Nguyễn Hoàng Linh
Nhiều cuộc biểu tình, tuần hành thường bị cấm với lý do sẽ ảnh hưởng đến quyền của một số cá nhân hoặc tập thể nào đó, tuy nhiên, một phán quyết của Tòa án Hungary cho thấy cần phải nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khác. Giả định rằng biểu tình sẽ có “nguy cơ ảnh hưởng” tới quyền của những người khác không đủ và cũng không phải là lý do chính đáng cho việc cấm tổ chức biểu tình – đó là nội dung một phán quyết được Tòa Hành chính và Lao động Thủ đô Budapest đưa ra cách đây tròn một năm.
Cấm biểu tình vì tương lai “có thể”?
Câu chuyện diễn ra khi một nhóm người định biểu tình tại quảng trường Széchenyi (trung tâm thủ đô Budapest), nơi giới chủ ngân hàng và các nhân vật “có máu mặt” trong giới tài chính tổ chức hội nghị tại một khách sạn gần đó. Các “biểu tình viên” là những người bị khuynh gia bại sản trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do trước đó đã vay tín dụng bằng ngoại tệ, và họ cho rằng trong quan hệ giao dịch, các ngân hàng đã tìm cách lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ để trục lợi bất hợp pháp.
Cuộc biểu tình dự định sẽ diễn ra với nội dung đó, nhưng khi thông báo lên cơ quan chức năng là Sở Cảnh sát Budapest (BRFK) thì đã bị bác bỏ vì hai lý do: biểu tình khiến phải chặn cả khu vực khiến giao thông đình trệ, và sẽ ảnh hưởng tới khách khứa tại khách sạn, cũng như người lai vãng tới đó.
Bạo lực và mất trật tự luôn là biện minh thường xuyên của những người phản đối quyền biểu tình. Ảnh: Telegraph
Phản đối quyết định cấm đoán này, nhóm chủ trương biểu tình đã khiếu nại lên tòa, và đại diện pháp luật của họ là một tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền nổi tiếng và có uy tín tại Hungary mang tên Hiệp hội vì Các quyền tự do (TASZ).
Lời giải thích trật tự giao thông chưa đầy đủ và thỏa đáng
Trong phán quyết đưa ra, Tòa án Budapest đã xử thắng cho nhóm biểu tình, buộc cảnh sát phải hủy quyết định cấm biểu tình. Trong lý giải, Tòa nhấn mạnh, Luật Biểu tình của Hungary đã liệt kê rõ những nguyên nhân khiến cảnh sát có thể cấm, hoặc giải tán một cuộc biểu tình. Đây là hai điều khác hẳn nhau và cần phân biệt. Tòa khẳng định: quyền tụ tập chỉ có thể bị hạn chế khi cuộc biểu tình thực sự đã xâm phạm quyền lợi của người khác (và khi đó cảnh sát có quyền giải tán), chứ không thể cấm nó ngay từ đầu với “nguy cơ” trừu tượng là nếu biểu tình thì sẽ “ảnh hưởng”.
Trong trường hợp cụ thể nói trên, Tòa còn cho rằng cảnh sát đã không chứng tỏ được một cách rõ ràng, với lý luận và với những bằng cứ không thể chối cãi, rằng nếu biểu tình thì phải chặn cả khu vực đó, khiến giao thông tắc nghẽn. Cho dù gây rối loạn giao thông ở nơi dự định biểu tình là một trong những lý do có thể không cho phép biểu tình, nhưng Tòa nhắc nhở rằng, Luật Biểu tình luôn nhấn mạnh yếu tố cân bằng giữa quyền biểu tình hiến định và “tác hại” do nó gây ra là sự đình trệ giao thông.
Các cuôc biểu tình ôn hòa trong lịch sử luôn là cơ sở để dẫn đến những thay đổi cốt lõi của xã hội. Ảnh: Martin Luther King Jr cùng các lãnh đạo của phong trào đòi quyền dân sự cho người da màu trong một cuộc biểu tình tại Washington. Ảnh: Robert W. Kelley/The LIFE Picture Collection/Getty Images.
Theo Tòa, Luật Biểu tình Hungary đã nói rõ rằng chỉ có thể cấm biểu tình nếu giao thông tại hiện trường hoàn toàn không thể đảm bảo và bố trí được theo cách khác, lộ trình khác, và đây là điều cơ quan cảnh sát chưa chứng tỏ được trong trường hợp kể trên. Trong thông cáo sau khi thắng kiện, Hiệp hội vì Các quyền tự do cho rằng đây là một phán quyết rất quan trọng và có thể ảnh hưởng tới những vụ việc khác. Chẳng hạn, biểu tình trước ngôi nhà Thủ tướng Hung cũng thường xuyên bị cấm với cớ “xâm phạm quyền của các hàng xóm”.