét một lý thuyết lớn về khuynh hướng chuyên chế. Kết tinh của lý thuyết này là cuốn sách kinh điển xuất bản năm 2005 của Stenner ‘Động Lực Chuyên Chế’ (The Authoritarian Dynamic). Lý thuyết mà quyển sách này đưa ra ngày càng trở thành hiện thực một cách nhanh chóng và mạnh mẽ khó tưởng tượng. Donald Trump và sự trỗi dậy chưa có tiền lệ của ông ta là hiện thân sự lớn mạnh của khuynh hướng chuyên chế.
Theo lý thuyết của Stenner, có một nhóm người nhất định mang các khuynh hướng chuyên chế một cách kín đáo. Các khuynh hướng này có thể được đánh thức hay “kích hoạt” bằng việc cảm thấy các mối đe dọa thể xác, hoặc bằng việc cảm thấy các biến đổi xã hội gây mất cân bằng. Khi các khuynh hướng này được đánh thức bên trong nhóm người này, họ sẽ khao khát các chính sách và các lãnh đạo mà thông thường chúng ta có thể gọi là chuyên chế.
Theo lời giáo sư đại học New York Jonathan Haidt, việc đó tương tự như thể có một cái nút khẩn cấp “phải nhấn ngay lập tức trong trường hợp có các mối đe dọa liên quan đến đạo đức để ngay lập tức đóng cửa biên giới, đuổi ra những ai được xem là khác biệt, và trừng trị những ai được xem là tệ hại về đạo đức.”
Những người theo chuyên chế là một nhóm cử tri tồn tại độc lập với Trump và sẽ tiếp tục tồn tại như một thế lực trong chính trị Mỹ.
Những người theo khuynh hướng chuyên chế coi trọng trật tự xã hội và thứ bậc xã hội, những yếu tố mang lại cảm giác kiểm soát trong một thế giới hỗn độn. Bất kỳ thách thức nào với trật tự – sự đa dạng, sự xuất hiện của những ‘người ngoài’ (outsiders), sự đổ bể của các trật tự cũ – được nhóm người theo khuynh hướng chuyên chế cảm nhận là những mối đe dọa với bản thân họ, bởi vì các thách thức này đe dọa làm tiêu biến tình trạng hiện có, vốn được những người này cho là an toàn.
Thời đại chúng ta đang sống hiện nay chính là một giai đoạn của các biến chuyển xã hội tại Mỹ. Đất nước đang ngày càng có nhiều chủng tộc. Điều này có nghĩa là nhiều người Mỹ da trắng đang phải đối mặt với vấn đề chủng tộc theo cách mà họ chưa bao giờ phải đối mặt. Các biến đổi xã hội đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chỉ trong những năm gần đây thì chúng mới ngày càng trở nên rõ ràng và khó có thể phớt lờ. Những biến đổi xã hội này diễn ra đồng thời với các xu hướng kinh tế làm bóp nghẹt các nhóm dân lao động người da trắng.
Khi họ phải đối mặt với các mối đe dọa thể xác hoặc đe dọa hiện trạng của họ, những người theo khuynh hướng chuyên chế sẽ ủng hộ các chính sách có vẻ là sẽ bảo vệ họ khỏi các nỗi sợ hãi đó. Họ thích những hành động mạnh bạo, quyết đoán chống lại những gì họ cho là những mối đe dọa. Và họ bu theo những lãnh đạo chính trị mà họ tin là sẽ có những hành động như vậy.
Nếu bạn đã đọc hết tất cả các nghiên cứu về những người theo khuynh hướng chuyên chế, rồi sau đó tìm cách thiết kế một hình mẫu ứng cứ viên dựa trên các chuẩn mực mà các nhà nghiên cứu tiên đoán là sẽ hấp dẫn những cử tri theo khuynh hướng chuyên chế, hình mẫu của bạn sẽ trông rất giống Donald Trump.
Nhưng các nhà khoa học chính trị nói rằng lý thuyết này giải thích một thứ còn lớn hơn hiện tượng Donald Trump. Trump chỉ là một phần nằm trong các xu hướng lớn của chính trị Mỹ: phân cực hóa, chuyển động hữu khuynh của Đảng Cộng Hòa, và sự lớn mạnh của một nhóm bất đồng chính kiến bên trong đảng này. Nhóm này sẵn sàng thách thức các mặt chính thống của Đảng Cộng Hòa và thay đổi hoàn toàn chính trị Mỹ.
Hơn thế nữa, các nghiên cứu về khuynh hướng chuyên chế giúp tìm ra các mối liên kết giữa những câu chuyện tưởng chừng là riêng biệt bên trong chính trị Mỹ. Lý thuyết về khuynh hướng chuyên chế đưa ra giả thuyết là sự phối hợp của một nhóm các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế và chính trị đã đánh thức một nhóm cử tri theo khuynh hướng chuyên chế. Nhóm này đang tập hợp xung quanh Trump và về bản chất là đã tạo ra một đảng chính trị mới nằm bên trong Đảng Cộng Hòa. Hiện tượng này trở nên rõ ràng với công chúng trong cuộc bầu cử năm nay và nó sẽ còn kéo dài ngay cả sau cuộc bầu cử này.
Còn tiếp
Nguồn bài viết: Amanda Taub, The rise of American authoritarianism, ngày 01 tháng 3 năm 2016, Vox