Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Người viết rất thích hình biếm họa facebook sau đây của hoạ sỹ biếm Tigre:
Hình này đã được chia sẻ rộng rãi trong các cộng đồng mạng Việt Nam từ hơn một năm qua, thường là để phản ứng lại việc nhiều (khá là nhiều) người dùng facebook thích việc phán xét đúng sai phải trái trong một số vụ việc thời sự nổi trội.
Tinh thần chung của những người thích sử dụng biếm hoạ này là: người dùng facebook chỉ biết nghe hơi nồi chõ, đọc xiên đọc xọ, nghe vẩn nghe vơ thì biết gì mà bày đặt làm thẩm phán phán xét này nọ. Sự tiện dụng của facebook đã tạo một nền tảng, một platform cho quá nhiều những con người có một ít thông tin và tri thức thể hiện bản thân và ra vẻ ta đây một cách không cần thiết và trơ trẽn bằng những phán xét kém khôn ngoan của họ.
Người viết cũng đã từng nghĩ như thế. Nhưng khi chứng kiến các tranh cãi liên miên trên mạng facebook Việt Nam những ngày vừa qua liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh và cuộc tuần hành ngày 08 tháng 05 vừa rồi tại nhiều thành phố, người viết chợt nghĩ rằng:
Không thể xem thường và dè bỉu những người dùng facebook quan tâm đến thời sự và sẵn sàng đưa ra những tranh luận, phán xét của riêng họ, dựa trên những dữ kiện họ tự thu nhập được.
Sự què quặt trong im lặng của phần lớn giới truyền thông chính thống trong nước về các vấn đề thời sự nóng hổi đang gây tranh cãi đã khiến cho rất nhiều người Việt Nam phải tìm đến facebook.
Facebook đã trở thành một diễn đàn biểu đạt chính kiến thật sự của phần đông người dùng internet Việt Nam, cho phép họ tiếp cận những luồng thông tin và ý kiến trái chiều, nhiều khi hỗn loạn và dễ gây nhức óc, nhưng thật sự là cần thiết cho nhu cầu thông tin và nhu cầu hình thảnh cảm quan, thế giới quan của riêng họ.
Vậy thì, người viết dạm nghĩ, thay vì dẻ bỉu họ, sao không tìm cách giúp cho những người dùng facebook biết cách suy nghĩ sao cho giống những thẩm phán thực thụ hơn?
Vâng, bạn có thể trở thành một thẩm phán facebook!
Nếu biết suy nghĩ như những thẩm phán thực thụ, hy vọng người dùng facebook Việt Nam sẽ cảm thấy đỡ rối rắm hơn khi đối mặt liên tục với những thông tin đa dạng và trái chiều, đồng thời mong rằng những người dùng facebook có thể hình thành được những cách suy xét và đưa ra quyết định bài bản, có chất lượng hơn, thay vì lần mò và làm theo bản năng.
Vậy thì, suy nghĩ như một thẩm phán là suy nghĩ như thế nào? Đó chính xác là suy nghĩ như một người luật sư, có điều là một người luật sư không đại diện cho bất kỳ một phe phái nào có lợi ích liên quan đến vấn đề đang bị tranh cãi.
Một người luật sư như thế thường suy nghĩ như thế nào khi đối diện vấn đề?
Trong khuôn khổ hạn hẹp của loạt bài viết này, người viết xin được trình bày một số điều hạn hữu và cơ bản mà người dùng facebook Việt Nam có thể áp dụng để cố gắng suy nghĩ giống một luật sư bất vị lợi nhất có thể:
1. Phải lắng nghe trình bày của cả hai bên của vụ việc để ghi nhận và ra quyết định dựa trên những gì các bên có thể đưa ra, chứ không phải để ủng hộ cho một bên bất kỳ.
Đây là điều hiển nhiên nhất, bạn không thể là thẩm phán nếu bạn ngay từ đầu đã là người của một bên trong cuộc tranh luận và chỉ chăm chăm bảo vệ cho quan điểm của bên bạn.
Muốn làm thẩm phán facebook, người có thể đưa ra phán xét cuối cùng một cách công tâm và thuyết phục nhất, bạn phải từ bỏ vị thế và tạm gác sang một bên những niềm tin ban đầu của bạn.
Đôi khi, bạn cần cả hai mặt của một câu chuyện
Bạn tin vào chính quyền, tin rằng nhà nước luôn hết mình do dân và vì dân? Bạn phải gạt niềm tin đó sang một bên và tạm thời chấp nhận giả định: nếu có một lập luận logic với bằng chứng thuyết phục có thể chứng minh được chính quyền không đáng tin, không hết mình do dân và vì dân trong một trường hợp cụ thể nào đó, thì bạn sẵn sàng chấp nhận lập luận đó.
Bạn khinh miệt chính quyền và tin tưởng vào những người vận động dân chủ, những người bất đồng chính kiến? Bạn phải gạt sự khinh miệt và niềm tin đó qua một bên và tạm thời chấp nhận giả định: nếu có một lập luận logic với bằng chứng thuyết phục có thể chứng minh được chính quyền không sai và những người bất đồng chính kiến đang hành xử không hợp lẽ phải trong một trường hợp cụ thể nào đó, thì bạn sẵn sàng chấp nhận lập luận đó.
Dĩ nhiên, nếu bạn không thể hoàn toàn tạm gác sang bên định kiến của bản thân, bạn vẫn phải cố gắng chịu khó lắng nghe tranh luận của bên có ý kiến xung khắc với những niềm tin của bạn.
Tự nhắc bản thân: bạn không ở đây để cãi giùm bên nào cả, bạn ở đây để lắng nghe và đưa ra quyết định cuối cùng tuỳ vào việc bên nào có lập luận hợp lý và nhiều chứng cứ thuyết phục nhất.
2. Phải đòi thấy bằng chứng cho mọi cáo buộc dựa trên các nguyên tắc sức nặng bằng chứng (burden of proof) và suy đoán vô tội (presumption of innocence):
Một nguyên tắc tố tụng cơ bản được nhiều nước trên thế giới ủng hộ đó là nguyên tắc sức nặng bằng chứng (burden of proof).
Nguyên tắc này nhìn chung rất đơn giản và công bằng: bên nào đưa ra bất kỳ cáo buộc gì thì bên đưa cáo buộc đó phải tự đưa ra chứng cứ cho cáo buộc đó.
Ở Việt Nam chúng ta tóm gọn đơn giản: Nói có sách, mách có chứng.
Nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence) luôn đi song hành với và là lý do phía sau sự tồn tại của nguyên tắc sức nặng bằng chứng. Nguyên tắc này quy định: chừng nào tội lỗi chưa được chứng minh thoả đáng dựa trên một mức tiêu chuẩn xác định trước nào đấy, thì bên bị buộc tội vẫn phải được xem là vô tội.
Hai nguyên tắc này nên được áp dụng vì những lẽ công bằng và thực tiễn: một bên không thể tự bào chữa khi bên đó chưa biết họ đang bị cáo buộc những gì. Trong lúc bên tố cáo đưa ra cáo buộc, bên bị tố cáo phải được quyền tự bào chữa. Trong quá trình tự bào chữa đó, sẽ không công bằng cho bên bị tố cáo nếu họ bị xem đương nhiên là có tội khi tội đó của họ chưa được chứng minh bằng những bằng chứng thuyết phục.
Ví dụ, bên nào cương quyết khẳng định rằng Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm chính của việc cá chết hàng loạt trên biển miền Trung thì bên đó phải đưa ra bằng chứng rõ ràng, ví dụ, kiểm nghiệm các chất độc hại trong chất thải của Formosa đổ ra biển trực tiếp làm cá chết (dấu vết chất độc được tìm thấy trong xác cá và khám nghiệm sinh học xác nhận cá chết vì chất độc đó).
Bạn không thể dễ dàng chấp nhận việc một bên to tiếng hô hào Formosa Hà Tĩnh gây chết cá xong rồi xừng xỉa: Nếu Formosa Hà Tĩnh không gây chết cá thì Formosa Hà Tĩnh chứng minh đi!
Luận điệu và thái độ tranh luận đó không phù hợp với hai nguyên tắc sức nặng bằng chứng và suy đoán vô tội, và thực tế là nó chả đưa vụ việc đi đến đâu cả.
Với những bằng chứng đã được phát hiện, rất khó cho Formosa để có thể tự chứng minh là họ không làm ô nhiễm nước biển.
Nhưng mối dây liên kết giữa các chất thải của Formosa xuống biển và cái chết hàng loạt của cá biển miền Trung chưa được chứng minh rõ ràng.
Cần lưu ý trong trường hợp này Formosa không có nghĩa vụ đi chứng minh rằng cá chết vì những lý do khác, không phải vì xả thải của họ. Trên thực tế, họ không có lý do hay lợi ích gì để tốn tiền đi nghiên cứu một vấn đề mà kết quả cho ra có thể hoàn toàn bất lợi cho họ hoặc không được bất kỳ ai tin tưởng.
Nếu Formosa đã biết rằng chất thải của họ thật sự gây chết cá, họ càng có lý do để im lặng và lảng tránh.
Ngay cả khi Formosa im lặng, sự im lặng đó cũng không thể được xem một cách hợp lý và công bằng là một lời thú tội xác đáng.
Cứ như thế đứng chôn chân như Từ Hải dương cao lời thách thức ‘Formosa hãy chứng minh các anh vô tội!’ thì bên cáo buộc chẳng đi đến đâu được cả. Họ không thuyết phục ai mà cũng chả ai thuyết phục được họ.
Là một thẩm phán, bạn phải đưa ra quyết định. Bạn có thể đưa ra quyết định một cách sáng suốt và công tâm nhất không dựa trên một bên tố cáo không chịu tự đưa ra chứng cứ cho cáo buộc của họ, và một bên bị tố cáo quyết tâm im lặng hay luôn tìm cách lảng tránh?
Đã đến lúc dùng quyền năng thẩm phán của bạn và dõng dạc yêu cầu: Đề nghị bên cáo buộc Formosa Hà Tĩnh xả thải ô nhiễm làm chết cá đưa ra bằng chứng!
(Thực ra ngoài đời chả ai nghe lệnh bạn đâu. Thôi chịu khó tự đi tìm bằng chứng đi.)
Sự khác biệt giữa logic thông thường và logic… không thông thường
Tương tự, khi một bên cương quyết cáo buộc rằng những người tham gia biểu tình ngày 08 tháng 05 vừa rồi đã nhận tiền của các tổ chức phản động để phá hoại an ninh tổ quốc, bạn không thể ngồi thản nhiên cười hề hề một cách tán đồng hay hùng hục chửi mắng những ai đang hào hứng đưa ra cáo buộc đó mà không kèm theo bất kỳ một chứng cứ nào. Bạn là thẩm phán!
Cũng như ví dụ trên, không thể ngồi chờ Tết Congo sung rụng bằng việc bắt bên những người biểu tình phải tự đưa ra bằng chứng là họ không nhận tiền nước ngoài để đi biểu tình. Bằng chứng của bên tố cáo đâu?
Ồ thưa quý thẩm phán, không biết quý thẩm phán đã được nghe những đoạn băng thu âm từ những người đi biểu tình cho thấy họ khoe khoang việc nhận tiền nước ngoài để nhân dịp biểu tình đi quậy phá an ninh xã hội chưa?
Quý thẩm phán đã được thấy bằng chứng giấy tờ tài khoản ngân hàng cho thấy tiền được chuyển cho những người đi biểu tình?
Quý thẩm phán đã được nhìn thấy những báo cáo rành mạch, tròn vành rõ chữ của các sỹ quan an ninh mẫn cán, những người đã dành nhiều tháng trời điều tra và thu thập chứng cứ cho thấy một cách không thể chối cãi là những người tham gia biểu tình ngày 08 tháng 05 đã nhận tiền để đi biểu tình?
Nếu quý thẩm phán trả lời có, vâng, xin mời quý thẩm phán tiếp tục phán xét.
Còn nếu chưa, vâng, quý thẩm phán chắc biết thừa câu hỏi một triệu đô cho bên đưa ra cáo buộc: Ủa rốt cuộc bằng chứng của bên tố cáo bao gồm những gì?
Bên tố cáo bèn nói “Thưa quý tòa,, tôi nghe một anh ad của một fan page mấy trăm nghìn fan trên mạng nói là người biểu tình nhận tiền để đi kích động phá hoại an ninh Post anh ta được hơn 1 triệu like! Thế nên những gì anh ta nói phải là sự thật!”
Úi chà! Thưa quý thẩm phán, bây giờ công việc của quý bà/quý ngài mới chỉ bắt đầu!
Còn tiếp