Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Người Mỹ nhớ đến Abraham Lincoln không chỉ vì những đóng góp của ông trong vai trò chính khách lãnh đạo quốc gia. Tính cách cá nhân đặc biệt đàng hoàng và dễ mến, cũng như câu chuyện cuộc đời đầy những giai thoại của ông luôn là những nguồn bài học dạy làm người và nguồn cảm hứng bất tận cho người dân Mỹ qua bao thế hệ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân miền Viễn Tây hoang dã, suốt thời niên thiếu và những năm trưởng thành đầu tiên của mình, bên cạnh việc làm nông nhọc nhằn, Lincoln say mê tự học, viết lách và đọc sách.
Sau khi đã làm thêm nhiều nghề từ lái tàu, đi lính, đi buôn, cho đến làm quản lý bưu điện, Lincoln quyết định trở thành luật sư. Ông lại tự học bằng việc đọc sách và gia nhập luật sư đoàn năm ông 27 tuổi. Hành nghề tại miền viễn tây hoang dã, Lincoln được tặng cho biệt danh luật sư đồng quê (Prairie Lawyer).
Trong cuốn sách “Quý Ngài Lincoln – Sự nghiệp luật sư của vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ” (Abraham Lincoln, Esq.: The legal career of America’s greatest president) do Roger Billings và Frank Williams chủ biên, một nhóm các học giả và nhà sử học Mỹ đã bàn luận rất sôi nổi về sự nghiệp luật sư dài 25 năm của Lincoln trước khi ông trở thành Tổng thống Hoa Kỳ năm 1861.
Trong phần được trích dẫn hôm nay, tác giả Brian Dirck cho rằng sự nghiệp luật sư của Lincoln tuy không hoành tráng nhưng đã ảnh hưởng rất lớn lên sự nghiệp chính trị của vị tổng thống đáng kính này.
Trích đoạn “Quý Ngài Lincoln – Sự nghiệp luật sư của vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ”
(Xuất bản 2010 – Nhà xuất bản Đại Học Kentucky)
“… Thực tế cho thấy điều ấn tượng nhất về việc hành nghề luật của Lincoln đó là nó không hề phản ánh những ấn tượng mà người ta có về Lincoln trong suốt nhiều năm qua. Thực tế nghề luật của Lincoln không hề ủng hộ những lời tổng kết đầy hào nhoáng về sự nghiệp của ông. Có ít nhất ba thứ cần chú ý đặc biệt ở đây.
Đầu tiên, có ý cho rằng Lincoln là một dạng luật sư kiểu John Marshall vùng sâu vùng xa (John Marshall là luật sư nổi tiếng, vị Chánh án thứ tư của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ – ND). Đó là một dạng luật sư đặc biệt, người mà ai cũng biết là sẽ làm nên những điều vĩ đại. Thực tế là nhìn toàn bộ thì việc hành nghề luật của Lincoln không có gì đặc sắc.
Ông chủ yếu hành nghề trong phạm vi khu vực tài phán số Tám của bang Illinois. Ông ít khi đi đâu cao hơn Tòa Tối cao của bang này và không giúp tạo ra bất kỳ án lệ nổi bật nào. Như chúng ta đã thấy, Lincoln chủ yếu làm việc kiện tụng đòi nợ, mà công việc này thì có đặc biệt gì cho cam. Nhiều luật sư khác tại Mỹ cùng thời kỳ với ông kiếm sống bằng cùng công việc này.
Thứ hai, nhiều người ngưỡng mộ Lincoln đã cố gắng biến ông thành một dạng người hùng pháp lý, người tham gia những vụ việc chạm đến những vấn đề đạo đức lớn nhất của thời đại. Bạn có thể thấy điều này trong những tiểu sử về Lincoln được viết sớm nhất, và nó vẫn có âm hưởng trong cộng đồng độc giả ngày nay: đó là ý niệm cho rằng Lincoln chọn lọc thân chủ của ông ta dựa trên giá trị đạo đức của họ, tránh việc bào chữa cho những kẻ rõ ràng có tội và tránh những vụ kiện kém đạo đức…
…Không hề có dấu hiệu là việc hành nghề luật của Lincoln thể hiện như thế. Ông đã đại diện cho cả bên nguyên và bên bị, có tội và vô tội, giàu và nghèo. Ông đã tham gia đại diện cho gần như tất cả các bên có thể có trong nhiều vụ ly dị, tranh chấp hợp đồng, tranh chấp bất động sản.v.v.
Tôi cho rằng có thể có việc Lincoln tránh làm cho những người mà ông cho là không đứng đắn theo một cách nào đó, nhưng nếu ông ấy đã làm thế thì làm sao chúng ta biết? Chúng ta không có tài liệu về những vụ việc Lincoln không nhận và khi không có dữ liệu này chúng ta chỉ có thể xem xét những vụ ông đã nhận. Và nhìn vào những vụ này thì có vẻ là Lincoln nhận bào chữa đủ loại thân chủ với mọi hoàn cảnh xuất thân…
…Thứ ba, cũng đã có những đồn đoán về danh tiếng của Lincoln như là một luật sư non tay nghề chỉ biết sống sót dựa trên tính cứng đầu quê kệch hay sức hút bình dân của mình. Những ý kiến này cho là Lincoln không quan tâm đến các yếu tố kỹ thuật pháp lý, rằng là ông không biết hoặc không quan tâm đến cấu trúc đặc biệt của nền thông luật, và ông hiếm khi thấy cần phải mở một cuốn sách luật.
Những ý kiến này cho là Lincoln chỉ dùng những khả năng thiên bẩm, lương tri cơ bản và sức mạnh logic của ông để thắng kiện mà không đoái hoài gì đến những chi tiết nhỏ về việc soạn thảo câu hỏi chất vấn, đơn từ, và những thứ linh tinh khác vốn thường làm bận rộn những kẻ ít tiếng tăm hơn của luật sư đoàn bang Illinois.
Có ý kiến còn nói Lincoln chả cần kiện để đòi tiền công của ông, chắc là vì ông là một gã tốt bụng và việc vất vả đòi tiền như một người luật sư bình thường vì lý do nào đấy không xứng tầm của ông.
Tất cả những ý kiến trên là vớ vẩn. Như chúng ta đã thấy trong vụ kiện liên quan đến nhà máy rượu đã nói ở trên, chắc chắn là Lincoln đã thắng trong vụ việc này nhờ vào kiến thức luật pháp và con mắt tinh tường dành cho các chi tiết kỹ thuật pháp lý của ông.
Thực tế hành nghề của Lincoln còn có rất nhiều ví dụ khác, một đơn yêu cầu tịch biên tài sản cho thấy ông có khả năng soạn thảo văn bản vững vàng, hay một trường hợp cho thấy ông có khả năng hiểu ra khác biệt quan trọng giữa một đơn kiện tội xâm phạm dùng vũ lực và một đơn kiện tội xâm phạm không dùng vũ lực (“a writ of trespass and a writ of trespass on the case”).
Lincoln có phải đã là một luật sư tranh tụng tốt có khả năng diễn thuyết giỏi và có thể mê hoặc bồi thẩm đoàn với những câu chuyện dân gian của mình? Chắc rồi. Nhưng những kỹ năng này đã luôn đi kèm với một trình độ kỹ thuật pháp lý mà Lincoln phải có để có thể làm một luật sư có năng lực. Bản thân Lincoln không phân biệt giữa những kỹ năng này: mọi kỹ năng đều là cần thiết với ông để có thể làm tốt công việc luật sư. Cho dù thỉnh thoảng ông vẫn phải kiện khách hàng để đòi trả tiền công: chính xác là mười chín lần ông phải làm thế.
Tôi cho là sự nghiệp luật sư của Lincoln đã dạy cho ông giá trị của thứ mà tôi gọi là ‘chất dầu trơn’.
Lincoln làm việc liên tục giữa những khe hở của nền kinh tế và cấu trúc xã hội. Ông len lỏi giữa những chiếc bánh xe của cộng đồng và lặng lẽ đảm bảo chúng được vận hành dễ dàng. Hãy nghĩ theo cách này: trong vai trò luật sư, Lincoln đã luôn là người đứng giữa.
Ông đứng giữa chủ nợ và con nợ, giữa bên chồng và bên vợ đang tranh cãi, giữa cha mẹ và con cái (Tôi đang nghĩ đến các vụ đòi quyền giám hộ: Lincoln và Herndon đã cãi ba mươi hai vụ như thế), giữa các đối tác kinh doanh và hàng xóm láng giềng.
Và những bên mà Lincoln đứng giữa đã gần như lúc nào cũng trong trạng thái thay đổi hay mâu thuẫn liên tục. Chủ nợ đòi nợ con nợ, vợ chồng ly dị, các đối tác kinh doanh kiện nhau tranh tài sản công ty, các thành viên gia đình đấu đá tranh giành thừa kế. Cứ đọc các tài liệu tòa án của thời Lincoln và bạn có thể nhanh chóng nhận ra những vụ việc này tệ hại và tàn bạo như thế nào.
Ngày lại ngày, Lincoln phải nhìn chăm chăm vào những giận dữ và những va chạm tạo ra do khiếm khuyết của những con người đang đấu đá lẫn nhau đó. Có thể nói là ông đã phải chứng kiến hơn năm nghìn cuộc nội chiến nhỏ trước khi ông có cuộc nội chiến lớn năm 1861.
Với những con người đang đấu đá kia, Lincoln đã đóng vai trò là một ‘chất dầu trơn’: ông tạo điều kiện cho các mối quan hệ kinh doanh, gia đình, bạn bè và những mối quan hệ khác tiếp tục tồn tại mà không ‘quá nhiệt’, bị ‘đứng máy’ hay bị ‘kẹt máy’…
…Nếu không có Lincoln và những người luật sư như ông để giúp đảm bảo sự yên tâm – đảm bảo ‘chất dầu trơn’ – thì những chiếc bánh xe của nền kinh tế miền Viễn Tây của Illinois gần như chắc chắn đã bị chậm lại khủng khiếp: guồng máy của sự tiến bộ có thể đã bị kẹt cứng bởi vì bang Illinois thời Lincoln không có nhiều tiền để đầu tư cho các vụ làm ăn lớn. Thật sự là bản thân những phiếu hứa trả tiền và phiếu nhận nợ xuất hiện phần lớn trong công việc hành nghề của Lincoln chính là những tờ tiền mặt đúng nghĩa nhất.
Một số những tờ phiếu này đã được trao tay đổi chủ đến bốn, năm lần trước khi chúng nằm lên bàn làm việc của Lincoln và biến thành bằng chứng đầu tiên trong một hồ sơ đòi nợ. Tôi cá cược rằng Lincoln có thể chán ngán đến phát bệnh những tờ phiếu này và ông có thể đã cảm thấy rằng ông phải giành quá nhiều thời gian cho việc gỡ rối những mối quan hệ nợ nần chồng chéo mà chúng thể hiện. Nhưng nếu Lincoln đã không có ở đó để làm công việc này, chả ai biết nền kinh tế bang Illinois đã đi về đâu.
Quan sát tương tự có thể được đưa ra liên quan đến những mối quan hệ xã hội. Bằng việc tham gia giải quyết các vụ kiện phỉ báng, tranh chấp láng giềng đủ thể loại và kích cỡ, cũng như tham gia một số ít những vụ hình sự mà ông có, Lincoln đã góp phần đảm bảo bộ máy xã hội vận hành trơn tru mà không nổ tung vì những cơn thịnh nộ và bạo lực bột phát.
Ai cũng biết là miền Viễn Tây của Mỹ thời trước nội chiến bạo lực như thế nào; nhưng nó còn đã có thể bạo lực đến mức nào nữa nếu không có các hình thức pháp lý giúp giải quyết vô số các mâu thuẫn và va chạm vốn là những hệ quả tự nhiên của sự chung đụng giữa những con người khác nhau tại một nơi chốn bất ổn?
Có lẽ là công việc kiếm ăn như thế không hề thoải mái, nhưng rất đáng khen cho Lincoln là không hề có một ghi chép nào cho thấy ông từng phàn nàn về việc phải làm “chất bôi trơn” trong cuộc đời. Nhưng cho dù có thoải mái hay không, công việc đó là một sự giáo dục tuyệt vời về những cách mà con người tương tác với nhau. Và chắc chắn là sự giáo dục này đã ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác trong cuộc đời Lincoln.
Những ai quen Lincoln thường để ý là ông rất dễ mến trong các mối quan hệ cá nhân và đặc biệt trong các mối quan hệ chính trị.
Lincoln dường như có một trực giác cực nhạy trong việc tìm ra cách để làm các phe phái và các chính trị gia đang đấu đá nhau phải làm việc cùng nhau và làm việc với ông. Đây là một phẩm chất lãnh đạo vô giá trong một cuộc nội chiến có đầy những George McCellans, Benjamin “Beast” Butlers, Charles Sumners và những người khác giống thế.
Bạn bè của Lincoln (và sau này là các sử gia) thường giải thích là Lincoln làm được như thế nhờ tính cách cá nhân ông, nhờ vào thứ đã được gọi là bản chất cơ bản là thụ động của cá nhân con người Lincoln. Có thể là thế.
Nhưng liệu chúng ta có thể đặt ra giả thiết là trong sự nghiệp hành nghề luật sư của mình khi ông phải làm ‘chất dầu trơn’ giữa những chiếc bánh xe cọt kẹt của xã hội, Lincoln đã học được giá trị của việc thương lượng, của sự thích nghi và của sự thỏa hiệp? Và có thể là ông đã học được giá trị của những thiết chế tạo điều kiện cho những việc này?
Và đó là lời tổng kết hào nhoáng của tôi về Lincoln, vị luật sư đồng quê. Ông đã đóng vai trò một ‘chất dầu trơn’ pháp lý, kinh tế và xã hội. Nghe rõ là không lãng mạn lắm và cũng chả lý thú mấy nhưng vai trò này hoàn toàn là cần thiết cho sự phát triển không chỉ của Lincoln mà còn của thời đại của ông…”
Bạn đọc có thể tham khảo sách gốc và một số bài viết khác về Abraham Lincoln sau đây:
Lời giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC: Luật Khoa tạp chí xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Café Luật Khoa. Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Café Luật Khoa sẽ tuyển chọn và đăng một đoạn trích từ một quyển sách, một bài diễn thuyết hoặc một tài liệu thú vị, giàu cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về các đề tài luật pháp và chính trị từ các tác giả cả trong và ngoài nước, hiện đại lẫn kinh điển. Hy vọng chuyên mục này có thể giới thiệu được đến với bạn đọc những tác phẩm luật và chính trị sâu sắc, nhiều ý nghĩa, để có thể làm giàu thêm cho tủ sách và vốn đọc của các bạn. |